Buổi sinh hoạt chuyên đề về nguồn của Đoàn thanh niên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh

Cùng với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021), Đoàn viên thanh niên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Nghiệp vụ) cùng đại diện học viên lớp Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát khóa 28A và khóa 29A đã tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên, về thăm địa chỉ đỏ trên địa bàn Thành phố Thủ Đức. Qua buổi sinh hoạt chuyên đề, đoàn viên thanh niên đã có dịp ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, thắt chặt hơn nữa tinh thần đoàn kết, gắn bó trong toàn thể đoàn viên thanh niên Trường Nghiệp vụ.

Chuyến hành trình về nguồn đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc và ấn tượng đặc biệt trong lòng mỗi người khi dừng chân tại Bót Dây Thép, một địa điểm gắn với lịch sử và con người Quận 9 cũ. Rất may, khi Đoàn đến tham quan đã vô tình gặp được cô Dương Thị Thu Vân – Nguyên Quận uỷ viên, nguyên Trưởng phòng Văn hóa thông tin Quận 9 (cũ), cô là người có nhiều tâm huyết trong việc gìn giữ những giá trị lịch sử và truyền lửa cho các thế hệ thanh niên kế tiếp. Theo chân cô, Đoàn đã tìm hiểu về Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia Bót Dây Thép, di tích gồm 3 căn nhà biệt lập, kiến trúc kiểu Tây phương, tường gạch, mái ngói, lúc bấy giờ nơi đây được dùng làm trạm phát và nhận tin từ Pháp do tên Trung úy Pirolet chỉ huy. Trong 02 năm từ năm 1945 đến năm 1946, binh lính dưới quyền Pirolet đã biến căn nhà thành Bót Dây thép với chuỗi ngày nhiều tang thương, tăm tối đối với bà con vùng Tăng Nhơn Phú và lân cận. Lúc này, phong trào yêu nước bùng nổ khắp nơi, chúng bắt đầu dùng bạo lực hòng đàn áp các phong trào yêu nước của dân ta. Pirolet cùng các tay sai của hắn bắt bớ không chỉ là các chiến sĩ hoạt động cách mạng mà còn cả những người nông dân chất phác, vô tội, sau đó hành hạ bằng nhiều hình thức tra tấn dãn man (như đổ nước xà phòng vào miệng, mũi, nướng đũa sắt lụi vào bằp chân…) rồi chém đầu họ, số nạn nhân dưới lưỡi dao của tên “ách râu” (thuộc hạ thân tín của tên Pirolet) đã lên đến trên 700 người, không chỉ dừng lại ở việc chém giết, chúng còn sử dụng đầu của nạn nhân cắm dọc hai bên đường từ Bót Dây Thép đến cầu Bến Nọc để đàn áp tinh thần yêu nước của nhân dân ta, những cái xác không đầu được chúng ném xuống kênh Bến Nọc. Sau khi được cô Vân kể về những giai thoại trong lịch sử, Đoàn đã rất xúc động và cảm thấy biết ơn với sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng trong thời kháng chiến chống thực dân của người dân Tăng Nhơn Phú nói riêng và những người con đất Việt nói chung.

Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ đi trước, những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Đoàn đã đến dâng hương tại Đền Bến Nọc, Đền nằm giữa một khuôn viên rộng lớn, cổng chính của Đền Bến Nọc được xây dựng theo phong cách cổng làng truyền thống của Việt Nam, có hồ sen bình dị và tượng đài mẹ ôm con. Đền có bia căm thù, ghi lại tội ác của thực dân Pháp cũng như chiến công của Đội dân quân du kích địa phương đã phục kích đánh chìm 2 ghe Pháp, tiêu diệt 15 tên thực dân xâm lược để trả thù cho đồng bào, chiến sĩ đã bị chúng thảm sát.

Điểm dừng chân tiếp theo của Đoàn là Đình Phong Phú, di tích lịch sử – văn hóa cách mạng cấp Quốc gia, là địa chỉ tâm linh mang nét đẹp hàng trăm năm tuổi. Ngoài những giá trị kiến trúc và tâm linh, đình còn là di tích lịch sử cách mạng. Trong đình hiện vẫn còn hầm bí mật để che giấu cán bộ cách mạng thời kỳ kháng chiến. Đình đã cung cấp lương thực, thực phẩm và vũ khí, thuốc men, dầu hôi… cho bộ đội. Tại đây, Đoàn đã được gặp gỡ cô Nguyễn Thị Súng – Nguyên Quận ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Tăng Nhơn Phú A, con gái Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bá, người đã từng chứng kiến những sự kiện lịch sử tại Đình. Theo đó, Đoàn được hiểu rõ hơn về những giá trị lịch sử, những hy sinh đau thương, mất mát mà các thế hệ cha anh đã phải đánh đổi để có được tự do cho Đất nước ngày hôm nay.

Sau khi dâng hương tại Đình Phong Phú và tặng quà cho cô Súng, chuyến hành trình về nguồn của Trường Nghiệp vụ đã kết thúc. Mặc dù chuyến đi rất ngắn nhưng những giá trị mà buổi sinh hoạt mang lại cho Đoàn vô cùng to lớn. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tạo động lực phục vụ công tác tại đơn vị. Để buổi sinh hoạt chuyên đề lần này được thành công tốt đẹp, bên cạnh sự hỗ trợ của cô Nguyễn Thị Vân, cô Nguyễn Thị Súng, hơn hết là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự nhiệt tình, tham gia tích cực của toàn thể Đoàn viên, học viên Nhà trường và đặc biệt là sự hỗ trợ từ đồng chí Phạm Thanh Hậu – Ủy viên Ban Chấp hành Thành đoàn Thành phố Thủ Đức, Bí Thư Đoàn phường Tăng Nhơn Phú B, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin: Thanh Hồng

Một số hình ảnh hoạt động