ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT VỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG;
GIÁO DỤC, RÈN LUYỆN VÀ CHĂM LO XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

TS. Nguyễn Văn Khoát – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐTBD NVKS tại TP. HCM

Ngày 15/7/1960 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Khóa II đã thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), luật này, đã được Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 20 – LCT công bố ngày 26/7/1960; cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Viện trưởng VKSND tối cao – Viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28/5/1905, tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Với gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Đảng và Nhà nước giao cho nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Viện trưởng VKSND tối cao…Ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí luôn thể hiện là người cán bộ gương mẫu, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đặc biệt, trong suốt 16 năm trên cương vị Viện trưởng VKSND tối cao (1960 – 1976), đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những chỉ đạo nhằm xác lập, củng cố vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong thể chế nhà nước, trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ kiểm sát tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng giao cho Ngành. Trong công tác kiểm sát, đồng chí luôn chú trọng việc nêu cao tính Đảng, coi trọng công tác xây dựng Đảng và gắn hoạt động kiểm sát vào phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng; đề cao tính dân chủ trong hoạt động kiểm sát, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; chăm lo việc giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ của Ngành.

1. Đồng chí Hoàng Quốc Việt với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân

Vấn đề đào tạo, giáo dục và rèn luyện xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng luôn luôn được Đảng và Nhà nước, đặt biệt là chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và chăm lo, xây dựng. Trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi Lối làm việc” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Nắm vững quan điểm của Đảng, thấm nhuần tư tưởng của Bác về công tác cán bộ và bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, ngay sau ngày thành lập hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã bắt tay ngay vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm sát. Xuất phát từ tình hình thực tiễn chung của đất nước lúc bấy giờ, nguồn tuyển dụng vào ngành kiểm sát chủ yếu là cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể quần chúng và các chiến sĩ, sĩ quan quân đội, xuất thân từ giai cấp công nông đã được thử thách, rèn luyện trong kháng chiến, có nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, trình độ văn hóa còn hạn chế đặc biệt là chưa được đào tạo về kiến thức pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trước tình hình đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành theo phương châm “vừa chiến đấu, vừa xây dựng” đồng thời, lựa chọn một số cán bộ trẻ có trình độ văn hóa đi đào tạo đại học tại Liên Xô và cử một số cán bộ nòng cốt đi học các lớp pháp lý (thời gian hai năm) do chuyên gia Liên Xô giảng dạy tại Trường Cán bộ Tư pháp làm nguồn cán bộ lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của VKSND tối cao và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sau này của Ngành. Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược và tư duy sáng tạo, năm 1963 đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo ngành Kiểm sát mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát ngắn hạn đáp ứng nhu cầu cán bộ trong những ngày đầu mới thành lập. Trên cơ sở kết quả đạt được, ngày 12/10/1964 đồng chí Hoàng Quốc Việt đã ký Quyết định số 220/QĐ thành lập Trường Cán bộ kiểm sát, đồng thời giao cho nhà trường tổ chức biên soạn bộ giáo trình về khoa học pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát đầu tiên dùng làm tài liệu đào tạo cán bộ, Kiểm sát viên theo hình thức luân huấn từ 02 tháng đến 06 tháng, góp phần phổ cập cấp tốc trình độ pháp luật và kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ của Ngành để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Sau 10 năm kể từ ngày thành lập, năm 1970 được sự chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao, ngành Kiểm sát đã tiến hành tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xác định phương hướng nhiệm vụ, nội dung chương trình đào tạo mới phù hợp với yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong thời chiến. Trên cơ sở đó, ngày 21/4/1970, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã ký Quyết định số 62/QĐ – TC về tổ chức bộ máy của VKSND tối cao trong đó có Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát (Quyết định này, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn ngày 25/4/1970), đánh dấu một bước phát triển quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ sự kiện quan trọng này, ngày 25/4 hàng năm được coi là ngày truyền thống của Nhà trường (nay là Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội). Cùng với việc thành lập Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ Kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt còn chủ động đề nghị ba trường của ba ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án thống nhất xây dựng hệ thống giáo trình, đặc biệt là giáo trình giảng dạy về pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự. Những cuốn giáo trình đó, đã trở thành cẩm nang cho cán bộ các ngành Tư pháp trong một thời gian dài và là cơ sở, nền tảng căn bản cho việc xây dựng giáo trình Luật hình sự, Tố tụng hình sự cho các cơ sở đào tạo luật sau này ở nước ta.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức; tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trật tự trị an diễn biến phức tạp, nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Nhà nước ta là phải nhanh chóng thành lập chính quyền cách mạng ở miền Nam, hoàn thành thống nhất đất nước và thống nhất hệ thống bộ máy nhà nước, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân. Trong những năm đầu mới thành lập, đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam còn thiếu trầm trọng. Trước tình hình đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng với tập thể lãnh đạo VKSND tối cao kịp thời đề ra chủ trương điều động một số lượng lớn cán bộ, Kiểm sát viên có trình độ, có kinh nghiệm công tác (gồm 377 người) từ các VKSND các tỉnh, thành phố phía Bắc bổ sung kịp thời cho VKSND các tỉnh phía Nam; đồng thời tuyển dụng những sỹ quan quân đội, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ vào Ngành, tạo cơ sở cho việc xây dựng nguồn nhân lực ban đầu cho các VKSND mới thành lập ở phía Nam và xúc tiến việc thành lập cơ sở đào tạo ở phía Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ mới được tuyển dụng vào Ngành. Tiếp tục thực hiện chủ trương của đồng chí Hoàng Quốc Việt, ngày 7/1/1978 Viện trưởng VKSND tối cao, đồng chí Trần Hữu Dực đã ban hành Quyết định số 02/QĐ – V9 về việc thành lập Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Mặc dù, do yêu cầu phân công nhiệm vụ của Đảng từ tháng 8 năm 1976 đồng chí Hoàng Quốc Việt thôi giữ chức vụ Viện trưởng VKSND tối cao nhưng những tư tưởng, quan điểm, tấm gương của đồng chí về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm sát đều được các thế hệ lãnh đạo VKSND tối cao kế thừa và phát triển, đặt nền móng cho việc thành lập Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà nội 1981, Trường Cao đẳng kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2001, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội 2013, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015.

2. Đồng chí Hoàng Quốc Việt với sự nghiệp giáo dục, rèn luyện và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân.

Về giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức người cán bộ kiểm sát. Là bậc lão thành cách mạng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn thấm nhuần tư tưởng của Bác về công tác cán bộ. Thấy trước những khó khăn lớn nhất của ngành Kiểm sát trong những ngày đầu mới thành lập, đó là trình độ cán bộ thấp, kinh nghiệm công tác còn hạn chế và số lượng biên chế còn ít, do đó đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ để phục vụ sự nghiệp phát triển lâu dài của ngành Kiểm sát mà trước hết là đạo đức cách mạng, đạo đức và văn hóa ứng xử của người cán bộ kiểm sát. Đồng chí Hoàng Quốc Việt quan niệm công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, phải phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Đảng qua từng thời kỳ cách mạng. Chính vì vậy, đồng chí yêu cầu đầu tiên là xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát phải có lập trường chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng, lấy hoạt động cách mạng làm sự nghiệp phấn đấu, sẵn sàng đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, đồng chí nhấn mạnh “Kiểm sát viên phải là Đảng viên, ai chưa là Đảng viên phải lấy tiêu chuẩn của người cộng sản để phấn đầu rèn luyện, Kiểm sát viên chỉ có duy nhất một chất đó là chất cách mạng, chất cộng sản để vượt qua mọi thử thách khó khăn và các cám dỗ vật chất, sẵn sàng tiến công cách mạng, chuyên chính kịp thời đối với bọn phản cách mạng với nhân dân lao động nhất thời phạm tội nhẹ, nên mạnh dạn giao cho quần chúng giúp đỡ, tránh đơn thuần áp dụng phương pháp trừng trị, bỏ tù để giải quyết”. Trong công tác giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng đối với người cán bộ kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn quan tâm đến công tác quần chúng “cán bộ kiểm sát phải có tư tưởng trọng dân, hành động của mỗi cán bộ kiểm sát không có gì khác hơn là làm lợi cho cách mạng, làm lợi cho nhân dân”. Theo quan điểm của đồng chí việc quán triệt tính nhân dân, không chỉ là đạo đức cách mạng của người cán bộ kiểm sát mà còn tạo điều kiện cho ngành Kiểm sát thực hiện tốt chức năng được giao “muốn phát hiện tội phạm phải dựa vào quần chúng, đồng thời phải làm cho quần chúng hiểu biết pháp luật, sử dụng pháp luật để đấu tranh chống tội phạm”.

Về giáo dục, rèn luyện phương pháp, nghiệp vụ công tác kiểm sát. Việc thiết lập hệ thống VKSND, một thiết chế mới trong bộ máy nhà nước, một trong những khó khăn lớn nhất trong những ngày đầu mới thành lập là hầu hết đội ngũ cán bộ kiểm sát mới được tuyển dụng chưa được đào tạo về pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát, chưa hiểu được chức năng nhiệm vụ của ngành và phương pháp nghiệp vụ công tác kiểm sát. Chính vì vậy, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để xây dựng, rèn luyện phương pháp và nghiệp vụ công tác kiểm sát cho đội ngũ cán bộ, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng chí quan niệm “cán bộ kiểm sát trước hết phải nắm vững chức năng, thông suốt nhiệm vụ của ngành, nắm vững pháp luật, sát với thực tiễn để vận dụng pháp luật chính xác” nhằm thông qua hoạt động kiểm sát kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước và công dân và yêu cầu khắc phục sửa chữa. Là cơ quan kiểm sát việc chấp hành pháp luật, đồng chí yêu cầu “Cán bộ kiểm sát phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, có phẩm chất đạo đức, có lối sống trong sáng, có tinh thần đấu tranh bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Quốc Việt yêu cầu cán bộ kiểm sát phải luôn đổi mới phương pháp công tác kiểm sát, nhạy cảm với tình hình thực tiễn, chống bệnh quan liêu chỉ dựa vào hồ sơ, giấy tờ để giải quyết công việc theo kiểu quan chức bàn giấy, đồng chí căn dặn “nếu chỉ vùi đầu vào hồ sơ thì chưa đủ và dễ sinh bệnh giấy tờ, phải nhạy cảm với tình hình xảy ra, phải sát với thực tế. Không thể chỉ đơn thuần dựa vào hồ sơ mà quyết định truy tố hay không truy tố, xử nặng hay xử nhẹ”. Về tác phong làm việc của cán bộ kiểm sát, đồng chí nhấn mạnh cán bộ kiểm sát phải có tính tỉ mỉ, thận trọng, khách quan không được tùy tiện làm theo ý chí chủ quan, công tác kiểm sát không phải muốn làm thế nào cũng được, bởi nó đụng chạm đến sinh mệnh con người…

Trong suốt quá trình công tác trong ngành Kiểm sát với tầm nhìn chiến lược và quan điểm đúng đắn, sáng tạo về công tác xây dựng, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã lãnh đạo toàn ngành Kiểm sát, hướng hoạt động của Ngành phục vụ các nhiệm vụ: Bảo vệ thành quả của công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc; bảo vệ tài sản của nhà nước, các quyền tự do dân chủ của nhân dân; phối hợp với các ngành Công an, Tòa án tập trung phát hiện, điều tra, xét xử kịp thời bọn phản cách mạng, bọn hoạt động phỉ, bọn phản động đội lốt tôn giáo, các hành vi giết người, cướp tài sản, trộm cắp, tham ô, phân phối hàng hóa sai chính sách… Trong thời gian làm Viện trưởng VKSND tối cao, đồng chí đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao, các VKSND địa phương đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án điển hình, đúng người, đúng tội, đúng đường lối, chính sách của Đảng, tạo niềm tin cho Đảng và Nhà nước, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần nâng cao uy tín của ngành Kiểm sát nhân dân và các cơ quan Tư pháp như: Vụ án Phạm Bá Đạt cùng đồng bọn ở Ninh Bình (1967) phạm tội “hoạt động thành lập và tham gia tổ chức phản cách mạng chống lại chính quyền dân chủ nhân dân”; vụ án Lương Duy Hân – Linh mục phản động (1965), phạm tội chống phá chính sách, hợp tác hóa nông nghiệp; vụ án Trương Việt Hùng (1965), nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp phủ Thủ tướng, phạm tội cố ý giết người có dự mưu; vụ án Trần Xuân Cố ở Hải Dương (1966) phạm tội cưỡng dâm con nuôi,…

Trải qua quá trình gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng, sáu mươi tư tuổi Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Đảng và Nhà nước giao cho nhiều trọng trách khác nhau, nhưng trên bất cứ cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý. Kể từ năm 1960 đến năm 1976, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Đảng và Nhà nước giao cho trọng trách làm Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên của thời kỳ đầy gian nan, thử thách nhưng vượt lên tất cả, với tầm nhìn chiến lược và tư duy sáng tạo, đồng chí đã đặt nền móng cho việc xây dựng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành, dành nhiều tình cảm và sự quan tâm sâu sắc trong công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ kiểm sát cả về phẩm chất đạo đức, tư duy, phương pháp làm việc và kỹ năng nghề nghiệp. Những quan điểm, tư tưởng của đồng chí về xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân được các thế hệ lãnh đạo tiếp theo của VKSND tối cao kế thừa và phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, 115 năm ngày sinh của đồng chí Hoàng Quốc Việt, thế hệ cán bộ kiểm sát hôm nay luôn tri ân sâu sắc về những công lao to lớn mà đồng chí đã cống hiến cho ngành Kiểm sát nhân dân và luôn luôn tưởng nhớ đến người cán bộ kiểm sát mẫu mực, tấm gương sáng ngời cho các thế hệ cán bộ kiểm sát noi theo.

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Quốc Việt, Lược ghi Bài nói chuyện của đồng chí Hoàng Quốc Việt về “Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ Kiểm sát trước tình hình nhiệm vụ mới”, năm 1969.

2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân”, Nxb, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.

3. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, “Xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh – Nơi gửi trọn niềm tin công lý”, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016.

4. Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát số 2 và số 3 năm 1961.

5. TS. Phạm Quang Huy, TS. Trần Hưng Bình (2017), “Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh 40 năm xây dựng và trưởng thành”, Tạp chí Kiểm sát số 24.

6. Sách “Đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân” do Viện kiểm sát nhân dân tối cao xuất bản năm 2005.

7. Sách “Sửa đổi Lối làm việc”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.