Kinh nghiệm tranh tụng của Kiểm sát viên trong trường hợp bị cáo bị truy tố về tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm

Đối với các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, trong đó nhiều vụ án “giết người” được thực hiện với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, dối tượng phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã xóa bỏ các dấu vết, vật chứng của vụ án và các vụ án “cố ý gây thương tích” có nhiều người tham gia, nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì việc chứng minh hành vi phạm tội, người phạm tội thường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trường hợp các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, liên tục kêu oan hoặc đổ tội cho đồng phạm. Vì vậy, trong giai đoạn xét xử, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có kỹ năng nghiên cứu, khai thác giá trị chứng minh các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, phải hệ thống được các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, tiếp theo là sử dụng các chứng cứ đó một cách logic, khoa học và linh hoạt để chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án ra bản án tuyên bố bị cáo phạm tội, đảm bảo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhằm nâng cao trình độ, nghiệp vụ và phổ biến những kinh nghiệm công tác thực hành quyền công tố của Ngành trong thực tế để góp phần hình thành kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên đối các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe nói riêng và các vụ án hình sự nói chung ở giai đoạn xét xử là điều rất cần thiết hiện nay.

Kinh nghiệm tranh tụng của Kiểm sát viên đối các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe cho thấy, sau khi thực hiện hành vi phạm tội (đặc biệt là các vụ án giết người) hung thủ lập tức rời khỏi hiện trường, nhiều trường hợp hung thủ còn tiến hành xóa dấu vết nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Việc phát hiện được nghi can thường dựa vào kết quả của hoạt động truy xét của Cơ quan điều tra. Trong giai đoạn điều tra ban đầu thì bị can thừa nhận tội phạm do bị can thực hiện, nhưng sau đó tại phiên tòa, bị cáo phản cung cho rằng do bị bức cung, dùng nhục hình, bản thân bị cáo không liên quan đến cái chết của người bị hại và liên tục kêu oan. Khi gặp những tình huống như trên, Kiểm sát viên cần thực hiện các hoạt động nghiệp vụ một cách toàn diện và cụ thể như sau:

– Nghiên cứu kỹ biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi (đối với các vụ án có dấu hiệu của tội giết người), trong đó cần chú ý: Nghiên cứu kỹ các dấu vết thu thập được, các công cụ, phương tiện phạm tội thu giữ tại hiện trường; khai thác ý nghĩa chứng minh của những dấu vết và công cụ, phương tiện thu giữ; nắm chắc cơ chế, quy luật hình thành thương tích trên người nạn nhân để xác định các thương tích do vật gì tác động vào, vết thương hình thành đúng hay trái với quy luật thông thường, sự phù hợp hay mâu thuẫn giữa các thương tích với vật chứng; kết quả xác định nguyên nhân chết trên cơ sở kết quả khám nghiệm tử thi và kết luận giám định các mẫu vật để thu giữ thể hiện như thế nào…

– Nghiên cứu tỉ mỉ lời khai các bị cáo khác trong vụ án, lời khai của các nhân chứng, người liên quan, biên bản nhận dạng, đối chất (nếu có) … xem có sự mâu thuẫn hay không. Từ đó, Kiểm sát viên cần đánh giá tổng thể mối quan hệ giữa hiện trường, tử thi, các dấu vết, công cụ, phương tiện và lời khai của bị cáo, nhân chứng, người liên quan…để tập hợp thành hệ thống các chứng cứ có ý nghĩa buộc tội.

– Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần làm rõ bị cáo quan hệ như thế nào với bị hại, có mâu thuẫn với bị hại hay không, lời khai của nhân chứng tại thời điểm bị hại chưa bị tấn công có nhìn thấy bị cáo gặp bị hại hay không, bị cáo có chứng cứ ngoại phạm hay không… Kiểm sát viên cần bám sát các chứng cứ đã khai thác từ hổ sơ vụ án một cách chính xác để chuẩn bị những lập luận, phản biện lại những quan điểm của bị cáo, người bào chữa cho rằng bị cáo không phạm tội

– Tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần chú ý xem xét lời khai của các bị cáo, nhân chứng có gì khác với tài liệu, chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra, truy tố để từ đó lựa chọn phương pháp tranh tụng có hiệu quả.

Quá trình tham gia thẩm vấn, Kiểm sát viên cần thẩm vấn những chi tiết, những nội dung bị cáo đã biết và thừa nhận như: Hỏi đến những lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, nếu trong quá trình điều tra bị cáo có nhận tội hay không, vì sao nhận tội; bị cáo suy nghĩ như thế nào về những lời khai của nhân chứng khai về bị cáo; bị cáo có ý kiến lập luận gì về những dấu vết thu thập được và Kiểm sát viên cần hỏi thêm bị cáo về những tình huống thực tế xảy ra trong vụ án xảy (có thể phân tích, giải thích để bị cáo nhận thức được hành vi, vai trò của bị cáo).

Đối với vụ án có hậu quả chết người, thông thường bị cáo, người bào chữa cho rằng bị cáo không có động cơ, mục đích giết người, đặc biệt đối với các trường hợp phạm tội do bộc phát như cầm dao đâm vào vùng bụng, sườn, hoặc có hành vi dùng gạch, đá ném trúng đầu người bị hại gây chấn thương sọ não và gây ra hậu quả chết người… là nằm ngoài mong muốn của bị cáo, nên hành vi của bị cáo chỉ phạm tội cố ý gây thương tích (dẫn đến hậu quả chết người) để bào chữa nhằm làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Trường hợp này, khi tranh tụng, Kiểm sát viên cần nhấn mạnh, mặc dù bị cáo không có mục đích, động cơ giết người từ trước nhưng bắt buộc bị cáo nhận thức được hành vi dùng dao nhọn đâm vào vùng nguy hiểm trên cơ thể, dùng gạch, đá ném vào đầu nạn nhân…có thể hậu quả chết người xảy ra và thực tế hậu quả chết người đã xảy ra; trong lúc thực hiện hành vi tuy ý thức của bị cáo có thể không mong muốn hậu quả, nhưng bị cáo vẫn thực hiện hành vi nguy hiểm trong hoàn cảnh đó cho thấy bị cáo có ý thức chấp nhận, bỏ mặc hậu quả; nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp như vậy là “hậu quả đến đâu xử lý đến đó”, nếu hậu quả chỉ gây ra thương tích cho người bị hại thì xử lý về Tội cố ý gây thương tích theo quy định của Điều 134, nếu hậu quả chết người xảy ra thì phải xử lý về Tội giết người theo quy định tại 123 Bộ luật hình sự.

Trường hợp ngoài bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, còn có các đồng phạm khác, thì căn cứ vào nội dung bàn bạc, phối hợp hành động của người cùng thực hiện hành vi nguy hiểm để xác định có đồng phạm hay không.

Sau khi phát biểu quan điểm về hướng giải quyết vụ án, Kiểm sát viên cần lắng nghe các lập luận của bị cáo, người bào chữa đưa ra để đưa ra đánh giá, nhận định là không có căn cứ, từ đó vận dụng các chứng cứ buộc tội theo trình tự: Căn cứ tài liệu, chứng cứ thứ nhất, thứ hai, thứ ba…cho thấy đã có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo hoặc các bị cáo.

Sau đây là kinh nghiệm tranh tụng trong một trường hợp cụ thể:

*Thứ nhất: Vụ án Hoàng Thị Vấn phạm tội giết người ở tỉnh C.

Khoảng 06 giờ ngày 05/02/2012, Hoàng Thị Vấn ngủ dậy đi từ trên phòng ngủ tầng hai xuống tầng một rửa bát thì gặp bà Triệu Thị Tiền (là mẹ chồng của Vấn) đang đứng ở sân nhà tạm, sau khi rửa bát xong, hai người đứng nói chuyện về việc bà Tiền muốn Vấn sinh thêm để có con trai, Vấn cãi lại nên bị bà Tiền dùng tay phải tát một phát vào miệng. Do bức xúc vì bị mẹ chồng đánh, Vấn đã dùng chiếc búa đinh sơn màu xanh, đầu vuông (các cạnh đều 2,6 cm, dài 12,8 cm, đầu trên có tai dùng để bật đinh) cán bằng gỗ bằng tay phải đập nhiều cái vào vùng trán, thái dương của bà Tiền, hậu quả làm bà Tiền bị lún, vỡ xương hộp sọ, dập não nặng chết ngay tại chỗ. Sau khi giết chết bà Tiền, Vấn kéo xác bà Tiền vào nhà, lấy các hộp cát tông xếp lên trên và xung quanh để giấu xác bà Tiền, rồi dùng dao tự gây ra vết thương trên đầu mình để tạo dựng chứng cứ giả là có đối tượng đột nhập vào nhà giết chết bà Tiền, cướp tài sản để đánh lạc hướng điều tra nhằm trốn tránh pháp luật.

Quá trình tố tụng: Vụ án xảy ra từ năm 2012 đến 2018 đã qua 3 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại. Bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại liên tục kêu oan đến nhiều nơi, nhiều cấp, trong đó kêu oan đến Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội, vụ án được dư luận, báo chí địa phương rất quan tâm.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị triệu tập đầy đủ những người tham gia tố tụng, đặc biệt là Lê Thanh B, cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự, người trực tiếp ghi biên bản khám nghiệm hiện trường có sửa chữa việc mô tả vết máu từ “còn mới” thành “không mới”. Do vậy, phiên tòa phải tạm dừng để lùi vào sáng ngày hôm sau. Đến sáng ngày 16/8/2018, anh Lê Thanh B được triệu tập có mặt tại phiên tòa, còn 2 người khác trong thành phần tham gia khám nghiệm hiện trường là ông Nguyễn Hùng V, Công an phường, ông Nguyễn Xuân D là Bảo vệ dân phố là những người chứng kiến đều vắng mặt, đặc biệt là 15 người làm chứng Tòa triệu tập đều vắng mặt.

Trong quá trình tranh luận, bị cáo và các đại diện hợp pháp của bị hại cũng như 05 vị Luật sư bảo vệ cho bị cáo đưa ra các vi phạm tố tụng trong việc sửa chữa biên bản khám nghiệm hiện trường, mâu thuẫn trong tài liệu chứng cứ và lời khai của bị cáo, lời khai của nhân chứng và cho rằng chưa đủ chứng cứ để buộc tội bị cáo, từ đó áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để tuyên bị cáo Hoàng Thị Vấn không phạm tội.

Căn cứ vào diễn biến tại phiên tòa, Viện kiểm sát đã đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại với lý do: cần thiết phải Trưng cầu giám định để xác định biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 5/2/2012 có sửa chữa từ “còn mới” thành “không mới” và thêm từ “đã khô” cũng như một số từ có dấu hiệu sửa có phải do cán bộ ghi biên bản sửa chữa tại thời điểm thông qua biên bản khám nghiệm trong ngày 5/2/2012 hay được sửa chữa ở thời gian sau đó để đảm bảo tính khách quan của tài liệu trong hồ sơ vụ án.

Những vụ án có sai sót như thế này, thực tế không bao giờ khắc phục được. Vì vậy để bảo vệ thành công quyết định truy tố, sau khi làm rõ được hoặc không thể làm rõ được thời điểm sửa chữa biên bản khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên cần lập luận rằng việc mô tả vết máu “còn mới” hay“không mới” và cán bộ tự ý ghi biên bản có thêm từ “đã khô” đi nữa, thì cũng không làm thay đổi sự thật là người bị hại đã bị giết vào khoảng 6 giờ ngày 5/2/2012 ngay tại căn nhà của mình; khi bị hại bị đánh bằng những nhát búa chí mạng vào đầu thì lúc đó có mặt bị cáo ở đó; căn cứ lời khai các nhân chứng trong quá trình điều tra đều khai như nhau là khi nghe bị cáo tri hô, họ không hề nhìn thấy có bất cứ đối tượng khả nghi nào gần khu vực nhà người bị hại; công cụ được sử dụng để tước đoạt sinh mạng của người bị hại là cây búa – dụng cụ dùng trong sinh hoạt gia đình của bị cáo, bị cáo bị vết thương trên đầu cũng từ con dao của gia đình bị cáo và kết hợp lời khai nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra cho thấy đã đủ cơ sở khẳng định bị cáo chính là hung thủ giết bị hại. Từ chứng cứ trên, Kiểm sát viên vận dụng để luận tội và tranh luận thì sẽ mang tính thuyết phục cao và sẽ được Tòa án chấp nhận để tuyên bị cáo phạm tội như Cáo trạng mà VKS đã truy tố.

*Thứ hai: Vụ án Nguyễn Ngọc Bảo phạm tội giết người xảy ra tại tỉnh H.

Khoảng 12h00 ngày 19/11/2012, anh Trần Hữu Tuấn Tú, anh Đặng Quang Minh và Nguyễn Anh Hoa rủ nhau đến quán của bà Nguyễn Thị Ngọ và chị Lê Thị Minh Thu ở ngõ 8B, đường Lê Ngọc Hân, phường I để ăn bún đậu. Khi đến nơi, anh Tú cùng anh Minh và anh Hoa định ngồi ăn ở bàn ngoài sân nhưng do hết chỗ nên chị Thu mời cả ba người vào nhà trong. Cùng lúc này ở bàn ăn bằng nhựa trước cửa nhà của Nguyễn Ánh Hồ cùng sân nhà bà Ngọ có Hồ đang ngồi ăn cùng vợ là Phạm Thị Hồng Minh. Khi đang ăn thì cả Hồ và Minh đi vào nhà xem thợ xây đang sửa chữa nhà. Khi quay ra, Hồ thấy nhóm của anh Tú bảo chị Thu (chủ quán) cho ngồi bàn của mình nên Hồ nói: “Bàn này có người ngồi rồi, đây là nhà tao, đéo thằng nào được ngồi”. Anh Minh nói lại: “Thì chúng mày cứ ngồi tiếp đi” rồi cùng anh Tú và anh Hoa đi vào phòng ăn trong nhà ngồi ở bàn số 02. Khoảng 10 phút sau, có Trương Tùng Bách đi cùng vợ là Vũ Phương Dung đến ngồi ăn cùng nhóm của anh Minh (theo lời mời qua điện thoại trước đó của anh Minh). Trong khi ngồi ăn thì anh Hoa và anh Minh nói cho Bách nghe chuyện vừa xảy ra va chạm với Hồ về chỗ ngồi ăn. Bách quay ra nhìn thấy Hồ là người quen, nên đi ra bàn của Hồ ngồi nói chuyện với mục đích để giảng hòa. Khi đến nơi, Bách nghe thấy Hồ đang nói chuyện điện thoại với người khác, nội dung: “Mày đến nhà chú ngay”. Sau khi Hồ điện thoại xong, Bách hỏi Hồ “Anh ơi, có chuyện gì”, Hồ đáp: “Mấy thằng trong kia thích lằng nhằng”. Thấy vậy Bách nói với Hồ những người đó đều là người quen của Bách và thay mặt anh Hoa, anh Minh và anh Tú xin lỗi để Hồ bỏ qua. Hồ nói với Bách: “Mày cứ vào đi, chuyện đó là của anh”. Lúc này, anh Minh đi ra bảo Bách vào ăn nhưng Bách không vào mà tiếp tục ngồi nói chuyện với Hồ. Cùng thời gian trên, Bùi Văn Thắng và Trần Tuấn Dũng đi xe máy hiệu Honda Wave đến quán vào bàn ngồi cùng bàn với Hồ. Vài phút sau có thêm Nguyễn Ngọc Bảo đi bộ đến ngồi cùng bàn của Hồ. Lúc này, anh Minh đi từ trong nhà ra đứng cạnh Bách và nói: “Mày không vào ăn đi để vợ mày ngồi một mình à”, thì Bách trả lời: “Anh cứ vào ăn đi, em ngồi nói chuyện tí, toàn anh em cả”. Bảo đứng lên nói với Minh “Mày vào đi không lằng nhằng đấy”. Anh Minh nói “Toàn anh em quen biết, tôi là anh của Bách”. Nghe anh Minh nói vậy, Bảo một tay cầm dao díp màu trắng chưa bật lưỡi ra, một tay túm cổ áo anh Minh định đánh. Thấy anh Minh bị túm cổ áo, anh Tú cầm ghế nhựa từ trong nhà chạy ra đập vào người Bảo, Bảo buông cổ áo anh Minh ra rồi bật lưỡi dao díp quay sang đâm 01 nhát trúng vào ngực anh Tú, anh Tú bỏ chạy vào trong quán thì gục ngã. Thấy vậy, Dũng và Thắng lao vào đánh nhau với anh Minh bằng tay và hai bên ném nhau bằng vỏ chai bia và cốc; Dũng chạy vào quán cầm được một chiếc kéo lao ra đâm, rạch vào vùng đầu, mặt và người của anh Minh; anh Minh bị thương ở ngực và đầu nên loạng choạng chạy vào ngã trong phòng ăn; anh Hoa ở nhà trong đỡ anh Tú dậy, thấy anh Tú bất động nên hô hoán có người chết, đồng thời cầm chai bia và cốc từ trong nhà ném ra ngoài để không cho nhóm của Thắng và Dũng lao vào đánh anh Minh. Nghe mọi người hô hoán nên Hồ cùng Minh, Thắng, Bảo và Dũng đã rời khỏi hiện trường đi đến quán nước số 55 Vân Hồ 2, phường II gặp Nguyễn Huy Việt (sinh năm 1972). Tại đây, Hồ kể lại toàn bộ sự việc nêu trên cho Việt biết. Sau đó, Hồ, Thắng, Bảo, Dũng, Minh cùng bỏ trốn.

Về hậu quả: Anh Trần Hữu Tuấn Tú bị Nguyễn Ngọc Bảo dùng dao díp đâm vào ngực trái nên đã tử vong ngay tại quán ăn của chị Thu; anh Đặng Quang Minh và Nguyễn Anh Hoa bị đâm trọng thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện, đến khoảng 15h00 cùng ngày 19/11/2012, anh Minh bị tử vong.

Tại Bản giám định pháp y số 7153/PC54(PY), ngày 14/12/2012 của Phòng kỹ thuật hình sự kết luận về thương tích và nguyên nhân chết của anh Trần Hữu Tuấn Tú là do mất máu cấp bởi vết thương thủng tim; thương tích tại vùng ngực, mạng sườn trái gây tử vong cho nạn nhân do vật nhọn có một lưỡi sắc tác động gây nên.

Tại Bản giám định pháp y số 7152/PC54 (PY), ngày 14/12/2012 của Phòng kỹ thuật hình sự kết luận về thương tích và nguyên nhân chết của anh Đặng Quang Minh do mất máu cấp bởi các vết thương đa tạng; các thương tích gây tử vong cho nạn nhân do vật nhọn có một lưỡi sắc tác động đâm gây nên.

Ngày 19/11/2012, Cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà Nguyễn Ngọc Bảo 01 con dao gấp mũi nhọn nàu trắng dài khoảng 30cm cùng 02 điện thoại di động hiệu Samsung, 01 điện hoại di động màu trắng hiệu Vertu.

Sau khi phạm tội, Nguyễn Ngọc Bảo đã bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã. Quá trình điều tra, Nguyễn Ngọc Bảo không thừa nhận có mặt tại hiện trường khi xảy ra vụ án, không tham gia đánh nhau, Bảo khai rằng mình chỉ có mặt ở hiện trường sau khi vụ án đã xảy ra và còn đưa nạn nhân lên xe cấp cứu. Bị cáo Hồng Minh, Hồ đều khai đối tượng dùng dao đâm anh Tú và anh Minh là Nguyễn Kim Thanh (sinh năm 1972).

Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra xác minh, kết quả đã xác định được từ khoảng 11h45 phút đến 13h00 ngày 19/11/2012, anh Thanh ngồi ăn đám ăn hỏi tại Nhà văn hoá, không có mặt tại hiện trường vụ án vào thời điểm xảy ra vụ án.

Quá trình điều tra, Bùi Văn Thắng khai anh Thanh là người cầm kéo đâm anh Tú và anh Minh. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định cơ chế hình thành thương tích trên cơ thể 02 nạn nhân. Tại Công văn số 612/PC54 ngày 25/8/2015 của phòng Kỹ thuật hình sự xác định: Chiếc kéo như mô tả không phù hợp với hung khí tạo nên thương tích gây tử vong cho nạn nhân Trần Hữu Tuấn Tú.

Căn cứ vào lời khai nhân chứng có mặt tại hiện trường và kết quả trích xuất camera thể hiện bị cáo Thắng là người điều khiển xe máy chở bị cáo Nguyễn Ánh Hồ và một người nữa (theo bị cáo Thắng khai là Nguyễn Kim Thanh) rời khỏi hiện trường vụ án 12 giờ 51 phút ngày 19/11/2012, trong khi thời điểm xảy ra vụ án là trước 12 giờ 51 phút.

Qua kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa và các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên cần đưa ra lập luận chính bị cáo Nguyễn Ngọc Bảo là người thực hiện hành vi phạm tội, vì các lẽ như sau:

Thứ nhất, lời khai của nhân chứng Nguyễn Tùng Bách (người trực tiếp ngồi cùng nhóm Hồ, Hồng Minh và Bảo tại thời điểm Bảo dùng dao nhọn đâm anh Tú; Lời khai của nhân chứng là anh Hoa (anh Hoa là người đã biết Bảo trước đó) khẳng định chính Bảo là người dùng dao đâm anh Tú.

Thứ hai, chứng cứ liên quan đến đối tượng Nguyễn Kim Thanh: Việc các bị cáo khai đối tượng dùng dao đâm anh Tú là Nguyễn Kim Thanh (đã chết ngày 3/12/2012) nhưng căn cứ vào lời khai của những người họ hàng của anh Thanh tại thời điểm xảy ra vụ án thì Thanh đang dự đám hỏi của anh Huy tại nhà Văn Hóa. Mặt khác, theo lời khai của các đối tượng Bảo, Việt, Minh và Thắng sau khi gây án các đối tượng đến nhà Việt trong đó có Thanh, tuy nhiên khi cho nhận dạng thì Phạm Thị Hồng Minh và bị cáo Thắng đều không nhận ra anh Thanh.

Thứ ba, quá trình điều tra xác định các chứng cứ không ngoại phạm của bị cáo Nguyễn Ngọc Bảo, cụ thể bị cáo Bảo thừa nhận có mặt sau khi nhóm bị cáo gây án và đến xem. Tuy nhiên, những lời khai của Bảo về việc đưa anh Minh đi cấp cứu, có tham gia đẩy cáng lời khai của 2 nhân viên y tế nhưng là chị Diễn, chị Nụ đều không xác định Bảo có tham gia đưa anh Minh đi cấp cứu. Mặt khác, tại thời điểm cán bộ y tế nhận cuộc cấp cứu là 13 giờ 02 phút và khi đến nơi là 13h10 phút thì thời điểm này, theo chi tiết cuộc gọi cột sóng điện thoại của Nguyễn Văn Bảo ở nơi khác, không phải tại hiện trường nên không thể nói việc Bảo có mặt tại hiện trường gây án tại thời điểm cán bộ y tế đến đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Mặt khác, sau khi gây án, Bảo bỏ trốn; còn đối tượng nghi vấn Thanh không bỏ trốn và ngày 23/11/2012 (sau đó 4 ngày) Thanh có hành vi trộm cắp tài sản và bị bắt, đến ngày 28/11/2012 anh Thanh tử tự chết tại nhà riêng. Do đó, đủ căn cứ xác định Nguyễn Văn Bảo phạm tội giết người. Đối với bị cáo Trần Tuấn Dũng và bị cáo khác Kiểm sát viên cần sử dụng những chứng cứ tương tự để chứng minh. Việc kết hợp tồng thể tất cả các tình tiết có trong hồ sơ vụ án, đặc những tình tiết có ý nghĩa bác bỏ lời khai ngoại phạm của đối tượng Nguyễn Văn Bảo đã giúp cho KSV có những lập luận sắc sảo và thuyết phục Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Bảo phạm tội như VKS đã truy tố.

*Thứ ba, vụ án Hà Quang Long (cùng đồng phạm) phạm tội “Giết người” tại tỉnh TH. Trong lúc nhóm Long đang đứng trên đường, thì anh Nguyễn Văn Dương đi qua có chọc tức nên Nguyễn Văn Quỳnh hô cả nhóm chuẩn bị hung khí đuổi theo Dương, trong đó Long mang theo dao nhọn và dùng xe chở Quỳnh và Nguyễn Văn Nam (mang theo súng nhựa), khi đuổi kịp anh Dương thì hai xe va chạm với nhau nên ngã xuống đường; Quỳnh kêu “Nam lấy súng ra bắn nó đi”, lập tức Nam lấy súng ra nhắm vào đầu anh Dương, thấy vậy, anh Dương nhảy vào ôm Nam, liền sau đó, Long lấy dao nhọn ra đâm liên tiếp mấy nhát vào vùng mông, đùi của anh Dương, gây mất máu cấp nên anh Dương tử vong.

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Long, Quỳnh, Nam về tội giết người, Luật sư bào chữa cho các bị cáo Quỳnh, Nam cho rằng không phạm tội, đối với bị cáo Long thừa nhận hành vi nhưng cho rằng không có động cơ, mục đích giết anh Dương mà chỉ đâm vào mông, đùi nạn nhân, việc anh Dương chết là ngoài ý muốn của bị cáo; các bị cáo Quỳnh, Nam cho rằng mình không biết việc Long mang dao và tự thực hiện hành vi đâm anh Dương, bị cáo Quỳnh, Nam không biết và không buộc phải biết nên không phạm tội giết người.

Quá trình tranh tụng, Kiểm sát viên cần đưa ra những lập luận sau:

Thứ nhất, khi anh Dương có lời nói kích động, Quỳnh đã hô cả nhóm chuẩn bị và mang theo hung khí, mặt khác, Quỳnh cùng đi trên xe do Long chở có cả Nam ngồi trên xe, Quỳnh biết rõ Nam có mang theo súng nhựa;

Thứ hai, khi đuổi kịp anh Dương, bị cáo Quỳnh là người hô: “Nam lấy súng ra bắn nó đi”, khi bị cáo Nam giơ súng lên, anh Dương sợ Nam bắn nên nhảy vào ôm bị cáo Nam laị, lập tức bị cáo Quỳnh xông vào đấm, đá anh Dương và bị cáo Long dùng dao nhọn đâm liên tiếp vào người anh Dương gây ra hậu làm anh Dương chết do bị mất máu cấp.

Thứ ba, hậu quả anh Dương chết là do hành vi của bị cáo Long trực tiếp gây ra, bị cáo Long thực hiện hành vi tấn công nạn nhân theo ý chí chung của cả nhóm; khi thực hiện hành động đâm anh Dương, bị cáo Long phải nhận thức hành vi nguy hiểm của mình có thể dẫn đến cái chết cho nạn nhân và thực tế nạn nhân đã chết, nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung đối với hậu quả do hành vi của bị cáo Long gây ra về tội giết người.

Bị cáo Long là người trực tiếp thực hiện hành vi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nên trong vụ án này bị cáo Long giữ vai trò chính; đối với bị cáo Quỳnh và Nam, mặc dù không bàn bạc nhưng đều thống nhất ý chí cùng đuổi theo anh Dương để đánh, Nam dùng súng dọa giết Dương, Quỳnh có hành động đấm, đá tạo điều kiện cho bị cáo Long dùng dao đâm anh Dương; việc Long dễ dàng tấn công gây thiệt hại cho tính mạng anh Dương là nhờ sự giúp sức của Nam và Quỳnh, nên tất cả các bị cáo đều phạm tội giết người, tuy nhiên khi áp dụng mức hình phạt đối với các bị cáo, cần xem xét phân hóa trách nhiệm và cá thể hóa hình phạt phù hợp với vai trò của từng bị cáo trong vụ án.

*Thứ tư, vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại huyện S, tỉnh H. Khoảng 21h ngày 19/10, do có mâu thuẫn với chị Ngô Thị Hiền trước đó tại nhà hàng Phượng Hồng của Nguyễn Hồng Thịnh nên anh Ngô Văn Cường đi xe máy chở Nguyễn Tuấn Anh đến quán Phường Hồng tìm gặp chị Hiền để làm rõ chuyện mất vàng. Nhìn thấy anh Thịnh và chị Hiền vừa về đến quán, Cường đi đến ngồi nói chuyện với Thịnh ở tầng 1, còn Nguyễn Tuấn Anh chạy lên tầng 2 tìm gặp chị Hiền, ttrong lúc lời qua, tiếng lại, Tuấn Anh đã dùng tay tát chị Hiền. Thấy vậy, Thịnh liền đuổi Cường và Tuấn Anh ra khỏi nhà, rồi chạy xuống bếp lấy 1 con dao rựa (có kích thước dài 30cm, bản rộng lưỡi lớn nhất 7,5cm, phần hẹp 2,5cm) đuổi chém Cường và Tuấn Anh. Anh Cường dùng gạch ném trả, Thịnh tránh được và đã dùng dao chém gây thương tích ở tay anh Cường. Nhìn thấy Cường bị thương tích nên Tuấn Anh nhặt gạch chạy đến ném vào trúng vùng đầu Thịnh gây thương tích (tỉ lệ tổn thương cơ thể là 12%). Thịnh tiếp tục dùng dao chém 2 nhát vào đùi Tuấn Anh gây thương tích (tỉ lệ tổn thương cơ thể là 8%). Sau đó, Tuấn Anh và Cường bỏ chạy ra ngõ thì Thịnh tiếp tục đuổi theo và chém liên tiếp 2 nhát vào Cường bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 66%.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Tuấn Anh đã khai nhận có nhặt 01 viên gạch để ném về phía anh Thịnh, nhưng trúng vào đâu thì không rõ, nhưng có thừa nhận thương tích của Thịnh là do mình gây ra. Kết quả điều tra bổ sung đã xác định hồ sơ bệnh án bị thất lạc, Cơ quan điều tra tiếp tục lấy lời khai của Thịnh, phù hợp với vết thương trong bản ảnh và Cơ quan Giám định pháp y xác định do sơ suất trong giám định nên kết luận thương tích vùng vành tai bên trái thành bên phải.

Luật sư bào chữa cho Tuấn Anh cho rằng thương tích của Thịnh không thống nhất, vì nội dung trong giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện đa khoa thể hiện vết thương vành tai phải, còn tại kết luận giám định của Sở Y tế tỉnh H lại thể hiện vết thương vành tai trái, hung khí thì không thu giữ được nên không đủ căn cứ để quy kết vết thương của bị hại là do bị cáo gây ra; Bị cáo Tuấn Anh không thừa nhận theo Cáo trạng số 206 của Viện kiểm sát nhân dân truy tố đối với bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” vì trên vành tai phải của bị hại Thịnh  không hề có vết thương nào, đồng thời bị cáo Tuấn Anh có xin giảm nhẹ hình phạt.

Quá trình tranh luận, Kiểm sát viên cần nhận định: Mặc dù vị trí vết thương của anh Thịnh có khác nhau nhưng xét thấy thương tích của người bị hại là có thật, sau khi bị bị cáo dung gạch ném trúng vùng tai, anh Thịnh vào viện ngay để chữa trị, sau đó cơ quan chức năng tiến hành làm việc thì anh Thịnh khai là do bị cáo Tuấn Anh dùng gạch ném gây thương tích cho anh. Việc giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện xác nhận Thịnh bị thương tích ở vành tai phải nhưng Kết luận giám định pháp y của Sở Y tế là vành tai trái là do có sự sơ xuất, nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án. Căn cứ vào tài liệu chứng cứ tài liệu thu thập trong quá trình điều tra và kết quả điều tra bổ sung, cho thấy đã đủ cơ sở kết luận vết thương ở vùng tai trái của người bị hại là do bị cáo dùng gạch ném về hướng người bị hại trực tiếp gây ra, nên việc Viện kiểm sát truy tố bị cáo theo Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Đối với hành vi chém người gây thương tích của Nguyễn Hồng Thịnh sẽ tách ra xử lý trong một vụ án khác nhằm đảm bảo không có sự mâu thuẫn về tư cách tố tụng.

Một số kinh nghiệm tranh tụng khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm

Việc tranh tụng trong các loại án này đòi hỏi Kiểm sát viên phải thận trong nghiên cứu, sử dụng các chứng cứ có ý nghĩa buộc, gỡ tội vì thực tế nhiều vụ án rất phức tạp, không để lại dấu vết, chứng cứ phạm tội và nhiều trường hợp bị hại có quan hệ yêu đương, tình cảm với bị cáo… do vậy, Kiểm sát viên cần làm rõ bản chất sự việc trên cơ sở các tài liệu chứng cứ thu thập được để có nhận định đúng về vụ án.

Ví dụ như vụ án “Hiếp dâm” dẫn đến bị hại tự tử tại tỉnh B: Bị cáo A có tình cảm với bị hại, đêm 20/8, bị cáo A rũ bị hại B đi chơi, bị hại muốn chia tay nên bị cáo A đã dùng vũ lực quan hệ tình dục với người bị hại, sau đó, bị cáo đưa chị B về nhà. Khi về nhà bị hại cảm thấy xấu hổ nên đã uống thuốc sâu tự tử, mẹ bị hại phát hiện con gái tử tự thì gọi điện cho bị cáo đến đưa bị hại đi bệnh viện. Mẹ của bị hại có nói “Mày làm gì con tao mà nó uống thuốc sâu tự tử”; bị cáo không nói gì, chỉ lặng lẽ đưa bị hại đi cấp cứu; bị hại trước lúc hôn mê có nói với mẹ là do bị cáo làm nhục; nhân chứng tại thời điểm đó có nghe được câu nói trên của người bị hại. Do bị tổn thương quá nặng, nên khoảng tuần sau thì bị hại chết. Bị cáo ban đầu thừa nhận có hành vi hiếp dâm; Cơ quan điều tra thu thập dấu vết trên người bị hại có dấu tinh dịch của bị cáo; sau đó, bị cáo chối tội cho rằng bị hại thuận tình cho quan hệ tình dục.

Quá trình xét xử, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội. Khi xét hỏi, Kiểm sát viên đưa ra những câu hỏi như: Thời điểm đó, bị cáo có đi chơi cùng bị hại hay không (bị cáo khai có); bị cáo có hành vi dùng vũ lực để giao cấu với bị hại không (bị cáo khai có, nhưng bị hại đồng ý); nếu đồng ý thì vì sao bị hại lại tự sát (bị cáo không giải thích được); lý do vì sao ban đầu bị cáo thừa nhận là bị cáo hiếp dâm bị hại; sau khi bị hại uống thuốc sâu, mẹ bị hại liền gọi điện thoại cho bị cáo phải không (Bị cáo nhận là người đến đưa bị hại đi cấp cứu); bị hại nói với mẹ của mình do bị cáo làm nhục và nhân chứng có mặt tại thời diểm đó cũng nghe thấy, bị cáo giải thích như thế nào?

Từ những câu hỏi, trả lời của bị cáo trên cơ sở tài liệu chứng cứ thu thập, Kết luận điều tra, Cáo trạng, Kiểm sát viên đưa ra những lập luận để chứng minh hành vi phạm tội hiếp dâm của bị cáo, do vậy, Viện kiểm sát truy tố bị cáo là hoàn toàn có cơ sở, đúng người, đúng tội./.

Ths. Võ Văn Tài – Phó Trưởng khoa kiểm sát Hình sự
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.Hồ Chí Minh