LỊCH SỬ


QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG ĐÀO TẠO,
BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ KIỂM SÁT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (9/1975) đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tiến hành trong cả nước. Từ 24/6 đến 03/7/1976, Quốc hội Khóa VI nước Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên tại Hà Nội. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ ngày 02/7/1976). Quốc hội đã bầu các cơ quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân trong phạm vi cả nước ra đời.

Trong những năm đầu mới thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, đội ngũ cán bộ kiểm sát của Ngành ở phía Nam còn rất thiếu. Ngoài một số cán bộ, Kiểm sát viên được điều động từ các tỉnh phía Bắc, hầu hết cán bộ mới được tuyển dụng vào Ngành là bộ đội chuyển ngành, lực lượng thanh niên xung phong đã thực hiện xong nghĩa vụ. Lực lượng cán bộ này đã trải qua chiến đấu, được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt nhưng lại chưa am hiểu nhiều về pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát. Trước tình hình đó, ngày 07/01/1978, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (gọi tắt là VKSND) tối cao đã ra Quyết định số 02/QĐ-V9 về việc tách bộ phận cán bộ của ngành Kiểm sát thuộc Trường Tư pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh để thành lập Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát. Sự ra đời của Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát – tiền thân của Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngày nay), là một bước ngoặc quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, đặc biệt đối với VKSND các tỉnh phía Nam và kể từ đó, ngày 07/01 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Nhà trường.

Trong chặng đường hơn 40 năm xây dựng và phát triển, với nhưng biến cố thăng trầm qua từng thời kỳ lịch sử, trải qua 06 lần đổi tên để có được Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh như ngày hôm nay. Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Nhà trường qua các thời kỳ đã phấn đấu không ngừng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm sát, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng vững mạnh.

II. LỊCH SỬ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG

1. Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát (1978 – 1979)

Hòa chung trong không khí hân hoan, vui mừng khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất sau những năm kháng chiến trường kỳ với nhiều hy sinh, gian khổ của cả dân tộc; sau giải phòng, đất nước ta cũng đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách, tình hình chính trị, kinh tế – xã hội hết sức khó khăn, phức tạp. Nhiệm vụ cấp bách của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp là phải tiến hành xây dựng, thiết lập chính quyền cách mạng của nhân dân để nhanh chóng ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng, tiến hành cải tạo XHCN và xây dựng CNXH; trấn áp bọn phản cách mạng, xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản, khôi phục và phát triển sản xuất, giải quyết nạn thất nghiệp…v.v.

Trong bối cảnh đó, trước tình hình cán bộ Kiểm sát ở các tỉnh phía Nam thiếu trầm trọng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Kiểm sát nhân dân trở nên rất cấp thiết, do đó ngày 07/01/1978 Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-V9 thành lập Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, với tư cách là một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân trực thuộc VKSND tối cao; Trường có nhiệm vụ là mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát mới vào ngành và các lớp bổ túc theo trình độ trung cấp cho VKSND các tỉnh phía Nam.

Ra đời trong bối cảnh đất nước chưa kịp hàn gắn vết thương chiến tranh lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc, lũ lụt xảy ra liên tiếp, mùa màng thất thu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Nhà trường và của Ngành. Trong khi đó, tổ chức bộ máy của Phân hiệu mới được hình thành, đội ngũ giáo viên còn rất hạn chế, cơ sở Trường đặt tại 27 Nguyễn Trung Trực, Quận 1 vừa chật hẹp, lại xuống cấp và không ổn định, chưa đáp ứng tốt cho công tác đào tạo. Trong điều kiện đó, Nhà trường vừa mở lớp, vừa đón tiếp, phục vụ cán bộ phía Bắc vào công tác phía Nam vừa phải tìm địa điểm mới để xây dựng trường lâu dài; đời sống của cán bộ, giáo viên, học viên vô cùng thiếu thốn, khó khăn. Mặc dù vậy, tập thể cán bộ, giáo viên của Phân hiệu đã ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn để bắt tay vào việc mở lớp, dựng trường. Trong 2 năm 1978 – 1979 đã mở được 2 khóa bổ túc trung cấp kiểm sát với 238 học viên, phần lớn học viên là bộ đội chuyển ngành, thanh niên xung phong vừa hoàn thành nghĩa vụ được bổ sung vào ngành Kiểm sát và giữ vị trí lãnh đạo ở các VKSND quận, huyện. Bên cạnh đó, Phân hiệu còn phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao và các VKSND ở địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Nghĩa Bình, Khánh Hòa, Minh Hải… mở các lớp bồi dưỡng, bổ túc nghiệp vụ 02 tháng, việc mở các lớp nghiệp vụ này được các VKSND địa phương đánh giá cao và tạo tiền đề để lãnh đạo VKSND tối cao giao thêm cho Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ, Kiểm sát viên cho các tỉnh phía Nam có trình độ pháp lý, chuyên môn nghiệp vụ ở bậc trung cấp hệ tập trung.

2. Trường Cán bộ kiểm sát (1980 – 1981)

Ngày 08/01/1980, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định số 03/QĐ về việc đổi tên Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát thành Trường Cán bộ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, nhiệm vụ mới của Nhà trường được bổ sung là “Đào tạo và bổ túc cán bộ cho ngành theo hệ trung cấp kiểm sát. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong từng thời gian VKSND tối cao sẽ giao cho Trường mở các lớp bồi dưỡng tại chức khác”. Trong thời gian này, tuy điều kiện cơ sở vật chất không thay đổi nhưng công tác tổ chức cán bộ có những chuyển biến tốt hơn, cơ cấu tổ chức được xác định rõ, bao gồm: Ban Giám hiệu, 02 Phòng chức năng, 03 Tổ bộ môn; biên chế được tăng thêm, nâng tổng số cán bộ, công chức nhà trường là 50 người; trong đó, đội ngũ giảng viên có 21 đồng chí. Hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể tích cực góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua dậy tốt, học tốt, phục vụ tốt trong toàn trường.

Tháng 3 năm 1980, khóa trung cấp kiểm sát đầu tiên khai giảng tại Trường Cán bộ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ pháp lý của ngành Kiểm sát nhân dân ở các tỉnh phía Nam, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ từng bước chính quy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Công tác giảng dạy, quản lý, học tập sớm đi vào nề nếp và đạt kết quả tốt. Sau 18 tháng học tập có 218 học sinh tốt nghiệp, bổ sung một lực lượng cán bộ trẻ được đào tạo có hệ thống cho ngành Kiểm sát nhân dân ở phía Nam, kết quả này đã mở ra hướng phát triển mới của Nhà trường.

3. Trường Trung cấp kiểm sát (1982 – 2001)

Ngày 17/02/1982, bộ máy làm việc của VKSND tối cao được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn theo Quyết định số 138/QĐ/HĐNN, trong đó có Trường Trung cấp kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng ghi nhận sự ra đời, xây dựng và phát triển của Nhà trường.

Thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao, nhà trường tiếp tục tổ chức tuyển sinh mở các lớp bổ túc và chuyên tu trung cấp kiểm sát ngắn hạn, trung cấp tập trung 02 năm. Do nhu cầu đào tạo cán bộ, Kiểm sát viên ở trình độ cao hơn, nên từ năm 1982, VKSND tối cao giao thêm cho Trường nhiệm vụ tổ chức quản lý, theo dõi và đảm bảo phục vụ đời sống cho các khóa Cao đẳng kiểm sát hệ tại chức do Trường Cao đẳng kiểm sát Hà Nội mở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, tham gia tuyển sinh và giảng dạy các lớp Cao đẳng kiểm sát hệ đào tạo tập trung và đào tạo chuyên tu, tại chức cho các tỉnh phía Nam; Trường đã phối hợp với các VKSND phía Nam mở các lớp trung cấp kiểm sát ngắn hạn, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ kiểm sát mới vào ngành đã tốt nghiệp cử nhân Luật hoặc cử nhân các chuyên ngành đào tạo khác tại địa phương; phối hợp mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ đang công tác trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung biên soạn đề cương, tài liệu bài giảng các môn học theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, theo Hiến pháp năm 1992 và những văn bản pháp luật mới được Nhà nước ban hành, từ đó giúp cho việc giảng dạy và học tập đi vào nề nếp, ngày càng có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước.

Thời kỳ này bộ máy làm việc của Nhà trường được củng cố thêm một bước, Hội đồng khoa học được thành lập và bước đầu tập trung nghiên cứu phục vụ cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Công tác đào tạo cán bộ, giảng viên của Trường được chú ý, hầu hết giáo viên, cán bộ được cử đi học các lớp CĐKS, một số giáo viên đi bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài. Về xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường bước đầu cũng đã có những thay đổi đáng kể. Từ năm 1989, sau khi được Ban Tài chính Quản trị Trung ương chuyển nhượng một phần cơ sở vật chất của Trường Nguyễn Ái Quốc II (cũ), Trường đã bắt tay vào việc xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình phục vụ giảng dạy, học tập, làm việc, sinh hoạt. Bộ mặt của Nhà trường từ thời điểm này bắt đầu ngày càng được đổi mới, từng bước đáp ứng được nhu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên.

4. Trường Cao đẳng kiểm sát (2001 – 2005)

Ngày 24/4/2001, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định số 1915/QĐ-BGD&ĐT-TCCB thành lập Trường Cao đẳng kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh. Việc Trường Cao đẳng kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh ra đời, tồn tại độc lập song song với Trường Cao đẳng kiểm sát Hà Nội và thuộc bộ máy tổ chức của VKSND tối cao là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Nhà trường, là sự ghi nhận của cơ quan quản lý nhà nước đối với Nhà trường về nội dung đào tạo, về năng lực đội ngũ giảng viên, về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo ở bậc cao đẳng.

Mặc dù gặp không ít khó khăn do nâng bậc đào tạo, nhưng Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường đã tích cực làm công tác tư tưởng cho cán bộ, giảng viên nhận thức đúng nhiệm vụ mới, an tâm công tác; chú trọng thực hiện đầy đủ chế độ chính sách về lương, thưởng hợp lý; Công đoàn nhà trường thường xuyên quan tâm đời sống của cán bộ, giáo viên, các phòng chức năng luôn phối hợp chặt chẽ, dân chủ trong mọi hoạt động; công tác sinh viên tại trường được triển khai thực hiện tốt, việc xét miễn giảm học phí, cấp học bổng, trợ cấp xã hội đầy đủ cho sinh viên theo đúng đối tượng, chính sách và quy định của Nhà nước…

Với nỗ lực và quyết tâm cao, nhà trường đã phấn đấu và đạt được một số thành tích đáng kể, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra; việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, học tập luôn bám sát chương trình, kế hoạch tổng thể của VKSND và Trường Cao đẳng kiểm  sát Hà Nội với nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo chương trình giảng dạy phù hợp; trong công tác quản lý giảng dạy, học tập, nhà trường quan tâm tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo với sinh viên, học viên để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng và phản hồi phía học viên để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong học tập, sinh hoạt nhằm luôn đảm bảo được tính dân chủ trong quản lý, chỉ đạo điều hành.

5. Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2005 đến nay):

5.1. Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát (2005 – 2015):

Năm 2002, đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về yêu cầu cải cách tư pháp; Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, Bộ luật dân sự năm 2005… là bước cụ thể hoá của quá trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Do đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên phải có trình độ cử nhân Luật và được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát nên việc đào tạo cán bộ kiểm sát ở trình độ cao đẳng kiểm sát không còn phù hợp. Vì vậy, ngày 25/11/2005, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số số 77/2005/QĐ-VKSTC-V9 “Về việc chuyển Trường Cao đẳng kiểm sát Tp. Hồ Chí Minh thành Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Theo đó, Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân các tỉnh phía Nam (từ Thừa Thiên Huế trở vào); nghiên cứu khoa học phục vụ công tác giảng dạy, học tập; tham gia xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hằng năm của VKSND tối cao và các đề án về đổi mới hoạt động của Nhà trường.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới, hằng năm căn cứ vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của VKSND tối cao, Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tổ chức mở các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, mở các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu; thực hiện nhiều chương trình bồi dưỡng cho nhiều loại hình và đối tượng khác nhau (cán bộ quản lý, Kiểm sát viên, cán bộ mới vào ngành, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát hình sự, kiểm sát dân sự,…) nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên. Ngoài ra, Nhà trường còn được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ sở đào tạo đại học Luật khác mở các lớp hoàn chỉnh kiến thức cử nhân luật cho một số cán bộ đã tốt nghiệp Cao đẳng kiểm sát. Các hình thức đào tạo này, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cán bộ và chuẩn hóa trình độ các chức danh tư pháp ngành Kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Từ năm 2012, ngoài đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ của Nhà trường ngày càng được mở rộng về quy mô, đa dạng về loại hình và đối tượng bồi dưỡng so với những năm trước đây như: Bồi dưỡng kiến thức về thông tin, tuyên truyền; nghiệp vụ về thống kê tội phạm, nghiệp vụ về công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại tố cáo, nghiệp vụ về công tác văn phòng…

5.2. Từ năm 2015 đến nay – Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, cơ cấu tổ chức bộ máy và hoạt động của VKSND đã có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn để tiếp tục thực hiện có hiệu quả yêu cầu cải cách tư pháp. Căn cứ Nghị quyết số 951/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bộ máy làm việc của VKSND, ngày 02/6/2015, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 445/QĐ-VKSTC-V15 “Về việc thành lập Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh”, theo đó, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân và thuộc bộ máy làm việc của VKSND tối cao.

Cùng với việc khẳng định địa vị pháp lý thì chức năng, nhiệm vụ của Trường cũng được mở rộng về quy mô và quy định cụ thể hơn. Theo Quyết định số 445/QĐ-VKSTC-V15 ngày 02/7/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao thì chức năng, nhiệm vụ của Trường được quy định:

Một là, Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp;

Hai là, Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn của ngạch công chức, viên chức, tiêu chuẩn các chức danh, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định của pháp luật và quy định của VKSND tối cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức;

Ba là, Tập huấn và bồi dưỡng chuyên đề thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp;

Bốn là, Hợp tác quốc tế về công tác đào tạo, bồi dưỡng Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức, viên chức của VKSND;

Năm là, Nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học pháp lý theo quy định của pháp luật phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng;

Sáu là, Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Viện trưởng Viện KSND tối cao giao.

Về tổ chức bộ máy của Nhà trường đã được kiện toàn và sắp xếp hợp lý và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, Trường có 04 khoa (Khoa kiểm sát hình sự, Khoa kiểm sát dân sự, Khoa tội phạm học và Điều tra tội phạm, Khoa Quan hệ quốc tế) và 04 phòng (Phòng Đào tạo, phòng Tổ chức hành chính, phòng Quản trị và phòng Quản lý khoa học và Thông tin tư liệu). Tổng số biên chế có 64 công chức, viên chức và 10 hợp đồng lao động 68. Đội ngũ giảng viên đã có nhiều thay đổi, đến nay trường có 34 giảng viên, trong đó có 02 Tiến sĩ, 03 người đang làm nghiên cứu sinh, hầu hết giảng viên đều có trình độ Thạc sĩ (trừ một số giảng viên mới được tuyển dụng).

Như vậy, với địa vị pháp lý được xác định là một đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, thuộc bộ máy của VKSND tối cao, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong hai cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng; số lượng các khóa đào tạo, bồi dưỡng và số lượng học viên ngày càng tăng cao, đặc biệt nhà trường đã chủ động phối hợp với VKSND các địa phương mở các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu theo từng chuyên đề, từng khâu công tác cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên theo nhu cầu thực tiễn của từng địa phương; phối hợp với Học viện hành chính quốc gia mở các lớp bồi dưỡng kiến thức lý luận quản lý hành chính nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính để chuẩn hóa các chức danh tư pháp, đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn khi tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Với sự nỗ lực phấn đấu và những thành tích đạt được, hàng năm Nhà trường được VKSND tối cao công nhận là Đơn vị tiên tiến, đơn vị thi đua xuất sắc, nhiều tập thể và cá nhân của Nhà trường đạt các danh hiệu thi đua của Nhà trường, của Ngành và của Nhà nước. Đặc biệt với những thành tích nổi bật trong thời gian từ năm 1996 đến nay, Nhà trường đã được Hội đồng thi đua VKSND tối cao đề nghị Chủ tịch nước hai lần tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997 và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2018; Nhà nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2018, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2000; được tặng Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân các năm 2012, 2016, 2018. Những ghi nhận trên của Nhà nước, của Ngành là nguồn động lực lớn lao, giúp Nhà trường tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng nguồn nhân lực cho ngành.

III. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Tập trung xây dựng và phát triển Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng chính quy, hiện đại và chuyên môn hóa sâu, đáp ứng yêu cầu mở rộng về quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển Nhà trường theo hướng bền vững trên cơ sở ba trụ cột, đó là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ giảng viên; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng và giáo trình, tài liệu phù hợp và sát với thực tiễn; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị  hiện đại đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Nhà trường được xác định cụ thể như sau:

Một là, rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức, bảo đảm xác định rõ vị trí, nhiệm vụ của từng đơn vị, cá nhân, đảm bảo hoạt động thực chất, hiệu quả; cơ cấu lại đội ngũ giảng viên của Nhà trường về số lượng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao, bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát chuyên sâu, kết hợp bồi dưỡng kiến thức bổ trợ khác cho cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành.

Hai là, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và chú trọng tính ứng dụng thực tiễn của các công trình nghiên cứu khoa học; xây dựng cơ chế hợp tác, gắn kết công tác nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo, bồi dưỡng của Ngành; gắn kết chặt chẽ với xây dựng hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ kiểm sát bảo đảm chất lượng, sát với yêu cầu thực tiễn; tiến tới trở thành đơn vị đầu mối của hoạt động xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng của ngành Kiểm sát nhân dân.

Ba là, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường rèn luyện khả năng ứng dụng thực tiễn cho học viên, phấn đấu bảo đảm tối thiểu tỷ lệ giờ thực hành từ 40% trở lên; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và mạng truyền hình trực tuyến vào hoạt động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

Bốn là, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường liên kết, phối hợp với các Viện kiểm sát địa phương để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại địa phương hoặc theo khu vực để tạo thuận lợi cho những vùng sâu, vùng xa hoặc ở những địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; nghiên cứu, đề xuất với VKSND tối cao và các cơ quan có thẩm quyền để mở cơ sở liên kết đào tạo các loại hình bồi dưỡng chuyên ngành.v.v.

Năm là, phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành để mở các lớp đào tạo cử nhân luật văn bằng 2; các khóa đào tạo cao học và các loại hình, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng khác theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Nhìn lại quãng đường hơn 40 năm xây dựng và phát triển, đây là khoảng thời gian không dài so với lịch sử phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân, nhưng đã có bao nhiêu biến cố thăng trầm qua từng thời kỳ lịch sử gắn với 6 lần đổi tên để có được Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh như ngày hôm nay. Mặc dù trong những năm sắp tới nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của Nhà trường ngày càng mở rộng về quy mô và yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy và học tập, nhưng với truyền thống hơn 40 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo VKSND tối cao, sự phối hợp có hiệu quả giữa Nhà trường với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, các VKSND địa phương, nhất định đội ngũ giảng viên, cán bộ, viên chức Nhà trường sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được VKSND tối cao giao./.