Hoạt động hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015
Nguyễn Văn Tuyến – Giảng viên Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm,
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh
Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm, sinh lý; bị hạn chế về trình độ nhận thức, kinh nghiệm sống, bản lĩnh… Do đó, hành vi của người dưới 18 tuổi thường bồng bột, thiếu suy nghĩ… thậm chí không cần suy nghĩ về hậu quả của hành vi do mình thực hiện. Từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc người dưới 18 tuổi phạm tội thường là do các em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của gia đình; thiếu hiểu biết pháp luật hoặc là nạn nhân của sự lạm dụng trẻ em để thực hiện các hành vi phạm tội. Chính vì vậy, người dưới 18 tuổi phạm tội được coi là đối tượng đặc biệt trong Tố tụng Hình sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các em khi tham gia tố tụng là vấn đề cần phải được quan tâm và chú trọng.
Trong những năm vừa qua, chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi có nhiều sự thay đổi. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) đã dành hẳn Chương XXVIII Phần thứ 7 để quy định về thủ tục tố tụng đặc biệt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, để quán triệt và áp dụng thống nhất giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện một số các quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp, Bộ lao động thương binh xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018“Về việc phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi” (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 06/2018) trong đó quy định cụ thể về đối tượng được áp dụng, các cơ quan có thẩm quyền áp dụng, trình tự, thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi…
Căn cứ theo quy định của BLTTHS, Thông tư liên tịch số 06/2018 và một số văn bản pháp luật có liên quan thì hoạt động hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
1. Về nguyên tắc hỏi cung bị can
Theo quy định của BLTTHS thì khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, người có thẩm quyền hỏi cung cần quán triệt và đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây:
Một là, nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 414 BLTTHS. Theo đó, khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, người có thẩm quyền hỏi cung cần phải:
– Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi;
– Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi;
– Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt;
– Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi;
– Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi;
– Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội;
– Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Hai là, nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa được quy định tại Điều 7 BLTTHS. Đây là một trong những nguyên tắc hiến định đã được quán triệt trong mọi hoạt động Tố tụng hình sự của các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Để đảm bảo nguyên tắc này, trong mọi trường hợp khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.
Ba là, nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể được quy định tại Điều 10 BLTTHS. Theo đó, khi hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của bị can là người dưới 18 tuổi. Nguyên tắc này được đặt ra không chỉ đảm bảo việc xác định sự thật khách quan của vụ án mà còn ngăn ngừa các hành vi xâm phạm đến quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ.
Bốn là, nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân… được quy định tại Điều 11 BLTTHS. Đây là nguyên tắc đã được ghi nhận tại các điều luật trong Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của Hiến pháp năm 2013. Trong quá trình hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, người có thẩm quyền hỏi cung không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bị can như đánh đập, đe dọa, xúc phạm, hành hạ… Người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bị can thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Năm là, bảo đảm quyền bào chữa của bị can là người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 16, Điều 422 BLTTHS. Theo đó, khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải có sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Trường hợp bị can không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của BLTTHS. Trước khi hỏi cung bị can, Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can là người dưới 18 tuổi thực hiện đầy đủ các quyền này theo quy định của BLTTHS.
Sáu là, đảm bảo nguyên tắc tiếng nói và chữ viết dùng trong Tố tụng hình sự được quy định tại Điều 29 BLTTHS. Theo quy định trên, trong quá trình hỏi cung bị can, ngôn ngữ chính thức dùng trong hoạt động hỏi cung bắt buộc là phải bằng tiếng Việt. Nếu bị can là người dưới 18 tuổi không sử dụng được tiếng Việt như bị can là người dân tộc thiểu số, người nước ngoài… thì họ có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần có người phiên dịch.
2. Chủ thể có thẩm quyền triệu tập và hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi
Theo quy định tại BLTTHS thì chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn triệu tập và tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, cần xác định rõ như sau:
Thứ nhất, chủ thể có quyền hạn triệu tập và hỏi cung bị can bao gồm: Điều tra viên [1]; Kiểm sát viên [2]; Cấp trưởng, cấp phó của các Cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra [3].
Thứ hai, chủ thể chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn hỏi cung bị can mà không có quyền hạn triệu tập bị can là Cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra [4];
Thứ ba, chủ thể hỗ trợ việc hỏi cung bị can gồm: Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra [5], Kiểm tra viên thuộc Viện kiểm sát nhân dân [6]; là người tiến hành tố tụng nhưng họ không có quyền hạn triệu tập và hỏi cung bị can. Họ chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn giao, chuyển, gửi giấy triệu tập; ghi biên bản hỏi cung bị can…khi được Điều tra viên, Kiểm sát viên phân công
Thứ tư, cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra [7] không có thẩm quyền triệu tập và hỏi cung bị can.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 415 BLTTHS và Điều 5 Thông tư liên tịch số 06/2018 thì chủ thể có thẩm quyền triệu tập và hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi cần phải có ít nhất một trong các điều kiện sau đây:
– Có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
– Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;
– Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
3. Trình tự, thủ tục hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi
Trình tự, thủ tục hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi có những điểm khác biệt so với thủ tục hỏi cung được áp dụng với các các chủ thể khác (bị can là người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội). Cụ thể như sau:
– Về thời gian, địa điểm tiến hành hỏi cung
+ Về thời gian hỏi cung: Khi có quyết định khởi tố bị can, Điều tra viên, Kiểm sát viên phải tiến hành ngay việc hỏi cung bị can. Không tiến hành hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Cũng theo quy định tại khoản 5 Điều 421 BLTTHS thì thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp như: phạm tội có tổ chức, để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn, ngăn chặn người khác phạm tội, để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
+ Về địa điểm hỏi cung: Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư liên tịch 06/2018 thì việc hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi cư trú của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra. Trường hợp hỏi cung tại nơi tiến hành điều tra thì cần phải sắp xếp, bố trí phòng hỏi cung bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi. Nếu vụ án có nhiều bị can thì phải tiến hành hỏi cung riêng đối với bị can và không để các bị can có điều kiện trao đổi, tiếp xúc với nhau trong quá trình hỏi cung.
– Về trình tự, thủ tục tiến hành hỏi cung: Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2018 thì việc hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 183, Điều 421 BLTTHS và Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/01/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Theo đó:
Đối với hoạt động hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải có sự tham gia của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Do đó, trước khi tiến hành hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can về thời gian, địa điểm hỏi cung.
Ngoài sự tham gia của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể đề nghị Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức khác nơi tiến hành tố tụng cử người tham gia tố tụng để hỗ trợ, bảo vệ cho bị can là người dưới 18 tuổi không có gia đình, không có nơi cư trú ổn định khi có đề nghị của bị can, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can hoặc khi Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết.
Trước khi hỏi cung bị can lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can, biết rõ quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định tại Điều 60 BLTTHS và phải ghi rõ vào biên bản; giải thích cho người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can; người phiên dịch (nếu có) biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật rồi mới tiến hành hỏi cung bị can.
Trước khi đưa ra những câu hỏi yêu cầu bị can trình bày về những tình tiết của vụ án thì Điều tra viên cần đưa ra những câu hỏi xác định tình trạng sức khỏe của bị can, xác định mối quan hệ giữa bị can và người bị hại. Điều tra viên có thể yêu cầu bị can trình bày hoặc tự viết lại một cách trung thực, thành khẩn và tự nguyện về những tình tiết của vụ án, sao đó mới đặt các câu hỏi để làm rõ các tình tiết của vụ án.
Trong quá trình hỏi cung, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can có thể đưa ra những câu hỏi để hỏi bị can sau mỗi lần hỏi cung của Điều tra viên, Kiểm sát viên kết thúc và việc hỏi bị can của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can phải được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý.
– Biên bản hỏi cung bị can: Biên bản hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại các Điều 133, 178, 184 BLTTHS. Sau mỗi lần hỏi cung bị can đều phải lập biên bản, nội dung biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Trong trường hợp người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can hỏi bị can thì biên bản hỏi cung bị can cũng phải ghi đầy đủ câu hỏi của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can và câu trả lời của bị can. Nghiêm cấm người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự ý sửa chữa, thêm bớt lời khai của bị can; trường hợp có bổ sung và sửa chữa biên bản thì bị can và Điều tra viên, Kiểm sát viên cùng kí xác nhận vào nội dung bổ sung và sửa chữa đó. Sau khi hỏi cung xong, Điều tra viên phải đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc lại biên bản; nếu biên bản hỏi cung có nhiều trang thì bị can, người phiên dịch (nếu có) cùng ký vào từng trang của biên bản; người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can cùng ký vào biên bản hỏi cung. Trường hợp bị can tự viết lời khai thì Điều tra viên, Kiểm sát viên và bị can cùng ký xác nhận tờ khai đó.
4. Một số vấn đền cần lưu ý khi hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi
Để đảm bảo nâng hiệu quả trong hoạt động hỏi cung đối với bị can là người dưới 18 tuổi thì yêu cầu mỗi Điều tra viên, Kiểm sát viên cần tích cực, chủ động trong việc học tập, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hỏi cung bị can nói chung và hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi nói riêng. Ngoài ra, khi tiến hành hoạt động hỏi cung bị can trong trường hợp này, Điều tra viên, Kiểm sát viên cần chú ý một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, thủ tục đặc biệt tại Chương XXVIII BLTTHS chỉ được áp dụng đối với người bị buộc tội mà kể từ khi họ thực hiện hành vi phạm tội cho đến thời điểm họ bị khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử mà họ chưa đủ 18 tuổi. Vì vậy, trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội họ là người dưới 18 tuổi nhưng đến trước hoặc tại thời điểm hỏi cung đối với họ thì họ từ đủ 18 tuổi trở lên thì lúc này thủ tục hỏi cung cũng như các thủ tục tố tụng tiếp theo sau đó sẽ phải áp dụng thủ tục thông thường đối với họ. Trường hợp trước khi tiến hành hỏi cung bị can mà các tài liệu, chứng cứ về độ tuổi của bị can còn mâu thuẫn với nhau (chưa có tài liệu, chứng cứ; chưa có kết quả giám định để chứng minh bị can là dưới 18 tuổi hay từ đủ 18 tuổi trở lên) thì để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can thì vẫn nên áp dụng thủ tục tố tụng đặc biệt khi hỏi cung đối với bị can là người dưới 18 tuổi.
Thứ hai, ngoài việc tuân thủ các quy định về điều kiện của chủ thể có thẩm quyền hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 415 BLTTHS và Điều 5 Thông tư liên tịch 06/2018 thì tùy vào từng trường hợp cụ thể cần quan tâm đến việc bố trí người hỏi cung cho phù hợp với trạng thái tâm lý, tính cách, giới tính… của bị can là người dưới 18 tuổi để đảm bảo việc hỏi cung đạt được hiệu quả cao nhất. Ví dụ, đối với bị can có động cơ khai báo tiêu cực, thái độ không thành khẩn thì cần phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động hỏi cung; trường hợp nếu bị can là nữ giới thì cần phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên là nữ để hỏi cung.
Thứ ba, trước khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án; đánh giá thận trọng, khách quan từng tài liệu, chứng cứ, nhất là các tài liệu, chứng cứ liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của bị can; các tài liệu về đặc điểm nhân thân của bị can như tên, tuổi, trình độ văn hóa, điều kiện sinh sống và giáo dục của bị can; mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của bị can; có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục; nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội… Việc nghiên cứu kỹ các nội dung này giúp Điều tra viên, Kiểm sát viên có thể phát hiện, tổng hợp được những thông tin, tình tiết còn mâu thuẫn, các vấn đề cần chứng minh, làm rõ trong quá trình hỏi cung bị can; ngoài ra, kết quả nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ này còn là căn cứ, cơ sở để Điều tra viên, Kiểm sát viên lập kế hoạch hỏi cung bị can, trong đó: Xác định thứ tự hỏi cung đối với bị can là người dưới 18 tuổi; các tài liệu, chứng cứ cần sử dụng và trình tự sử dụng; dự kiến các câu hỏi cần sử dụng, hướng trả lời của bị can và các câu hỏi tiếp theo; dự kiến các phương pháp, chiến thuật cần áp dụng trong từng tình huống cụ thể; các vấn đề khác như thời gian, địa điểm hỏi cung, việc triệu tập bị can, các trang thiết bị sử dụng cho việc hỏi cung.
Thứ tư, khi bị can có mặt tại địa điểm hỏi cung thì Điều tra viên, Kiểm sát viên không nên tiến hành hoạt động hỏi cung ngay mà cần dành một khoảng thời gian để hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình bị can, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, giải quyết các đề nghị của bị can… Mục đích của hoạt động này nhằm xóa giảm trạng thái tâm lý tiêu cực, cho bị can thấy được sự quan tâm từ Điều tra viên, Kiểm sát viên từ đó tạo được thiện cảm, sự tôn trọng, tin tưởng, cởi mở từ bị can dành cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, khơi dậy tinh thần hợp tác, thái độ thành khẩn khai báo của bị can. Ngoài ra, thông qua hoạt động này giúp Điều tra viên, Kiểm sát viên có thể nắm được tinh thần, thái độ khai báo của bị can từ đó có thể lựa chọn, áp dụng các phương pháp, chiến thuật phù hợp để đạt hiệu quả cao.
Thứ năm, việc tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi có thể được thực hiện tại nơi cư trú của người đó hoặc nơi tiến hành hoạt động điều tra. Trường hợp hỏi cung tại nơi tiến hành điều tra thì cần phải sắp xếp, bố trí phòng hỏi cung bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi (Phòng điều tra thân thiện). Theo đó, cách sắp xếp, trang trí phòng điều tra khi tiến hành hỏi cung đối với người dưới 18 tuổi đảm bảo được sự ấm áp, gần gũi; để đảm bảo tính khách quan, tránh các hành vi vi phạm từ phía cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, củng cố giá trị nguồn chứng cứ từ hoạt động hỏi cung bị can thì bên trong Phòng điều tra thân thiện lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, phòng còn trang bị tủ thuốc, tủ sách thiếu nhi, tủ đồ chơi, tranh ảnh… để giúp bị can ổn định tâm lý, thoải mái trong việc khai báo, cung cấp thông tin.
Ảnh: Mô hình phòng điều tra thân thiện
Thứ sáu, khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi cần khuyến khích Điều tra viên, Kiểm sát viên nên mặc thường phục để tránh tác động tâm lý đối với bị can; không sử dụng còng tay hoặc các phương tiện hạn chế khác ở phòng hỏi cung, cho phép bị can được ngồi cạnh cha mẹ, người đại diện, người bào chữa của bị can. Trong quá trình hỏi cung Điều tra viên, Kiểm sát viên cần phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng; trong mọi trường hợp cần phải bình tĩnh, kiên trì, không nóng vội, cáu gắt với bị can; sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, giới tính và khả năng nhận thức của bị can.
Thứ bảy, tại khoản 5 Điều 421 BLTTHS đã quy định cụ thể về số lần hỏi cung, thời gian sử dụng cho mỗi lần hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi; tuy nhiên, nếu trong quá trình hỏi cung mà bị can cần xem xét áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thời gian, số lượng lần hỏi cung bị can; nếu trong quá trình hỏi cung bị can thấy rằng đã đạt được yêu cầu, mục đích đã đề ra thì Điều tra viên, Kiểm sát viên không nên kéo dài mà cần kết thúc sớm thời gian hỏi cung đối với họ; trường hợp thời gian tiến hành hỏi cung phải kéo dài thì thì nên thu xếp thời gian nghỉ ngơi để giải toả bớt tâm lý căng thẳng, mệt mỏi ở bị can. Nếu bị can có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ thì cần phải tạm dừng hoặc dừng ngay buổi hỏi cung.
Thứ tám, Điều tra viên, Kiểm sát viên phải kiểm soát chặt chẽ việc hỏi bị can của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can là người dưới 18 tuổi; nếu người đại diện, người bào chữa của bị can đưa ra những câu hỏi mang tính chất gợi ý, định hướng hoặc có tính chất khẳng định, phủ định các tình tiết có liên quan đến vụ án thì Điều tra viên, Kiểm sát viên yêu cầu không được hỏi và phải dừng ngay việc hỏi. Trường hợp nếu phát hiện người đại diện, người bào chữa của bị can có dấu hiệu thông cung, mớm cung thì phải lập tức yêu cầu họ dừng ngay việc hỏi và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ chín, khi bị can là người dưới 18 tuổi có hành vi khai báo gian dối hoặc lời khai của bị can không phù hợp với trình độ nhận thức của bị can thì Điều tra viên, Kiểm sát viên cần xác định được mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội mà bị can thực hiện; tìm hiểu về điều kiện gia đình, việc giáo dục các em như thế nào; xác định nguyên nhân, điều kiện và hoàn cảnh phạm tội của các em; đặc biệt cần xác định việc các em thực hiện hành vi phạm tội có hay không người từ đủ 18 tuổi trở lên xúi giục; nguyên nhân dẫn đến việc bị can có hành vi khai báo gian giối, có hay không có sự tác động, can thiệp của người khác…Khi xác định được các vấn đề này, Điều tra viên, Kiểm sát viên sẽ dự kiến được những phương pháp, chiến thuật phù hợp để tác động tâm lý đối với bị can trong quá trình hỏi cung. Ngoài ra, Điều tra viên, Kiểm sát viên cần sử dụng phương pháp giáo dục, thuyết phục và tác động về cảm xúc, cần khơi dậy, khích lệ những đức tính, phẩm chất, lòng tự trọng và sự cần thiết phải thay đổi động cơ khai báo của bị can theo hướng tích cực hơn để hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước.
Thứ mười, sau khi kết thúc hoạt động hỏi cung, Điều tra viên, Kiểm sát viên cần phải kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong quá trình hỏi cung, đánh giá lại kết quả hỏi cung, lời khai của bị can. Hoạt động này nhằm đảm bảo tính hợp pháp của biên bản hỏi cung, tính chính xác, khách quan, đầy đủ của những thông tin được phản ánh trong lời khai của bị can về những tình tiết của vụ án. Để kiểm tra biên bản hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, Điều tra viên, Kiểm sát viên cần chú ý hình thức của biên bản hỏi cung, chủ thể tiến hành hỏi cung, thành phần tham gia hỏi cung, các trình tự, thủ tục trước khi hỏi cung đã tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hay chưa; cần xem xét, đánh giá những yếu tố khách quan, chủ quan tác động đến động cơ, mục đích khai báo của bị can; việc bị can khai báo như vậy có sự tác động, chỉ bảo của những người thân, người có liên quan hay không; xác định lời khai của bị can đã phù hợp với trình độ, hiểu biết, nhận thức của bị can hay chưa; lời khai của bị can có phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan đến vụ án hay chưa… Nếu trường hợp còn mâu thuẫn giữa lời khai của bị can và các tài liệu chứng cứ khác thì Điều tra viên, Kiểm sát viên cần tiếp tục làm rõ; nếu thấy chưa có căn cứ, cơ sở để kết luận điều tra cần tiến hành một số những hoạt động điều tra khác như thực nghiệm điều tra để làm chính xác lời khai của bị can./.
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ quốc phòng (2018), Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/2/2018 “Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử”;
Đỗ Thị Phượng (2008), “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên trong luật tố tụng hình sự Việt Nam”, Luận án Tiến sỹ Luật học, Hà Nội;
3. Hoàng Đình (2008), “Trẻ em phạm pháp được điều tra thân thiện”. Báo pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/08/2008, TP. Hồ Chí Minh.
4. Hoàng Minh Đức (2016) “Chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam hiện nay”. Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội;
5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội;
6. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội;
7. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp, Bộ lao động thương binh xã hội (2018), Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 “Về việc phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi”;
[1]. Xem điểm d khoản 1 Điều 37 BLTTHS năm 2015;
[2]. Xem điểm g khoản 1 Điều 42 BLTTHS năm 2015;
[3]. Xem điểm đ khoản 2 Điều 39 BLTTHS năm 2015;
[4]. Xem điểm c khoản 4 Điều 39 BLTTHS năm 2015;
[5]. Xem Điều 38 BLTTHS năm 2015;
[6]. Điều 43 BLTTHS năm 2015;
[7]. Xem Điều 40 BLTTHS năm 2015.