Bàn về tình tiết “Lợi ích phi vật chất” trong nhóm tội về tham nhũng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam

Nguyễn Thị Thuỳ Dung – Giảng viên Khoa Kiểm sát hình sự,
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng, Việt Nam đã tham gia hai Công ước quốc tế là Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm xuyên quốc gia (CTOC)[1] và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC)[2].

Có thể thấy, sự ra đời của Công ước UNCAC là cần thiết cho công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của các quốc gia trên thế giới. Công ước UNCAC không đưa ra khái niệm cụ thể thế nào là tham nhũng, chỉ xác định các hành vi được coi là tham nhũng bao gồm: hối lộ, tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản của công chức, lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi; lạm dụng chức vụ; hối lộ trong lĩnh vực tư; biển thủ tài sản trong lĩnh vực tư[3]. Quy định này đã thể hiện được đầy đủ nhất về hành vi tham nhũng trong cả khu vực công và khu vực tư, được xem là phù hợp với một số nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới về khái niệm tham nhũng.

Công ước CTOC cũng không đưa ra định nghĩa thế nào là tham nhũng mà chỉ quy định nghĩa vụ tội phạm hóa các hành vi tham nhũng gồm hành vi đưa hối

lộ và nhận hối lộ. Hành vi tham nhũng gắn liền với nhóm hành vi hối lộ trong khu vực công, không quy định về tham nhũng trong khu vực tư. Theo Công ước, biểu hiện của các hành vi này là nhận một mối lợi không chính đáng (có thể là lợi ích

vật chất hoặc phi vật chất) của công chức nhà nước để làm một việc hoặc không làm một việc trong khi thực hiện công vụ của mình. Các hành vi này cũng được thực hiện với lỗi cố ý, mục đích là nhằm thu được một mối lợi không chính đáng cho bản thân hoặc người khác. Người thực hiện hành vi nhận hối lộ là viên chức nhà nước và bất kỳ ai trong hành vi đưa hối lộ. Như vậy, quy định về các hành vi tham nhũng của Công ước CTOC đòi hỏi các quốc gia thành viên của Công ước phải hình sự hóa (nội luật hóa) các hành vi này thành các quy định của pháp luật hình sự của mình tương tự với các quan điểm trên thế giới và của Công ước UNCAC ở yếu tố lỗi, mục đích và người thực hiện hành vi tham nhũng (bao gồm cả người nhận và người đưa hối lộ). Tuy nhiên, dạng hành vi tham nhũng này trong Công ước CTOC chỉ giới hạn trong khu vực công, đây là điểm khác biệt so với quy định của Công ước UNCAC và một số quan điểm trên thế giới.

Còn theo định nghĩa tham nhũng của World Bank[4] thì: “Tham nhũng là hành vi của một hay một nhóm người, sử dụng các quyền lực của cộng đồng, ở mọi quy mô, bất kể trong lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, hành chính hay đời sống tinh thần, để chiếm các giá trị vật chất và tinh thần nhiều hơn những gì họ xứng đáng được hưởng”. Như vậy, theo định nghĩa trên thì tham nhũng có cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Bộ luật Hình sự 2015 của nước ta đã hình sự hóa các quy định của các Công ước nói trên thành các quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi nhận hối lộ phi vật chất là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với luật quốc tế và tinh thần chung của UNCAC cũng như CTOC. Cụ thể như sau:

“Nhận hối lộ” là hành vi của người có chức quyền, lợi dụng chức vụ và quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc “phi vật chất” để làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

“Lợi ích phi vật chất” được hiểu là lợi ích không quy đổi được thành tiền hay tài sản khác, hành vi nhận hối lộ lợi ích phi vật chất bao trùm cả hành vi “nhận hối lộ tình dục”. Theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ; xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ thì “Lợi ích phi vật chất” được quy định tại điểm b khoản 1 các điều 354, 358, 364, 365 và 366 của Bộ luật Hình sự 2015 là những lợi ích không phải lợi ích vật chất.

Ví dụ: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục, …

Theo Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi hối lộ phi vật chất, trong đó bao gồm “hối lộ tình dục” cũng là hành vi cấu thành tội nhận hối lộ. Cụ thể, tại khoản 1 điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm:

Thứ nhất là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 hoặc dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Thứ hai là lợi ích phi vật chất.

Tương tự, điểm b khoản 1 Điều 364 và điểm b khoản 1 Điều 365 (Tội đưa hối lộ và Tội môi giới hối lộ) cũng quy định người nào đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ bằng lợi ích phi vật chất cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người đưa, môi giới hoặc nhận “hối lộ tình dục”, “đổi tình lấy chức” cũng bị xử lý hình sự như nhận tài sản, tiền bạc. Toà án nhân dân tối cao cũng giải thích khái niệm “lợi ích phi vật chất” thường xuất hiện trong các vụ án về tham nhũng. Đó là những lợi ích không phải vật chất, như hối lộ bằng đề xuất tặng thưởng danh hiệu hay giải thưởng, bổ nhiệm chức vụ, hứa hẹn cho tốt nghiệp, đi học, đi nước ngoài hoặc hối lộ tình dục.

Thuật ngữ “Sex bribes”- “Hối lộ tình dục” là vấn đề chúng ta mới tiếp cận với các Công ước của Liên Hợp Quốc có liên quan về phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, “Hối lộ tình dục” có phải giá trị phi vật chất không? Hối lộ phi vật chất đó có thể sai khiến người có chức vụ, quyền hạn để làm theo người đưa hối lộ hay không? Nếu chúng ta cho rằng có thì là có. Nhưng về mặt khoa học, hối lộ tình dục lại là một dạng hối lộ phi vật chất. Theo pháp luật quốc tế, “Hối lộ tình dục được hiểu là việc gạ gẫm quan hệ tình dục, bất kỳ hoạt động tình dục nào hoặc hành vi liên quan đến tình dục khác để hứa hẹn về vị trí công việc hoặc mức lương. Hối lộ tình dục có thể công khai hoặc tinh vi nhưng thuộc loại quấy rối tình dục “Quid Pro Quo”. (Một thuật ngữ được sử dụng trong lĩnh vực kinh tế, Cái gì đó cho cái gì đó).

Liên quan đến vấn đề “Hối lộ tình dục”, theo Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng nội hàm “của hối lộ”, bổ sung “lợi ích phi vật chất” trong cấu thành của 5 tội danh: Tội nhận hối lộ (Điều 354), Tội đưa hối lộ (Điều 364), Tội môi giới hối lộ (Điều 365), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358) và Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366). Như vậy, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận, sẽ nhận “lợi ích phi vật chất” cho chính bản thân người đó hoặc cho người hay tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ. Với quy định này đã bao hàm (tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và lợi ích phi vật chất) thì việc nhận hối lộ bằng tình dục, tình cảm hay một suất du học cho con… cũng đủ yếu tố cấu thành Tội nhận hối lộ. Đối với “của hối lộ” là “lợi ích phi vật chất” thì luôn luôn thuộc trường hợp phạm tội quy định ở khoản 1 Điều 354 (cấu thành cơ bản, khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù). Như vậy, người nhận hối lộ tình dục phải đối mặt với mức án cao nhất là 7 năm tù. Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 354, người nhận hối lộ tình dục còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trải qua 05 năm thi hành Bộ luật Hình sự, ở Việt Nam chưa khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bất kỳ vụ án nào về tội nhận hối lộ mà “của hối lộ”“tình dục”. Tuy nhiên, ở một số quốc gia trên thế giới, hành vi này bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự không phải là điều gì mới mẻ. Có thể nói đến trường hợp điển hình sau đây:

Theo thời báo The Straits Times của Singapore đưa tin, lúc đầu một người đàn ông tên Chin Peng Sum, 51 tuổi, nhân viên Cơ quan Quản lý Cửa khẩu và Nhập cư Singapore (ICA) bị cáo buộc nhận hối lộ tình dục từ 2 người phụ nữ Trung Quốc để đổi lấy gia hạn giấy thông hành đặc biệt cho họ. Sau đó, ông Chin đã bị truy tố tại tòa với 33 cáo buộc, trong đó có 13 cáo buộc liên quan tới trao đổi không đúng thẩm quyền những thông tin theo Đạo luật Bí mật Chính thức của Singapore, cùng 4 cáo buộc tham nhũng bằng cách nhận hối lộ tình dục (vi phạm Đạo luật Chống Tham nhũng). Hồ sơ của Tòa cho thấy ông Chin nhận hối lộ tình dục nhiều lần trong 2 năm liền từ 2 công dân Trung Quốc là Zhu Shirong và Wang Chenghong để gia hạn giấy thông hành đặc biệt cho họ. Ngoài ra, người đàn ông này còn bị cáo buộc cố tình cản trở quy trình pháp lý bằng cách xóa các tin nhắn liên quan mà ông trao đổi với 4 cá nhân được ông cảnh báo trước về các đợt truy quét liên quan tới nhập cư. Trả lời báo giới, một người phát ngôn của ICA cho biết cơ quan này có quan điểm nghiêm túc về các nhân viên sai phạm và đã báo trường hợp của ông Chin cho Cục Điều tra Tham nhũng (CPIB) sau khi kiểm tra và điều tra nội bộ. Người phát ngôn này cũng cho biết thêm rằng ông Chin Peng Sum đã bị đình chỉ công việc từ ngày 15-6-2017 và có thể bị kết án lên đến 5 năm tù. Vốn nổi tiếng là một trung tâm tài chính và kinh doanh, Singapore từ lâu thể hiện lập trường cứng rắn với tham nhũng và thường xuyên đứng ở vị trí những nước ít tham nhũng nhất trong các cuộc khảo sát. Giới công chức nước này được trả lương rất cao, nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Mục tiêu một phần cũng là để chống tham nhũng. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Trước đó, hồi năm 2013, ông Peter Lim, cựu lãnh đạo lực lượng phòng vệ dân sự – quản lý các cơ quan xử lý khẩn cấp, cũng từng bị phát hiện đổi tình lấy hợp đồng và bị bỏ tù 6 tháng.

Trên đây là quan điểm của pháp luật quốc tế và pháp luật hình sự Việt Nam về tình tiết định tội đối với các vụ án có liên quan đến “Lợi ích phi vật chất”. Qua đó, có thể đánh giá được sự tương thích của BLHS năm 2015 với pháp luật quốc tế, đó cũng là cơ sở để bổ sung, hoàn thiện những quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tình tiết “Lợi ích phi vật chất”.

[1] Công ước được thông qua bởi Nghị quyết số A/RES/55/25 ngày 15.11. 2000 của Đại Hội đồng LHQ. Công ước được mở cho tất cả các nước thành viên LHQ và các Tổ chức liên kết kinh tế khu vực nếu tổ chức đó có ít nhất là một nước thành viên đã ký Công ước này ký từ ngày 12 đến ngày 15.12.2000 tại Cung điện Palazzi di Giustizia ở Palermo, Italy, và sau đó là tại Trụ sở LHQ ở New York đến ngày 12.12. 2002. Công ước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29.9.2003.

[2] Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về chống tham nhũng được Đại Hội đồng LHQ thông qua ngày 31.10.2003 tại Trụ sở LHQ ở New York (Mỹ). Công ước được mở cho tất cả các nước thành viên LHQ và cho tất cả các tổ chức hội nhập kinh tế quốc tế khu vực ký nếu tổ chức đó có ít nhất là một nước thành viên đã ký Công ước này. Hiện nay có 187 quốc gia là thành viên công ước. Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này ngày 03 tháng 7 năm 2009 và với bảo lưu gửi kèm theo.

[3] Xem các điều từ Điều 15 đến Điều 22 của Công ước UNCAC.

[4] Governance and anti-corruption – World Bank (2005), (World Bank – Ngân hàng Thế giới là một tổ chức tài chính quốc tế)