ĐẶC ĐIỂM PHÁP LÝ CỦA TỘI PHẠM LỪA ĐẢO TRONG KINH DOANH ĐA CẤP
Trên cơ sở phân tích các đặc điểm trong hoạt động kinh doanh đa cấp theo “mô hình kim tự tháp” tại Việt Nam, tác giả bài viết nghiên cứu làm rõ các đặc điểm pháp lý của tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp, góp phần nhận diện, phát hiện tội phạm để tổ chức công tác phòng ngừa và đấu tranh tội phạm này một cách chính xác, nhanh chóng, kịp thời.
Tại Việt Nam, tội phạm về lừa đảo trong kinh doanh đa cấp chưa được nghiên cứu sâu dưới góc độ khoa học luật hình sự và tội phạm học, cho đến Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 hành vi lừa đảo trong kinh doanh đa cấp mới được tội phạm hóa tại điểm d khoản 1 Điều 290 BLHS năm 2015 trong Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Thực tiễn áp dụng pháp luật trước ngày 01/01/2018 (thời điểm BLHS năm 2015 có hiệu lực), các cơ quan tiến hành tố tụng thường vận dụng Điều 139 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), hoặc Điều 226b (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản) của BLHS năm 2009 để xử lý các vụ án lừa đảo trong kinh doanh đa cấp [9].
Trước hậu quả vô cùng nặng nề của hành vi lừa đảo trong kinh doanh đa cấp gây ra trong đời sống xã hội, việc BLHS năm 2015 tội phạm hóa hành vi này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Khác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông thường, tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp được thực hiện thông qua “mô hình kim tự tháp” – một hiện tượng biến tướng của phương thức kinh doanh đa cấp xuất hiện vào cuối những năm 1960 tại Mỹ. Hậu quả của tội phạm này là một mạng lưới người (gồm nhiều cấp, nhiều nhánh) tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp bị chiếm đoạt tài sản.
Phán quyết của Ủy ban thương mại Liên bang Hoa Kỳ đối với vụ kiện công ty Koscot Interplanetery Inc đã định nghĩa “mô hình kim tự tháp” là: “Mô hình mà trong đó người tham gia phải trả một khoản tiền cho công ty để được quyền bán sản phẩm và được quyền nhận tiền thưởng từ việc tuyển những người khác tham gia vào chương trình, mà những khoản thu nhập đó không liên quan đến việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng thực sự” .
Ở Việt Nam, kinh doanh theo “mô hình kim tự tháp” cũng đã được nhận diện và là hành vi bị cấm trong kinh doanh đa cấp. Cụ thể, khoản 10 Điều 3 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/05/2014 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã định nghĩa: “Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp là việc tiến hành hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó thu nhập của người tham gia xuất phát chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia mới; việc gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới”. Kinh doanh theo “mô hình kim tự tháp” là hành vi bị cấm theo quy định tại điểm q Điều 5.1 Nghị định này.
Là hoạt động huy động tài chính trái phép
Việc doanh nghiệp yêu cầu người muốn tham gia mạng lưới kinh doanh phải đóng một khoản tiền nhất định (dưới nhiều danh nghĩa, hình thức khác nhau), về bản chất là hoạt động huy động tài chính, gây quỹ trong một nhóm người được tổ chức thành nhiều cấp, nhiều nhánh. Chẳng hạn, công ty Liên Kết Việt yêu cầu người tham gia phải mua tối thiểu một mã hàng với giá 8,6 triệu đồng để được cấp một mã số kinh doanh và quyền tham gia vào mạng lưới; công ty MB24 bán với giá 5.200.000 đồng/gian hàng “ảo” cho người tham gia. Điều này đi ngược lại với nguyên tắc tự nguyện khi tham gia kinh doanh đa cấp. Số tiền người tham gia đóng vào doanh nghiệp, bị cấp trên của họ chiếm đoạt hoàn toàn. Để thu hồi vốn và được hưởng lợi nhuận từ mô hình này, người tham gia buộc phải tìm kiếm, dụ dỗ, lôi kéo thêm những người mới trở thành thành viên cấp dưới để đóng tiền cho họ. Mô hình này có cấu trúc hình tháp, những đối tượng ở trên đỉnh tháp (thuộc tầng cao nhất) nắm giữ các khoản tiền do thành viên mới đóng vào hệ thống, chi trả một phần chi phí vận hành hệ thống, trả thù lao cho tuyến dưới theo những tỷ lệ nhất định, số tiền còn lại thì bị các đối tượng chiếm hưởng. Khi không thể tìm được thêm người mới tham gia vào hệ thống, tức là không còn lượng tiền mới đóng vào, mạng lưới tất yếu sẽ đổ sập. Nạn nhân sẽ gồm những người ở cấp đáy tháp. Bên cạnh đó, đã xảy ra nhiều vụ những đối tượng trên “đỉnh tháp” khi thấy lượng tiền thu được đã lớn liền bỏ trốn, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà người tham gia mạng lưới ở cấp dưới đã đóng vào. Chẳng hạn như vụ Colonyinvest; vụ Golden Rock Limited; vụ Network Hoàng Kim… Các đối tượng (trong nước và nước ngoài) cầm đầu mạng lưới sau khi huy động được hàng chục triệu USD đã “ôm tiền” bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Hiện nay, hoạt động thu hút tài chính theo kiểu đa cấp vào các dự án bất động sản, dịch vụ du lịch, tiền ảo, sản phẩm thông tin số… đang diễn ra rất phức tạp. Nhiều tổ chức, cá nhân hứa hẹn trả cho nhà đầu tư tiền lãi, tiền thưởng hay hoa hồng cao bất thường so với số tiền vốn bỏ ra ban đầu. Thực chất, các dự án hay sản phẩm này chỉ là vỏ bọc, là cái cớ để che đậy hoạt động huy động tiền. Bản chất của hành vi này vẫn là lấy tiền của người vào sau trả cho người vào trước, tuyến trên trong mạng lưới. Khi không còn người đóng tiền vào hệ thống thì tức khắc sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ mất tiền đã đầu tư. Chẳng hạn, đầu năm 2018, công ty Modern Tech (tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) bị người dân tố cáo chiếm đoạt 15 nghìn tỷ đồng của hơn 32 nghìn nhà đầu tư, thông qua việc kinh doanh đồng tiền “ảo” Ifan…
Vận hành dựa trên sự lừa dối
Vì không có mục tiêu thúc đẩy hoạt động bán lẻ hàng hóa thực sự, nên để tạo lòng tin và đánh vào tính hám lợi nhằm lôi kéo người dân tham gia, doanh nghiệp đa cấp luôn cung cấp những thông tin sai sự thật về lợi ích của việc tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, đặc biệt là tuyên truyền sai về thu nhập, tiền thưởng, lợi nhuận, hoa hồng mà những người đang hoặc sẽ tham gia vào hệ thống được hưởng, hoặc “tô vẽ” ra viễn cảnh giàu sang, không cần làm gì cũng có thu nhập cao. Chẳng hạn, công ty Liên Kết Việt cam kết nếu khách hàng bỏ ra 8,6 triệu đồng mua 01 mã hàng gồm 01 máy ozone và 03 sản phẩm thực phẩm chức năng, sau 05 năm sẽ được hưởng 409 triệu đồng tiền hoa hồng, cộng với tiền thưởng mà không cần phải làm gì. Đây là những chiêu thức tuy không mới, nhưng rất hiệu quả vì đánh thẳng vào lòng tham, bản tính hám lợi cố hữu của con người. Việc quảng cáo sai sự thật về tính năng, công dụng của sản phẩm cũng diễn ra phổ biến trong mô hình này, nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm từ nhận thức sai lầm của khách hàng. Ngoài ra, để lôi kéo được nhiều người, doanh nghiệp đa cấp còn đưa ra những thông tin gian dối về tư cách pháp nhân, tính hợp pháp của hoạt động kinh doanh… Có nhóm đối tượng còn đánh bóng thương hiệu bằng thủ đoạn mạo danh, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Trả công cho việc lôi kéo người tham gia mạng lưới
Trong kinh doanh đa cấp chân chính, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng từ kết quả bán lẻ sản phẩm của mình và của mạng lưới cấp dưới do mình xây dựng lên và bảo trợ. Còn trong “mô hình kim tự tháp”, khoản hoa hồng, tiền thưởng mà doanh nghiệp trả cho người tham gia chính là tiền công dụ dỗ, lôi kéo thêm người mới vào mạng lưới. Số tiền này được trích ra một phần từ khoản thu của người tuyến dưới mới tham gia.
Chiếm đoạt tiền của người tham gia bằng thủ đoạn dồn hàng trái pháp luật; trao đổi không ngang giá và áp dụng chế độ trả thưởng theo sơ đồ nhị phân
Ngoài việc huy động tài chính rồi chiếm đoạt tiền và bỏ trốn, người phạm tội còn lừa đảo người tham gia bằng thủ đoạn dồn hàng, ép người tham gia mua sản phẩm không ngang giá và chế độ trả thưởng nhị phân.
Thủ đoạn dồn hàng là cách chiếm đoạt tiền của người tham gia khá tinh vi. Bằng “mồi nhử” lợi ích, doanh nghiệp đa cấp dụ dỗ, ép buộc người tham gia phải mua một số lượng lớn sản phẩm với giá cao gấp nhiều lần, như một điều kiện để được quyền tham gia vào mạng lưới kinh doanh. Sản phẩm doanh nghiệp đa cấp bán ra cho người tham gia thường không có giá trị và giá trị sử dụng thực (như các gian hàng ảo, tiền ảo…), hoặc là có giá trị thấp hơn nhiều so với giá bán (trao đổi không ngang giá). Chẳng hạn, sản phẩm quần áo phụ nữ nhãn nhiệu Nymphs, xuất xứ Đài Loan, giá vốn chỉ khoảng 100.000 đồng/chiếc, nhưng công ty Thiên Ngọc Minh Uy bán cho người tham gia với giá 5.900.000 đồng/chiếc (cao gấp 59 lần); công ty Trường Giang Việt Nam nhập sản phẩm “Truong Giang Liver”; “Truong Giang Calcium” với giá từ 12 nghìn đồng đến 18 nghìn đồng nhưng bán ra cho người tham gia với giá 990.000 nghìn đồng (chưa có VAT) (cao gấp 50 đến 82 lần).
Vì sản phẩm được bán với giá quá cao nên người tham gia tất yếu không thể bán lại sản phẩm đó ở thị trường bán lẻ truyền thống. Cho nên phạm vi lưu thông sản phẩm trong “mô hình kim tự tháp” chỉ trong nội bộ mạng lưới, giữa doanh nghiệp đa cấp với người tham gia. Khi người tham gia có nhu cầu trả lại sản phẩm thì doanh nghiệp đa cấp từ chối giải quyết việc mua lại hàng hóa đã bán theo quy định của pháp luật hoặc như cam kết, hứa hẹn ban đầu. Chênh lệch giá mua vào – bán ra chính là khoản tiền mà các đối tượng ở “đỉnh tháp” chiếm hưởng của người tham gia, sau khi trừ đi các chi phí vận hành hệ thống.
Ngoài ra, hành vi chiếm đoạt tiền hoa hồng, tiền thưởng của người tham gia còn được che đậy hết sức tinh vi thông qua chế độ trả thưởng theo sơ đồ nhị phân. Theo sơ đồ này, người tham gia chỉ được phát triển hai tuyến (nhánh) cấp dưới trực thuộc mình và xây dựng mạng lưới trên hai nhánh này. Trên thực tế, doanh số bán hàng giữa hai nhánh rất hiếm khi cân bằng nhau, mà sẽ có “nhánh mạnh” và “nhánh yếu”, nghĩa là luôn có sự chênh lệch về doanh số, doanh thu giữa hai nhánh và doanh nghiệp chỉ phải trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia trên cơ sở doanh thu của “nhánh yếu”. Ví dụ: Nếu “nhánh mạnh” có doanh thu 100 triệu đồng/tháng, “nhánh yếu” không có doanh thu, thì người tham gia không được doanh nghiệp trả hoa hồng, tiền thưởng, đồng nghĩa với việc chủ doanh nghiệp “cướp không” số tiền thù lao trên cơ sở doanh thu 100 triệu đồng từ “nhánh mạnh”. Như vậy, sự chênh lệch doanh số càng lớn thì lượng tiền hoa hồng của người tham gia bị chiếm đoạt càng nhiều. Đây là sơ đồ trả thưởng bị pháp luật nhiều nước nghiêm cấm, vì nó thúc đẩy người tham gia tích cực dụ dỗ, lôi kéo thêm nhiều người khác bỏ tiền đóng vào “nhánh yếu”, nhằm tạo ra sự cân bằng nhau giữa hai nhánh (thường gọi là “cân chân”) để có thể nhận được tiền thưởng, tiền hoa hồng của doanh nghiệp. Sơ đồ trả thưởng này hướng đến việc lôi kéo người đóng tiền vào hệ thống, chứ không nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đi ngược lại với nguyên tắc kinh doanh đa cấp là bán lẻ trực tiếp, hàng hóa phải đến tay người tiêu dùng.
Từ những lý do trên, có thể hiểu tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp là: Tội phạm chiếm đoạt tài sản của người tham gia mạng lưới kinh doanh gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, thông qua mô hình kim tự tháp.
Đặc điểm pháp lý của tội phạm lừa đảo trong kinh doanh theo phương thức đa cấp được phản ánh thông qua các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:
Về khách thể: Khách thể của tội phạm này là quyền sở hữu về tài sản. Đối tượng tác động của tội phạm này chủ yếu là tiền, tài sản của người tham gia trong “mô hình kim tự tháp”.
Mặt khách quan:
Một là, ý thức chiếm đoạt tài sản của người phạm tội luôn có trước hành vi chiếm đoạt. Để đạt được mục tiêu chiếm đoạt tài sản của cộng đồng người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp, ngay từ đầu, ý định chiếm đoạt tài sản được bộc lộ thông qua hành vi lựa chọn và vận hành mạng lưới theo “mô hình kim tự tháp”. Bản thân hành vi lựa chọn mô hình này đã ẩn chứa bên trong nó những toan tính gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia.
Hai là, thủ đoạn gian dối có trước hành vi chiếm đoạt. Để chiếm đoạt được tài sản của mạng lưới người tham gia, vì không dựa trên hoạt động bán lẻ hàng hóa thực sự, nên người phạm tội chỉ có thể thu hút người tham gia bằng cách cố ý và chủ động đưa ra những thông tin giả, tạo ra sự hấp dẫn của hệ thống đa cấp. Trên thực tế, thủ đoạn gian dối đưa ra thông tin giả của người phạm tội rất đa dạng, thể hiện qua nhiều hành động như: Cố ý tuyên truyền gian dối về lợi ích kinh tế mà người tham gia đang hoặc sẽ được hưởng khi tham gia vào mạng lưới; quảng cáo sai sự thật về tính năng, công dụng của hàng hóa; giả mạo doanh nghiệp hoạt động chân chính; mạo danh các cơ quan nhà nước, tổ chức có uy tín; làm giả các loại công văn, giấy tờ, chữ ký của những người có thẩm quyền… Đây đều là sự cụ thể hóa thủ đoạn gian dối của người phạm tội, với mục đích nhằm làm cho người khác nảy sinh sự tin tưởng, nảy sinh lòng tham, tính hám lợi, từ đó dẫn đến việc tự nguyện đóng tiền vào doanh nghiệp dưới nhiều hình thức, danh nghĩa khác nhau để được quyền tham gia vào mạng lưới.
Hành vi gian dối trong “mô hình kim tự tháp” diễn ra liên tục trong thời gian tồn tại của mạng lưới và gắn liền với sự phát triển của mạng lưới. Chủ thể thực hiện hành vi gian dối khi mạng lưới đã được thiết lập không chỉ có người phạm tội ở vị trí “đỉnh tháp” mà bao gồm cả các thành viên khác trong mạng lưới, tính đa cấp trong hoạt động lừa đảo nằm ở điểm này. Dưới tác động của yếu tố lợi ích khi lôi kéo được người mới tham gia vào mạng lưới, những thành viên đã tham gia chủ động và cố ý thực hiện việc tuyên truyền sai sự thật, đưa thông tin giả đối với những người khác, nhằm tuyển mộ họ vào tuyến dưới của mình. Vấn đề này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng khi xem xét vai trò đồng phạm của người tham gia trong một vụ án có hành vi lừa đảo trong kinh doanh đa cấp.
Ba là, hành vi chiếm đoạt tài sản trong kinh doanh đa cấp diễn ra liên tục và song hành với thủ đoạn gian dối. Ở Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông thường, thủ đoạn gian dối thường kết thúc trước khi việc giao tài sản được thực hiện, đây là điểm khác biệt cần nhận diện. Với đặc thù của hoạt động kinh doanh đa cấp theo “mô hình kim tự tháp”, mạng lưới người tham gia luôn vận động theo hướng mở rộng, phát triển thêm các tuyến, các nhánh, các tầng… cùng với nó là quá trình chiếm đoạt tài sản của người tham gia diễn ra liên tục, thông qua việc huy động tài chính trái phép, dồn hàng trái pháp luật, trao đổi hàng hóa không ngang giá, áp dụng chế độ trả thưởng nhị phân, chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn…
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong “mô hình kim tự tháp” được ẩn chứa dưới dạng các hợp đồng dân sự, như: Thỏa thuận hợp tác kinh doanh đa cấp, hợp đồng đặt cọc mua hàng hóa, các biên bản thỏa thuận đóng phí, lệ phí, phiếu thu tiền dự hội thảo, hóa đơn mua tài liệu… Người tham gia do tin vào lời quảng cáo, tuyên truyền của doanh nghiệp hay của nhân viên tuyến trên, tưởng giả là thật, nên tự nguyện giao kết các hợp đồng dân sự, tự nguyện đóng tiền, phí, hoặc mua hàng hóa, dịch vụ, mua gói đầu tư của doanh nghiệp.
Bốn là, tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp là loại tội phạm có cấu thành vật chất. Thiệt hại về tài sản trong tội phạm này là trị giá tài sản bị chiếm đoạt và việc xác định nó là cần thiết để định tội, xác định cấu thành cơ bản hoặc cấu thành định khung tăng nặng. Trên thực tế, hậu quả thiệt hại của hành vi lừa đảo trong kinh doanh đa cấp luôn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, được thể hiện thông qua số lượng người bị hại và tài sản bị chiếm đoạt. Bên cạnh đó là tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự, văn hóa xã hội ở nhiều địa phương và trong phạm vi cả nước, cản trở việc thực hiện các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội. Ngoài ra, hậu quả của hành vi lừa đảo ở “mô hình tháp ảo” còn gây “khủng hoảng lòng tin” trong cộng đồng đối với phương thức kinh doanh đa cấp, vốn là phương thức kinh doanh hiện đại và có nhiều điểm ưu việt. Qua đó gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hoạt động tuân thủ pháp luật.
Năm là, giữa hoạt động kinh doanh đa cấp theo “mô hình kim tự tháp” và thiệt hại về tài sản của người tham gia có mối quan hệ nhân quả (nội tại – tất yếu). Bởi vì, mô hình này với yếu tố gian dối và chiếm đoạt chứa đựng bên trong, tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả làm cộng đồng người tham gia bị thiệt hại về tài sản. Hoạt động kinh doanh đa cấp theo mô hình này là cơ sở quyết định việc người phạm tội chiếm đoạt được tài sản của người tham gia mạng lưới.
Mặt chủ quan:
Về dấu hiệu lỗi: Tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Về lý trí, người phạm tội nhận thức rõ việc tổ chức hoạt động theo “mô hình kim tự tháp” là nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia; nhận biết rõ những thủ đoạn đưa ra là gian dối, hoàn toàn không có thật, nhằm làm người tham gia tin đó là sự thật. Trước khi thực hiện những hành động lừa dối, người phạm tội đã có ý thức chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Về ý chí, người phạm tội mong muốn hành vi lừa dối đưa đến kết quả là chiếm đoạt được tài sản của người tham gia.
Về dấu hiệu động cơ, mục đích phạm tội: Người phạm tội thực hiện hành vi lừa đảo trong kinh doanh đa cấp là để thỏa mãn nhu cầu vật chất của bản thân. Động cơ vụ lợi là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện tội phạm. Mục đích chiếm đoạt tài sản là mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người tham gia mạng lưới mà người phạm tội đặt ra trong ý thức chủ quan của mình khi quyết định thực hiện tội phạm. Mục đích này có trước khi thực hiện hành vi phạm tội.
Chủ thể:
Chủ thể của tội phạm lừa đảo trong kinh doanh theo phương thức đa cấp là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi theo luật định và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể. Do chủ thể của tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp là chủ thể thường, nên không có sự ngoại lệ đối với người nước ngoài, người không quốc tịch khi thực hiện hành vi lừa đảo trong kinh doanh đa cấp trên lãnh thổ Việt Nam, trừ một số người được hưởng quyền miễn trừ tư pháp, vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); hoặc khoản 3, khoản 4 Điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản).
Việc nghiên cứu các đặc điểm pháp lý của tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp không chỉ có ý nghĩa trong công tác áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm, mà còn tạo cơ sở quan trọng cho việc tiến hành các hoạt động phòng ngừa, chủ động kiện toàn chính sách pháp luật về quản lý kinh doanh đa cấp, khắc phục các lỗ hổng chính sách thường bị tội phạm khai thác, lợi dụng để gây án; chủ động nhận diện sớm các biểu hiện của kinh doanh đa cấp lừa đảo để triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để tái diễn tình trạng tội phạm xảy ra, gây hậu quả nặng nề như thời gian vừa qua.