Khai giảng lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại và lao động năm 2021

Thực hiện Kế hoạch số 16/KH-VKSTC ngày 26/02/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021, sáng ngày 02/11/2021, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Nghiệp vụ) tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại và lao động năm 2021 theo hình thức trực tuyến.

Tham dự Lễ khai giảng có đồng chí Nguyễn Thị Mai – Nguyên Trưởng phòng Giám đốc thẩm Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện Cấp cao 3); đồng chí Trần Thị Tám – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ.

Về phía Trường Nghiệp vụ có đồng chí Mai Văn Sinh – Phó Hiệu trưởng; Lãnh đạo các phòng, khoa Nhà trường cùng 82 học viên là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên hiện đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam.

Đ/c Mai Văn Sinh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

Phát biểu tại Lễ khai giảng, thay mặt cho Ban giám hiệu Nhà trường, đồng chí Mai Văn Sinh – Phó Hiệu trưởng khẳng định: Trong thời gian qua, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 về công tác của Ngành kiểm sát nhân dân năm 2021 và Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm, ban hành nhiều kháng nghị yêu cầu Toà án khắc phục vi phạm được Toà án chấp nhận, bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại và lao động của Toà án đúng quy định của pháp luật. Kết quả công tác kháng nghị các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại và lao động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, công tác này vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, như: Một số vi phạm của Toà án chưa được Viện kiểm sát phát hiện để thực hiện quyền kháng nghị, số lượng kháng nghị có xu hướng giảm, chất lượng kháng nghị của một số Viện kiểm sát chưa đạt yêu cầu… Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, thực hiện tốt chỉ tiêu về công tác kháng nghị theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và của Ngành đề ra, việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ Kiểm sát viên là giải pháp hiệu quả, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giao phó, việc mở lớp bồi dưỡng kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại và lao động năm 2021 là cấp thiết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình cải cách tư pháp. Do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc tổ chức lớp bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh đến các điểm cầu tại các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam là giải pháp phù hợp, linh hoạt, vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu trang bị kiến thức mới, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ Kiểm sát viên trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại và lao động.

Trong thời gian học tập 02 tuần (02/11/2021 – 11/11/2021), học viên sẽ được các chuyên gia am hiểu sâu sắc cả lý luận và thực tiễn truyền đạt 07 chuyên đề: Một số kỹ năng kiểm sát việc giải quyết tranh chấp ly hôn; một số kỹ năng kiểm sát việc giải quyết tranh chấp thừa kế; một số kỹ năng kiểm sát giải quyết việc giải quyết tranh chấp nhà ở và quyền sử dụng; một số kỹ năng kiểm sát việc giải quyết các vụ án khiếu nại quyết định hành chính; một số kỹ năng kiểm sát việc giải quyết các vụ án khiếu kiện hành vi hành chính; một số kỹ năng kiểm sát việc giải quyết kinh doanh thương mại; một số kỹ năng kiểm sát việc giải quyết tranh chấp lao động. Ngoài ra, học viên còn được nghe báo cáo thực tế để học hỏi những kinh nghiệm hay, trao đổi, giải quyết và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn công tác này tại địa phương. Ngoài các chuyên đề trên, chương trình học tập còn dành nhiều thời gian  thảo luận, giải đáp thắc mắc nhằm tăng tính tương tác giữa giảng viên và học viên để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn công tác.

Đồng chí Phó hiệu trưởng tin tưởng rằng với tinh thần nhiệt huyết, sự tận tụy và sức mạnh trí tuệ của đội ngũ giảng viên cùng với thái độ học tập nghiêm túc, tinh thần cầu thị của toàn thể học viên, lớp bồi dưỡng sẽ thành công tốt đẹp, đạt được những kế hoạch, mục tiêu đã đề ra./.

Tin: Hoài Thương