CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA NHÀ TRƯỜNG
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) và phấn đấu xây dựng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Nghiệp vụ) trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của ngành KSND ở các tỉnh phía Nam, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên, học viên của Nhà trường thực hiện và tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Ngành.
Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) bao gồm: Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Trường, cấp đơn vị; xây dựng chương trình khung; viết, biên soạn giáo trình, tài liệu; tham gia thực hiện các chương trình, đề tài NCKH của ngành Kiểm sát nhân dân; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; tham gia đóng góp ý kiến dự thảo luật, các văn bản pháp luật, quy chế, quy định, văn bản nghiệp vụ của Nhà nước và của Ngành;…
- Tổng quan hoạt động nghiên cứu khoa học của trường thời gian qua
Nghiên cứu khoa học là hoạt động luôn được Nhà trường quan tâm và đầu tư thích đáng hằng năm nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giảng viên và nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên nhà trường; hoạt động NCKH theo phương châm gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, thiết thực cho việc dạy và học của giảng viên và học viên nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân.
Trong những năm qua, công tác NCKH của Nhà trường được đẩy mạnh, tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Các lĩnh vực NCKH và sản phẩm NCKH của Trường ngày càng đa dạng, phong phú, bám sát thực tiễn. Ngoài nhiệm vụ xây dựng các đề tài, chuyên đề nghiệp vụ chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học pháp lý, Trường có nhiệm vụ tổ chức xây dựng và biên soạn các loại giáo trình, chương trình, tập bài giảng và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; xây dựng các quy định về công tác tổ chức cán bộ; về quản lý tài sản; về công tác văn thư, lưu trữ; về chế độ chính sách đối với giảng viên, học viên; về hoạt động của Hội đồng khoa học; về công tác NCKH; về tổ chức, hoạt động, sử dụng Trang thông tin điện tử; về chế độ nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm, thông tin đăng trên Trang thông tin điện tử… Cụ thể: Đã xây dựng được 04 đề tài khoa học cấp Bộ; 29 chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng, chủ trì, phối hợp với Đại học Kiểm sát Hà Nội và các đơn vị thuộc VKSND tối cao biên soạn, hoàn thiện 26 giáo trình, tài liệu, tập bài giảng; triển khai nghiên cứu và hoàn thành 154 chuyên đề, đề tài khoa học cấp Trường, cấp Khoa; cán bộ, giảng viên của Nhà trường qua các thời kỳ đã soạn mới và chỉnh sửa, bổ sung hàng trăm giáo án, bài giảng; chỉnh sửa, bổ sung gần 50 tập bài giảng, giáo trình của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, bồi dưỡng chuyên sâu về khoa học điều tra; xây dựng và hoàn thiện hơn 230 bộ hồ sơ thực hành về khoa học điều tra; kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự; kiểm sát án dân sự, hành chính; hồ sơ dùng để diễn án hình sự, dân sự… Bên cạnh đó, hằng năm cán bộ, giảng viên nhà trường còn tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án luật và các loại văn bản pháp luật, quy chế, đề án mới khác của Nhà nước, của ngành Kiểm sát nhân dân.
Các hoạt động nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ trên diễn đàn của Trang Thông tin điện tử của Nhà trường cũng đã góp phần đẩy mạnh hoạt động NCKH của cán bộ, giảng viên, học viên. Nhìn chung, công tác NCKH của cán bộ, giảng viên thời gian qua đã góp phần rất quan trọng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
- Kết quả xây dựng chuyên đề, đề tài khoa học của Nhà trường qua các thời kỳ
Từ khi thành lập đến năm 1997: Trong những năm đầu mới thành lập, do Nhà trường còn khó khăn về nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất nên công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường chưa được chú trọng nhiều, các tài liệu, giáo trình phục vụ giảng dạy, học tập chủ yếu do Trường Cán bộ kiểm sát Hà Nội xây dựng, thực hiện. Từ năm 1992 đến năm 1997, Nhà trường đã có những bước tiến mới trong công tác nghiên cứu khoa học, Hội đồng khoa học hoạt động tích cực và hiệu quả hơn, các cán bộ, giảng viên đã tập trung và đầu tư thời gian thỏa đáng cho công tác nghiên cứu khoa học. Bằng sự nhiệt tình, hăng say và ý thức nghề nghiệp các thầy giáo, cô giáo đã thực hiện được 13 chuyên đề, đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy như: “Cải tiến phương pháp và nội dung giảng dạy các môn học thuộc bộ môn Mác – Lênin” của bộ môn Chính trị; Biên soạn giáo trình Lao động của Bộ môn Kiểm sát xét xử dân sự; Luật phá sản doanh nghiệp (Bộ môn CTKS) và những chuyên đề khác như: Nguyên tắc pháp chế trong Luật hình sự Việt Nam; thừa kế theo di chúc trong Luật dân sự Việt Nam; Nguyên tắc nhân đạo trong Luật hình sự Việt Nam … Ngoài ra, Nhà trường còn tham gia thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến có giá trị vào dự thảo Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản, chuyên đề nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; đã soạn mới 139 giáo án, chỉnh sửa, bổ sung 61 giáo án. Nhà trường đã thường xuyên quan tâm, phân bổ thời gian hợp lý để các giảng viên xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đi thực tế tại các VKSND địa phương và coi đây cũng là một nhiệm không thể thiếu của giảng viên để nắm bắt những vấn đề thực tiễn, nhằm gắn lý luận với thực tiễn hoạt động công tác kiểm sát giúp cho bài giảng sinh động, có chất lượng cao. Trong thời gian này, đội ngũ giảng viên của Nhà trường còn mỏng (18 người), so với số lượng học viên và quy mô đào tạo hàng năm ngày một tăng, Ban Giám hiệu đã thường xuyên động viên cán bộ, giảng viên nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy.
Từ năm 1998 đến 2007: Nhà trường tập trung nghiên cứu các đề tài, chuyên đề phục vụ cho việc giảng dạy, đào tạo trung cấp và cao đẳng kiểm sát. Cụ thể là: Thực hiện 02 đề tài cấp Bộ; 35 đề tài, chuyên đề khoa học cấp Trường, trong đó có 05 chương trình khung, tài liệu được ban hành, cụ thể là: (Chương trình Đào tạo tiền công vụ; Chương trình về công tác văn thư lưu trữ trong ngành KSND; Chương trình Bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán – tài chính; Chương trình Bồi dưỡng nghiệp vụ về kiểm sát các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cho Kiểm sát viên cấp huyện và Chương trình Bồi dưỡng kiến thức thực hành quyền công tố và kiểm sát hình sự cho Kiểm sát viên cấp huyện), các chương trình khung, tài liệu này đã được VKSND tối cao thông qua và đưa vào giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng trong giai đoạn này. Đồng thời, với việc thực hiện các chuyên đề, đề tài khoa học, cán bộ, giảng viên của Nhà trường còn tham gia các hoạt động NCKH khác do Ngành giao; tiến hành biên soạn đề cương, bài giảng, tài liệu, giáo trình các môn học theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, theo Hiến pháp năm 1992 và các văn bản pháp luật mới, giúp cho việc giảng dạy, học tập đi vào chiều sâu, đáp ứng được yêu cầu đào tạo ở bậc cao hơn.
Từ năm 2008 đến năm 2015: Trong giai đoạn này, do nhà trường đã chuyển chức năng, nhiệm vụ sang đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ của Ngành, nên nội dung công tác đào tạo, bồi dưỡng có sự thay đổi căn bản, chủ yếu trang bị, cập nhật kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên, do đó, công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong giai đoạn này tập trung vào việc xây dựng chương trình khung, biên soạn tài liệu phục vụ mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát chuyên sâu; biên soạn tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý, chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước và kiến thức bổ trợ khác; thực hiện các đề tài, chuyên đề khoa học, xây dựng hồ sơ thực hành … để nâng cao chất lượng giảng dạy và phục vụ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ của Ngành. Cụ thể, trong giai đoạn này Nhà trường đã thực hiện 127 chương trình, đề tài, chuyên đề khoa học; đặc biệt đã hoàn thiện và đưa vào giảng dạy 11 chương trình khung, tài liệu, điển hình là: Chương trình bồi dưỡng Một số kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án giết người và cố ý gây thương tích; Chương trình bồi dưỡng Một số kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội lừa đảo; lạm dụng tín nhiệm; sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản; Chương trình Bồi dưỡng cho cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát dân sự, hành chính ở VKSND cấp huyện; “Chương trình Bồi dưỡng cho cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự ở VKSND cấp huyện…; chỉnh sửa, bổ sung 12 tập bài giảng, giáo trình của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, bồi dưỡng chuyên sâu về khoa học điều tra; xây dựng và hoàn thiện hơn 100 bộ hồ sơ thực hành về nghiệp vụ kiểm sát, kiểm sát án dân sự, hành chính, thực hành nghiệp vụ điều tra…Đồng thời, tích cực tham gia góp ý đối với các dự án luật và các loại văn bản pháp luật, quy chế, quy định của Nhà nước, của Ngành.
Đặc biệt, trong giai đoạn này (năm 2014), Nhà trường đã xây dựng và hoàn thiện Chương trình khung và biên soạn tài liệu Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân nước CHDCND Lào và đã đưa vào giảng dạy hằng năm cho cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.
Từ năm 2016 đến nay: Kể từ năm 2016, ngành KSND đã tin tưởng giao toàn bộ việc xây dựng các chương trình khung và triển khai viết, biên soạn tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho Trường Nghiệp vụ. Do đó, công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Các lĩnh vực NCKH và sản phẩm nghiên cứu khoa học của Nhà trường đa dạng, phong phú hơn, cụ thể là: Đã xây dựng và hoàn thành 02 đề tài khoa học cấp Bộ; 16 chương trình khung về bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát án hình sự; bồi dưỡng kỹ năng về khoa học điều tra, kỹ năng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; bồi kỹ năng kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính; bồi dưỡng kỹ năng thi hành án dân sự; bồi dưỡng nghiệp vụ về hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự; bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác văn phòng…; đặc biệt, nhà trường đã hoàn thành việc xây dựng chương trình khung Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát để triển khai viết Bộ giáo trình này trong năm 2020; triển khai viết, biên soạn 14 Tập bài giảng, điển hình như: Chương trình Bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án dân sự, hành chính, KDTM và lao động; Chương trình Bồi dưỡng kỹ năng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; Chương trình Bồi dưỡng kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự; Chương trình Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống vi phạm pháp luật và phòng chống tham nhũng; Chương trình Bồi dưỡng kiến thức quản lý chỉ đạo, điều hành cho lãnh đạo VKSND cấp tỉnh, cấp vụ;….; triển khai nghiên cứu và hoàn thành 81 đề tài, chuyên đề khoa học cấp cơ sở, chỉnh sửa, bổ sung 21 tập bài giảng, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng 05 bộ đề thi học phần và hoàn thiện 120 bộ hồ sơ về thực hành nghiệp vụ kiểm sát hình sự, kiểm sát dân sự hành chính, thực hành nghiệp vụ điều tra…Bên cạnh đó, nhà trường còn tích cực tham gia góp ý vào các dự thảo luật, văn bản nghiệp vụ, quy chế, quy định của Ngành.
Nhìn chung, công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần thiết thực cho việc phục vụ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của Nhà trường. Nhiều chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu do Nhà trường xây dựng và thực hiện được Hội đồng thẩm định của VKSND tối cao đánh giá cao, đến khi triển khai giảng dạy cũng được học viên đánh giá là thiết thực và bổ ích góp phần nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho VKSND các địa phương. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục chủ động trong hoạt động nghiên cứu khoa học, như: Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng khoa học; xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ NCKH, gắn sản phẩm NCKH với việc thực hiện nhiệm vụ của giảng viên; thực hiện các đề tài khoa học ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó hằng năm thực hiện ít nhất 01 đề tài NCKH cấp bộ; tăng cường tổ chức các hội thảo khoa học, hội nghị quốc tế tại nhà trường; chủ động thực hiện các đề tài NCKH mang tính ứng dụng thực tiễn về áp dụng pháp luật, về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp chuyên sâu nhằm phục vụ cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành.