Hoàn thiện pháp luật về thực hành quyền công tố
và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân
Ths. Hoàng Thị Hoa – Phó Trưởng khoa QHQT
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp. HCM
1. Thực trạng pháp luật về thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân
Thể chế hóa quan điểm của Đảng về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Trước tiên được thể chế trong Hiến pháp năm 2013, Điều 107 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp… có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (Luật Tổ chức VKSND năm 2014), Luật thi hành án dân sự năm 2014, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Bộ luật TTHS năm 2015), Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015), Luật tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC năm 2015), Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật thi hành án hình sự năm 2019…đã cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong quá trình thực hiện chức năng THQCT, KSHĐTP, tạo hành lang pháp lý để VKSND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Bên cạnh thuận lợi, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, BLTTHS năm 2015, BLTTDS năm 2015, Luật TTHC năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan về chức năng THQCT và KSHĐTP, VKSND gặp một số bất cập, vướng mắc cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng của VKSND. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong Hiến định.
Theo Điều 2, Hiến pháp năm 2013: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”[1]. Cụ thể hóa nguyên tắc này và để đảm bảo sự phân công và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước, những quy định về bộ máy nhà nước đã có sự xác định rõ ràng: Quốc hội thực hiện quyền lập pháp[2], Chính phủ thực hiện quyền hành pháp[3], Tòa án nhân dân (TAND) thực hiện quyền tư pháp[4]. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp[5]. Qua chế định này cho thấy Hiến pháp năm 2013 vẫn chưa có thể chế quy định rõ vị trí của VKSND thuộc nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước, mà chỉ xác định vị trí “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Mặc dù chúng ta vẫn hiểu Hiến pháp quy định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp không có nghĩa là phủ định việc thực hiện quyền tư pháp của VKSND. Tuy nhiên việc quy định này là chưa phù hợp với Điều 2 của Hiến pháp. Đồng thời việc gộp chung VKSND và TAND vào một chương trong Hiến pháp là chưa thể hiện rõ vai trò, vị trí và chức năng góp phần “bảo vệ pháp chế” của VKSND. Bên cạnh đó, nội dung chế định của Hiến pháp đối với VKSND còn thiếu quy định về cơ chế bảo đảm cho việc tuân thủ một cách nghiêm minh, kịp thời các yêu cầu, quyết định của VKSND từ phía các chủ thể khác khi tham gia quan hệ pháp luật mà VKSND giữ vai trò đại diện Nhà nước thực hiện hoạt động THQCT, KSHĐTP.
Từ vị trí, vai trò quan trọng của VKSND trong bộ máy nhà nước và để tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình thực hiện chức năng của ngành Kiểm sát. Trong thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo hướng quy định cụ thể VKSND thực hiện “kiểm soát quyền Tư pháp” để phù hợp với khoản 3 Điều 2 của Hiến pháp.
Thứ hai, về việc xác định phạm vi bắt đầu của hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự của Viện kiểm sát nhân dân.
Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và BLTTHS năm 2015 quy định phạm vi bắt đầu của hoạt động THQCT từ khi “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…”. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện chức năng THQCT, KSHĐTP trong tố tụng hình sự của VKSND cho thấy, bắt đầu từ “tiếp nhận” nguồn tin tội phạm thì quyền công tố của VKSND đã được phát động thể hiện qua việc quy định vào sổ thụ lý, yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) xác minh ban đầu về nguồn tin tội phạm, yêu cầu gửi cho CQĐT. Trong đó ghi rõ nội dung yêu cầu Điều tra viên của CQĐT cần thu thập để có cơ sở ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án. Như vậy, việc xác định phạm vi bắt đầu của hoạt động THQCT, KSHĐTP trong tố tụng hình sự hiện hành là chưa đầy đủ, chưa chính xác. Do đó, trong thời gian tới sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Luật tổ chức VKSND, Điều 20 BLTTHS theo hướng điều chỉnh bổ sung phạm vi thực hiện quyền công tố của Viện kiểm sát bắt đầu từ khi “tiếp nhận” để phù hợp với thực tiễn đã thực hiện.
Thứ ba, về cơ chế ràng buộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Điều tra viên.
Mối quan hệ giữa VKSND với CQĐT là quan hệ phối hợp và chế ước. VKSND có vai trò và trách nhiệm nặng nề trong thực hiện chức năng công tố và kiểm sát điều tra, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự có căn cứ và hợp pháp. Điều 41 và Điều 42 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định Kiểm sát viên có quyền “…đề ra yêu cầu điều tra…”, Viện trưởng, Phó Viện trưởng có quyền yêu cầu Thủ trưởng CQĐT, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra thay đổi Điều tra viên, cán bộ điều tra[6]; Kiểm sát viên có quyền yêu cầu thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng[7]. Theo đó, yêu cầu điều tra là văn bản pháp lý thể hiện toàn bộ nội dung công việc mà Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên phải tiến hành để VKSND quyết định truy tố hay không truy tố bị can ra xét xử trước TAND. Tuy nhiên cơ chế ràng buộc trách nhiệm của CQĐT, Điều tra viên trong việc thực hiện các quyết định, yêu cầu của VKSND, Kiểm sát viên chưa được quy định chặt chẽ. Nhiều trường hợp, CQĐT, Điều tra viên không thực hiện các yêu cầu, quyết định của VKSND và Kiểm sát viên nhưng không có biện pháp xử lý trách nhiệm. Thực tế này dẫn đến chất lượng, hiệu quả điều tra một số loại án còn thấp, còn xảy ra tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tố tụng, kéo dài thời hạn và làm giảm chất lượng giải quyết vụ án. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của VKSND trong tố tụng hình sự, nhất là các quyền năng pháp lý của VKSND khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động điều tra có hiệu quả cần xây dựng cơ chế công tố gắn với hoạt động điều tra, có những chế định ràng buộc trách nhiệm của CQĐT, Điều tra viên trong việc thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên.
Thứ tư, về cơ chế ràng buộc trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Nhà nước.
Điều 5 BLTTHS năm 2015 quy định trách nhiệm của người Thủ trưởng cơ quan Nhà nước trong việc không thông báo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực mình quản lý cho CQĐT, VKSND. Tuy nhiên thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy có một số vụ án hình sự gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức, dù người Thủ trưởng biết nhưng vẫn không thông báo kịp thời đến CQĐT, VKSND theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là trong các cơ quan mang tính đặc thù như đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước… Để bảo đảm cho VKSND cũng như cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thì trong thời gian tới BLTTHS cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của người Thủ trưởng cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp kịp thời các thông tin có dấu hiệu tội phạm để loại trừ hành vi vi phạm pháp luật này.
Thứ năm, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm sát vụ việc dân sự.
Cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014, BLTTDS năm 2015 quy định VKSND có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự[8] nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc dân sự của TAND kịp thời, đúng pháp luật. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự bắt đầu từ khi TAND thông báo trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc từ khi TAND thông báo thụ lý vụ việc dân sự đến khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của TAND có hiệu lực pháp luật mà không có kháng nghị, không có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của BLTTDS năm 2015. Thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc kiểm sát trả lại đơn khởi kiện; về kiểm sát việc thụ lý và việc tiếp cận hồ sơ, tài liệu; về sự tham gia phiên tòa, phiên họp của VKSND. Cụ thể như sau:
– Về kiểm sát trả lại đơn khởi kiện của Tòa án nhân dân. Khoản 2 Điều 192 BLTTDS năm 2015, Điều 124 Luật TTHC năm 2015 quy định khi trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện, TAND phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, văn bản trả lại đơn khởi kiện phải gửi ngay cho VKSND cùng cấp biết. Như vậy, khi trả lại đơn khởi kiện VKSND chỉ nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, trong đó có ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, ngoài ra VKSND không nhận được bất kỳ tài liệu nào. Bên cạnh đó Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định trong một số trường hợp cần xem xét kiến nghị hoặc khi nhận được thông báo mở phiên họp giải quyết khiếu nại về trả lại đơn khởi kiện thì VKSND sẽ gửi văn bản yêu cầu sao chụp văn bản tài liệu chứ không phải trong tất cả các trường hợp trả lại đơn khởi kiện VKSND gửi văn bản và TAND đều sao gửi tài liệu cho VKSND. Với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhưng pháp luật tố tụng dân sự lại quy định như trên là chưa đầy đủ và gặp khó khăn cho công tác kiểm sát. Bởi lẽ nếu chỉ kiểm sát thông qua thông báo trả lại đơn khởi kiện thì VKSND không được trực tiếp xem đơn khởi kiện cũng như tài liệu, chứng cứ kèm theo. Do đó quá trình kiểm sát sẽ rất khó phát hiện được vi phạm, thiếu sót trong việc trả lại đơn khởi kiện.
– Về kiểm sát việc thụ lý và việc tiếp cận hồ sơ, tài liệu. Thực tế công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự cho thấy, thiếu cơ chế để VKSND tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự ngay từ ban đầu. BLTTDS năm 2015 quy định việc TAND gửi thông báo thụ lý vụ việc[9], văn bản trả lại đơn khởi kiện cho VKSND[10] nhưng không quy định TAND phải gửi các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho VKSND. Do đó, VKSND không có điều kiện và không đủ cơ sở để kiểm sát việc thụ lý, trả lại đơn khởi kiện của Toà án có đúng quy định của pháp luật hay không.
Thực tiễn công tác cho thấy để kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự của TAND kịp thời, đúng pháp luật thì VKSND phải có hồ sơ vụ án, trực tiếp tham gia kiểm sát hoặc phải có đơn khiếu nại, đề nghị của đương sự thì mới có thể nghiên cứu phát hiện được vi phạm, thiếu sót của TAND. Nhưng cơ chế tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ khó khăn như hiện nay đang là nguyên nhân lớn làm hạn chế công tác kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án, nhất là đối với VKSND cấp phúc thẩm chỉ kiểm sát trên cơ sở bản án, quyết định sơ thẩm và phiếu kiểm sát của VKSND cấp huyện gửi lên mà không trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa như ở VKSND cấp sơ thẩm. Mặt khác, pháp luật không quy định việc TAND thông báo nên VKSND không nắm được quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ; không tiếp cận được việc thẩm định của Tòa án.
– Về việc tham gia phiên họp của Viện kiểm sát. Theo Điều 21 BLTTDS năm 2015 “Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án ….”; Theo khoản 3 Điều 194 BLTTDS năm 2015 quy định phải có mặt của đại diện VKS cùng cấp đối với phiên họp. Trong khi đó Điều 26 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 lại quy định “Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị”. Đối với phiên tòa, theo quy định tại khoản 1 Điều 232 BLTTDS năm 2015 về việc có mặt của Kiểm sát viên: “Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa”. Tương tự như vậy đối với việc tham gia phiên toà sơ thẩm vụ án hành chính được quy định tại Điều 25, Điều 156 và Điều 224 Luật TTHC năm 2015. Theo quan điểm cá nhân quy định như trên là chưa hợp lý. Vì sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp vừa thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, vừa với tư cách của người tiến hành tố tụng. Do đó việc quy định Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng của VKSND tại phiên tòa sơ thẩm. Bên cạnh đó, trong xu thế thời đại ngày nay quyền con người đang là mối quan tâm của toàn cầu, việc tham gia của VKS sẽ góp phần hạn chế những vi phạm, sai sót của TAND trong việc xử lý đơn khởi kiện nói riêng và trong suốt quá trình giải quyết vụ án dân sự nói chung.
Thực tiễn cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự diễn biến phức tạp; đơn khiếu nại đề nghị giám đốc thẩm các bản án, quyết định dân sự ngày càng gia tăng; nhiều vụ án qua nhiều cấp xét xử vẫn chưa kết thúc. Trong điều kiện đó, cần đề cao vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự, hành chính để góp phần cùng Tòa án giải quyết các vụ án có căn cứ và đúng pháp luật. Do đó đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLTTDS, Luật TTHC theo hướng mở rộng vai trò của VKSND bảo đảm để VKSND tham gia sâu hơn, sớm hơn vào các loại việc phức tạp, tranh chấp phổ biến và những loại án dân sự có khiếu kiện gay gắt, kéo dài như tranh chấp đất đai, thừa kế, vay nợ tài sản trong nhân dân.
Thứ sáu, bất cập về cơ cấu tổ chức bộ máy.
Hiện nay cơ cấu tổ chức bộ máy của VKSND địa phương được tổ chức theo 6 mô hình. Cụ thể: có 1 VKSND cấp tỉnh có cơ cấu tổ chức bộ máy gồm 15 phòng; có 1 VKSND cấp tỉnh có cơ cấu tổ chức bộ máy 14 phòng; có 08 VKSND cấp tỉnh có cơ cấu tổ chức bộ máy gồm 13 phòng; có 8 VKSND cấp tỉnh có cơ cấu tổ chức bộ máy gồm 12 phòng; có 19 VKSND cấp tỉnh có cơ cấu tổ chức bộ máy gồm 11 phòng; có 10 VKSND cấp tỉnh có cơ cấu tổ chức bộ máy từ 9 đến 10 phòng. Mặc dù quy định như trên phụ thuộc vào khối lượng công việc, quy mô của VKSND cấp tỉnh và điều kiện thực tế của từng địa phương. Tuy nhiên, việc tổ chức bộ máy VKSND cấp tỉnh theo cơ cấu như trên đã tạo nên sự thiếu đồng bộ, thống nhất, khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Thực tế cho thấy những biến động về cơ cấu tổ chức như trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng THQCT, KSHĐTP của VKSND.
Thứ bảy, bất cập về chế định Kiểm sát viên.
Kiểm sát viên là chức danh pháp lý trong ngành Kiểm sát, đại diện cho VKSND trực tiếp thực hiện chức năng THQCT, KSHĐTP. Điều 74 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định: “Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Tuy nhiên, chế định về Kiểm sát viên hiện nay chưa đủ cơ sở cho Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập, vẫn còn sự ràng buộc trong quản lý hành chính, vẫn còn tâm lý “nhiệm kỳ” ngại va chạm; một số Kiểm sát viên năng lực còn hạn chế, chưa chủ động đề xuất, tham mưu và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Thứ tám, về bảo đảm điều kiện hoạt động của Viện kiểm sát.
Kinh phí bảo đảm hoạt động của ngành Kiểm sát còn thấp so với yêu cầu thực tế; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc của VKSND các cấp tuy đã được quan tâm hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở cấp huyện; trụ sở làm việc của nhiều VKSND địa phương đã lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng, không có nhà để xe, nhà công vụ; vẫn còn có Viện kiểm sát phải đi thuê trụ sở làm việc.
Từ những bất cập về tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất của pháp luật về thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp như vừa nêu trên đã dẫn đến những hạn chế nhất định đối với hiệu quả và chất lượng thực hành quyền công tố của ngành Kiểm sát hiện nay.
2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân
Trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, trong quá trình hiện chức năng của VKSND đặt ra vấn đề hoàn thiện pháp luật về thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND theo tinh thần Nghị quyết số 48- NQ/TW ngày 24/5/2005 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị và các văn kiện khác của Đảng, bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước; sự giám sát của Nhân dân đối với hoạt động THQCT, KSHĐTP của VKS. Hướng tới mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, gần dân, thuận lợi cho dân, hoạt động có hiệu quả, bảo vệ trật tự, kỷ cương, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp phải xác định đúng, đủ quyền năng và trách nhiệm pháp lý của VKSND, bảo đảm để VKSND thực hiện tốt chức năng công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử; tăng cường trách nhiệm của VKSND trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính.
Thứ ba, trong quá trình hoàn thiện pháp luật thực hành quyền công tố phải đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động công tố với hoạt động điều tra, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; phải đề cao vai trò tranh tụng của Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên toà hình sự (xây dựng chế độ trách nhiệm buộc tội, chế độ trách nhiệm trong việc tranh luận, chứng minh tội phạm của Kiểm sát viên tại phiên toà…), góp phần giải quyết tốt các yêu cầu bức xúc do thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, đồng thời tránh oan, sai trong quá trình tiến hành tố tụng.
Thứ tư, hoàn thiện pháp luật thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp phải đảm bảo các trình tự, thủ tục tố tụng rõ ràng, dễ hiểu, khả thi. Tạo điều kiện cho những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm tố tụng.
Thứ năm, hoàn thiện pháp luật thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp phải đảm bảo tính đồng bộ trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung cũng như đối với các cơ quan tư pháp nói riêng.
Thứ sáu, hoàn thiện pháp luật về về thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp phải bảo đảm được tính toàn diện, đồng bộ và thống nhất với việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động tư pháp, phù hợp với yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Thứ bảy, hoàn thiện pháp luật về về thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp phải phù hợp với các điều ước quốc tế mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Chính trị (2002), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Hà Nội.
- Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 48/NQ-TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hà Nội.
- Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Hà Nội.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Tố tụng dân sự, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Luật Tố tụng hành chính, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2020), lịch sử Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
[1] Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
[2] Điều 69 Hiến pháp 2013.
[3] Điều 94 Hiến pháp 2913.
[4] Điều 102 Hiến pháp 2013.
[5] Điều 107 Hiến pháp năm 2013.
[6] Khoản 2 Điều 41 BLTTHS năm 2015.
[7] Điểm k khoản 1 Điều 42 BLTTHS năm 2015.
[8] Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
[9] Điều 196, Điều 365 BLTTDS năm 2015.
[10] Điều 192 BLTTDS năm 2015.