Dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một số tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ trong luật hình sự việt nam
Ths. Trần Xuân Thiên An
Ths. Nguyễn Thị Thùy Liên
Giảng viên Khoa Kiểm sát Hình sự- Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm sát tại TP.HCM
Tóm tắt: Kế thừa tinh thần của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS) đã bổ sung một số quy định mới về các tội phạm trong nhóm tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật vẫn còn tồn tại và có những khó khăn, vướng mắc nhất định, đặc biệt liên quan đến vấn đề định tội danh. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày một số dấu hiệu pháp lý đặc trưng, làm cơ sở để việc định tội đối với nhóm tội này được khách quan, chính xác.
Từ khóa: Xâm phạm an toàn giao thông, giao thông đường bộ, bộ luật hình sự.
Abstract: Inheriting the spirit of the 1999 Penal Code (amended and supplemented in 2009), the 2015 Penal Code has added a number of new regulations on crimes in the group of crimes of infringing upon traffic safety. road traffic. However, in the process of applying the law still exist and there are certain difficulties and obstacles, especially related to the problem of crime determination. Within the scope of this article, the author presents some typical legal signs, which serve as the basis for the determination of crimes against this group of crimes to be objective and accurate.
Keywords: Violation of traffic safety, road traffic, penal code.
1. Đặt vấn đề
Các tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Mục 1 chương XXI trong BLHS năm 2015 từ Điều 260 – Điều 266. So với quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì đối với nhóm tội này đã có sửa đổi, bổ sung 06 điều luật và bổ sung 01 điều luật mới. Những quy định mới trong BLHS năm 2015 về các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ về cơ bản đã có thay đổi, vì vậy đã gây ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền, đặc biệt là vấn đề định tội, định khung hình phạt. Do vậy, việc nghiên cứu các dấu hiệu pháp lý nhằm phân biệt tội danh, khung hình phạt trong nhóm các tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ là việc làm cần thiết.
2. Phân biệt Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với Tội cản trở giao thông đường bộ
Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) và Tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261) là hai tội phạm cùng thuộc nhóm các tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, do vậy có những dấu hiệu pháp lý tương tự nhau (chủ thể của cả hai tội có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự tham gia giao thông đường bộ, tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý và cả hai tội phạm đều xâm phạm đến an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân, tài sản của nhà nước, của tổ chức và công dân. Tuy nhiên, giữa hai tội phạm nói trên cũng có những điểm khác biệt, cụ thể:
Về khách thể. Mặc dù khách thể của hai tội phạm này đều là trật tự an toàn giao thông đường bộ do Nhà nước quy định và bảo vệ, nhưng đối tượng tác động lại khác nhau. Đối với Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, đối tượng tác động được xác định bao gồm các phương tiện giao thông đường bộ như xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng và người đi bộ (so với quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999, quy định này đã có sự thay đổi để phù hợp với yêu cầu của việc xử lý các hành vi vi phạm), trong khi đó, đối tượng tác động của Tội cản trở giao thông đường bộ lại được xác định là đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường, hệ thống thoát nước, biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác.
Về mặt khách quan
Phân tích các nội dung cụ thể của hai điều luật có thể thấy, hành vi khách quan giữa hai tội phạm này có điểm khác nhau rõ rệt. Đối với Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS), hành vi phạm tội bắt nguồn từ những vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, như bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe chạy quá tốc độ,…, những vi phạm bị xử lý hình sự trước tiên đều bắt nguồn từ các vi phạm luật giao thông, việc kèm theo dấu hiệu hậu quả ở mức độ nghiêm trọng trở thành cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi đó. Dưới góc độ lý luận, có thể chia hành vi khách quan trong Tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông làm hai loại: Hành vi vi phạm về điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ như chở hàng hóa cồng kềnh, chằng buộc hàng hóa không đúng nơi quy định, không làm chủ tốc độ, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định về an toàn giao thông đường bộ,…và hành vi vi phạm khác không điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ như hành vi dẫn súc vật đi trên đường, hành vi điều khiển các phương tiện không phải là phương tiện giao thông như xe bò, xe ngựa, hành vi chạy bộ, đi bộ trên đường giao thông…
Đối với Tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261 BLHS), người phạm tội cản trở giao thông đường bộ có thể thực hiện một hoặc một số hành vi như đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ.
Do vậy, có thể thấy, điểm khác nhau cơ bản của hai tội phạm này chủ yếu dựa vào hành vi khách quan, và thực tế thì việc xác định hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ cũng như hành vi cản trở giao thông đường bộ không chỉ căn cứ vào quy định của BLHS mà phải áp dụng các quy định tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể được xác định chính xác.
3. Phân biệt Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn với Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
Trong nhóm các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đây là ba tội phạm liên quan trực tiếp đến việc sử dụng các phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, mức độ an toàn; hoặc điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại. Về mặt lý luận, cả ba tội phạm trên đều xâm phạm đến khách thể chung là an toàn giao thông đường bộ và được thực hiện với lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả). Tuy nhiên, để có cơ sở xử lý từng hành vi phạm tội trong thực tiễn, nhà làm luật khi xây dựng các quy định trên cũng đã xác định cho nó những dấu hiệu riêng biệt cụ thể.
Về chủ thể
Trong cấu thành tội phạm của Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn quy định tại Điều 262 BLHS, chủ thể của tội phạm được xác định là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người trực tiếp chịu trách nhiệm về việc điều động hoặc tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Đây là những người có chức vụ, quyền hạn hoặc tuy không có chức vụ, quyền hạn nhưng do tính chất nghề nghiệp nên có trách nhiệm trong việc điều động phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng, đó có thể là giám đốc doanh nghiệp vận tải, chủ sở hữu phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng,…; hoặc theo quy định của pháp luật, đây là những người có trách nhiệm về việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng như nhà sản xuất, lắp ráp, cán bộ nhân viên đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ, xe máy chuyên dùng. Các chủ thể khác thì tùy hành vi cụ thể có thể xem xét xử lý ở những tội danh khác thuộc nhóm tội phạm này.
Đối với Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 263 BLHS, chủ thể cũng được xác định là chủ thể đặc biệt, tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là chỉ những người chịu trách nhiệm điều động người không đủ điều kiện tham gia giao thông chứ không phải là điều động phương tiện mà biết rõ không đủ điều kiện tham gia giao thông (các chủ thể này có thể là giám đốc doanh nghiệp xe khách, đội trưởng đội xe của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vận tải,…). Phương tiện giao thông đường bộ được đưa vào sử dụng trong tội phạm này về cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đủ điều kiện được phép lưu hành, trường hợp điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông mà biết rằng phương tiện giao thông đó không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại thì tùy từng trường hợp có thể xử lý ở cả hai tội danh tương ứng.
So với hai tội phạm trên, chủ thể của Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 264 BLHS) có thể là bất kỳ người nào, không phân biệt người có chức vụ, quyền hạn, hay người không có chức vụ, quyền hạn trong việc điều động hoặc chịu trách nhiệm về việc điều động người khác điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ.
Về khách thể. Như đã trình bày, khách thể mà 03 tội phạm này hướng tới xâm hại là an toàn giao thông đường bộ, nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông về tính mạng, sức khỏe, tài sản. Tuy nhiên, đối tượng tác động của ba tội này lại có sự khác nhau:
+ Đối tượng tác động của Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng[1].
+ Đối tượng tác động của Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là con người, mà cụ thể là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không đủ điều kiện quy định theo Luật Giao thông đường bộ như: Không có giấy phép lái xe, không đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, có sử dụng ma túy…
Về mặt khách quan. Khi so sánh hành vi khách quan của 03 tội phạm nói trên, có thể nhận thấy:
+ Đối với Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn, hành vi phạm tội được thể hiện thông qua việc chủ thể của tội phạm (Thủ trưởng cơ quan, Giám đốc xí nghiệp, Trưởng phòng điều xe…) đã điều động hoặc cho phép đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn. Trường hợp nếu họ là người trực tiếp chịu trách nhiệm về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng thì hành vi khách quan của họ là chứng nhận không đúng về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng[2].
+ Đối với Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, hành vi phạm tội được thể hiện thông qua việc điều động, phân công, ra lệnh, ra chỉ thị cho người khác mà biết rõ người này không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Ví dụ: Lê Văn Kh là giám đốc xí nghiệp vận tải hàng hóa, biết rõ Nguyễn Minh T không có giấy phép lái xe tải nhưng vẫn phân công T lái xe tải chở hàng gây tai nạn làm chết người.
+ Đối với Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, hành vi phạm tội được thể hiện thông qua việc người phạm tội thực hiện hành vi “giao” cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Khác với hành vi điều động là ra lệnh, phân công, chỉ thị cho người khác, ở tội phạm này, người phạm tội có hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Nếu người có chức vụ, quyền hạn mà ra lệnh, chỉ thị hoặc phân công những người bị pháp luật cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 263 BLHS. Như vậy, có thể nói, hành vi khách quan giữa Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 263 BLHS) với Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 264 BLHS) chỉ khác nhau ở tính chất của hành vi khách quan (Điều 263 là “điều động”, Điều 264 là “giao”).
4. Phân biệt Tội tổ chức đua xe trái phép và Tội đua xe trái phép
Về khách thể
Tội tổ chức đua xe trái phép và Tội đua xe trái phép là 02 tội phạm cùng xâm phạm đến khách thể được xác định là trật tự cộng cộng, an toàn công cộng, đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác ở những nơi công cộng. Tuy nhiên, đối tượng tác động của hai tội phạm này lại khác nhau. Đối tượng tác động của Tội tổ chức đua xe trái phép chính là người đua xe, người cổ vũ đua xe chứ không phải là phương tiện dùng để đua xe là ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, trong khi đó, đối tượng tác động của Tội đua xe trái phép là phương tiện dùng để đua xe là ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Như vậy, một bên có đối tượng tác động là con người cụ thể, bên còn lại là phương tiện dùng để thực hiện hành vi.
Về mặt khách quan.
Ở Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265), hành vi khách quan được thể hiện là hành vi tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Tổ chức đua xe trái phép là hành vi khởi xướng việc đua xe, vạch kế hoạch đua xe, chỉ huy việc đua xe, cưỡng bức, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, kích động người khác đua xe,… mà không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền trên trên bất kỳ tuyến đường giao thông công cộng nào (đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện, trong thành phố, thị trấn…). Hành vi tổ chức đua xe trái phép trong tội phạm này khác hoàn toàn so với khái niệm “phạm tội có tổ chức” với ý nghĩa là một hình thức đồng phạm của nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 17 BLHS.
Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi cụ thể nêu trên chứ không bắt buộc phải đồng thời thực hiện tất cả các hành vi. Trường hợp người tổ chức đua xe trái phép đồng thời là người trực tiếp tham gia đua xe thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội danh cụ thể: Tội tổ chức đua xe trái phép và Tội đua xe trái phép.
Trong cấu thành tội phạm của Tội đua xe trái phép, không giống với Tội tổ chức đua xe trái phép, hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Đua xe trái phép là hành vi trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đua trái phép trên các tuyến đường giao thông công cộng. Tuy nhiên, trước khi thực hiện hành vi đua, người phạm tội cũng có thể thực hiện những hành vi khác liên quan nhằm bổ trợ cho hành vi đua xe như chuẩn bị phương tiện đua (xe) và những điều kiện cần thiết khác cho cuộc đua, đến nơi tập trung để thực hiện hành vi đua xe nhưng hành vi trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia cuộc đua được xác định là hành vi quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định trong việc định tội danh đối với tội phạm này, trường hợp nếu người đó đã chuẩn bị phương tiện và những điều kiện cần thiết cho việc đua xe và đang trên đường đến nơi tập trung để thực hiện việc đua xe thì bị phát hiện, bắt giữ thì không cấu thành tội phạm này mà tùy trường hợp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
So với Tội tổ chức đua xe trái phép, cần phải có sự chuẩn bị, lên kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc thực hiện cuộc đua thì ở Tội đua xe trái phép, tội phạm có thể được thực hiện ngẫu hứng giữa những người điều khiển phương tiện giao thông trên đường, và vẫn xem hành vi ấy là tội phạm nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 266 BLHS.
Về cơ bản, việc phân biệt một số tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ trong BLHS năm 2015 được xem là việc làm cần thiết nhằm chỉ rõ những điểm khác nhau, xác định chính xác hành vi khách quan của các tội phạm này, tạo cơ sở cho việc điều tra, xử lý tội phạm trong thực tiễn. Tuy nhiên, trên thực tế có thể có những khó khăn khác xung quanh vấn đề định tội, định khung hình phạt của những tội danh khác với các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ như Tội vô ý làm chết người (Điều 128), hoặc Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129), thậm chí là Tội giết người (Điều 123) thì việc phân biệt nhằm làm rõ những điểm khác nhau giữa chúng cũng là vấn đề quan trọng không kém. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu, phân tích nhằm chỉ ra những điểm khác biệt giữa các tội phạm cụ thể trong nhóm các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, giữa những tội phạm cụ thể mà thực tế xử lý, giải quyết có thể phát sinh những mâu thuẫn, bất đồng, quan điểm trái ngược nhau, tạo nền tảng cho việc xử lý đối với các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ thật sự khách quan, đúng đắn./.
[1] Theo Luật Giao thông đường bộ, Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.
[2] Đinh Văn Quế (2020), Bình luận Bộ luật hình sự năm 2015, NBX Thông tin và truyền thông, Hà Nội, tr71.