PHÂN TÍCH ĐIỀU 66 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015
VỀ THA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN CÓ ĐIỀU KIỆN

Tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chính sách hình sự mới hết sức nhân đạo được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm thực hiện chủ trương “đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội ” đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

1. Phân tích nội dung quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Theo quy định tại điều 01 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP cuả Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện thì : Tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp được Tòa án áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự, xét thấy không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù trong cơ sở giam giữ.
Mặc dù là một chế định hoàn toàn mới được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng là một trong những giải pháp để rút ngắn thời gian phải chấp hành hình phạt tù trong trại giam. Theo nội dung chế định này, người chấp hành án phạt tù đã thi hành án được một thời gian nhất định, thỏa mãn những điều kiện quy định, có thể được xem xét để trả tự do, thời gian thử thách đúng bằng thời gian còn lại của hình phạt tù; và nếu trong thời gian thử thách người được tha tù có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ của người được tha tù có điều kiện 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt hành chính từ 02 lần trở lên, thì có thể bị Tòa án quyết định buộc người được tha tù quay trở lại trại giam để thi hành phần hình phạt tù còn lại.

a. Khoản 1 Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về điều kiện áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện như sau:
Người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
–  Phạm tội lần đầu;
– Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
– Có nơi cư trú rõ ràng;
– Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí;
–  Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân nhưng đã giảm xuống tù có thời hạn.Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng,thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được  ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn;
– Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này.
* Phạm tội lần đầu: Quy định này hiện nay tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Phạm tội lần đầu là lần đầu bị đưa ra xét xử, vì chỉ có Toà án mới có thẩm quyền quyết định hình phạt, một người chỉ bị Toà án đưa ra xét xử và kết án bằng bản án có hiệu lực thì mới có việc quyết định hình phạt và chỉ khi quyết định hình phạt thì Toà án mới căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ. Nếu người phạm tội đã có nhiều lần phạm tội nhưng chưa có lần nào bị Toà án kết án thì vẫn được coi là phạm tội lần đầu.
Quan điểm thứ hai cho rằng : Phạm tội lần đầu cũng là trường hợp lần đầu bị đưa ra xét xử hoặc tuy đã bị đưa ra xét xử nhiều lần, nhưng trước khi bị đưa ra xét xử lần này, nếu hành vi phạm tội trước đó đã được xoá án tích hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn được coi là phạm tội lần đầu.
Quan điểm thứ ba cho rằng : Phạm tội lần đầu là trường hợp một người thực hiện một hoặc một số hành vi phạm tội nhưng chưa bị xử lý hoặc bị xét xử lần nào lần đưa ra xét xử này là lần đầu tiên.
Từ những quan điểm nêu trên tác giả nhận thấy, phạm tội lần đầu được hiểu là người chưa từng bị kết án, chưa có tiền án, tiền sự. Có thể hiểu phạm tội lần đầu là từ trước tới nay chưa phạm tội lần nào. Nếu các lần phạm tội trước đó đã bị xử lý hành chính, đã bị kết án chưa được xoá án hoặc đã được xoá án, hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì lần phạm tội mới này vẫn không được coi là phạm tội lần đầu.
* Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên: Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt quy định đối với tội ấy là từ 03 năm đến 07 năm tù. Người bị kết án về tội nghiêm trọng trở lên nếu được tha từ trước thời hạn có điều kiện thì người đó phải được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù
* Có nơi cư trú rõ ràng: Nơi cư trú của công dân theo quy định tại Điều 4 Luật cư trú được xác đinh như sau:
1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này, thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn.”Việc xác định nơi cư trú rõ ràng của người bị kết án khi tha tù trước thời hạn có điều kiện giúp thuận lợi cho việc quản lý, giám sát người bị kết án trong quá trình chấp hành thời gian thử thách.”
* Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự: Hình phạt bổ sung là biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong luật hình sự, do Tòa án nhân danh nhà nước tuyên kèm theo hình phạt chính trong bản án kết tội với người bị kết án, tước bỏ, hạn chế những quyền và lợi ích nhất định của họ hoặc đặt ra những nghĩa vụ pháp lý nhất định đối với họ nhằm củng cố, tăng cường hiệu quả của hình phạt chính và phòng ngừa tội phạm. Việc chấp hành xong hình phạt bổ sung của người bị kết án là điều kiện quan trong khi tha tù trước thời hạn.
*  Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Ngoài ra đối với trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Điều 106 Bộ luật hình sự quy định, người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 66 của Bộ luật này có thể được tha tù trước hạn khi có đủ các điều kiện sau: Phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù; có nơi cư trú rõ ràng.
b. Khoản 2 Điều 66 BLHS quy định không áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299 của Bộ luật này; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251 và 252 của Bộ luật này;
Đó là các tội: Xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và sản xuất trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy. Tuy nhiên, quy định không áp dụng biện pháp này đối với người bị kết án 10 năm tù trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc

b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này.
So với chế định miễn chấp hành hình phạt (Điều 62) hoặc giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63) thì chế định tha tù trước thời hạn có một số điểm tương đồng về điều kiện áp dụng, về thẩm quyền áp dụng,… nhưng về bản chất có sự khác biệt. Trong chế định miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm mức hình phạt đã tuyên thì Nhà nước đã miễn cho người bị kết án toàn bộ hoặc một phần hình phạt chưa chấp hành; còn với chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì Nhà nước chỉ cho người bị kết án “nợ” một phần hình phạt chưa chấp hành, phần nợ chưa chấp hành gọi là thời gian thử thách còn lại của hình phạt tù. Người được kết án đã được giảm mức hình phạt đã tuyên còn là một trong các điều kiện để được áp dụng tha tù có điều kiện đối với trường hợp đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Bản chất pháp lý của tha tù trước thời hạn có điều kiện

Về bản chất pháp lý, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vẫn là người đang chấp hành án, chỉ thay đổi hình thức từ chấp hành án trong các cơ sở giam giữ sang chấp hành tại cộng đồng xã hội. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách như sau:

– Thứ nhất: Người được tha tù có điều kiện nếu cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với họ và buộc họ phải quay trở lại Trại giam để chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành xong mà không được xem xét trừ thời gian đã được tạm tha vào thời gian thi hành án phạt tù còn lại. Tuy nhiên, trong trường hợp này khả năng người được tha tù bị hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện chỉ là “có thể” vì còn phụ thuộc vào sự đánh giá của Tòa án về mức độ vi phạm của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, nhất là trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính.

– Thứ hai, trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì hậu quả người được tha tù bị hủy bỏ biện pháp tha tù có điều kiện là “Đương nhiên”. Tòa án xét xử buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp hình phạt của bản án mới với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước theo quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án tại Điều 56 của BLHS.

– Thứ ba : Việc Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về biện pháp tha tù có điều kiện thể hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách hình sự, mang tính nhân đạo, khuyến khích sự tham gia của gia đình người phạm tội và cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ và giám sát người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tích cực cải tạo, nhận thức ra lỗi lầm của mình, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, trở thành công dân có ích cho xã hội. Để tạo điều kiện cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thêm động lực học tập cải tạo, sớm tái hòa nhập cộng đồng trở thành công dân tự do, có ích cho xã hội, BLHS năm 2015 quy định việc giảm thời hạn thử thách cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
Việc quy định vấn đề này trong BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính khả thi của việc áp dụng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thực tế, có ý nghĩa răn đe buộc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải tích cực lao động, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật trong thời gian thử thách và có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa người phải chấp hành án tiếp tục phạm tội mới.

3. Ý nghĩa của việc quy định tha tù trước thời hạn có điều kiện:

Nhằm thực hiện quy định về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 144/2016/QH13, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1461/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện và được áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 để bảo đảm quyền lợi đối với người bị kết án phạt tù đang chấp hành án ở các cơ sở giam giữ.

Ở Việt Nam thì đây là chế định mới nhưng trên phạm vi thế giới thì có rất nhiều nước đã áp dụng từ rất lâu do những mặt tích cực mà nó đem lại. Cụ thể, quy định này một mặt tạo điều kiện cho người bị kết án phạt tù có cơ hội được cải tạo trong môi trường bình thường, qua đó hạn chế những tác động tiêu cực do việc giam giữ mang lại, tạo thuận lợi cho việc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng của họ. Mặt khác, với các điều kiện thử thách chặt chẽ đặt ra cho người được tha tù trước thời hạn sẽ có tác dụng giáo dục họ sống có trách nhiệm, có kỷ luật, tăng quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội, qua đó bảo đảm hiệu quả trong việc phòng ngừa tái phạm. Biện pháp này khuyến khích, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, gia đình, các đoàn thể xã hội trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham gia giám sát, giáo dục, phục hồi người được tha tù trước thời hạn, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án của Nhà nước ta, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước liên quan đến công tác quản lý, giám sát, chế độ ăn ở, sinh hoạt, học tập của phạm nhân. Đặc biệt, với việc áp dụng chế định này, hàng năm sẽ một lượng lớn phạm nhân được trả tự do và do đó, giúp giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở giam giữ hiện nay, qua đó cải thiện các điều kiện sinh hoạt cho người đang chấp hành án phạt tù.

Hoàng Anh
Giảng viên Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh