Bàn về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

 Thạc sĩ Trần Xuân Thiên An – Giảng viên Khoa kiểm sát hình sự – Trường Đào tạo Bồi dưỡng, Nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Cho vay là một giao dịch dân sự phổ biến trong đời sống xã hội, tuy nhiên nếu cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự nhằm thu lợi bất chính, người cho vay phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các dấu hiệu pháp lý của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (sau đây viết tắt là BLHS năm 2015) và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự.

1. Những điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 là một tội danh độc lập, được quy định trong chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII – Mục 2 BLHS năm 2015). So với quy định tại Điều 163 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 1999) thì tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 có một số điểm mới như sau:

Thứ nhất: Tên điều luật đã được thay đổi từ Tội cho vay lãi nặng (BLHS năm 1999) thành Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (BLHS năm 2015);

Thứ hai: Tại khoản 1 thay các tình tiết “mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột” thành “lãi xuất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng”; thay mức phạt tiền “từ 01 lần đến 10 lần số tiền lãi” thành “từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng”; nâng mức phạt cải tạo không giam giữ từ “đến 01 năm” lên “đến 03 năm”. Bổ sung thêm tại cấu thành cơ bản của khoản 1 đối với hành vi cho vay lãi nặng là“đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Thứ ba: Tại khoản 2 bổ sung phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng”.

Thứ tư: Đối với hình phạt bổ sung tại khoản 3 thay mức phạt tiền “từ một lần đến năm lần số lợi bất chính” thành “từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”, việc thay đổi từ định tính sang định lượng đã tạo điều kiện cho việc áp dụng tình tiết này được thuận lợi, thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật.

2. Dấu hiệu pháp lý của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2.1. Khái niệm

Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) quy định: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Cho vay lãi nặng là: Hình thức cho vay mà không thông qua hệ thống ngân hàng, không có đăng ký kinh doanh cũng như chưa được cấp phép và không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào. Đây là hình thức cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS.

Như vậy có thể hiểu Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201 BLHS năm 2015) là: Hành vi cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS của một người hoặc một nhóm người có năng lực trách nhiệm hình sự, được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp vì mục đích hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác mà xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước.

2.2. Dấu hiệu pháp lý

Thứ nhất, khách thể của tội phạm

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về tín dụng “mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, qua đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vay” hay được gọi là hoạt động “tín dụng đen”.

Điều luật không quy định rõ nhưng có thể thấy đối tượng tác động của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là số tiền mà “người cho vay” cho “người vay” vay để hưởng số tiền lãi vượt quá lãi suất quy định.

Thứ hai, mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thể hiện ở một trong các hành vi sau:

+ Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên;

   Theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 BLDS thì lãi suất trong hợp đồng vay được xác định như sau: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực…”

 Như vậy, có thể hiểu “cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS”, tức là cho vay với lãi suất trên 100%/năm. Nghĩa là, các giao dịch vay mà lãi suất từ 20%/năm trở xuống là giao dịch có lãi suất hợp pháp; các giao dịch có lãi suất từ trên 20%/năm đến dưới 100%/năm là giao dịch có lãi suất bất hợp pháp, nhưng chưa đến mức bị xử lý về hình sự; các giao dịch có lãi suất từ 100%/năm trở lên mới thuộc đối tượng để xem xét trách nhiệm hình sự. Vì vậy, theo quy định về mức lãi suất tối đa của BLDS, nếu lãi suất cho vay là từ 100%/năm trở lên thì hành vi cho vay có dấu hiệu của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên hành vi trên phải đi kèm điều kiện là số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi này là 30.000.000 đồng trở lên. Nếu trong giao dịch dân sự, người cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên nhưng thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng thì cũng không bị coi là người phạm tội và hành vi trên cũng không cấu thành tội phạm này.

+ Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng.

Nghĩa là người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này và chưa được xóa án tích theo các Điều 7, Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính mà nay lại tiếp tục thực hiện hành vi cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên nhưng thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng.

+ Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Nghĩa là người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng đã bị kết án về: Tội cho vay lãi nặng theo quy định tại Điều 171 BLHS năm 1985 hoặc Tội cho vay lãi nặng theo quy định tại Điều 163 BLHS năm 1999 hoặc Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 và chưa được xóa án tích theo các Điều 70, Điều 71 và Điều 72 BLHS năm 2015 mà nay lại tiếp tục thực hiện hành vi cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên nhưng thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng.

– Hậu quả:

Hậu quả của hành vi cho vay lãi nặng có thể là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất. Thiệt hại về vật chất như: Tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản… của người vay và gia đình người vay (như hành vi tạt sơn, mắm tôm vào nhà người vay khi người vay ở chung với gia đình). Thiệt hại phi vật chất như: Ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người vay và gia đình của họ…(như hành vi điện thoại cho những người thân trong gia đình người vay để khủng bố tinh thần bằng cách đe dọa, quấy rối…). Hậu quả trực tiếp của hành vi cho vay lãi nặng là gây thiệt hại cho người vay, làm cho người vay phải chịu mức lãi quá cao dẫn đến mất khả năng chi trả.

Đối với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Thứ ba, chủ thể của tội phạm

Căn cứ vào Điều 9, Điều 12, Điều 201 BLHS năm 2015 thì chủ thể của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là chủ thể thường, nghĩa là chủ thể này có thể là bất kỳ người nào có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của BLHS là từ đủ 16 tuổi trở lên. Như vậy, căn cứ vào quy định của BLHS thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào.

Lưu ý: Nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn cũng như uy tín về công việc của mình mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này với tình tiết tăng nặng quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.

   Trường hợp người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trong quản lý công quỹ và dùng công quỹ cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, hành vi trên đã làm thất thoát công quỹ thì tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng trái phép tài sản quy định tại Điều 177 BLHS năm 2015 hoặc Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 165 BLHS năm 2015.

Thứ tư, mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thực hiện hành vi của mình với: Lỗi cố ý trực tiếp, tức là “người phạm tội nhận thức rõ được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, họ thực hiện một cách chủ động và mong muốn việc cho vay diễn ra”; không có trường hợp người phạm tội cho vay lãi nặng thực hiện tội phạm do vô ý, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn thực hiện hành vi phạm tội.

Người phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thực hiện hành vi của mình với: Động cơ vụ lợi (nhằm hưởng lợi về kinh tế).

Người phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thực hiện hành vi của mình với: Mục đích thu lợi bất chính thông qua hành vi cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

2.3. Đường lối xử lý

Đường lối xử lý Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo cấu thành cơ bản (Điều 201 khoản 1 BLHS năm 2015)

Khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 là cấu thành cơ bản của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, (không có những tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 của Điều luật này) thì bị phạt một trong hai hình phạt sau: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS (từ Điều 50 đến Điều 59).

Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 Điều 51 BLHS, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể áp dụng một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng là hình phạt tiền hoặc chuyển sang một hình phạt khác nhẹ hơn là hình phạt cảnh cáo. Lý do của việc giảm nhẹ phải ghi rõ trong bản án.

Thông thường người phạm tội này là một nhóm người hoặc một tổ chức, vì thế nếu các tình tiết của vụ án như nhau, thì người phạm tội này có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 BLHS sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn; người phạm tội này có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn.

Đường lối xử lý Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo cấu thành tội phạm tăng nặng (Điều 201 khoản 2 BLHS năm 2015)

Người phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, nếu: Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Khoản 2 Điều 201 BLHS năm 2015, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS (từ Điều 50 đến Điều 59).

Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 Điều 51 BLHS, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể áp dụng một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật là hình phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Lý do của việc giảm nhẹ phải ghi rõ trong bản án.

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 03 năm tù.

Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 65 BLHS thì người phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được hưởng án treo.

Đường lối xử lý Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo hình phạt bổ sung ((Điều 201 khoản 3 BLHS năm 2015)

Ngoài hình phạt chính, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có thể bị phạt một trong các hình phạt bổ sung sau đây:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Mặc dù Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 có những điểm mới tiến bộ nhất định hơn so với quy định về Tội cho vay lãi nặng quy định tại Điều 163 BLHS năm 1999 như: Đã thay các dấu hiệu định tính bằng dấu hiệu định lượng cụ thể, đã tăng mức hình phạt lên cao hơn… Tuy nhiên thông qua quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật, tác giả nhận thấy quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:

Thứ nhất, theo như quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 đối tượng tác động của loại tội phạm này là tài sản, mà cụ thể ở đây là “số tiền” chính là tiền “… lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự…”, lãi suất cho vay được quy định trong BLDS làm căn cứ để tính lãi nặng mới chỉ quy định lãi suất đối với tài sản cho vay là tiền mà chưa quy định lãi suất cho vay đối với các tài sản khác như: Vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ và các tài sản khác…, trong khi đó việc cho vay đối với các tài sản khác ngày càng được phổ biến. Chính vì thế tác giả kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể vấn đề lãi suất đối với hợp đồng vay tài sản không phải là tiền như vay: Vàng, kim loại quý và các tài sản có giá trị khác… làm căn cứ cho việc giải quyết các vụ án hình sự về loại tội này.

Thứ hai, Điều 201 BLHS năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu định tội mới “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng mà còn vi phạm”. Theo như quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ- CP (Nghị định 167/2013/NĐ- CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình) quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi: “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”. Như vậy, Nghị định số 167/2013/NĐ- CP chỉ quy định xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản mà không có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay tiền không có cầm cố tài sản. Điều này dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng không cầm cố tài sản rất khó thực hiện. Từ đó, dẫn đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đối với hành vi “cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng” hầu như không được áp dụng trên thực tế. Chính vì thế, tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP từ “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay” thành “cho vay tiền nhưng lãi suất cho vay vượt quá mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay”.

Thứ ba, thế nào là “tiền thu lợi bất chính” đến nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau: Tính tổng toàn bộ số tiền lãi thu được của tất cả các hợp đồng cho vay trừ đi số tiền lãi suất theo quy định của Điều 468 BLDS hay là gộp hết tất cả tiền thu lãi để xác định tiền thu lợi bất chính …Chính vì rất khó trong việc tính số tiền lãi để xác định đó có phải là tiền thu lợi bất chính không, tác giả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần có cách hướng dẫn cụ thể về cách tính tiền lãi, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Thứ tư, hậu quả để lại sau những lần đi vay lãi nặng rất nặng nề cho người vay và gia đình của họ cũng như gây hoang mang trong xã hội, mặc khác các bên cho vay thường tồn tại dưới dạng các băng nhóm, tổ chức tín dụng mang tính chất “xã hội đen”, thế nhưng khung hình phạt cho loại tội này lại rất nhẹ, cao nhất là 03 năm tù (Khoản 2 Điều 201 BLHS năm 2015). Do đó, để bảo đảm công tác phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này cũng như đảm bảo tính răn đe của Nhà nước đối với loại tội này, tác giả kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền nâng mức hình phạt đối với tội phạm này./.

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự năm 20015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội- 2017;

2. Bộ luật Dân sự 2015;

3. Luật xử lý vi phạm hành chính;

4. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 so sánh với Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009;

5. Bình luận khoa học, Bộ luật Hình sự năm 20015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 Phần các tội phạm, Nhà xuất bản Công an Nhân dân- 2018;

6. Bình luận khoa học, Bộ luật Hình sự (Hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật- 2018;

7. Công văn số 212/TANDTC- PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử;

8. Lê Văn Quang – Viện KSND huyện Lộc Ninh, Một số ý kiến từ thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, Tạp chí Kiểm sát số 04/2020.