Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm sát thi hành án treo của viện kiểm sát nhân dân
Nguyễn Văn Tuyến – Giảng viên khoa TPH&ĐTTP
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao; trong những năm gần đây, VKSND các cấp đã quan tâm, chú trọng và thực hiện tốt chức năng kiểm sát Thi hành án Hình sự (THAHS) nói chung và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực thi hành án treo nói riêng; phát hiện, xử lý những vi phạm pháp luật; kịp thời kiến nghị, kháng nghị khắc phục, góp phần bảo đảm đảm bảo các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp được đưa ra thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại nhất định cần được phân tích làm rõ, tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục.
1. Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động kiểm sát thi hành án treo của Viện kiểm sát nhân dân
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, hoạt động kiểm sát thi hành án treo của VKSND cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế sau đây:
Thứ nhất; phòng nghiệp vụ VKSND cấp tỉnh chủ yếu tập trung vào công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam và THAHS tại các trại tạm giam của Công an tỉnh hoặc trại giam thuộc Bộ Công an đóng trên địa bàn tỉnh… nên chưa quan tâm, chú trọng việc chỉ đạo, phối hợp với VKSND cấp huyện trong việc kiểm sát đối với Cơ quan THAHS Công an cấp huyện và UBND cấp xã trong việc thi hành án treo; công tác kiểm tra nghiệp vụ đối với bộ phận làm công tác kiểm sát THAHS của VKSND cấp huyện thực hiện chưa thường xuyên nên chưa kịp thời phát hiện, chỉ ra những hạn chế, yếu kém để nhanh chóng yêu cầu khắc phục.
Thứ hai; một số lãnh đạo VKSND cấp huyện chủ yếu chỉ tập trung vào công tác thực hành quyền công tố; kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự mà chưa chú trọng và quan tâm đúng mức đến công tác kiểm sát THAHS nói chung và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực thi hành án treo nói riêng… Hàng năm, VKSND cấp huyện mặc dù đã tăng cường các cuộc kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án treo đối với UBND cấp xã trong việc giám sát, quản lý, giáo dục người chấp hành án treo. Tuy nhiên, số lượng các cuộc kiểm sát trực tiếp vẫn còn ít; chưa chú trọng đổi mới phương pháp kiểm sát trực tiếp mà mới chỉ chú trọng đến việc nghiên cứu hồ sơ, sổ sách và các tài liệu liên quan nên chưa kịp thời phát hiện được những thiếu sót, vi phạm của Tòa án, Cơ quan THAHS, UBND cấp xã, người được phân công giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; chưa nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người chấp hành án treo để có giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thứ ba; việc quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án treo tại UBND cấp xã còn buông lỏng. Một số lãnh đạo UBND cấp xã chưa quan tâm đến công tác thi hành án treo tại địa phương; chưa triển khai, chỉ đạo kịp thời cho Công an xã thực hiện đúng quy định của Luật THAHS mà còn tình trạng giao hết trách nhiệm cho lực lượng Công an xã; công tác tổ chức, phối hợp trong việc theo dõi, quản lý người chấp hành án treo còn chưa chặt chẽ dẫn đến một số trường hợp người chấp hành án treo không đến trình diện khi được triệu tập, tự ý bỏ đi khỏi địa phương nhưng UBND xã không nắm được hoặc vi phạm các nghĩa vụ trong thời gian chấp hành án; có những trường hợp UBND cấp xã không thực hiện việc lập hồ sơ, báo cáo lên Cơ quan THAHS Công an cấp huyện gây khó khăn cho việc quản lý người chấp hành án. Bên cạnh đó, cán bộ được phân công trực tiếp làm công tác thi hành án treo chưa làm tốt công tác tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án theo quy định của pháp luật.
Thứ tư; công tác kiểm tra việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị vi phạm của VKSND đối với hoạt động thi hành án treo chưa thực sự được quan tâm. Việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo của một số VKSND cấp huyện còn chưa kịp thời; chưa tham mưu, đề xuất cho cấp ủy và chính quyền địa phương các biện pháp chỉ đạo nhằm tăng cường hiệu quả công tác thi hành án; chưa tiến hành sơ kết, tổng kết, xây dựng các chuyên đề khoa học… để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát, giáo dục người chấp hành án treo. Bên cạnh đó, công tác giám sát của các Cơ quan quyền lực nhà nước như Hội đồng nhân dân, Uỷ ban mặt trận tổ quốc cấp huyện đối với VKSND cùng cấp chưa thực sự hiệu quả. Việc giám sát chủ yếu thực hiện thông qua cơ chế báo cáo, tiếp thu và mang tính định kỳ nên cơ quan giám sát không thể nắm bắt hết những tồn tại hạn chế của công tác kiểm sát việc thi hành án treo của VKSND.
Thứ năm; chưa có quy định rõ về việc phối hợp giữa các cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác THAHS với các cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác giải quyết án hình sự nên việc cung cấp thông tin trong việc thực hiện công tác THHS còn chậm trong việc kiểm sát hoạt động ra quyết định thi hành án, tình hình chấp hành án của người thi hành án…; chưa quy định về việc phối hợp liên ngành giữa Tòa án nhân dân, VKSND, Cơ quan THAHS, cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS trong việc THAHS nên quá trình triển khai, tổ chức thi hành án còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Thứ sáu; trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ vẫn còn tình trạng một số cán bộ, Kiểm sát viên còn lúng túng trong việc xác định thời điểm, thời gian chấp hành án; việc lập, bổ sung hồ sơ thi hành án… ; không nghiên cứu kỹ hồ sơ, bỏ sót hoặc không tuân thủ đầy đủ quy trình nghiệp vụ dẫn đến không phát hiện được những vi phạm của các Cơ quan có thẩm quyền hoặc chủ quan khi nhận định không chính xác tính chất, mức độ của hành vi vi phạm nên không tham mưu đầy đủ cho Lãnh đạo để ban hành kiến nghị, kháng nghị phù hợp hoặc thiếu bản lĩnh trong hoạt động nghiệp vụ nên còn có biểu hiện phối hợp xuôi chiều, nể nang, né tránh…
Thứ bảy; một bộ phận người chấp hành án còn có biểu hiện chây ỳ, coi thường pháp luật, không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong thời gian chấp hành án (có trường hợp người được hưởng án treo tự ý bỏ khỏi địa phương, không thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định…) dẫn đến việc thi hành án không mang lại hiệu quả cao, không có tác dụng giáo dục, cải tạo đối với người phạm tội.
2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
2.1. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất; trong những năm gần đây Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong việc thi hành án treo và công tác kiểm sát thi hành án treo. Tuy nhiên, hiện nay một số các quy định giữa các văn bản này còn mâu thuẫn, chống chéo; các văn bản hướng dẫn vẫn còn thiếu và nhiều bất cập gây khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật. Cụ thể như sau:
– Pháp luật chưa quy định việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời điểm từ khi Tòa án tuyên bản án treo cho đến khi có quyết định phân công người giám sát, giáo dục người thi hành án treo. Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 65 BLHS và Điều 5 Nghị quyết số 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì việc kiểm tra, giám sát người được hưởng án treo có tuân thủ, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong thời gian thử thách hay không phải được bắt đầu tính từ thời điểm ngày Tòa án tuyên bản án treo cho đến khi người được hưởng án treo chấp hành xong thời gian thử thách. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy hồ sơ chấp hành án treo chỉ được lập kể từ khi có Quyết định thi hành án và khi hồ sơ được giao cho UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. Như vậy, trong thời gian từ khi Tòa án tuyên bản án đến khi có Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục thì UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục sẽ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo như thế nào? Đây cũng là một vấn đề mà hiện nay Luật THAHS chưa có hướng dẫn cụ thể gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật của các Cơ quan THAHS.
– Luật THAHS chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc tại thời điểm sau khi Toà án tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Điều 92 Luật THAHS đã quy định về trình tự, thủ tục giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc trong quá trình chấp hành án. Tuy nhiên, trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc ngay tại thời điểm sau khi Toàn án tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm chưa ra quyết định thi hành án hoặc chưa ủy thác cho Tòa án cùng cấp khác ra quyết định thi hành án thì chưa có quy định cụ thể dẫn đến có trường hợp khi Tòa án ra quyết định thi hành án treo gửi đến Cơ quan THAHS thì lại có văn bản báo cáo người thi hành án treo đã thay đổi nơi cư trú hoặc tự ý bỏ đi khỏi nơi cư trú nhưng không báo cáo gây khó khăn, lúng túng cho Tòa án trong việc giao người thi hành án cho các Cơ quan, đơn vị giám sát, giáo dục người thi hành án treo…
– Theo quy định tại khoản 2 Điều 92, khoản 2 Điều 100 và điểm a khoản 1 Điều 109 Luật THAHS thì trường hợp người được hưởng án treo vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của UBND cấp xã, nếu không đồng ý phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Theo quy định trên thì UBND cấp xã chỉ trả lời bằng văn bản nếu không đồng ý, còn trường hợp nếu đồng ý cho người được hưởng án treo vắng mặt tại nơi cư trú thì không quy định rõ phải thông báo bẳng văn bản. Do đó, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy nghi, không thống nhất; nếu UBND xã chỉ đồng ý bằng miệng mà không gửi văn bản đến người thi hành án treo xin vắng mặt tại nơi cư trú thì rất dễ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người chấp hành án, đặc biệt liên quan đến việc xác định có hay không có vi phạm trong thời gian chấp hành án hoặc xét rút ngắn thời gian thử thách…
– Luật THAHS chưa quy định về việc phối hợp giữa các ngành Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, VKSND trong việc đối chiếu, rà soát các bản án có hiệu lực pháp luật để triển khai, tổ chức THAHS nhằm bảo đảm mọi bản án có hiệu lực phải được thi hành. Thực tiễn hiện nay thấy rằng, liên ngành Trung ương chưa xây dựng Thông tư liên tịch quy định về quan hệ phối hợp giữa Tòa án nhân dân, VKSND và cơ quan Quản lý THAHS, Cơ quan THAHS, cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS trong việc THAHS nên quá trình triển khai, tổ chức thi hành án còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Thứ hai; công tác hướng dẫn pháp luật về kiểm sát thi hành án treo còn rất ít, nhiều bất cập và hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; có trường hợp một quy định nhưng có nhiều quan điểm khác nhau trong quá trình áp dụng… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tùy tiện, không đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ trong việc áp dụng pháp luật, gây khó khăn cho các Cơ quan tư pháp trong đó có VKSND khi tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án treo.
2.2. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất; công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra của VKSND cấp trên đối với VKSND cấp dưới trong công tác kiểm sát thi hành án treo mặc dù đã được quan tâm, chú trọng nhưng vẫn chưa được thường xuyên; công tác kiểm tra nghiệp vụ của VKSND cấp tỉnh đối với VKSND cấp huyện chưa kịp thời, chưa nghiêm túc nên nhiều vi phạm, thiếu sót của VKSND cấp dưới không được phát hiện để khắc phục kịp thời, rút kinh nghiệm chung.
Thứ hai; một số cán bộ, Kiểm sát viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong công tác kiểm sát việc thi hành án treo; chưa nêu cao tinh thần học tập, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ; ít nghiên cứu, chậm cập nhập các văn bản pháp luật có liên quan; lực lượng cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc THAHS nói chung và thi hành án treo vẫn còn thiếu; việc phân công, điều động, bổ nhiệm cán bộ, Kiểm sát viên còn chưa thật sự hợp lý nên chưa phát huy được năng lực, sở trường của mỗi cán bộ. Một số VKSND cấp huyện, số lượng cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị còn thiếu; bộ phận kiểm sát tạm giữ, tạm giam và THAHS (thường chỉ có 01 Kiểm sát viên và 01 Lãnh đạo phụ trách đều kiêm nhiệm nhiều khâu công tác); một số Kiểm sát viên mới được bổ nhiệm đã được phân công làm công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và THAHS. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên chuyên trách về công tác kiểm sát thi hành án hay phải thay đổi do thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ tinh thông và chuyên sâu nghiệp vụ trong việc thực hiện hoạt động này.
Thứ ba; ý thức, trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của người chấp hành án treo còn thấp; có nhiều trường hợp người chấp hành án không hiểu hết quyền và nghĩa vụ của họ khi chấp hành án như: Không biết đến việc giảm thời gian thử thách, đề nghị Cơ quan có thẩm quyền công nhận đã chấp hành xong hình phạt, đề nghị xóa án tích, các chính sách sau khi họ chấp hành xong án phạt…
Thứ tư; công tác kiểm tra việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị vi phạm của VKSND đối với hoạt động thi hành án treo chưa thực sự được quan tâm. Việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện tốt công tác giám sát giáo dục người được hưởng án treo của một số VKSND cấp huyện còn chưa kịp thời; chưa tham mưu, đề xuất cho cấp ủy và chính quyền địa phương các biện pháp chỉ đạo nhằm tăng cường hiệu quả công tác thi hành án.
3. Một số giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát thi hành án treo của Viện kiểm sát nhân dân
Nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát thi hành án treo của VKSND trong thời gian tới cần phải có những giải pháp mang tính đột phá và đổi mới hơn về cả nhận thức và áp dụng pháp luật. Trên cơ sở đó, tác giả xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là; tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về THAHS và kiểm sát thi hành án treo của VKSND, trong đó:
– Cần sửa đổi, bổ sung Luật THAHS về việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời điểm từ khi Tòa án tuyên bản án treo cho đến khi có quyết định phân công người giám sát, giáo dục người thi hành án treo. Sau khi đã xác định chính xác nơi cư trú, nơi làm việc của người được hưởng án treo thì quy định rõ trách nhiệm giám sát, giáo dục của UBND cấp xã, đơn vị quân đội đối với người được hưởng án treo và quy định thời hạn chấp hành án treo được xác định từ thời điểm Tòa án tuyên bản án treo đối với người đó và phải thông báo cho UBND cấp xã, đơn vị quân đội nơi người được hưởng án treo cư trú, làm việc để giám sát, giáo dục từ thời điểm này. Đồng thời cần quy định rõ: Bản báo cáo việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục từ khi nhận người được hưởng án treo cho đến khi ra quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục…
– Cần sửa đổi, bổ sung Luật THAHS về việc giải quyết đối với trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc tại thời điểm sau khi Toà án tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật theo hướng: Sau khi Tòa án tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng qua xác minh xác định người được hưởng án treo đã thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc thì việc ra quyết định thi hành án phải thực hiện dựa trên kết quả xác minh đó. Việc quy định như trên sẽ khắc phục những khó khăn, lúng túng cho Tòa án trong việc bàn giao người bị kết án…
– Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 100 Luật THAHS theo hướng: “Người chấp hành án khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp đồng ý hoặc không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản …”. Việc quy định này sẽ khắc phục tình trạng áp dụng tùy nghi, không thống nhất trong việc giải quyết cho người được hưởng án treo vắng mặt tại nơi cư trú và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người chấp hành án.
Hai là; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và kiểm tra của VKSND cấp trên đối với VKSND cấp dưới trong công tác kiểm sát thi hành án treo. Việc thực hiện yêu cầu này dựa trên các nội dung như sau:
– Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần phân công cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác này phát huy được sở trường, thế mạnh của mình đối với công tác, nhiệm vụ được giao.
– Khi tiến hành hoạt động kiểm sát thi hành án treo, VKSND cấp huyện báo cáo VKSND tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời. Trường hợp phát hiện những vi phạm, thiếu sót của VKSND cấp huyện trong công tác này thì VKSND cấp tỉnh cần chỉ đạo, thông báo rút kinh nghiệm kịp thời đến VKSND cấp huyện để qua đó rút kinh nghiệm chung cho việc kiểm sát thi hành án treo trong thời gian sau.
– Thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban định kỳ hàng tuần ở mỗi đơn vị hoặc giữa Lãnh đạo VKSND tỉnh với lãnh đạo VKSND cấp huyện để kiểm điểm, đánh giá những việc đã làm được; những việc còn gặp khó khăn, vướng mắc cần có chỉ đạo, hướng dẫn của VKSND cấp trên để có hướng giải quyết kịp thời.
Ba là; VKSND các cấp cần quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THAHS nói chung và kiểm sát việc thi hành án treo nói riêng. Các cơ sở đào tạo của nghành cần thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội nghị tập huấn… về công tác kiểm sát thi hành án treo cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện công tác này. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh cần tăng cường việc sơ kết, tổng kết, tổ chức các hội thảo khoa học… về công tác kiểm sát thi hành án treo nhằm giúp các VKSND cấp huyện học hỏi những kinh nghiệm và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phổ biến kinh nghiệm và giới thiệu các phương pháp hay, các cách làm hiệu quả để vận dụng vào thực tiễn ở các địa phương theo đúng quy định của pháp luật.
Bốn là, xây dựng quy định phối hợp trong nội bộ VKSND; tăng cường và ký kết Quy chế phối hợp giữa VKSND với Cơ quan THAHS Công an cấp huyện, UBND cấp xã trong việc thi hành án treo, theo đó:
– Quy định phối hợp cần quy định cụ thể quan hệ phối hợp giữa các cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác THAHS với các cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác giải quyết án hình sự để kịp thời thông tin với nhau về việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết án hình sự cung cấp cho cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THAHS về các bản án của TAND để kiểm sát hoạt động ra quyết định thi hành án; cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THAHS cung cấp tình hình chấp hành pháp luật của các đối tượng chấp hành án cho các bộ phận khác nắm bắt để đưa ra những giải pháp nhằm phối hợp cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
– Xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp giữa VKSND với Tòa án nhân dân, Cơ quan THAHS, UBND cấp xã… trong việc thực hiện công tác này, trong đó: Quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi công tác và trách nhiệm của Lãnh đạo đơn vị, chủ tịch UBND cấp xã, Kiểm sát viên, cán bộ Công an làm công tác THAHS, Trưởng công an xã và những cán bộ có thẩm quyền khác; nội dung các hoạt động phối hợp giữa VKSND với Tòa án nhân dân, Cơ quan THAHS, UBND cấp xã trong hoạt động thi hành án treo; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác thi hành án và kiểm sát thi hành án treo; phương pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, việc thực hiện kiến nghị của VKSND…
Năm là; khi tiến hành công tác kiểm sát thường xuyên đối với hoạt động thi hành án treo, để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, VKSND cần chú ý thực hiện tốt các nội dung như sau:
– Kiểm sát hoạt động thi hành án treo của Tòa án nhân dân: Kiểm sát việc ra quyết định ủy thác thi hành án; việc gửi bản án, quyết định thi hành án phải đảm bảo kịp thời, đúng căn cứ, đúng hình thức, đúng thẩm quyền theo quy định.
– Kiểm sát hoạt động thi hành án treo của Cơ quan THAHS Công an cấp huyện, nơi UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo: Kiểm sát việc triệu tập người thi hành án treo; việc lập hồ sơ, chuyển hồ sơ thi hành án cho UBND cấp xã được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; việc cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt; việc lập hồ sơ đề nghị ngắn rút ngắn thời gian thử thách đối với người chấp hành án đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật…
– Kiểm sát việc thi hành án treo của UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; công tác tham mưu của lực lượng Công an xã giúp UBND xã trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định về thi hành án treo.
Sáu là; nâng cao chất lượng công tác kiến nghị, kháng nghị, phúc tra việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị của VKSND đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thi hành án treo. Phòng nghiệp vụ VKSND cấp tỉnh cần đổi mới chương trình, kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với VKSND cấp huyện; chú trọng hơn nữa đến những vấn đề giải đáp thỉnh thị, các kiến nghị, đề xuất của VKSND cấp huyện. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện cần bám sát chương trình, kế hoạch thực hiện công tác kiểm sát THAHS của VKSND cấp tỉnh, trên cơ sở việc phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thi hành án treo cần tìm ra những nguyên nhân làm phát sinh các vi phạm đó để kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo đơn vị hoặc Lãnh đạo VKSND cấp trên có kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu Cơ quan THAHS khắc phục, sửa chữa những vi phạm đó.
Bảy là; VKSND phải tăng cường kiểm sát trực tiếp đối với Cơ quan THAHS Công an các cấp và UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người thi hành án treo. Căn cứ theo Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao, căn cứ vào tình hình thực tiễn chương trình công tác, kế hoạch trực tiếp kiểm sát của VKSND địa phương hoặc khi có yêu cầu của cấp ủy, Hội đồng nhân dân khi xét thấy cần thiết thì VKSND các cấp sẽ tiến hành thực hiện các cuộc kiểm sát trực tiếp đối với Cơ quan THAHS Công an các cấp và UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người thi hành án treo.
Ngoài việc tăng cường số lượng các cuộc trực tiếp kiểm sát, VKSND các cấp cần chú trọng đổi mới phương pháp, chất lượng các cuộc kiểm sát trực tiếp, mời đại diện Cơ quan THAHS Công an cấp huyện cùng tham gia, trực tiếp làm việc với UBND cấp xã, Trưởng công an xã, cán bộ tư pháp xã và những người được giao trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án treo. Trong quá trình kiểm sát cần triệu tập, gặp gỡ người đang thi hành án treo và gia đình của họ để nghe họ trình bày về nhận thức và việc chấp hành pháp luật trong thời gian thử thách; về quá trình giám sát, giáo dục của các cơ quan có liên quan, việc tham gia của gia đình người thi hành án trong quá trình giám sát, giáo dục để đánh giá khách quan, toàn diện việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, cá nhân có liên quan trong công tác này. Sau mỗi cuộc kiểm sát trực tiếp, VKSND cần xây dựng kết luận, nêu rõ tình hình chấp hành pháp luật; những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế; nguyên nhân dẫn đến vi phạm và yêu cầu khắc phục, sửa chữa… Kết thúc 6 tháng hoặc một năm, trên cơ sở kết quả của các cuộc kiểm sát trực tiếp, VKSND tiến hành tổng hợp, đánh giá những ưu điểm, hạn chế, những vi phạm pháp luật ở các xã, phường, thị trấn để tổng hợp kiến nghị chung với UBND cấp huyện để kịp thời chỉ đạo UBND cấp xã[1] khắc phục kịp thời.
Tám là; VKSND địa phương cần tăng cường, phối hợp với Cơ quan THAHS, UBND cấp xã thực hiện sâu rộng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân các quy định của pháp luật về việc thi hành án treo bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó đẩy mạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp; tăng cường trao đổi, đối thoại, giải đáp những thắc mắc từ phía người dân nhằm nâng cao tính chủ động tìm hiểu và tiếp cận pháp luật của cán bộ và nhân dân./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Thi hành án hình sự năm 2019;
- Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;
- Tạp chí kiểm sát;
- Trịnh Tuấn Anh (2014) “Kinh nghiệm của VKS nhân dân huyện Lục Nam trong công tác kiểm sát thi hành án treo và cải tạo không giam giữ”, Tạp chí Kiểm sát, số 18;
[1]. Bùi Lê Sính (2018)“Một số vấn đề lưu ý trong kiểm sát việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ”. Tạp chí kiểm sát, số 18;