Hội thảo về Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi
Thực hiện Chương trình công tác năm 2021 của Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Nghiệp vụ), đồng thời, để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Ngành kiểm sát nhân dân, ngày 07/05/2021, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo về Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
TS. Nguyễn Văn Khoát – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có Viện trưởng VKSND các tỉnh Tiền Giang, Kiêng Giang; Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM; Phó Viện trưởng VKSND các tỉnh Bình Phước, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Nai, … và đại diện trường Đại học luật TP.HCM; Đại diện Ban giám hiệu Trường Nghiệp vụ, lãnh đạo các Phòng, Khoa cùng toàn thể giảng viên khoa Kiểm sát Hình sự.
Mục đích tổ chức Hội thảo nhằm trao đổi, tọa đàm và tiếp thu thêm những kiến thức, kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, Kiểm sát viên đang làm công tác thực tiễn tại VKSND các cấp để bổ sung, hoàn thiện “Tập bài giảng Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi” theo quy định của pháp luật hiện hành. Qua đó, để Nhà trường triển khai giảng dạy đầy đủ, kịp thời những quy định của pháp luật vào thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng, góp phần phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm hay, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.
TS. Nguyễn Văn Khoát – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khoát – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: Để quá trình xử lý, giải quyết những vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng đúng với chính sách hình sự và đúng theo quy định của pháp luật, đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng, có hiểu biết cần thiết về tâm lý, khoa học giáo dục đối với người độ tuổi này. Cụ thể: Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán phải có kinh nghiệm về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi; đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi; Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử phải có người là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác THQCT, KSĐT, KSXX loại án này vẫn còn có Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nêu trên, và quá trình điều tra, truy tố, xét xử trong trong thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; có nhiều trường hợp còn chưa đảm bảo được mục đích là giáo dục, cải tạo người phạm tội. Do đó, việc xây dựng Tập bài bài giảng về Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi là cần thiết, khách quan trong thực tiễn hiện nay.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện chương trình một cách cụ thể đối với những vấn đề lớn như: Tên các mục, đối tượng áp dụng, người đại diện, người giám hộ và tiêu chuẩn của người tiến hành tố tụng, đặc điểm tâm lý của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi… Đặc biệt, nhiều ý kiến tập trung đưa ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; đồng thời cũng đưa ra các giải pháp, kiến nghị để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khoát ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu vào việc xây dựng, hoàn thiện các chuyên đề của tài liệu và đưa ra kết luận cụ thể việc chỉnh sửa, bổ sung vào từng chuyên đề để phù hợp với đối tượng bồi dưỡng nghiệp vụ của Ngành. Đồng chí khẳng định, trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề tạo diễn đàn để các chuyên gia cũng như cán bộ, giảng viên học hỏi và trau dồi thêm kiến thức, đảm bảo việc giảng dạy đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát./.
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm với Ban giám hiệu Nhà trường
Tin: Hoài Thương