Bàn về công tác tiếp công dân trong Ngành kiểm sát nhân dân giai đoạn hiện nay

Ths. Phan Thị Thanh – Giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM

Tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước ta. Hoạt động này cũng chính là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thông qua hoạt động này để các tổ chức, cá nhân được nhà nước trao quyền quản lý nắm được yêu cầu, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để giải quyết, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và công dân. Đồng thời, thông qua hoạt động thực tiễn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để rút ra những tồn tại, khó khăn, hạn chế từ đó tiếp tục đề xuất hoàn thiện những quy định pháp luật. Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, bên cạnh công tác nghiệp vụ về thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp thì hoạt động tiếp công dân cũng là khâu công tác nghiệp vụ quan trọng trong công tác thực hiện chức năng của Ngành.

1. Quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quy định của ngành Kiểm sát nhân dân về công tác tiếp công dân

Xuất phát từ Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước kiểu mới “Nhà nước thân dân, lấy dân làm gốc”, mọi hoạt động của Nhà nước đều nhằm phục vụ nhân dân, lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ và “cán bộ là công bộc của Nhân dân”. Do vậy, ngay từ những ngày đầu xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến việc thể chế hoá và hiện thực hoá các quyền tự do, dân chủ trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, Điều 2 của Sắc lệnh này quy định một trong những nhiệm vụ của Ban thanh tra là “Tiếp nhận các đơn khiếu nại của nhân dân”. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên xác định quyền khiếu nại của công dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan đó.

 Tại hội nghị cán bộ Thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “Về công tác xét và giải quyết các việc khiếu nại, tố giác, nhiệm vụ của các Ban Thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy. Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta giải quyết nhanh, tốt chừng nào thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ cũng được củng cố tốt hơn”. Huấn thị trên đã chỉ rõ hai nguyên nhân của khiếu nại: Thứ nhất do là oan ức mà khiếu nại; thứ hai là do chưa hiểu chính sách pháp luật mà khiếu nại. Từ ý nghĩa trên của Huấn thị, liên hệ với thực tế hiện nay cho thấy, ở giai đoạn đầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (công tác tiếp dân) người cán bộ tiếp dân phải có trách nhiệm: Lắng nghe ý kiến của người dân đến khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn, giải thích về pháp luật cho công dân; và giải quyết nhanh, tốt vụ việc một cách thấu tình đạt lý. Do vậy, nếu làm tốt công việc ở giai đoạn này sẽ khắc phục được phần nào tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp như hiện nay.

Trên cơ sở cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi nhận trong Hiến pháp 1980; ngày 23/9/1989, Ban Bí thư đã ban hành Thông báo số 164-TB/TW về việc tiếp công dân và bảo vệ Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước; ngày 6/3/2002, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 09/CT-TW về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đó quy định: “Các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp phải đặc biệt quan tâm đến việc tiếp dân, giải quyết đúng đắn, kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, ngăn ngừa, khắc phục tình trạng công dân khiếu tố vượt cấp, không đúng nơi quy định, gây mất trật tự nơi công sở hoặc nhà riêng các đồng chí lãnh đạo, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.”

Nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tiếp công dân, Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật khiếu nại, tố cáo 1998; Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo; Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp công dân; Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2011, Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại, Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo. Tiếp đó, Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật tiếp công dân (Luật) với 9 chương, 36 điều và có hiệu lực từ ngày 01/7/2014 Quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

Trên cơ sở định hướng lãnh đạo của Đảng và quy định của Hiến pháp và Pháp luật về nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Kiểm sát nhân dân đã thể chế hóa và ban hành hệ thống văn bản pháp lý quy định về công tác tiếp công dân nhằm nâng cao hiệu quả của khâu công tác này, như: Quyết định số 59/2006/QĐ-VKSTC-V7 ngày 06/02/2006 của Viện trưởng VKSNDTC (Sau đây gọi tắt là Quy chế 59); Quyết định số 51/2016/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng VKSNDTC (Sau đây gọi tắt là Quy chế 51); mới nhất là Quyết định số 249/QĐ-VKSTC ban hành Quy định về quy trình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân. Quy định có hiệu lực kể từ ngày 09/7/2020. Theo đó, đã xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ làm công tác tiếp công dân cũng như trách nhiệm phối hợp của các đơn vị trong công tác tiếp công dân, như: Khi có công dân đến khiếu kiện thì đơn vị liên quan phải cử ngay người có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định; đối với những trường hợp có nhiều công dân cùng khiếu nại, tố cáo thì các đơn vị phải phối hợp kịp thời. Ngoài việc tiếp công dân thường xuyên trong một số trường hợp nhất định còn phải tiến hành tiếp công dân đột xuất. Với việc ngày càng hoàn thiện những quy định pháp luật về công tác tiếp công dân trong ngành Kiểm sát thì đã xác định ngày càng cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của cán bộ tiếp công dân cũng như của người dân khi đến khiếu nại, tố cáo.

2. Một số kết quả thực hiện công tác tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân

Trên cơ sở quy định của pháp luật và các văn bản, quy định, hướng dẫn của Ngành về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND, lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tiếp công dân và đạt được nhiều kết quả quan trọng, sau đây:

Một là, ngành Kiểm sát đã kiện toàn về cơ cấu tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (ở 4 cấp) từ VKSND tối cao đến VKSND cấp huyện[1].

Hai là, việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân của Viện trưởng VKSND các cấp theo quy định của pháp luật được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Trình độ năng lực chuyên môn, pháp lý và kỹ năng công tác dân vận, công tác tuyên giáo của cán bộ tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân được nâng lên rõ rệt, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, ở hầu hết các cấp kiểm sát, đặc biệt là VKSND cấp huyện trên cả nước (hiện có 703 VKSND cấp huyện) đã bố trí được nơi tiếp công dân và phân công cán bộ tiếp công dân thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật. Việc tiếp công dân được bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong công tác tiếp công dân.

Bốn là, Viện kiểm sát các cấp đã từng bước ứng dụng Công nghệ thông tin vào hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Thành lập các trang thông tin về Lịch tiếp công dân; cung cấp hệ thống văn bản, hệ thống biểu mẫu, lập bảng biểu, sổ sách về công tác tiếp công dân để nâng cao hiệu quả công tác.

3. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Trong thời gian qua cùng với việc ban hành, tổ chức thực hiệnnhiều văn bản pháp lý về công tác tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân. Quán triệt nâng cao ý thức, tinh thần làm việc của lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và chuyên viên VKSND các cấp trong công tác tiếp công dân hiệu quả của công tác này đã được nâng lên, tuy nhiên, trong thực tế việc thực hiện công tác này vẫn còn gặp những tồn tại, hạn chế nhất định như:

Một là, vẫn còn một bộ phận Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công tiếp công dân năng lực chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; chưa được bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ. Lãnh đạo một số đơn vị Kiểm sát còn quan niệm: Nếu những Kiểm sát viên, Kiểm tra viên do năng lực hạn chế, không làm án được thì bố trí làm công tác tiếp công dân, đây là suy nghĩ sai lầm, hạn chế, vướng mắc đã tồn tại từ lâu, chưa được nhận thức, khắc phục. Do đó, dẫn đến việc một số công chức làm công tác tiếp công dân chưa phân biệt rõ việc tiếp công dân đến để khiếu nại, tố cáo với kiến nghị, phản ánh trong hoạt động phân loại, xử lý đơn chưa chính xác, hiệu quả, một số trường hợp chưa hỗ trợ được người dân đến khiếu nại, tố cáo. Bất cập chính là cán bộ tiếp công dân không thể trả lời cho công dân được về kết quả xử lý đơn thư cũng như quá trình giải quyết đang ở giai đoạn nào, bao lâu thì có kết luận (hoặc có quyết định). Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đơn thư gửi lòng vòng, vượt cấp, kéo dài, đặc biệt là mất lòng tin của dân đối với cơ quan tiếp công dân.

Hầu hết các quy định của pháp luật tiếp công dân đều quy định người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều có “quyền” và “nghĩa vụ”. Tuy nhiên, thực trạng “quyền thì nhiều”, “nghĩa vụ thì ít” nên dẫn đến tình trạng người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã lạm dụng các quyền như một công cụ đẩy các vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng lên tính phức tạp. Mặt khác, một số quy định của pháp luật tiếp công dân quy định chưa cụ thể tiêu chí về năng lực, trình độ và những yêu cầu bổ trợ khác của cán bộ tiếp công dân trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, nhất là trong ngành Kiểm sát nhân dân, do đó việc chọn, bố trí cán bộ tiếp công dân chưa thật sự đảm bảo theo yêu cầu về năng lực, trình độ và kỹ năng.

Hai là, nhận thức về yêu cầu, nhiệm vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân của một bộ phận công chức, viên chức trong toàn Ngành, nhất là ở VKSND cấp huyện chưa cao, dẫn đến trong tổ chức thực hiện khâu công tác này còn để xảy ra vi phạm, trì trệ, mức độ hài lòng của nhân dân chưa cao, chưa gắn kết việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng tiếp công dân thấp, trình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài gia tăng, không đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Việc quan tâm chỉ đạo trong công tác tiếp công dân từ phía lãnh đạo còn hạn chế. Điều đó dẫn đến sự phối hợp giữa các phòng để giải quyết đơn thư, phản ánh của người dân chậm gây ra sự bức xúc cho một bộ phận nhân dân khi họ phải chờ đợi kết quả giải quyết từ cơ quan chức năng.

Ba là, tiếp công dân là hoạt động phức tạp, đòi hỏi vừa linh hoạt, mềm dẻo vừa đúng nguyên tắc, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế việc bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực cho công tác này ởVKSND các cấp, nhất là Viện kiểm sát địa phương hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.

Bốn là, tiếp công dân, giải quyết khiểu nại, tố cáo là khâu công tác khá phức tạp, nhạy cảm. Chính vì vậy, để công tác tiếp công dân đạt hiệu quả thì bên cạnh việc phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ trong cơ quan Viện kiểm sát nhân dân chúng ta còn phải tăng cường sự kiểm tra, giám sát của lãnh đạo đơn vị, của Thanh tra Ngành đối với các đơn vị khiếu tố hoặc của cấp trên đối với cấp dưới. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo công tác tiếp công dân, phục vụ nhân dân của ngành Kiểm sát nhân dân luôn đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật và tận tình, chu đáo, góp phần thể hiện rõ bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì nhân dân.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Thứ nhất, về bố trí cán bộ tiếp công dân, cần có sự lựa chọn người có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, nắm vững các quy định của pháp luật, am hiểu tình hình chung; tính tình ôn hòa, không nóng nảy, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật; cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững các quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao khả năng hướng dẫn, giải thích thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Việc chọn và bố trí cán bộ tiếp công dân phải đạt yêu cầu về năng lực, trình độ và kỹ năng.

Thứ hai, ban hành quy chế chung về việc phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ và giữa các cơ quan hữu quan trên địa bàn làm việc của Viện kểm sát trong công tác tiếp công dân. Đặc biệt là sự phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ có liên quan để đảm bảo việc phân loại, xử lý đơn thư của người dân không bị chậm trễ; như vậy sẽ giảm được tình trạng bức xúc của người dân và tình trạng khiếu nại kéo dài. Đồng thời, trong quy chế phối hợp cần có quy định cụ thể với đối với các trường hợp cụ thể, để khi xảy ra vụ việc này thì có thể xác định rõ được trách nhiệm cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào cử đại diện, cơ quan nào tiếp và xử lý; quy định rõ về trách nhiệm phối hợp của người đứng đầu; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc này.

Thứ ba, hiện nay VKSND đã ban hành bộ Quy tắc về văn hóa ứng xử trong ngành Kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, công tác tiếp công dân là một trong những khâu công tác khá phức tạp và có tình đặc thù hơn các khâu công tác khác, vì vậy Viện kiểm sát địa phương có thể căn cứ vào Quy chế chung đó để đưa ra một số giải pháp về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư gắn liền với điều kiện cụ thể của địa phương mình. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp tiếp công dân và xử lý đơn thư trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; xây dựng quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ tiếp công dân trong hoạt động tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo đơn vị và Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân đối với công tác tiếp công dân.

Thứ tư, cần tiếp tục đầu tư trang bị sơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân. Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 89/CP ngày 7/8/1997 của Chính phủ ban hành quy chế tổ chức tiếp công dân và tiếp tục được quy định tại Điều 10 Thông tư số 04/2013/TT-TTCP ngày 29/7/2013; theo đó: Nơi tiếp công dân phải khang trang sạch đẹp, bảo đảm có đủ điều kiện cơ sở vật chất cần thiết; phòng tiếp và phòng chờ phải thoáng mát, trang bị quạt điện (nơi có điện), có đủ bàn ghế, nước uống, sách báo nhất là về luật pháp liên quan đến khiếu nại, tố cáo để lúc chờ đợi công dân tham khảo; có nơi vệ sinh. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết trụ sở tiếp dân của các Viện kiểm sát địa phương chưa đáp ứng được những điều kiện này. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có camera theo dõi gắn tại phòng tiếp công dân nên nếu xảy ra tình trạng người dân đến khiếu kiện bị kích động tấn công cán bộ tiếp dân có thể xảy ra hậu quả khó lường. Vì thế trong thời gian tới cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất cho phòng tiếp dân chúng ta cần nghiên cứu để ứng dụng thêm công nghệ thông tin vào thực hiện công tác này để mang lại hiệu quả cao nhất./.

[1]Ở VKSND tối cao, nhiệm vụ tiếp công dân được giao trách nhiệm cho Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12); Ở VKSND cấp cao được giao cho Phòng tiếp dân và xử lý đơn thuộc Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Tại Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công tác tiếp công dân được giao cho Phòng 12 và ở Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nhiệm vụ này do Viện trưởng trực tiếp lãnh đạo và giao cho Bộ phận Văn phòng.