Bàn về nội dung hình sự hoá các hành vi rửa tiền theo quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và sự nội luật hoá vào quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện nay
Nguyễn Thị Thuỳ Dung – Giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM
Rửa tiền có thể được hiểu là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản có được từ hành vi phi pháp, phạm tội hoặc tham nhũng trở thành các tài sản được coi là “hợp pháp”. Dưới góc độ pháp luật quốc tế, “Rửa tiền” không phải là một hiện tượng mới, đây là nhóm hành vi phi pháp, bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật quốc tế và được nội luật hóa trong các quy định của luật pháp quốc gia. Theo nhiều sử gia, thương nhân Trung Quốc đã biết “Rửa tiền” từ hơn ba nghìn năm trước để trốn tránh sự đánh thuế của triều đình (nhà nước). Tuy nhiên, hoạt động này đã bùng nổ trong điều kiện toàn cầu hóa mạnh mẽ từ những năm 1990 của Thế kỷ XX, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Sự ra đời của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC) [1] với sứ mệnh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là hết sức cần thiết. Công ước đã quy định về các hành vi rửa tiền và quy định bắt buộc các quốc gia thông qua Công ước phải thực hiện đúng các quy định sau đây:
Một là, hình sự hóa việc rửa tiền và quy định tất cả các tội nghiêm trọng là tội phạm nguồn của tội rửa tiền, bất kể phạm tội được thực hiện ở trong nước hay ở ngoài nước và cho phép suy đoán về sự cố ý phạm tội từ những tình tiết khách quan;
Hai là, xây dựng các biện pháp để phòng ngừa và phát hiện mọi hành vi rửa tiền, kể cả nhận dạng khách hàng, lưu giữ hồ sơ và báo cáo các giao dịch đáng ngờ;
Ba là, trao quyền hợp tác và trao đổi thông tin giữa các cơ quan hành chính, quản lý, thi hành pháp luật và các cơ quan khác, cả ở trong nước và trên phạm vi quốc tế và xem xét việc thành lập một đơn vị tình báo tài chính để thu thập, phân tích và phổ biến thông tin và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Công ước TOC có hiệu lực vào ngày 29/9/2003, có vị trí quan trọng bởi vì các điều khoản Chống rửa tiền (AML) của Công ước chấp nhận cùng một cách tiếp cận mà Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã thông qua trong Bốn mươi khuyến nghị về rửa tiền của mình [2].
Công ước TOC đã mở rộng định nghĩa rửa tiền để bao gồm các hành vi:
1. Khi phạm tội do cố ý:
2. Chuyển hoán hoặc chuyển nhượng tài sản mà biết rằng đó là tài sản do phạm tội mà có, nhằm mục đích giấu giếm hoặc che đậy nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc để giúp bất kỳ cá nhân nào tham gia thực hiện tội phạm nguồn để tránh những hậu quả pháp lý do hành động của người đó gây ra;
3. Giấu giếm hoặc che đậy bản chất thực, nguồn gốc, địa điểm, việc định đoạt, sự dịch chuyển, hoặc quyền sở hữu hoặc các quyền liên quan đến tài sản mà biết rằng đó là tài sản do phạm tội mà có;
4. Theo các khái niệm cơ bản của hệ thống pháp luật:
5. Việc có được, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đó mà biết rằng đó là tài sản do phạm tội mà có;
6. Tham gia, liên kết với hoặc âm mưu thực hiện, cố gắng để thực hiện, tiếp tay, xúi giục, tạo điều kiện và chỉ dẫn việc thực hiện bất kỳ hành vi phạm tội nào được quy định theo điều này.[3]
Hình sự hóa các hành vi rửa tiền theo quy định của Công ước TOC trong Bộ luật Hình sự Việt Nam
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế bằng việc tích cực tham gia nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực và đã trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương liên quan đến việc phòng, chống tội phạm quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia. Đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia vào các công ước về phòng, chống tội phạm như: Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về Phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000; Công ước Chống tham nhũng năm 2003; Công ước Chống tra tấn năm 1987; các điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố, tài trợ khủng bố, rửa tiền, cướp biển, bắt cóc con tin, v.v…
Trên cơ sở rà soát yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như tham khảo kinh nghiệm của pháp luật hình sự một số nước trên thế giới, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến nội dung cấu thành tội rửa tiền theo quy định tại Điều 324 (trong đó quy định rõ hơn các dạng hành vi rửa tiền, vấn đề chủ thể của tội phạm và hành vi tự rửa tiền, lỗi của người phạm tội) và bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các khuyến nghị của FATF mà Việt Nam cần tuân thủ với tư cách là thành viên Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, việc hình sự hóa (nội luật hóa) các hành vi rửa tiền trong BLHS Việt Nam vẫn còn những điểm chưa tương đồng với yêu cầu của Công ước TOC mà Việt Nam[4] là thành viên.
Trước đây, khái niệm về “tài sản” trong BLHS năm 1999, việc sử dụng thuật ngữ tiền/tài sản chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Mặt chủ quan của Tội rửa tiền là người thực hiện hành vi phạm tội phải biết rõ về nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản. Cùng với đó là sự khảo sát số liệu Tội rửa tiền trên cả nước cho thấy từ khi BLHS năm 1999 có hiệu lực đến khi có Luật sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì chưa xử lý một vụ án nào về tội danh này.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015 [5] thì một người phạm tội rửa tiền khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:
Thứ nhất, hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có. Theo đó, tại Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về Tội rửa tiền do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 24/5/2019 đã hướng dẫn như sau:
– Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng là việc thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện. Trong đó, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có, bao gồm các hành vi:
+ Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức;
+ Rút tiền với bất kỳ hình thức nào và bằng các công cụ khác nhau như: séc, hối phiếu, các phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật.
+ Cầm cố, thế chấp tài sản;
+ Cho vay, cho thuê tài chính;
+ Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị;
+ Giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác;
+ Tham gia phát hành chứng khoán;
+ Bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ thị trường tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng;
+ Quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể;
+ Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác;
+ Quản lý hoặc cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác;
+ Các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật.
– Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015 là việc thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện. Trong đó, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có như:
+ Hoạt động (chơi, kinh doanh) casino;
+ Tham gia (chơi, kinh doanh) trò chơi có thưởng;
+ Mua bán cổ vật;
+ Các hành vi khác không liên quan đến tài chính, ngân hàng.
– Tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội.
– Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có được hiểu là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp 1: Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A được B cho hay là xe máy, tiền, quà mà B chu cấp cho A trong thời gian quen nhau là do B buôn bán ma tuý mà kiếm được). Hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: Hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài, truyền hình đưa tin). Hay bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: Biết chồng (Nguyễn Văn B) là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 05 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 1 tỷ đồng để mở shop quần áo mà không hỏi rõ về nguồn tiền từ đâu mà B có);
+ Trường hợp 2: Người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô tải của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe tải đó).
Thứ hai, hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác.
– Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh: là hành vi dùng tiền, tài sản thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
– Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác: là hành vi dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.
Thứ ba, hành vi che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó:
+ Hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có: là hành vi cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản (ví dụ: cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ; hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ…).
Việc thực hiện một trong ba hành vi quy định nêu trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
Như vậy, có thể thấy qui định tại Điều 324, BLHS năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu “do mình phạm tội mà có” và sửa đổi dấu hiệu “biết rõ là do phạm tội mà có” thành “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” vào cấu thành của tội phạm. Việc bổ sung dấu hiệu “do mình phạm tội mà có” cho thấy người thực hiện tội phạm nguồn cũng là chủ thể của tội phạm này (tức hành vi tự rửa tiền). Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội có một trong các hành vi trên mà không cần xác định hậu quả. Nếu hậu quả do hành vi rửa tiền gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 324 BLHS năm 2015.
Từ những phân tích trên, cho thấy quy định về tội phạm rửa tiền trong những người làm công tác thực tiễn chưa thống nhất; yêu cầu người phạm tội phải “biết rõ” tài sản liên quan đến hành vi của họ là “do phạm tội mà có” là chưa hợp lý dẫn đến việc chứng minh tội phạm trong thực tế gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do thói quen dùng tiền mặt của người Việt Nam khiến việc hợp pháp hóa các khoản thu lợi bất hợp pháp dễ dàng, khả năng che dấu tẩu tán tài sản rất cao, mức độ ẩn của tội phạm rất lớn. Về áp dụng pháp luật, Tòa án chỉ tập trung vào tài sản có được một cách trực tiếp từ việc phạm tội, “chưa có sự chú ý vào những tài sản phái sinh”; phạm vi các tội phạm nguồn đã bị phát hiện liên quan đến hành vi tiêu thụ tài sản rất hẹp, phổ biến nhất là các tội xâm phạm sở hữu, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ, tội phạm kinh tế có liên quan đến chức vụ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vẫn còn xảy ra một số trường hợp chưa nhận thức thống nhất về dấu hiệu này trong thực tiễn áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong khởi tố, điều tra, truy tố loại tội phạm này.
Tóm lại, mặc dù vẫn còn tồn tại một số bất cập như đã phân tích song việc hình sự hoá hành vi rửa tiền trong BLHS Việt Nam đã cơ bản tuân thủ các chuẩn mực quốc tế quy định tại Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (1990), Bốn mươi khuyến nghị về rửa tiền;
2. Liên hợp quốc (2000), Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC);
3. Bộ luật hình sự năm 1999, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2009;
4. Bộ luật hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017;
5. Nguyễn Thị Phương Hoa (2016), Nội luật hóa các quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong bộ luật hình sự Việt Nam, Nxb Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam.
[1] Công ước được thông qua bởi Nghị quyết số A/RES/55/25 ngày 15.11. 2000 của Đại Hội đồng LHQ. Công ước được mở cho tất cả các nước thành viên LHQ và các Tổ chức liên kết kinh tế khu vực nếu tổ chức đó có ít nhất là một nước thành viên đã ký Công ước này ký từ ngày 12 đến ngày 15.12.2000 tại Cung điện Palazzi di Giustizia ở Palermo, Italy, và sau đó là tại Trụ sở LHQ ở New York đến ngày 12.12. 2002. Công ước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29.9.2003.
[2] FATF đã thông qua một bộ gồm 40 khuyến nghị, Bốn mươi khuyến nghị về rửa tiền (Bốn mươi khuyến nghị), từ đó thiết lập một khuôn khổ toàn diện về AML và bộ khuyến nghị này được thiết kế để áp dụng phổ biến ở các nước trên toàn thế giới. Bốn mươi khuyến nghị được ban hành lần đầu tiên vào năm 1990 và đã được sửa đổi vào năm 1996 và năm 2003 cho phù hợp với những diễn biến mới trong lĩnh vực rửa tiền và để phản ánh sự phát triển của những thực tiễn chống rửa tiền tốt nhất trên quốc tế.
[3] Điều 6 công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC)
[4] Việt Nam đã ký Công ước này vào ngày 13.12.2000 cùng với Nghị định thư bổ sung của công ước về ngăn ngừa, loại trừ và trừng phạt buôn bán người; đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và đến ngày 8/6/2012 thì Công ước và nghị định thư này có hiệu lực đối với Việt Nam.
[5] Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)