Hội nghị tập huấn “nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông”

Trong khuôn khổ nội dung hợp tác giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) – Chương trình Việt Nam về công tác nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo giảng viên của chương trình và bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023. Được sự giúp đỡ của Tổ chức GIZ – Quỹ bảo tồn động vật hoang dã của nước CHLB Đức, trong hai ngày 01 và 02/6/2023, tại Khách sạn RAMANA, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trường Nghiệp vụ) phối hợp với Tổ chức WCS – Chương trình Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị tập huấn Nâng cao hiệu quả công tác Thực hành quyền công tố Kiểm sát điều tra, Kiểm sát xét xử các vụ án về tội phạm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, mạng viễn thông”. Hội nghị tập huấn được tổ chức dưới sự chủ trì của Ts. Nguyễn Quốc Hân, Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ và Bà Hoàng Bích Thuỷ, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức WCS đồng chủ trì hội nghị.

TS. Nguyễn Quốc Hân, Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ
phát biểu khai mạc hội nghị.

Bà Hoàng Bích Thuỷ, Giám đốc Quốc gia của WCS
phát biểu tại hội nghị

Trên cơ sở nội dung và yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát điều tra (KSĐT), kiểm sát xét xử (KSXX) các cụ án về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), mạng viễn thông và xử lý các tội phạm sử dụng công nghệ cao để buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, quý hiếm qua không gian mạng. Thành phần dự Hội nghị bao gồm: Các chuyên gia đến từ Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an (C09), Công ty TNHH MTV dịch vụ số HTI; Các đồng chí lãnh đạo đơn vị Kiểm sát viên, Điều tra viên đến từ Cục điều tra VKSND tối cao và Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh: Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hoà, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và VKSND Thành phố Hồ Chí Minh cùng quý Thầy giáo, cô giáo Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong phạm vi 1.5 ngày, Hội nghị tập huấn được nghe các chuyên gia trình bày 07 chuyên đề liên quan đến: quy định của pháp luật về tội phạm CNTT, mạng viễn thông; phương pháp nhận diện tội phạm trong lĩnh vực CNTT; khái niệm, đặc điểm của chứng cứ, dữ liệu điện tử; hoạt động thu thập, phục hồi dữ liệu điện tử trong các vụ án về tội phạm trong lĩnh vực CNTT; chuyên đề về một số lưu ý trong công tác THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm công nghệ cao; thực trạng buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã trên không gian mạng; giám định dữ liệu điện tử và thảo luận về kinh nghiệm giải quyết một vụ án cụ thể trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn

Tại hội nghị, các chuyên gia và đại biểu là các Kiểm sát viên, Điều tra viên tham dự đã trao đổi, thảo luận về một số quy định của Bộ Luật hình sự đối với nhóm tội phạm công nghệ cao; phân biệt, làm rõ hơn các dấu hiệu pháp lý trong định tội danh Ví dụ: Điều 290 và Điều 173 v.v… (trong 9 tội danh từ Điều 285 đến điều 294 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Chỉ rõ những đặc điểm, tính chất phức tạp, khó lường của nhóm tội phạm Công nghệ cao. Khẳng định, đây là nhóm tội phạm mới, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có hiểu biết và có khả năng sử dụng các thiết bị CNTT và mạng viễn thông ở trình độ cao để thực hiện tội phạm gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Từ đó, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn đã tập trung làm rõ các đặc điểm, các thuộc tính của chứng cứ, dữ liệu điện tử. Đặc biệt các chuyên gia đến từ Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Viện khoa học hình sự (C09) Bộ Công an và  Công ty TNHH một thành viên dịch vụ số HTI đã chỉ ra tính đặc thù và đưa ra một số khuyến cáo cho các điều tra viên, Kiểm sát viên khi phát hiện, bảo vệ, thu thập, đánh giá và sử dụng chức cứ, dữ liệu điện tử để chứng minh tội phạm và người phạm tội. Đây là khâu công tác rất quan trọng giúp cho các cơ quan tố tụng có đầy đủ tài liệu, chứng cứ để đấu tranh không bỏ lọt tội phạm và tránh là oan người vô tội.

Đại tá, PGS. TS Đào Văn Vạn – Trưởng Khoa KTHS Học viện CSND
báo cáo chuyên đề tại Hội nghị

Phát biểu Bế mạc hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hân, chủ trì hội nghị đánh giá cao hàm lượng khoa học và tính thực tiễn của các chuyên đề được chuyên gia trình bày tại hội nghị; đồng thời, biểu dương tinh thần tham gia học tập, nghiên cứu và thảo luận nghiêm túc, trách nhiệm của quý đại biểu và 26 Kiểm sát viên, Điều tra viên đang công tác thực tiễn tại Phòng 1, Phòng 2, Phòng 3 Viện kiểm sát nhân dân 12 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và Phòng 5 Cơ quan điều tra VKSND tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh được triệu tập; 15 thầy giáo, cô giáo đến từ 04 Khoa chuyên môn của Trường Nghiệp vụ (Khoa Kiểm sát hình sự, Khoa Kiểm sát Dân sự, Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Khoa Quan hệ quốc tế) và khẳng định đây là những yếu tố và động lực quan trọng góp phần tạo nên thành công ngoài mong đợi của hội nghị tập huấn. Ts. Nguyễn Quốc Hân cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả từ Ban tổ chức hội nghị, Ban lãnh đạo, tập thể các thành viên Tổ chức WCS – Chương trình Việt Nam và cảm ơn Ban lãnh đạo Khánh sạn RAMANA, địa điểm tổ chức Hội nghị đã đồng hành, hỗ trợ để hội nghị tập huấn thành công tốt đẹp./.

Đại biểu dự Hội nghị tập huấn chụp hình lưu niệm

Tin: Hà Trang