Bàn về một số nội dung về xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân liên quan đến điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá theo quy định pháp luật hiện hành

Trần Thị Huyền – Phó Trưởng khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm,
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Xếp loại chấp hành án cho phạm nhân là một trong những nội dung của hoạt động thi hành án phạt tù được quy định tại Điều 35 Luật thi hành án hình sự (sau đây viết tắt là Luật THAHS) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù phản ánh kết quả cải tạo của từng phạm nhân, là cơ sở để cơ quan, người có thẩm quyền phân loại và áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp đối với từng phạm nhân, đảm bảo hiệu quả công tác thi hành án phạt tù. Ngoài ra, kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù còn là một trong những nội dung quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến việc xem xét, quyết định cho phạm nhân, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được giảm thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá. Tuy nhiên, một số nội dung quy định hiện hành về vấn đề này còn chung chung, chưa đảm bảo tính thống nhất, khả thi, dẫn đến việc xếp loại chấp hành án phạt tù còn mang tính hình thức, ngoài ra còn ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện các chính sách nhân đạo đối với phạm nhân.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích một số bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về nội dung xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân liên quan đến điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

1. Quy định pháp luật liên quan đến xếp loại chấp hành án phạt tù

Xếp loại chấp hành án phạt tù là một nội dung của hoạt động thi hành án phạt tù được quy định tại Điều 35 Luật THAHS và một số văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 35 Luật THAHS quy định: “1. Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 06 tháng, 01 năm. Việc nhận xét, đánh giá phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và bảo đảm tính liên tục. 2. Căn cứ kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, học tập, lao động cải tạo, kết quả khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để nhận xét, đánh giá và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân theo một trong các mức tốt, khá, trung bình, kém. 3. Kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù quý, 06 tháng, 01 năm phải bằng văn bản, được lưu hồ sơ phạm nhân. Phạm nhân lập công thì được nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù. 4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Quy định tại Điều 35 của Luật THAHS được hướng dẫn cụ thể tại Mục 4 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật THAHS (sau đây gọi tắt là Nghị định 133/2020/NĐ-CP)[1] và Thông tư 103/2021/TT-BCA ngày 01/11/2021 của Bộ Công an quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân (sau đây gọi tắt là Thông tư 103/2021/TT-BCA).

Các quy định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan, người có thẩm quyền căn cứ thực hiện việc xếp loại chấp hành án phạt tù đối với từng phạm nhân. Theo đó, kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù của từng phạm nhân có ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, là cơ sở để cơ sở giam giữ phạm nhân phân loại và áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp đối với từng phạm nhân, đảm bảo hiệu quả công tác thi hành án phạt tù.

Ngoài ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý, giáo dục phạm nhân như trên, kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù còn liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam đối với người bị kết án phạt tù. Cụ thể: Kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù của từng phạm nhân là một trong những căn cứ quan trọng để cơ quan, người có thẩm quyền đề nghị, quyết định cho phạm nhân, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được giảm thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá theo quy định pháp luật. Theo đó, điều kiện “phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lênlà một trong những điều kiện để phạm nhân, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được xét giảm mức hình phạt hoặc được kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định của BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành[2]; hoặc “xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt là một trong những điều kiện Luật định để phạm nhân, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá[3].

Qua nghiên cứu Luật THAHS và các văn bản hướng dẫn thi hành, tác giả nhận thấy một số nội dung quy định liên quan đến xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân còn chưa đảm bảo tính thống nhất, khả thi, không chỉ gây khó khăn cho quá trình thực hiện việc xếp loại chấp hành án đối với phạm nhân, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện chính sách liên quan đến giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá.

2. Những khó khăn, vướng mắc về xếp loại chấp hành án phạt tù liên quan đến điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá theo quy định pháp luật hiện hành

Một là, một số nội dung quy định về tiêu chí xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân còn mang tính chung chung, dẫn đến việc thực hiện nhận xét, xếp loại chấp hành án phạt tù còn mang tính hình thức, thậm chí có thể xảy ra tiêu cực trong thực hiện đề nghị, quyết định giảm thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá.

Tiêu chí xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân được quy định cụ thể tại khoản 2,3,4,5 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP và Thông tư 103/2021/TT-BCA. Theo tiêu chí xếp loại chấp hành án phạt tù trong các quy định trên, tác giả nhận thấy, ngoài một số tiêu chí được lượng hóa[4], đa số các tiêu chí được quy định mang tính chung chung. Ví dụ, tiêu chí “Ăn năn hối cải, nhận rõ tội lỗi, xác định đúng đắn thái độ, tư tưởng, yên tâm học tập, lao động, rèn luyện tiến bộ, nêu cao tinh thần vượt khó, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội[5], hay tiêu chí “… tích cực ngăn chặn, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, thái độ, hành vi sai phạm của phạm nhân khác[6]… Đây là những tiêu chí bắt buộc trong hệ thống tiêu chí để đánh kết quả chấp hành án phạt tù loại tốt hoặc khá. Chính vì thế, việc xem xét kết quả chấp hành án phạt tù của từng phạm nhân có thỏa mãn các tiêu chí này hay không có ảnh hưởng lớn đến việc xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá đối với phạm nhân đó. Mặc dù có ý nghĩa quan trọng như vậy, tuy nhiên việc đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tiêu chí này còn mang tính hình thức bởi đây là những tiêu chí mang nặng tính định tính, phản ánh tâm lý, tư tưởng của phạm nhân. Tuy rằng việc nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù của từng phạm nhân về các tiêu chí này có thể thông qua các hành vi cụ thể của người đó trong quá trình chấp hành án phạt tù, nhưng để đánh giá đúng, đủ và khách quan đối với kết quả thực hiện các tiêu chí này của từng phạm nhân là rất khó khăn. Điều này dẫn đến hình thức, thậm chí tiêu cực trong quá trình thực hiện nhận xét, xếp loại chấp hành án phạt tù đối với từng phạm nhân. Thực tế cho thấy vẫn còn những trường hợp người đã từng được đặc xá nhưng sau đó tái phạm tội[7].

Hai là, pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc thực hiện xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ hàng quý, nửa năm, ảnh hưởng đến điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá đối với những phạm nhân có nghĩa vụ chấp dưỡng theo định kỳ hàng quý/nửa năm

Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự có người bị hại chết do hành vi phạm tội của người phạm tội gây ra, Tòa án có thể tuyên buộc người phạm tội phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho người mà người bị hại trước khi chết có nghĩa vụ cấp dưỡng theo phương thức thực hiện một lần hoặc thực hiện theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm. Kết quả việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng là một trong những nội dung cần xem xét trong quá trình đánh giá việc chấp hành án phạt tù của phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng. Cụ thể: Theo quy định tại điểm e khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều 19 Nghị định 133/2020/NĐ-CP, phạm nhân phải thực xong nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc thuộc một trong những trường hợp khác được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 19 Nghị định 133/2020/NĐ-CP thì đạt một trong những tiêu chí để được xếp loại chấp hành án loại “tốt”. Trường hợp phạm nhân thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thuộc các trường hợp quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 19 Nghị định 133/2020/NĐ-CP thì đạt một trong những tiêu chí để được xếp loại chấp hành án loại “khá”.

Liên quan đến tiêu chí chấp hành án phạt tù của phạm nhân về việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, điểm e khoản 2 Điều 19 Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định: “Tích cực khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền (nếu có), nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì phải đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó… Phạm nhân phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hằng tháng, đến kỳ xếp loại, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được nhận cấp dưỡng cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc xác nhận là đã thực hiện xong đến thời điểm đó, thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả”. Đây là cơ sở để cơ quan, người có thẩm quyền đối chiếu đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù về tiêu chí “tích cực khắc phục xong hậu quả” hoặc “tích cực khắc phục hậu quả” theo quy định tại điểm e khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều 19 Nghị định 133/2020/NĐ-CP đối với phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng một lần hoặc hằng tháng. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định về việc xem xét, đánh giá kết quả chấp hành án của phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ hằng quý, hoặc nửa năm. Điều này dẫn đến những trường hợp phạm nhân không đủ điều kiện để được xem xét, đề nghị cho đặc xá hoặc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện do có những kỳ xếp loại tháng bị xếp loại Trung bình vì phạm nhân đó chưa thực hiện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ (hàng quý hoặc nửa năm) nhưng đã đến kỳ xếp loại theo tháng và cũng không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 9 Thông tư 103/2021/TT-BCA. Để làm rõ hơn về vướng mắc này, tác giả xin nêu một ví dụ cụ thể như sau:

A bị Tòa án tuyên phạt 02 năm tù về Tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên (16 tuổi) của người bị hại là 3.000.000đ/mỗi Quý đến khi người con đó đủ 18 tuổi. Sau khi trừ đi thời gian đã bị tạm giam, A còn phải chấp hành án 01 năm tù. A bắt đầu chấp hành án phạt tù từ ngày 01/12/2021 tại Trại giam X. Đến kỳ xếp loại chấp hành án tháng 12/2021 và 01/2022, A đã đạt đủ các tiêu chí tại điểm a,b,c,d,đ,g của khoản 2 Điều 19 Nghị định 133/2020/NĐ-CP nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 9 Thông tư 103/2021/TT-BCA. Trại giam X căn cứ Nghị định 133/2020/NĐ-CP và khoản 2 Điều 11 Thông tư 103/2021/TT-BCA[8] xếp loại chấp hành án phạt tù loại “Trung bình” đối với A trong kỳ tháng 12/2021 và tháng 01/2022. Đến ngày 05/02/2022, A thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 3.000.000đ/Quý và đạt đủ các tiêu chí tại điểm a,b,c,d,đ,g của khoản 2 Điều 19 Nghị định 133/2020/NĐ-CP. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 11, điểm b khoản 3 Điều 12 Thông tư 103/2021/TT-BCA, A được xếp loại Tốt vào kỳ tháng 02/2022 và xếp loại Trung bình kỳ Quý I/2022. Trong kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù Quý II/2022, tháng 6/2022, A được xếp loại Tốt. Tuy nhiên, do kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù Trung bình trong kỳ Quý I/2022, Trại giam X không đề nghị cho A được đặc xá năm 2022.

Căn cứ quy định tại Điều 19 Nghị định 133/2020/NĐ-CP và Điều 9, Điều 11 Thông tư 103/2021/TT-BCA, việc Trại giam X xếp loại Trung bình đối với A kỳ tháng 12/2021, tháng 01/2022 và Quý I/2022 là đúng quy định. Tuy nhiên, khi đối sánh với tiêu chí xếp loại đối với phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng thì việc xếp loại chấp hành án đối với A trong kỳ tháng 12/2021 và tháng 01/2022 không đảm bảo yếu tố “công bằng” vì A đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đúng kỳ theo phán quyết của Tòa án.

Thực tiễn cho thấy, đối với các trường hợp khi xem xét, xếp loại chấp hành án phạt tù đối với các phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ hàng quý hoặc nửa năm tương tự như tình huống nêu trên, để phạm nhân được xem xét xếp loại chấp hành án loại “Tốt” hoặc “Khá” trong các kỳ xếp loại chấp hành án để đảm bảo quyền lợi chính đáng của phạm nhân, đòi hỏi một trong hai điều kiện sau đây:

Hoặc là, phạm nhân phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng từ sớm, ngay từ những ngày đầu tiên của các kỳ xếp loại chấp hành án hàng tuần, hàng tháng. Tuy nhiên, không phải phạm nhân nào cũng nhận thức đúng, có đủ điều kiện để thực hiện sớm nghĩa vụ này; cũng như không thể loại trừ các trở ngại khách quan phát sinh trong thực tiễn dẫn đến việc phạm nhân không thể sớm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Hoặc là, phạm nhân, thân nhân phải thực hiện các thủ tục cam kết, xác nhận hoàn cảnh kinh tế, xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư 103/2021/TT-BCA. Điều này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các cán bộ, cơ quan có thẩm quyền như Cơ sở giam giữ phạm nhân, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan thi hành án dân sự trong việc hướng dẫn phạm nhân, thân nhân thực hiện việc cam kết, trình bày hoàn cảnh; việc xác minh, xác nhận đơn của phạm nhân, thân nhân để đảm bảo quyền lợi chính đáng của phạm nhân một cách đúng đắn, trong khi thực tế phạm nhân đã thực hiện đúng trách nhiệm nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ như phán quyết của Tòa án.

Theo tác giả, việc phạm nhân, thân nhân phạm nhân và các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục này để làm căn cứ xem xét xếp loại chấp hành án phạt tù loại tốt hoặc khá cho phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng quý hoặc nửa năm là không phù hợp với thực tiễn thi hành án phạt tù và các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của phạm nhân. Bởi, trong trường hợp Tòa án tuyên buộc một người phải nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ, trách nhiệm của người đó về việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng phát sinh theo kỳ. Theo đó, việc phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ thực hiện việc đóng nghĩa vụ cấp dưỡng vào bất kỳ thời điểm nào theo định kỳ theo phán quyết của Tòa án cũng phản ánh việc phạm nhân đó tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Chính vì thế, để đảm bảo tính thống nhất trong việc xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng, cần có quy định bổ sung về tiêu chí xếp loại đối với phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ hàng quý, nửa năm, tương ứng với quy định về thực hiện tiêu chí xếp loại chấp hành án với phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng.

Ba là, việc thực hiện quy định về thời gian xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân dẫn đến một số trường hợp phạm nhân không có cơ hội được hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam về xét giảm án, tha tù trước thời hạn có, đặc xá.

Khoản 2 Điều 18 Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định:Thời gian xếp loại tính từ ngày lập biên bản tiếp nhận phạm nhân vào trại giam, phân trại quản lý phạm nhân của trại tạm giam hoặc buồng quản lý phạm nhân của nhà tạm giữ được chỉ định thi hành án phạt tù. Phạm nhân bị điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ phạm nhân với nhau, thì thời gian và kết quả xếp loại được tính liên tục cả quá trình trước và sau khi điều chuyển”. Quy định này đã xác định rõ mốc thời gian bắt đầu tính thời gian xếp loại chấp hành án cho phạm nhân. Theo đó, nếu đến kỳ xếp loại chấp hành án mà từ ngày được tiếp nhận vào trại giam, phân trại quản lý phạm nhân của trại tạm giam hoặc buồng quản lý phạm nhân của nhà tạm giữ được chỉ định đến ngày thực hiện xếp loại, phạm nhân đó chưa đủ thời gian để được xếp loại theo kỳ xếp loại chấp hành án thì phạm nhân không được xếp loại chấp hành án trong kỳ tương ứng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chính sách nhân đạo đối với các phạm nhân có mức án dưới 03 năm tù và có thời gian đã bị giam giữ kéo dài trước khi được đưa đi chấp hành án[9]. Thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp phạm nhân mặc dù thỏa mãn tất cả các điều kiện khác theo quy định pháp luật nhưng do không có đủ số kỳ xếp loại chấp hành án từ loại khá trở lên do thời điểm người này được đưa đến cơ sở giam giữ phạm nhân để chấp hành án phạt tù muộn hơn hẳn so với các trường hợp khác[10], dẫn đến việc họ không có cơ hội để được hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam trong việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá. Tác giả xin nêu một ví dụ dẫn chứng về trường hợp sau đây:

B (sinh năm 1980) bị tạm giam từ ngày 01/9/2020 để điều tra về hành vi Vô ý làm chết người. Vụ án được trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Ngày 15/11/2021, B được xét xử sơ thẩm và bị kết án phạt 3 năm tù. Bản án sơ thẩm bị kháng nghị. Ngày 15/02/2022, B được xét xử phúc thẩm và được giảm nhẹ hình phạt xuống còn 02 năm tù. Ngày 01/3/2022, B bắt đầu chấp hành án phạt tù tại Trại giam M. Trong quá trình chấp hành án, B chấp hành tốt Nội quy trại giam; tích cực học tập, lao động cải tạo, được xếp loại chấp hành án hàng tuần, hàng tháng đều đạt loại Tốt. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định hiện hành thì B không thuộc đối tượng được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện hay được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong các đợt xét giảm, tha tù tháng 4/2022 vì không có đủ số kỳ được xếp chấp hành án loại khá trở lên được quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 hay điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 02/2013 ngày 15/5/2013. Vì B hết án vào ngày 01/9/2022 nên B cũng không thuộc đối tượng được lập hồ sơ đề nghị xét giảm án, tha tù trong Đợt 02/9/2022 và đặc xá năm 2022.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân B như trên là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, vì kết quả thực hiện quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù mà phạm nhân này lại không có cơ hội được giảm thời hạn chấp hành án, tha tù như các phạm nhân khác. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến việc đảm bảo tính bình đẳng trong thực hiện chính sách nhân đạo của pháp luật nước ta đối với phạm nhân. Do đó, để đảm bảo thực hiện thống nhất quy định pháp luật về thời gian xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân, đồng thời đảm bảo mỗi phạm nhân đều có cơ hội được hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam, tác giả cho rằng cần có sự điều chỉnh, bổ sung quy định về số kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù loại khá trở lên trong điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với các phạm nhân có mức án phạt tù đến 03 năm, lỗi vô ý, thời gian chấp hành án còn lại không quá 6 tháng.

3. Đề xuất

Để đảm bảo hơn nữa tính thống nhất, khả thi trong các quy định liên quan đến xếp loại chấp hành án đối với phạm nhân, vừa góp phần đảm bảo hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo người phạm tội, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của phạm nhân trong việc thực hiện chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam, khuyến khích họ cải tạo tốt, sớm được tái hòa nhập cộng đồng, trở thành con người có ích cho xã hội, tác giả có một số ý kiến hoàn thiện quy định pháp luật về xếp loại chấp hành án phạt tù và  quy định pháp luật có liên quan như sau:

Đề xuất sửa đổi Thông tư 103/2021/TT-BCA, trong đó tập trung các nội dung sau: Một là, điều chỉnh nội dung quy định đối với các tiêu chí thuộc về vấn đề tâm lý, tư tưởng của phạm nhân nhằm hạn chế tối đa tiêu cực, hình thức trong việc thực hiện xếp loại chấp hành án. Hai là, bổ sung hướng dẫn quy định cụ thể về việc thực hiện xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ hàng quý, nửa năm để đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành về nghĩa vụ cấp dưỡng của phạm nhân.

– Đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 và điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 02/2013 ngày 15/5/2013 theo hướng bổ sung nội dung: “Phạm nhân có mức án phạt tù đến 03 năm, lỗi vô ý, thời gian chấp hành án còn lại không quá 6 tháng phải có ít nhất 01 tháng được xếp loại khá trở lên” để đảm bảo tất cả các phạm nhân đều có cơ hội được giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Trên đây là một số quan điểm cá nhân của tác giả về những nội dung liên quan đến xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân liên quan đến điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá theo quy định pháp luật hiện hành. Rất mong nhận được những ý kiến trao đổi của độc giả và đồng nghiệp để cùng nhận thức sâu sắc hơn nữa về vấn đề này trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Công an (2021), Thông tư 103/2021/TT-BCA ngày 01/11/2021 quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân;
  2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2013), Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân;
  3. Chính phủ (2020), Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành án hình sự;
  4. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2018), Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 Bộ luật hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện;
  5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2015;
  6. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2015;
  7. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2015;
  8. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2017;
  9. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật đặc xá số 30/2018/QH14, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2019;
  10. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật Thi hành án hình sự, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2020;
  11. Hải Minh, Nguyễn Lan (2022), “Đã kiểm tra, thẩm định gần 3.000 hồ sơ đề nghị đặc xá cho phạm nhân”, https://congan.com.vn/tin-chinh/can-quan-tam-den-cong-tac-tai-hoa-nhap-cong-dong-cho-nguoi-duoc-dac-xa_135950.html, 23/8/2022;
  12. Xuân Lộ (2021), “Chỉ có 1,18% người được đặc xá tái phạm tội”,https://vov.vn/phap-luat/chi-co-118-nguoi-duoc-dac-xa-tai-pham-toi-884907.vov, 23/8/2021.

[1] Mục 4 Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định về định kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù và điều kiện, tiêu chuẩn xếp loại chấp hành án phạt tù;

[2] Về điều kiện giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người bị kết án phạt tù: Xem quy định tại Điều 63 BLHS, Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày ngày 15/5/2013 (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch 02/2013 ngày 15/5/2013);

– Về điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện: Xem quy định tại Điều 66 BLHS, Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018;

[3] Về điều kiện của người được đề nghị đặc xá: Xem quy định tại Điều 11 Luật đặc xá.

[4] Ví dụ như tiêu chí tham gia đầy đủ 100% ngày công, lao động có chất lượng, hiệu quả, hoàn thành 100% định mức công việc”,“tham gia học tập đầy đủ”, hay “phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền (nếu có), nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì phải đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó”…;

[5] Xem điểm a khoản 2 Nghị định 133/2020/NĐ-CP;

[6] Xem điểm c khoản 2 Nghị định 133/2020/NĐ-CP;

[7] https://vov.vn/phap-luat/chi-co-118-nguoi-duoc-dac-xa-tai-pham-toi-884907.vov và https://congan.com.vn/tin-chinh/can-quan-tam-den-cong-tac-tai-hoa-nhap-cong-dong-cho-nguoi-duoc-dac-xa_135950.html;

[8] Khoản 2 Điều 11 Thông tư 103/2021/TT-BCA quy định tiêu chí “xếp loại trung bình” có viện dẫn đến khoản 3 Điều 9 Thông tư 103/2021/TT-BCA, cụ thể: “Phạm nhân thực hiện đầy đủ các tiêu chí xếp loại nhưng chưa thực hiện xong các trách nhiệm dân sự và không thuộc một trong các trường hợp được coi là tích cực khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư này.”

[9]Nguyên nhân của việc này thường do quá trình tố tụng của vụ án kéo dài do việc trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, có kháng cáo, kháng nghị…;

[10] Xem quy định tại Điều 63, điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 02/2013 ngày 15/5/2013; Điều 66 BLHS và Điều 3 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018;