Kinh nghiệm tranh tụng của Kiểm sát viên trong trường hợp bị cáo không đồng ý với tội danh, khung hình phạt và những vấn đề khác liên quan vụ án mà Kiểm sát viên đề nghị áp dụng đối với bị cáo
Thực tiễn thực hành quyền công tố thường gặp những trường hợp bị cáo và người bào chữa cho rằng hành vi của bị cáo không phạm vào tội danh hoặc khung hình phạt như Viện kiểm sát truy tố mà phạm vào tội nhẹ, khung hình phạt nhẹ hơn, và đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Khoản 2 Điều 298 BLTTHS để xét xử theo hướng có lợi đối với bị cáo. Những tình huống như thế, Kiểm sát viên phải phân tích chuẩn xác về cấu thành tội phạm trong Bộ luật hình sự, làm rõ dấu hiệu đặc trưng của các tội danh liên quan đến hành vi của bị cáo rồi tiến hành định tội danh đối với bị cáo (trường hợp hành vi của bị cáo phạm và nhều tội khác nhau thì áp dụng nguyên tắc thu hút tội danh để định tội); tiếp theo sau đó, Kiểm sát viên đi vào phân tích các tình tiết định khung tăng nặng làm cơ sở đề nghị xét xử bị cáo nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
*Ví dụ như vụ án “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” như sau: Khoảng tháng 2/2017, chị Trần Thị Mai vay của Đặng Thị Ngọc Út 35.000.000đ, sau đó lẫn tránh không trả. Khoảng đầu tháng 2/2018, khi biết chị Mai đang ở nhà trọ của người con trai, Út nhờ Cam Văn Tiến và Lê Ngọc Quang giúp tìm và đòi nợ chị Mai, cả hai đồng ý. Ngày 07/2/2018, Út điều khiển xe mô tô từ nhà đến trung tâm thành phố QN và gọi cho Tiến. Tiến cùng Quang đến gặp Út, rồi cả 03 người đi tìm và gặp được chị Mai. Tại đây, Út đòi nợ nhưng chị Mai không trả tiền nên Út tát chị Mai 01 cái, Quang, Tiến xông vào kéo chị Mai ra ngoài, Tiến kéo chị Mai lên xe cho Quang chở, còn mình ngồi sau giữ chị Mai, Út thì chạy xe theo sau đến quán cà phê Trúc Hồ, tại đây, Út móc túi quần của chị Mai lấy 900.000đ, chị Mai chụp tay giữ lại nhưng Út giằng lấy, vì sợ bị đánh nên chị Mai không phản ứng gì. Sau đó, Tiến gọi taxi và cùng Quang đưa chị Mai đến khu vực Tháp Đôi (Thành phố QN), Út điều khiển xe máy chạy sau, kế đến Tiến bảo Quang tiếp tục đưa chị Mai về phòng trọ của Quang. Tại phòng trọ, Út đã liên lạc với chồng của chị Mai là anh Ngô Văn Cư, yêu cầu anh Cư mang 50.000.000đ tiền nợ của chị Mai đến cầu 16, Tân Sơn thì mới thả chị Mai về. Hai bên thống nhất số tiền phải giao là 30.000.000đ nhưng vì anh Cư không thống nhất được địa điểm giao tiền, Út và đồng bọn tiếp tục giữ chị Mai. Trong quá trình đó, Quang có tát chị Mai 02 cái và hăm dọa chị Mai. Đến khoảng 01 giờ ngày 08/2, lực lượng Công an phát hiện, giải thoát cho chị Mai, đồng thời bắt giữ các đối tượng có liên quan. Chị Mai bị đánh thương tích không đáng kể và không yêu cầu giám định tỉ lệ tổn thương cơ thể.
Đối với những vụ án dạng như thế này, bị cáo và người bào chữa thường cho rằng do bị hại có ý thức trốn tránh trách nhiệm trả nợ đã xâm phạm đến quyền lợi của chủ nợ là bị cáo Út, nên bị cáo mới nhờ các bị cáo khác trợ giúp bắt giữ người bị hại và hành vi móc túi lấy 900.000 đồng của chị Mai cũng nhằm mục đích thu hồi khoản nợ, không phải nhằm chiếm đoạt tài sản; các bị cáo khác khi tiếp nhận ý chí của bị cáo Út cũng nhằm mục đích này, thực tế, gia đình chị Mai cũng chưa giao tiền cho các bị cáo; và trong cấu thành tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” tại Điều 169 Bộ luật hình sự quy định người phạm tội phải có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản, các bị cáo tuy có hành vi sai trái nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt nên hành vi của các bị cáo không thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này. Các bị cáo đã thực hiện hành vi bắt người bị hại một cách sai trái thì hành vi trên chỉ phạm vào tội “Bắt người trái pháp luật”, nên đề nghị Hội đồng xét xử vận dụng Khoản 2 Điều 298 BLTTHS để xét xử các bị cáo về tội phạm theo quy định của của Khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự là phù với bản chất của hành vi mà các bị cáo thực hiện và nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam.
Khi tranh luận, Kiểm sát viên cần căn cứ các tình tiết như: Sau khi bị cáo Đặng Thị Ngọc Út nhờ Cam Văn Tiến và Lê Ngọc Quang giúp tìm, đòi nợ và gặp được chị Mai, bị cáo Út đòi nợ nhưng chị Mai không trả tiền thì bị cáo Út đã dùng vũ lực với (tát) chị Mai 01 cái, Quang, Tiến xông vào kéo chị Mai ra ngoài, Tiến kéo chị Mai lên xe cho Quang chở, còn mình ngồi sau giữ chị Mai, Út thì chạy xe theo sau đến quán cà phê Trúc Hồ, hành vi trên đúng là hành vi bắt người trái pháp luật; nhưng sau đó, Út đã liên lạc với chồng của chị Mai là anh Ngô Văn Cư, yêu cầu anh Cư mang 50.000.000đ Mai đến cầu số 16 thì mới thả chị Mai về; hai bên thống nhất số tiền phải giao là 30.000.000đ cho thấy mục đích bắt giữ là nhằm đòi tiền chuộc (chiếm đoạt tài sản); tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” là tội phạm có cấu thành hình thức, chỉ cần người phạm tội có hành vi bắt giữ mà mục đích là chiếm đoạt tài sản thì xem như tội phạm đã hoàn thành. Từ những phân tích như trên cho thấy hành vi của bị cáo Út đã phạm vào tội quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự; bị cáo Quang và Tiến biết rõ mục đích phạm tội của bị cáo Út nhưng vẫn tham gia thực hiện nên thỏa mãn yếu tố đồng phạm quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự.
Bị cáo Út yêu cầu anh Cư mang 50.000.000đ tiền nợ của chị Mai đến cầu 16, Tân Sơn thì mới thả chị Mai về, hai bên thống nhất số tiền phải giao là 30.000.000đ, như vậy tài sản mà Út định chiếm đoạt là 30.000.000đ.
Trong lúc bắt giữ bị hại, bị cáo Út móc túi quần của chị Mai lấy 900.000đ, chị Mai chụp tay giữ lại nhưng vẫn bị giật giật lấy, vì sợ bị đánh nên chị Mai không phản ứng gì. Hành vi lấy tiền trên chỉ là sự hiện thực hóa mục đích bắt cóc mà bị cáo Út đặt ra, đồng thời hành vi bắt cóc đã hoàn thành nên hành vi lấy 900.000đ không có dấu hiệu của tội phạm khác. Số tiền thiệt hại 900.000đ chỉ được tính vào tổng thiệt hại về tài sản mà hành vi bắt cóc gây ra. Vì vậy, quyết định truy tố của Viện kiểm sát đối với các bị cáo về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn có cơ sở.
*Một trường hợp khác là vụ án Phạm Công Tùng, Trần Xuân Hợp phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong thời gian từ tháng 7/2013 đến tháng 7/2014, Phạm Công Tùng và Trần Xuân Hợp đã có hành vi lợi dụng việc Công ty Formosa hợp đồng vận chuyển cát từ hồ lắng đổ ra biển để chiếm đoạt 12.072 m2 cát của Công ty Formosa, với tổng số tiền trị giá 479.309.600 đồng đem bán cho Công ty Liên Thành. Để che giấu hành vi chiếm đoạt, Hợp đã thuê Nguyễn Văn Phượng viết giả họ tên nhân viên bảo vệ của Công ty Formosa bằng tiếng Trung Quốc vào khoảng 600 tờ phiếu Danh sách nhập xưởng nguyên vật liệu nhà thầu công trình cho Hợp để hợp thức việc bán cát cho Công ty Liên Thành.
Với hành vi trên, lần thứ nhất các bị cáo bị xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”, sau đó cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại; lần thứ hai, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, căn cứ để chuyển tội danh là do các bị cáo xác lập hợp đồng quản lý tài sản nhưng đã lợi dụng việc thực hiện hợp đồng chiếm đoạt số cát nói trên.
Tại thời điểm xét xử sơ thẩm cả hai bị cáo đều kêu oan và không có tình tiết giảm nhẹ nào quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015), riêng bị cáo Hợp còn có tình tiết tăng nặng “tái phạm” quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015) nên cả hai bị cáo không đủ điều kiện được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015) nhưng Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm lại áp dụng điều luật này để xử phạt các bị cáo hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt các bị cáo đã phạm là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật, dẫn đến quyết định mức hình phạt đối với các bị cáo quá nhẹ, chưa phù hợp với tính chất, mức nguy hiểm của hành vi phạm tội của các bị cáo và quy định của pháp luật, nên Viện kiểm sát kháng nghị Bản án sơ thẩm trên về phần hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo.
Qua vụ án trên cho thấy khi truy tố, xét xử lần thứ nhất, cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử Phạm Công Tùng và Trần Xuân Hợp về tội “Trôm cắp tài sản” là chưa đúng với bản chất hành vi mà các bị cáo thực hiện. Các bị cáo được Công ty Formosa Hà Tĩnh hợp đồng vận chuyển cát từ hồ lắng đổ ra biển, lợi dụng việc thực hiện hợp đồng các bị cáo đã chiếm đoạt 12.072 m2 cát của Công ty với tổng số tiền trị giá 479.309.600 đồng đem bán cho Công ty Liên Thành cho thấy, phương thức các bị cáo sử dụng để chiếm đoạt tài sản không phải bằng cách lén lút, mà nhờ phía bị hại tin tưởng giao kết hợp đồng nên các bị cáo mới có điều kiện thực hiện tội phạm, hành vi của các bị cáo đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015). Khi Kiểm sát viên khai thác đúng đắn những tình tiết có ý nghĩa định tội và phân tích cấu thành tội một cách chính xác, thì quá trình tranh tụng của Kiểm sát viên sẽ có tính thuyết phục. /.
Ths. Võ Văn Tài – Phó Trưởng khoa kiểm sát Hình sự
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.Hồ Chí Minh