Bàn về trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội theo quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017
CN. Nguyễn Thị Hoài Thương – Chuyên viên Phòng Quản lý khoa học và Thông tin tư liệu – Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh
“Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mới, lần đầu tiên được quy định tại Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, một số nội dung còn có nhiều cách hiểu khác nhau (về phạm vi, các trường hợp bắt giữ được loại trừ trách nhiệm hình sự; chủ thể được loại trừ trách nhiệm hình sự…). Trường hợp này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, để hướng tới việc hoàn thiện và khả thi khi áp dụng vào thực tiễn thì việc nhận thức đúng về nội dung quy định cũng là một vấn đề quan trọng. Với mục đích đó, trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung làm rõ một số vấn đề về mặt nhận thức, cũng như đề xuất một số ý kiến để tiếp tục hoàn thiện quy định này.
1. Sự cần thiết phải quy định trường hợp “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” trong Bộ luật hình sự
Thứ nhất, phù hợp với pháp luật hình sự của một số quốc gia trên thế giới
Trường hợp “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” trong pháp luật hình sự của một số quốc gia trên thế giới đã được ghi nhận như là một trong những tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi hay các trường hợp không bị coi là tội phạm ngay từ rất lâu, chẳng hạn: Điều 38 Bộ luật hình sự của Liên bang Nga có quy định về trường hợp bắt giữ người phạm tội [1], Điều 27 Bộ luật hình sự Canada quy định về sử dụng vũ lực để ngăn chặn người phạm tội… đã góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự ở các quốc gia này. Do đó, việc ghi nhận trường hợp “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” trong BLHS năm 2015 là vấn đề cần thiết hiện nay, phù hợp với pháp luật hình sự của một số quốc gia tiến bộ trên thế giới.
Thứ hai, phù hợp với lý luận về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự của Bộ luật hình sự
Trước khi Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được ban hành, khi đề cập nghiên cứu về các trường hợp như: sự kiện bất ngờ, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết, các nhà nghiên cứu về lập pháp đã sử dụng những tên gọi khác nhau[2] nhưng về bản chất, những trường hợp nêu trên đều không thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm, có trường hợp không thỏa mãn dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội vì có tình tiết loại trừ đi tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết); có trường hợp hành vi không có lỗi vì người gây ra thiệt hại trong những trường hợp này không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó (sự kiện bất ngờ) hoặc họ không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình (tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự).
Xem xét trường hợp để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà người bắt giữ không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ, thì người gây ra thiệt hại vì lợi ích chung của cộng đồng, các chủ thể đã có hành vi gây thiệt hại ở mức độ cần thiết. Do đó, hành vi gây thiệt hại trong trường hợp này cũng đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để loại trừ tính chất mức độ nguy hiểm trong hành vi hay loại trừ tính chất có lỗi của hành vi và không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể gây thiệt hại đó.
Từ sự phân tích trên, việc quy định trường hợp “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự và được đặt ở vị trí ngang bằng với những trường hợp quy định hiện hành là một vấn đề cần thiết, phù hợp với lý luận về tội phạm, cũng như các nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự. Qua đó, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của Bộ luật hình sự, đồng thời cũng thể hiện rõ chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong việc khuyến khích, động viên người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Thứ ba, tạo cơ sở pháp lý để người dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm
Bắt người phạm tội quả tang và bắt người đang bị truy nã là quyền của bất kỳ ai đã được pháp luật thừa nhận. Khi thực hiện quyền này, cùng với các cơ quan chức năng, người dân đã góp phần tích cực, có hiệu quả trong phong trào toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, do chưa được quy định một cách cụ thể, rõ ràng nên không ít trường hợp người tham gia bắt giữ các đối tượng phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự một cách đáng tiếc khi gây ra những thiệt hại cho người bị bắt giữ. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại của người dân khi phát hiện những đối tượng phạm tội, lo sợ trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho người bị bắt và sẽ có thái độ thờ ơ, bỏ mặc cho các đối tượng phạm tội tẩu thoát và đây cũng là một thực trạng đáng báo động hiện nay.
Như vậy, việc bảo đảm một cơ chế pháp lý rõ ràng về vấn đề này sẽ giúp cho người dân thực hiện tốt hơn quyền của mình, để họ tin tưởng rằng khi tham gia bắt giữ người phạm tội, nếu có gây ra những thiệt hại cần thiết thì họ cũng được pháp luật bảo vệ, đồng thời người tham gia bắt giữ đối tượng phạm tội sẽ có những tiêu chí cụ thể để kiểm soát hoạt động của mình, tránh việc gây thiệt hại quá mức cần thiết cho người bị bắt giữ mà vẫn đạt được yêu cầu đặt ra, từ đó, góp phần khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
2. Điều kiện để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội”
Để xác định trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội không phải là tội phạm và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), theo tác giả cần phải thỏa mãn một số điều kiện sau:
Thứ nhất, chủ thể nhận thức được có người phạm tội cần phải được bắt giữ (cơ sở phát sinh quyền được bắt giữ người khác)
Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc vừa mới thực hiện hành vi phạm tội: Chủ thể trực tiếp nhìn thấy hoặc thông qua các phương tiện quan sát thấy được có người đó đang thực hiện tội phạm hoặc vừa mới thực hiện hành vi phạm tội hoặc nghe thấy (qua thông tin từ phía nạn nhân, của những người trực tiếp chứng kiến vụ việc hoặc những người đang tham gia đuổi bắt đối tượng…). Sự nhận thức ở đây là nhận thức về hành vi phạm tội của đối tượng, chứ không cần nhận thức đầy đủ về các yếu tố cấu thành của tội phạm mà đối tượng đã thực hiện, hành vi của đối tượng có thể xác định được ngay là tội phạm (giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản…) nhưng cũng có thể chỉ chứa đựng tính chất mức độ nguy hiểm nhất định mà thôi (cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…) vì chủ thể không thể nhận thức ngay được hậu quả xảy ra có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Hành vi phạm tội này đang diễn ra hoặc đã thật sự chấm dứt trên thực tế. Nếu đối tượng có hành vi chống trả khi bắt giữ người đang thực hiện hành vi phạm tội thì xem xét ở trường hợp phòng vệ chính đáng mà không xem xét ở trường hợp này. Cũng cần lưu ý rằng, quá trình đuổi bắt đối tượng phải diễn ra liên tục, không có sự gián đoạn về mặt thời gian, trường hợp mặc dù chủ thể có tận mắt chứng kiến hành vi phạm tội của đối tượng nhưng một thời gian sau mới phát hiện ra đối tượng thì sẽ không phát sinh quyền được bắt giữ ở đây. Nhận thức về vấn đề này hoàn toàn phù hợp với lý luận của trường hợp bắt người phạm tội quả tang được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự.
Đối với người đang có quyết định truy nã: Chủ thể phải có những thông tin cụ thể, chính xác và xác nhận đúng là đối tượng đang có quyết định truy nã của cơ quan có thẩm quyền thì mới có cơ sở phát sinh quyền bắt giữ người trong trường hợp này. Nếu thông tin còn mơ hồ, chưa chắc chắn, dẫn đến trường hợp bắt giữ nhầm người và gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì tùy từng trường hợp cụ thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với người bị bắt giữ theo quy định của pháp luật (bị bắt trong trường hợp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bị bắt để tạm giam; bị bắt theo yêu cầu dẫn độ…): Trường hợp này quyền bắt giữ chỉ phát sinh đối với những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự. Tuy nhiên, nếu người bị bắt giữ có hành vi chống trả lại lực lượng bắt giữ nhằm tẩu thoát thì theo chúng tôi, trong trường hợp này, bất kể người nào có mặt tại nơi bắt giữ cũng sẽ phát sinh quyền được bắt giữ nhằm hỗ trợ cho người có thẩm quyền bắt giữ được đối tượng. Đây cũng là vấn đề cần phải có sự nhận thức đúng đắn trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.
Thứ hai, việc sử dụng vũ lực đối với người bị bắt giữ là cách duy nhất
Về cơ sở phát sinh quyền được dùng vũ lực: Khi đã phát sinh quyền được bắt giữ người khác, chủ thể cũng cần phải nhận thức về tính cấp bách của việc bắt giữ, tức là phải có hành động bắt giữ ngay đối tượng bằng việc sử dụng vũ lực nếu không đối tượng sẽ tẩu thoát, tiếp tục trốn tránh hay có thể thực hiện một hành vi phạm tội khác. Chủ thể nhận thức việc cần dùng vũ lực đối với người bị bắt giữ thông qua biểu hiện cụ thể của đối tượng như đối tượng có hành động bỏ chạy, cố thủ trong nhà, trên xe ôtô, dùng vũ lực tấn công lại những người bắt giữ… Đây là cơ sở phát sinh quyền được dùng vũ lực trong trường hợp này. Nếu đối tượng sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã không còn khả năng phản kháng, chống cự (có thể do hành vi phòng vệ của nạn nhân hay người khác gây ra…) hoặc đang đến cơ quan chức năng để đầu thú hay đối tượng chấp hành theo yêu cầu của người thi hành lệnh bắt, thì dĩ nhiên không có cơ sở cho việc sử dụng vũ lực.
Tuy nhiên, không phải nhất thiết lúc nào có cơ sở cho việc dùng vũ lực thì phải dùng vũ lực ngay, mà việc sử dụng vũ lực đối với người bị bắt giữ phải là cách duy nhất. Nghĩa là chủ thể không còn cách nào khác, việc sử dụng vũ lực là cách duy nhất và cuối cùng, thể hiện tính không thể không thực hiện để đạt được mục đích bắt giữ người phạm tội. Xác định việc sử dụng vũ lực đối với người phạm tội là cách duy nhất hay chưa cần phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, chẳng hạn: Nếu đối tượng có thái độ phản kháng nhưng tính chất phản kháng không mạnh, có thể sử dụng các biện pháp khác như tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, thậm chí đe dọa sử dụng vũ lực với đối tượng… vẫn mang lại hiệu quả thì không cần phải sử dụng vũ lực, nhưng khi đã áp dụng các biện pháp đó mà không có hiệu quả thì có thể sử dụng vũ lực để khống chế, bắt giữ đối tượng, lúc này lại là cách duy nhất; trường hợp sự phản kháng của đối tượng ở mức độ mạnh, có tính nguy hiểm cao, nhận thấy việc sử dụng các biện pháp khác khả năng không có hiệu quả (thông qua việc đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của đối tượng, thái độ, công cụ, phương tiện đối tượng sử dụng, nhân thân của đối tượng…) thì việc sử dụng vũ lực ngay có thể được coi là cách duy nhất; còn trong trường hợp người phạm tội có hành vi dùng vũ lực chống trả lại những người tham gia bắt giữ thì việc người bắt giữ sử dụng vũ lực trong trường hợp này lại thể hiện sự tất yếu và được coi là cách duy nhất để đạt được hiệu quả.
Thứ ba, thiệt hại xảy ra phải cho chính người bị bắt giữ
Điều kiện này xuất phát từ mục đích của việc bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội là nhằm ngăn chặn, khống chế, bắt giữ được đối tượng, mọi hoạt động bắt giữ phải hướng tới việc làm cho họ phải chịu khuất phục, không thể và không còn khả năng trốn thoát. Cho nên, chủ thể phải sử dụng vũ lực (dùng chân, tay hoặc công cụ, phương tiện) tác động lên đối tượng phạm tội, từ đó gây thiệt hại cho chính người bị bắt giữ. Nếu gây thiệt hại cho những người khác (bạn bè, người thân thích của họ…), có thể người bị bắt giữ sẽ chịu khuất phục nhưng việc gây thiệt hại đó không phải là bản chất của hoạt động bắt giữ, người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Thứ tư, việc gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải ở mức độ cần thiết
Khi đã lựa chọn biện pháp sử dụng vũ lực đối với người bị bắt giữ thì không phải gây thiệt hại đến mức độ nào cũng được mà thiệt hại gây ra cho người bị bắt giữ phải ở mức độ cần thiết. Tính cần thiết ở đây được hiểu là ở mức độ vừa phải, có giới hạn nhất định, đủ để làm tê liệt sự phản kháng của đối tượng, đủ để bắt giữ, khống chế được đối tượng, có như vậy mới loại trừ trách nhiệm hình sự cho người gây ra thiệt hại. Đây là một điều kiện quan trọng để xác định việc gây thiệt hại khi bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội có phải là tội phạm hay không. Nếu trường hợp người bắt giữ sử dụng vũ lực gây thiệt hại rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, vấn đề quan trọng là chúng ta phải xác định như thế nào là mức độ cần thiết, có lẽ rất khó và không thể đưa ra được một giới hạn cụ thể mang tính định lượng cho trường hợp này mà cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau để xác định được chính xác, khách quan như: thời gian, địa điểm; công cụ, phương tiện người bắt giữ sử dụng; sự nhận thức của người bắt giữ; nhân thân của đối tượng bị bắt giữ; mức độ chống trả của người bị bắt giữ… Chúng tôi thiết nghĩ, đây cũng chính là vấn đề sẽ gây không ít khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tiễn.
3. Một số vấn đề đặt ra khi áp dụng quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Điều 24 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mới, lần đầu tiên được quy định trong luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu và quy định rõ ràng, cụ thể:
– Thứ nhất, gây thiệt hại cho những người cản trở việc bắt giữ
Quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) hiện nay chỉ xác định là gây thiệt hại cho người bị bắt giữ, nhưng không ít trường hợp trong thực tế, khi bắt giữ người phạm tội, người bắt giữ (không phải là những người đang thi hành công vụ) gặp phải sự cản trở của những người khác (có thể là người thân hoặc người quen biết với đối tượng) và những người bắt giữ đã dùng vũ lực với người có hành vi cản trở này để có thể bắt giữ được đối tượng. Trường hợp này, nếu việc dùng vũ lực là bắt buộc và cần thiết thì cũng phải loại trừ trách nhiệm hình sự cho người bắt giữ nếu như có thiệt hại xảy ra.
– Thứ hai, trường hợp gây thiệt hại về tài sản
Thực tế cho thấy có những trường hợp, trong khi bắt giữ người phạm tội, người tham gia bắt giữ đã gây thiệt hại về tài sản cho người bị bắt giữ hay bất kỳ người nào và việc gây thiệt hại này là cần thiết để có thể bắt giữ được người thực hiện hành vi phạm tội, như: phá cửa xe ô tô, phá cửa nhà… thì trách nhiệm hình sự được đặt ra như thế nào, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có điều chỉnh không? Đây cũng là vấn đề đang được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và cán bộ thực tiễn[3].
Nếu căn cứ vào nội dung Điều 24, với việc quy định là “sử dụng vũ lực” trong nội dung điều luật, cùng với những quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có liên quan đến vấn đề xác định trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết (Điều 126 quy định về tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội và Điều 136 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội), tác giả cho rằng thiệt hại mà quy định tại Điều 24 B năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hướng tới chỉ là thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe cho người bị bắt giữ.
Từ hai vấn đề pháp lý nêu trên, tác giả đề nghị cần có hướng dẫn áp dụng Điều 24 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) theo hướng xác định thiệt hại xảy ra đối với người phạm tội và người cản trợ việc bắt giữ người bị buộc tội và dạng hành vi khác (các hành vi gây thiệt hại về tài sản để bắt giữ người phạm tội như: phá cửa xe ô tô, cửa nhà nơi đối tượng cố thủ, dùng xe tông vào phương tiện mà đối tượng đang dùng để tẩu thoát… ) bên cạnh việc sử dụng vũ lực[4], đồng thời cần có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này (các hành vi khác là gì, trách nhiệm hình sự được xác định như thế nào nếu gây thiệt hại về tài sản rõ ràng quá mức cần thiết…)./.
[1] Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Báo cáo đánh giá tác động dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi)
[2] Các tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi (Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh); Các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự (Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung của Đại học Quốc gia Hà Nội); Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (chuyên khảo “Tội phạm và hình phạt’ của tác giả Đinh Văn Quế)…
[3] “Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
- Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
- Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”.
[4] Hiếu Hiển, “Quy định mới về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự”