Bàn về nguyên tắc “Thỏa thuận nhận tội” (Plea bargains)
trong pháp luật Hoa Kỳ

Nguyễn Thị Thùy Dung, Giảng viên Khoa Kiểm sát hình sự
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

 Tóm tắt: “Thỏa thuận nhận tội” là một thuật ngữ được sử dụng ở Hoa Kỳ để mô tả việc thừa nhận tội lỗi để đổi lấy, hoặc với hy vọng có một bản án nhẹ hơn hoặc biện pháp xử lý thay thế. Nó là một hình thức giải quyết theo đồng thuận. Ở Hoa Kỳ, hơn 90% các vụ án hình sự được giải quyết bằng các thỏa thuận nhận tội[1] và tỷ lệ này vẫn giữ vững cho tới ngày nay.

1. Khái niệm của nguyên tắc “Thỏa thuận nhận tội”

“Thỏa thuận nhận tội” (Plea bargains), còn được biết đến với các cách hiểu khác nhau như: “Mặc cả thú tội”, “Thương lượng nhận tội” hay “Đàm phán thú tội” là một trong những nguyên tắc tố tụng hình sự nổi tiếng trong pháp luật Hoa Kỳ. “Thỏa thuận nhận tội” là một thỏa thuận thương lượng của bị cáo trong vụ án hình sự (VAHS), thông thường được thực hiện bởi Luật sư bào chữa và Công tố viên (tương tự như Kiểm sát viên trong chế định Viện kiểm sát), theo đó bị cáo đồng ý nhận tội (thú tội) để đổi lấy một kết quả mà tự bị cáo có thể đánh giá là có lợi hơn cho mình. Kết quả này có thể là giảm nhẹ khung hình phạt, giảm mức án hoặc được áp dụng tội danh “nhẹ hơn” với tội mà bị cáo đã phạm phải. Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong hệ thống tư pháp hình sự song “Thỏa thuận nhận tội” lại là một chế định cũng tương đối mới trong lịch sử phát triển của hệ thống tư pháp hình sự Hoa Kỳ.

2. Lịch sử ra đời của nguyên tắc “Thỏa thuận nhận tội” trong pháp luật hình sự Hoa Kỳ

Trong giai đoạn đầu của thế kỷ XVIII, nguyên tắc “Thỏa thuận nhận tội” rất hiếm diễn ra trong lịch sử pháp luật hình sự Hoa Kỳ. Cho đến hết thế kỷ XVIII, hầu hết các phiên tòa xét xử VAHS ở Hoa Kỳ diễn ra thường vẫn là Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn mà không có Luật sư; Thẩm phán là người chủ trì hệ thống này và bị cáo bị từ chối tư vấn pháp lý. Phía Công tố viên sẽ đưa ra các bằng chứng buộc tội, bị cáo trả lời và được nói liên tục tại Tòa để tự bào chữa cho bản thân mình. Do thiếu tư vấn pháp lý, các trường hợp này có xu hướng được xử lý nhanh hơn nhiều, trung bình mỗi ngày các Tòa án Hoa Kỳ có thể xét xử từ 12 đến 20 vụ trọng tội. Tuy nhiên, kể từ năm 1832, những lời bào chữa của các bị cáo đã trở nên phổ biến ở thành phố Boston, khi những người vi phạm pháp lệnh công cộng có thể được phán quyết những bản án ít nghiêm trọng hơn nếu họ nhận tội. Đến năm 1850, hoạt động này đã lan sang các Tòa án xét xử các tội phạm rất nghiêm trọng và việc các bị cáo nhận tội để thay đổi một số tội danh hoặc các thỏa thuận khác được sắp xếp với phía Công tố viên.

Từ sau năm 1920, các Tòa án hình sự ở Hoa Kỳ đã bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào lời nhận tội. Đến cuối năm 1958, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hầu như đã “tự có xu hướng” chuyển giải quyết các VAHS theo hướng nghiêng về “Thỏa thuận nhận tội”. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ lúc đó đã thực hiện một số động tác để ngăn chặn Tòa án quyết định vấn đề này. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sau đó đã “lờ đi” để vẫn áp dụng “Thỏa thuận nhận tội” dưới một số hình thức. Đồng thời, sự quá tải của các VAHS trong thời kỳ này đã làm gia tăng thêm lý do sử dụng nhiều hơn “Thỏa thuận nhận tội” trong xét xử VAHS nhằm giảm độ phức tạp, thời gian và chi phí cho các phiên tòa hình sự có Bồi thẩm đoàn. Trong những năm 1960, những VAHS mang tính bước ngoặt (án lệ Gideon v. Wainwright) [2] đã làm thay đổi đáng kể cách xử lý các VAHS. Theo án lệ này, Tòa án phán quyết rằng các bị cáo nghèo khổ có quyền được tư vấn pháp lý và được sử dụng “Thỏa thuận nhận tội” khi nhận thấy việc tuân theo đầy đủ thủ tục tố tụng có thể dẫn đến nhiều thiệt hại hơn.

Sau bước ngoặt vào năm 1960, là một thập niên chuẩn bị cho sự ra đời và ghi nhận bằng Hiến pháp Hoa Kỳ quy định về “Thỏa thuận nhận tội”. Cuối cùng, trong một phán quyết năm 1970 (án lệ Brady v. Maryland)[3], Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ kết luận rằng: “Thỏa thuận nhận tội” – Plea bargains là “vấn đề cố hữu/ tất yếu của luật hình sự và chính là cách mà luật hình sự vận hành”[4]. Có thể nói lịch sử của “Thỏa thuận nhận tội” mới trải qua chừng 53 năm (từ năm 1970 đến nay) nhưng từ những vụ án áp dụng “Thỏa thuận nhận tội” một cách “dè dặt” ban đầu vào 1970 thì đến 1979, con số các vụ án hình sự trên toàn Hoa Kỳ áp dụng “Thỏa thuận nhận tội” đã lên đến 90%[5] và tỉ lệ này giữ vững cho đến tận ngày nay.

Từ năm 2010 đến nay, với sự gia tăng nhanh chóng về tỉ lệ tội phạm và người phạm tội, có rất nhiều áp lực ảnh hưởng đến sự phổ biến của “mặc cả thú tội” hay “thỏa thuận nhận tội”. Có quá nhiều trường hợp quá tải về giải quyết VAHS. Bên cạnh chi phí đắt đỏ, với sự thật được đánh giá là “không có gì lạ” khi một phiên tòa xét xử có Bồi thẩm đoàn đã tiêu tốn con số trung bình  hơn 1 triệu USD. Thêm vào đó, các Công tố viên thường bị quá tải với quá nhiều vụ án cùng một lúc. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã công nhận rằng nếu mỗi VAHS dẫn đến một phiên tòa hoàn chỉnh, cần phải có thêm nhiều tòa án, thẩm phán và nhân sự. Vì thế, rất nhiều Thẩm phán khuyến khích các Công tố viên và Luật sư bào chữa đưa ra các thỏa thuận nhận tội, thỏa thuận bào chữa để không phải trải qua quá nhiều thủ tục tranh tụng rườm ra và tốn kém, và đó được coi là một cách giải quyết vụ án nhanh chóng, hiệu quả.

Do những áp lực đang diễn ra, nhiều trường hợp được giải quyết thành công thông qua mặc cả thú tội. Ngày nay, chỉ một phần nhỏ (2%) các VAHS thực sự dẫn đến một phiên tòa xét xử. Nhiều Tòa án đứng trước thách thức phải xử lý hàng chục ngàn vụ án về tội nghiêm trọng và tội ít nghiêm trọng. Và vì vậy “thỏa thuận nhận tội” vẫn còn là một xu hướng chiếm ưu thế trong tương lai. Đặc biệt, khi mọi vấn đề trong quản lý nhà nước đều đang có xu hướng được coi là “quản trị công”, “dịch vụ công” thì cách thức giải quyết vụ án hình sự (tức là cách thức giải quyết các vi phạm tới lợi ích công của nhà nước) cũng nên giải quyết bằng “thương lượng”, “mặc cả”, Tòa án nghiêng về thực hiện vai trò trọng tài hơn là vai trò “xét xử”.

3. Bản chất, quy trình và các loại “Thỏa thuận nhận tội”

Thứ nhất, bản chất của nguyên tắc “Thỏa thuận nhận tội”:

Xem xét “Thỏa thuận nhận tội” với tư cách là một chế định cho thấy, “Thỏa thuận nhận tội”  không chỉ đơn thuần “là một thỏa thuận thương lượng của bị cáo với Công tố viên”, theo đó bị cáo đồng ý nhận tội (thú tội) để đổi lấy một kết quả mà tự bị cáo có thể đánh giá là có lợi hơn cho mình như một số tài liệu phổ thông ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn quan niệm. Thực ra hiểu ở nghĩa này, chỉ là cách hiểu rất “hình thức” dịch từ định nghĩa của “plea bargaining” từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà chưa đi sâu tìm hiểu về bản chất pháp lý đằng sau các định nghĩa bởi “vỏ bọc” ngôn ngữ đó là cả một triết lý sâu xa về tư pháp của mô hình tố tụng tranh tụng và cả một cơ chế khá phức tạp để vận hành “mặc cả thú tội”.

Hiểu một cách sâu hơn về bản chất của vấn đề, thì “Thỏa thuận nhận tội” bao gồm việc trao đổi các nhượng bộ chính thức (giữa Luật sư bào chữa của bị cáo với Công tố viên – những người đã trải qua quá trình điều tra và chứng minh các tình tiết phạm tội của bị can qua  giai đoạn trước đó; những người được mặc định là luôn phụng sự công lý, đại diện cho lợi ích công và đã nắm rõ các tình tiết của vụ án).

Hai bên sẽ đưa ra các “thỏa thuận” với các hình thức tạm gọi là “phần thưởng đền bù” cho hành vi tự giác nhận tội của bị cáo mà không phải trải qua thủ tục xét xử rườm rà và tốn kém. Những nhượng bộ này có thể liên quan đến bản án do Tòa án áp dụng hoặc đề nghị của Công tố viên về tội danh bị buộc, hình phạt cũng như các chứng cứ được đưa ra xem xét tại phiên tòa.

Tòa án không can thiệp và cũng không có vai trò gì trong quá trình “Thỏa thuận nhận tội”. Tuy nhiên, sau khi bản “Thỏa thuận nhận tội” được thống nhất giữa Công tố viên và đại diện của bị cáo (thường là Luật sư bào chữa) thì Tòa án có quyền quyết định cuối cùng: chấp nhận hoặc không chấp nhận “Thỏa thuận nhận tội” cũng như nội dung đã được thỏa thuận.

Thứ hai, quy trình tiến hành “Thỏa thuận nhận tội” tại Hoa Kỳ:

Trong ngày bị bắt hoặc sau khi bị bắt một ngày, nghi phạm được đưa đến phiên trình diện đầu tiên. Tại đây, nghi phạm được thông báo về tội phạm mà mình bị cáo buộc, đồng thời nghi phạm cũng được thông báo các quyền của mình theo luật. Đối với các tội nghiêm trọng, các cáo buộc chính thức được đệ trình dưới dạng cáo trạng do Công tố viên đưa ra, bị cáo cũng được cung cấp một bản sao cáo trạng như vậy. Bị cáo được đưa ra trước Tòa một lần nữa để nghe các khoản phí chính thức. Tại thời điểm này bị cáo phải đưa ra quyết định có tham gia vào một thỏa thuận nhận tội hay không? Giai đoạn này được gọi là “Arraignment”[6]. Việc thương lượng nhận tội ở Hoa Kỳ có thể diễn ra với bất kỳ tội phạm nào, bao gồm cả tội nghiêm trọng như Tội giết người. “Thỏa thuận nhận tội” có thể bắt đầu ngay sau khi bị can đã bị truy tố hoặc bị buộc tội. Mặc dù, thông thường Luật sư bào chữa cần có thời gian để xem xét bằng chứng trước khi tiến hành quá trình thỏa thuận. Việc một bị can nói rằng mình vô tội ngay từ đầu của vụ án nhưng sau đó thông qua “Thỏa thuận nhận tội” với bên Công tố để đổi lại thành một lời bào chữa có tội diễn ra khá phổ biến. Việc thương lượng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trước khi kết án, nhưng hầu như luôn xảy ra tại một số thời điểm trước khi mở phiên tòa. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã duy trì thủ tục “Thỏa thuận nhận tội”  như một phương pháp thích hợp để giải quyết các VAHS và mô tả nó như một thành phần thiết yếu để duy trì công lý. Giữa chính phủ tiểu bang và liên bang có các quy tắc hơi khác nhau trong việc tiến hành “Thỏa thuận nhận tội”, nhưng về cơ bản là giống nhau, bao gồm quyền của bị cáo trong việc nhận được tư vấn về sự thương lượng công bằng, hợp lý với Công tố viên, hạn chế hoặc không có sự tham gia của Thẩm phán trong việc thỏa thuận, nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm của hệ thống tư pháp đối với nạn nhân[7]. Văn phòng của Công tố viên thường thiết lập các chính sách chung liên quan đến việc xử lý các trường hợp “Thỏa thuận nhận tội”. Điều này được coi là không thích hợp cho một Công tố viên trong việc chống lại bị cáo thay vì được hỗ trợ bởi các bằng chứng đơn giản để thúc đẩy quá trình thỏa thuận. Hầu hết các khu vực pháp lý của Hoa Kỳ giới hạn mức độ tham gia của Tòa án vào các cuộc đàm phán, thương lượng giữa Công tố viên và Luật sư bào chữa cho bị cáo; hệ thống liên bang cấm bất kỳ Thẩm phán nào tham gia vào tất cả các khâu của cuộc đàm phán. Chính phủ liên bang và khoảng hai phần ba các tiểu bang cung cấp sự tư vấn giữa Công tố viên và bị cáo trước khi công tố viên tiến hành “Thỏa thuận nhận tội”. Lý do chính cho điều này là khả năng bị cưỡng chế, ép buộc của bị cáo trong trường hợp Thẩm phán có liên quan, hoàn toàn tách biệt khỏi sự thiếu công bằng của Thẩm phán. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bị cáo là người tham gia chính thức trong các cuộc thương lượng hay họ có bất kỳ sự kiểm soát nào đối với tiến trình này. Động lực của các điều khoản tham vấn truy tố là Công tố viên có nghĩa vụ xem xét các quan điểm đã nêu của bị cáo, nhưng có quyền xem xét để từ chối họ. Tuy nhiên, ở một số khu vực pháp lý của tiểu bang, nạn nhân được cho cơ hội xuất hiện tại phiên điều trần trước Thẩm phán và phiên toàn tuyên bố.

Thứ ba, các loại “Thỏa thuận nhận tội”:

Tại Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới như: Canada, Ý, Đức, Anh, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, chế định “Thỏa thuận nhận tội” đều được sử dụng ở mức này hay mức khác. Tương ứng với mỗi mô hình tố tụng và tùy thuộc vào chính đặc điểm của nền tư pháp hình sự của mỗi quốc gia mà nguyên tắc “Thỏa thuận nhận tội” có những hình thức và biểu hiện khác nhau. Vai trò của nguyên tắc “Thỏa thuận nhận tội” vì thế mà cũng hoàn toàn khác nhau đối với mỗi nền tố tụng hình sự của mỗi nước.

Tuy nhiên, trên thế giới dù các biểu hiện của hình thức “Thỏa thuận nhận tội” có phong phú đến đâu thì tựu trung cũng có thể quy về hai loại hình chính của “Thỏa thuận nhận tội”.

 Một là, hình thức nghi can (bị can), bị cáo khai nhận về hành vi phạm tội của chính mình để được hưởng các mức giảm tội danh, xóa cáo trạng tăng nặng hoặc giảm mức hình phạt.

– Giảm tội danh: Tức thỏa thuận nhằm giảm mức cáo buộc của cáo trạng xuống mức ít nghiêm trọng hơn. Thương lượng để giảm mức tội danh từ một tội danh nặng hơn sang một tội danh nhẹ hơn.

– Xóa tình tiết tăng nặng: Hình thức thương lượng này là Công tố đồng ý xóa bỏ những lời buộc tội khác đang dành cho một bị cáo. Có ba hình thức của loại này:

+ Thỏa thuận không khởi tố “theo chiều dọc” – nghĩa là không đưa ra những buộc tội nghiêm trọng hơn chống lại bị cáo;

+ Bác những cáo buộc “theo chiều ngang” – đó là bác bỏ những cáo trạng bổ sung đối với cùng một tội danh mà bị cáo đang bị truy tố;

+ Thỏa thuận mà trong đó điều khoản phạm tội nhiều lần được xóa khỏi bản cáo trạng.

– Giảm mức hình phạt: Bị cáo thỏa thuận với công tố viên nhận tội để đổi lấy một thỏa thuận của Công tố viên yêu cầu Thẩm phán có bản án nhẹ hơn đối với bị cáo.

Hai là, hình thức nghi can (bị can), bị cáo khai báo về hành vi phạm tội của bên thứ ba (người khác, tổ chức phạm tội khác hoặc của pháp nhân khác) để được hưởng các mức giảm tương ứng hoặc thậm chí là miễn trách nhiệm hình sự, hoặc có nhiều trường hợp còn được đưa vào chương trình “bảo vệ nhân chứng” hoặc “bảo vệ nhân chứng đặc biệt” tùy thuộc vào tin tức về việc phạm tội mà người đó sẽ cung cấp hoặc đưa ra các bằng chứng.

Tóm lại,Thỏa thuận nhận tội” nhằm hạn chế những phiên tòa kéo dài và tốn kém. Chính những lợi ích mang lại từ việc thương lượng nhận tội mà dần dần nguyên tắc Thỏa thuận nhận tội” cũng được cấy ghép trong tố tụng hình sự của một số quốc gia theo mô hình tố tụng thẩm vấn. Hiện nay, trên thế giới có ba loại mô hình tố tụng hình sự: mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn; mô hình tố tụng hình sự tranh tụng và mô hình tố tụng hình sự pha trộn nên có sự khác biệt trong quy định giữa các quốc gia. Trong mỗi mô hình tố tụng, nguyên tắc “Thỏa thuận nhận tội” được quy định không giống nhau và hoàn toàn không đồng nhất về mặt bản chất nhưng mục đích của việc áp dụng nguyên tắc “Thỏa thuận nhận tội” trong tố tụng hình sự của một số quốc gia trên thế giới và trong tố tụng hình sự Việt Nam là khá giống nhau, đều hướng đến việc đơn giản hóa thủ tục tố tụng và nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án, vì quyền tự do cùng lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, việc triển khai nghiên cứu các khía cạnh lý luận và thực tiễn của việc áp dụng thỏa thuận nhận tội ở các quốc gia và quá trình áp dụng tại Việt Nam, sẽ đưa đến cái nhìn khái quát nhất về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai thủ tục tố tụng đặc trưng trong pháp luật hình sự của các quốc gia.

Tài liệu tham khảo

1.     PGS.TS. Đinh Thị Mai (2022), “Tìm hiểu về lịch sử và bản chất của nguyên tắc “Mặc cả thú tội” của Mỹ”, Tạp chí tòa án

2.     Ths. Lại Thị Thu Hà (2009), Các đặc điểm cơ bản của hệ thống tố tụng hình sự tranh tụng và hệ thống tố tụng hình sự thẩm vấn, Hà Nội

3.     TS. Lê Hữu Thể – Ths. Lô Thị Thủy (2010), Hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo yêu cầu cải cách tư pháp, Nghiên cứu lập pháp(18/179), Hà Nội

4.     Pháp viện tối cao (2006), Các nguyên tắc liên bang về tố tụng hình sự của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Hoa Kỳ

5.     Jay M.Feinman, sách luật 101 “Mọi Điều Bạn Cần Biết Về Pháp Luật Hoa Kỳ” (Tái Bản 2014), NXB. Hồng Đức

6.     Plea Bargaining And Its History, Albert W. Alschuler, Columbia Law Review, vol 79, No 1, Jan 1979

[1] Ram Subramanian, Léon Digard, Melvin Washington II và Stephanie Sorag, Trong bóng râm: Đánh giá về nghiên cứu về mặc cả thỏa đáng, tháng 9 năm 2020, Viện Công lý Vera. https://www.vera.org/downloads/publications/in-the-shadows-plea-bargaining.pdf

[2] Án lệ Gideon-Wainwright (1963). Vụ án ban đầu đặt tên Gideon vs Cochran, giám đốc trại giam bang Florida, vào thời điểm Toà Án Tối Cao(Tối Cao Pháp Viện) đang tranh luận phán quyết thì Louie L. Wainwright lên thay Cochran nên vụ án được đặt lại tên. Gideon đã viết bảng cứu xét (Certiorari) và Tối Cao pháp viện đã đồng ý xem xét lại vụ án. Ngày 15 tháng 1 năm 1963, Tối Cao Pháp Viện đã tranh luận vụ việc, luật sư Abe Fortas người sau này trở thành thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, đã biện hộ miễn phí cho Gideon lập luận rằng Gideon chỉ mới học hết lớp 8 nên việc tự biện hộ tại toà sơ thẩm sẽ thiếu xót và chưa nắm hết quy định pháp luật. Do thu nhập của ông từ nghề đánh bắt không đủ tiền để thuê một luật sư, Hiến pháp công bằng phải bảo vệ tất cả mọi thành phần kể cả người nghèo. Hai tháng sau, ngày 18 tháng 3 năm 1963 Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết chấp nhận lập luận quan điểm của bị cáo. Án lệ này đã thay thế án lệ Betts-Brady “chỉ định một Luật sư không phải quyền cơ bản, không nhất thiết để cho một vụ án sơ thẩm công bằng”. Từ Hiến pháp Hoa Kỳ số 6 đảm bảo mọi công dân đều được hưởng công bằng trước pháp luật đặc biệt vụ án hình sự. Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện yêu cầu Toà án liên bang phải chỉ định Luật sư cho các bị cáo khi các bị cáo không đủ tiền thuê Luật sư dựa trên Tu hiến pháp số 14 đảm bảo mọi công dân đều được hưởng nhân quyền. Phán quyết này làm tiền đề cho án lệ Miranda sau này.

[3] Án lệ Brady v. Maryland vào năm 1963. Tháng 6/1958, John Brady (25 tuổi) cùng Charles Boblit (24 tuổi) bị công tố viên truy tố án tử hình với cáo buộc giết hại người đàn ông 53 tuổi trong lúc định trộm xe của nạn nhân đi cướp ngân hàng tại bang Maryland. Không muốn lãnh án tử, trước khi ra tòa, Brady thừa nhận đã dính líu tới vụ giết người nhưng khẳng định chính Boblit trực tiếp gây án. Luật sư của Brady đồng thời cũng yêu cầu được rà soát mọi bản khai của Boblit mà công tố viên đang giữ để tìm căn cứ xin giảm nhẹ cho thân chủ. Vì hai bị cáo đổ tội cho nhau, mỗi người bị xét xử trong phiên tòa riêng biệt. Dù vậy, Brady và Boblit đều bị kết tội Giết người cấp độ I và lãnh án tử hình. Sau khi có bản án, luật sư của Brady phát hiện công tố viên chỉ chuyển cho bên bào chữa bốn trên tổng số 5 bản khai của Boblit. Trong bản khai không được công khai, Boblit đã thừa nhận là người duy nhất giết hại nạn nhân, phù hợp với lời khai của Brady. Với căn cứ trên, luật sư yêu cầu tái thẩm với lập luận hành động của công tố viên cố ý giấu chứng cứ có lợi cho bị cáo đã vi phạm vào quyền được xét xử đúng trình tự công bằng của thân chủ. Tuy vậy, kháng cáo của luật sư thất bại, tòa tối cao bang Maryland giữ nguyên bản án của Brady và chỉ cho phép tiến hành lại giai đoạn quyết định hình phạt.Sau khi tiếp nhận vụ án, tòa tối cao liên bang đã giữ nguyên quyết định của tòa tối cao bang Maryland vào năm 1963. Trong phán quyết, tòa tối cao liên bang nhận định rằng dù công tố viên vô ý hay cố ý, hành động giấu chứng cứ có lợi cho bị cáo sẽ vi phạm vào quyền được xét xử đúng trình tự công bằng nếu chứng cứ ấy “có ý nghĩa mấu chốt” đối với tội trạng hoặc hình phạt. Nhưng vì bản khai của Boblit chỉ có ý nghĩa mấu chốt đối với việc quyết định hình phạt của Brady, tòa cấp dưới sẽ không phải tái thẩm toàn bộ mà chỉ phải thực hiện lại giai đoạn lượng hình. Dù đây không phải thắng lợi cho bản thân Brady, án lệ Brady v. Maryland vẫn đặt ra cho cơ quan công tố nghĩa vụ cung cấp mọi chứng cứ có lợi cho bị cáo, từ đó trở thành án lệ cột mốc trong lịch sử tư pháp hình sự Mỹ.

[4] Nguyên văn: Plea bargains is “inherent in the criminal law and its administration”.

 [5] Xem: Plea Bargaining And Its History, Albert W. Alschuler, COLUMBIA LAW REVIEW, vol 79, No 1, Jan 1979, tr.1

[6] Arraignment /əˈreɪn.mənt/: Sự luận tội (Theo Black Law’s Dictionary) được hiểu là quá trình trong đó bị cáo được đưa ra trước thẩm phán tại tòa, nơi bị cáo sẽ buộc phải trả lời phán quyết của bồi thẩm đoàn hoặc lời cáo trạng của công tố viên. Giai đoạn Arraignment có nghĩa là sau khi người nào đó bị bắt vì một tội ác, lần đầu tiên anh ta xuất hiện tại tòa thường là tại một buổi điều trần Vào thời điểm này, người này sẽ đi từ một nghi can thành một bị cáo trong vụ án hình sự. Trong khi sắp xếp, một thẩm phán tòa án hình sự sẽ đọc chi tiết các cáo buộc hình sự đối với người đó và hỏi anh ta về việc có đưa ra thỏa thuận nhận tội hay không.

[7] Jay M.Feinman, sách luật 101 “Mọi Điều Bạn Cần Biết Về Pháp Luật Hoa Kỳ” (Tái Bản 2014), NXB. Hồng Đức