Một số vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc thiệt hại gây ra bởi nguồn nguy hiểm cao độ xảy ra ngày càng nhiều, điển hình như vụ cháy quán karaoke An Phú tại Bình Dương, cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, chó dữ cắn người, xe ô tô tự lái gây tai nạn, v.v. Các vụ việc nêu trên đều để lại thiệt hại nặng nề về tài sản, sức khỏe và tính mạng. Hiện nay, quy định pháp luật và việc áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tồn tại một số bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể bị thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
1. Khái quát chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Theo quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015, nguồn nguy hiểm cao độ là các phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam chỉ liệt kê những nguồn nào là nguồn nguy hiểm cao độ, do đó, để xác định được vật thể, chất thể nào là nguồn nguy hiểm cao độ thì không chỉ căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 601 BLDS năm 2015 mà còn phải căn cứ vào quy định pháp luật khác có liên quan (ví dụ: để xác định được phương tiện giao thông vận tải cơ giới nào là nguồn nguy hiểm cao độ thì cần phải căn cứ khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008; để xác định được vũ khí nào là nguồn nguy hiểm cao độ thì cần phải căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017). Mặc dù BLDS năm 2015 không đưa ra khái niệm giải thích nguồn nguy hiểm cao độ nhưng qua nghiên cứu, tìm hiểu thì có thể xác định rằng nguồn nguy hiểm cao độ là những vật thể, chất thể tồn tại trong tự nhiên mà trong quá trình tồn tại, hoạt động của chúng tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng, không thể lường trước cho những người xung quanh mặc dù đã được áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Chính vì tính chất nguy hiểm và yếu tố bất ngờ mà thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thường khó lường trước, không có khả năng ngăn chặn và mức độ lớn hơn so với các loại tài sản khác (ví dụ: một cái cây gãy, đổ chỉ có khả năng làm sập một bức tường hoặc một phần của ngôi nhà, trong khi đó, một vụ nổ do thuốc nổ gây ra thì có nguy cơ nổ liên tiếp, rất khó có thể hạn chế phần thuốc nổ còn lại không nổ; hoặc một vụ cháy nhà do chập điện có khả năng gây cháy lan sang các căn nhà khác; hay nổ nhà máy điện hạt nhân thì rất khó khử sạch chất phóng xạ đã nhiễm trong không khí, đất, nước, đồ vật, v.v). Do đó, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ thể bị thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, BLDS năm 2015 quy định chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi họ không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại.
Như vậy, có thể hiểu rằng “trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một loại trách nhiệm phát sinh cho chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ khi hoạt động của những nguồn này gây thiệt hại cho môi trường và những người xung quanh”[1].
Từ khái niệm nêu trên, có thể xác định được rằng trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra gồm có 03 đặc điểm như sau: Thứ nhất, trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một dạng trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng (được hình thành khi giữa các chủ thể không có quan hệ hợp đồng trước đó hoặc tuy có quan hệ hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không xuất phát từ việc không thực hiện đúng hợp đồng). Thứ hai, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phát sinh không có yếu tố lỗi của chủ thể (thiệt hại được gây ra do tự thân sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ, không cần phải có sự tác động của con người; mang yếu tố bất ngờ, không báo trước, khó lường trước và khó ngăn chặn). Thứ ba, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không bao gồm thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư cá nhân (đối tượng xâm phạm của nguồn nguy hiểm cao độ là tính mạng, sức khỏe, tài sản).
2. Điều kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
3.1 Quy định pháp luật
Để có đủ căn cứ xác định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì phải chứng minh được ba yếu tố: việc gây thiệt hại trái pháp luật, thiệt hại thực tế và mối quan hệ nhân quả giữa việc gây thiệt hại với thiệt hại thực tế.
Đối với việc gây thiệt hại trái pháp luật, lưu ý là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ, trong quá trình tồn tại, hoạt động gây ra thiệt hại cho chủ thể khác, nếu có hành vi trái pháp luật của con người tác động vào nguồn nguy hiểm cao độ thì được xác định là thiệt hại do con người gây ra có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ. Như vậy, để chứng minh thiệt hại trái pháp luật do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì không xem xét đến yếu tố lỗi, hành vi trái pháp luật mà cần chứng minh sự tác động của nguồn nguy hiểm cao độ đến các lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ.
Khi lỗi không phải là điều kiện, dấu hiệu cấu thành của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì dẫn đến hai hệ quả là chủ thể có trách nhiệm bồi thường không thể chứng minh không có lỗi để loại trừ trách nhiệm và nếu chứng minh được có sự tồn tại yếu tố lỗi thì không thể áp dụng quy định về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà phải áp dụng quy định về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ. Để giải quyết các hệ quả nêu trên, theo quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ được loại trừ trách nhiệm BTTH khi chứng minh được rằng thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là do lỗi cố ý của nạn nhân hoặc do bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.
Đối với thiệt hại thực tế, đây là yếu tố tiên quyết, là cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường, chủ yếu là tổn thất về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Thiệt hại xảy ra phải có thể tính toán được, bao gồm cả những thiệt hại gián tiếp nếu như có thể ước lượng được và chứng minh được thiệt hại đó nhất định sẽ xảy ra[2]. Những thiệt hại mang tính chất suy đoán, không chắc chắn xảy ra thì không thể là căn cứ phát sinh trách nhiệm và cũng không thể được bồi thường.
Đối với mối quan hệ nhân quả giữa việc gây thiệt hại với thiệt hại thực tế, đây là mối quan hệ nội tại, tất yếu giữa việc gây thiệt hại với thiệt hại thực tế xảy ra. Nếu không thừa nhận về sự tồn tại của việc gây thiệt hại trái pháp luật thì không có cơ sở pháp lý để bắt buộc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng gánh chịu trách nhiệm pháp lý vì việc gây thiệt hại mà không trái pháp luật thì không phát sinh trách nhiệm pháp lý[3], trừ trường hợp phát sinh nghĩa vụ do luật định[4]. Nếu không tồn tại quan hệ nhân quả hoặc không thể chứng minh được quan hệ này thì không có cơ sở để xác định trách nhiệm BTTH đối với chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (ví dụ: nếu kho hàng bị cháy do sét đánh mà không phải do chập điện thì chủ sở hữu hệ thống điện không có trách nhiệm bồi thường). Do đó, xác định được chính xác mối quan hệ nhân quả giữa việc gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ với thiệt hại thực tế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường.
3.2 Thực trạng áp dụng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật
Thực tiễn xét xử cho thấy Toà án thường bị nhầm lẫn giữa thiệt hại do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra với thiệt hại liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ[5], đặc biệt là đối với các vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông. Mặc dù lỗi thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông (dùng chất kích thích, không chú ý quan sát, vượt quá tốc độ cho phép, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, v.v) nhưng Toà án vẫn áp dụng quy định về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra để buộc chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông phải BTTH cho người bị hại. Vì vậy, cần phải quy định rõ ràng hơn về việc trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp này chỉ phát sinh khi tai nạn được gây ra do hoạt động tự thân của phương tiện giao thông vận tải cơ giới; chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng không có lỗi hoặc lỗi không đáng kể trong việc gây ra thiệt hại. Về phía các cơ quan tiến hành tố tụng, đối với các vụ việc thiệt hại xảy ra có sự xuất hiện của nguồn nguy hiểm cao độ thì cần phải xác định rõ nguyên nhân, mức độ tác động, ảnh hưởng của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ để xác định chính xác được rằng thiệt hại này là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay thiệt hại liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ.
Đối với trường hợp miễn trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, điều luật chỉ quy định loại trừ trách nhiệm của người gây tai nạn khi có lỗi hoàn toàn cố ý của người bị thiệt hại mà không quy định rằng trong trường hợp này, người bị thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường cho người gây tai nạn. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có trường hợp Tòa án xác định người bị thiệt hại có lỗi nên loại trừ trách nhiệm của người gây tai nạn và buộc người bị thiệt hại bồi thường cho người gây tai nạn một khoản tiền mặc dù trong trường hợp này, người bị thiệt hại phải chịu phần thiệt hại lớn hơn so với người gây tai nạn[6]. Như vậy, việc Toà án buộc người bị thiệt hại vừa phải chịu phần thiệt hại của mình vừa phải bồi thường cho bên gây thiệt hại thì chưa phù hợp với quy định tại Điều 601 BLDS năm 2015. Do đó, Tòa án để cho mỗi bên tự gánh chịu hậu quả thì sẽ phù hợp và thuyết phục hơn. Ngoài ra, cần xem xét và bổ sung vào khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015 trường hợp loại trừ trách nhiệm BTTH đối với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ khi lỗi hoàn toàn do bên bị thiệt hại
Ngoài ra, liên quan đến trường hợp miễn trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong tình thế cấp thiết hoặc sự kiện bất khả kháng, hiện nay, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuy đã có hướng dẫn cụ thể về tình thế cấp thiết nhưng lại không có hướng dẫn về trường hợp bất khả kháng[7]. Do đó, thực tiễn xét xử có trường hợp Toà án không xem xét đầy đủ các điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà áp dụng sự kiện bất khả kháng để loại trừ trách nhiệm của chủ thể[8], dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại không được bảo vệ tối đa. Do đó, cần bổ sung và quy định cụ thể, rõ ràng hơn các trường hợp là sự kiện bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết để loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hướng liệt kê, trường hợp nào không được liệt kê thì áp dụng phương pháp loại suy, trường hợp đó được xác định là vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
3. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
3.1 Quy định pháp luật
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 601 BLDS năm 2015 thì chủ sở hữu nguồn, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015. Nếu nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải BTTH. Khi chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới BTTH.
Như vậy, chủ sở hữu là người đầu tiên chịu trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) thì chủ sở hữu tài sản được xác định tại thời điểm tài sản gây thiệt hại theo quy định của pháp luật, trường hợp tài sản đang được giao dịch thì việc xác định chủ sở hữu tài sản gây thiệt hại phải căn cứ vào thời điểm chuyển giao quyền sở hữu.
Chủ thể thứ hai chịu trách nhiệm BTTH là người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015). Cần phải xác định rằng việc giao chiếm hữu, quản lý, sử dụng, khai thác nguồn nguy hiểm cao độ giữa hai bên phải được thực hiện bằng một hợp đồng hoặc giao dịch hợp pháp khác như cho thuê, cho mượn, gửi giữ, cầm cố có giao cả quyền sử dụng… (trường hợp uỷ quyền quản lý, giao nhiệm vụ cho người làm công, nhân viên, người học nghề vận hành, điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ theo vị trí công việc, nhiệm vụ của người đó thì không xem là giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng mà người chủ sở hữu vẫn chính là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ). Trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có thỏa thuận khác thì việc xác định trách nhiệm BTTH được thực hiện theo thỏa thuận. Các thỏa thuận này không được trái pháp luật, đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh việc BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Cần lưu ý rằng việc “sử dụng” nguồn NHCĐ được hiểu theo nghĩa pháp lý rộng hơn so với việc “điều khiển”, “vận hành” nguồn NHCĐ. Ví dụ, một người thuê, mượn xe ô tô để khai thác, sử dụng, hưởng lợi thì được xem là người “sử dụng” xe ô tô; nếu một người được chủ xe thuê và giao xe để lái hoặc một người được chủ xe nhờ cầm lái để chở đi theo yêu cầu của chủ xe thì người được giao việc lái xe là người “điều khiển” xe, không phải người “sử dụng” xe.
Chủ thể thứ ba chịu trách nhiệm BTTH là người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ (khoản 4 Điều 601 BLDS năm 2015). Nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn NHCĐ có lỗi để cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn NHCĐ trái pháp luật gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
3.2 Thực trạng áp dụng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật
Thực tiễn xét xử tồn tại trường hợp Toà án căn cứ vào yếu tố lỗi, cho rằng chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi để xảy ra thiệt hại nên loại trừ trách nhiệm của các chủ thể này trong việc BTTH cho bên bị thiệt hại[9]. Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng cần chú ý xem xét điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không căn cứ vào yếu tố lỗi để buộc chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ BTTH cho bên bị thiệt hại ngay cả khi họ không có lỗi để xảy ra thiệt hại.
Đối với quy định tại khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015, thực tiễn xét xử thường nhầm lẫn với quy định tại Điều 600 BLDS năm 2015 về BTTH do người làm công, người học nghề gây ra[10]. Cụ thể là giữa người chủ sở hữu phương tiện vận tải cơ giới và người được giao chiếm hữu, sử dụng có tồn tại một hợp đồng lao động, không phải hợp đồng thuê, mướn. Khi tai nạn xảy ra, Toà án áp dụng khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015 để xác định chủ thể chịu trách nhiệm BTTH. Việc áp dụng quy định nêu trên trong trường hợp này là chưa phù hợp. Do đó, để tránh sự nhầm lẫn giữa Điều 600 và khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015 thì cần bổ sung hướng dẫn về việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng trong quan hệ lao động và theo quan hệ dân sự. Đối với trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chủ sở hữu chuyển giao theo nghĩa vụ lao động thì áp dụng Điều 600 BLDS năm 2015. Theo đó, nếu thiệt hại gây ra trong quá trình người lao động quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nhiệm vụ được giao thì trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ; nếu người được giao quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động nhưng lại sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vào mục đích khác không theo nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì họ phải tự chịu trách nhiệm. Trường hợp người được giao quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quan hệ dân sự (thuê, mướn, gửi giữ, v.v.) thì áp dụng khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng có trách nhiệm BTTH, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Về nghĩa vụ liên đới BTTH, mặc dù chủ sở hữu đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng hợp pháp, không có thoả thuận khác, nhưng Toà án vẫn yêu cầu chủ sở hữu phải liên đới chịu trách nhiệm BTTH[11], trường hợp này Toà án chưa áp dụng đúng quy định tại khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng cần lưu ý xem xét tính chất, nội dung và thời hạn giao dịch dân sự giữa các bên. Nếu là giao dịch dân sự hợp pháp, không có thoả thuận khác và chưa hết hạn hợp đồng thì trách nhiệm BTTH thuộc về chủ thể đang chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ.
Đối với động sản phải đăng ký quyền sở hữu, thực tế thường xảy ra tình trạng là chủ sở hữu cũ đã bán lại động sản cho chủ sở hữu mới nhưng chưa hoàn tất thủ tục đăng ký, dẫn đến tình trạng chủ sở hữu trên giấy tờ khác với chủ sở hữu thực tế. Điều này gây lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh chủ sở hữu của nguồn nguy hiểm cao độ[12]. Như vậy, đối với nguồn nguy hiểm cao độ phải đăng kí quyền sở hữu (phương tiện cơ giới như xe máy, xe ô tô…) thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải lưu ý thời điểm chuyển giao quyền sở hữu theo quy định của pháp luật và chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường là chủ sở hữu thực tế hay chủ sở hữu trên giấy tờ của nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó, cần phải bổ sung hướng dẫn rõ ràng và cụ thể về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu theo quy định của pháp luật để làm căn cứ xác định chủ thể chiuj trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
4. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
4.1. Quy định pháp luật
Nguyên tắc được hiểu là những tư tưởng, quan điểm mang tính chỉ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng, áp dụng và thực hiện pháp luật. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một chế định được quy định tại BLDS năm 2015, do đó, việc BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 3 và các nguyên tắc BTTH được quy định tại Điều 585 BLDS năm 2015.
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự bao gồm: nguyên tắc tự thỏa thuận; nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; nguyên tắc tự chịu trách nhiệm.
Các nguyên tắc BTTH bao gồm: Thứ nhất, nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời (tất cả các thiệt hại thực tế xảy ra đều phải được bồi thường một cách nhanh chóng nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại). Thứ hai, nguyên tắc giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của người có trách nhiệm bồi thường (để được giảm mức bồi thường thì cần phải đảm bảo hai điều kiện: một là gây thiệt hại khi không có lỗi hoặc có lỗi vô ý; hai là thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế của người có trách nhiệm bồi thường). Thứ ba, nguyên tắc thay đổi mức bồi thường khi không còn phù hợp với thực tế (mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế – xã hội; sự biến động về giá cả; sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại; sự thay đổi về khả năng kinh tế của chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà mức bồi thường không còn phù hợp với sự thay đổi đó). Thứ tư, nguyên tắc không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra (chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại không buộc phải bồi thường phần thiệt hại mà xuất phát từ lỗi của bên bị thiệt hại). Thứ năm, nguyên tắc không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại (khi bên bị thiệt hại biết, nhìn thấy trước được rằng nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn thì thiệt hại sẽ xảy ra và có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại nhưng đã để mặc thiệt hại xảy ra, để thiệt hại trầm trọng hơn, thì bên bị thiệt hại không được BTTH).
4.2. Thực trạng áp dụng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật
Thực tiễn xét xử tranh chấp về BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng đều tuân thủ nguyên tắc, thủ tục được quy định tại BLDS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, đối với nguyên tắc “người chịu trách nhiệm BTTH có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình”, thì còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp trong việc xác định như thế nào là thiệt hại quá lớn, bởi lẽ đối với chủ thể này thì thiệt hại là rất lớn nhưng đối với chủ thể khác thì lại không xem thiệt hại đó là lớn.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2019/DS-ST ngày 30/01/2019 của Tòa án nhân dân huyện O, tỉnh Vĩnh Long, bị đơn chấp nhận bồi thường một phần thiệt hại, phần còn lại bị đơn không có khả năng bồi thường. Tuy nhiên, Tòa án vẫn buộc bị đơn BTTH ở mức cao hơn so với khả năng của bị đơn, căn cứ vào lỗi của bị đơn là lỗi cố ý mà không xem xét đến khả năng kinh tế của bị đơn, trong khi đó, đối với trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ việc giảm mức bồi thường chỉ căn cứ vào điều kiện về kinh tế của bị đơn mà không căn cứ vào yếu tố lỗi. Tòa án cấp sơ thẩm đưa ra căn cứ và quyết định như trên là chưa thuyết phục vì chưa xem xét một cách toàn diện và làm rõ các hoạt động của bị đơn liên quan đến sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, thu nhập, tài sản hiện có của người này trong cuộc sống hiện tại và tương lai… So sánh với thiệt hại thực tế đã xảy ra, nếu thiệt hại lớn hơn khả năng kinh tế của bị đơn thì cần phải xem xét giảm mức bồi thường cho bị đơn tương ứng với khả năng của họ.
Hiện tại, thực tiễn xét xử chưa đảm bảo tính khách quan khi xem xét các nội dung nêu trên, do đó, cần bổ sung hướng dẫn về phương thức và tiêu chí để xác định khoản BTTH như thế nào là vượt quá so với khả năng của người có trách nhiệm bồi thường. Trường hợp vượt quá so với khả năng của người có trách nhiệm bồi thường là do hoàn cảnh khách quan, ngoài ý chí của người có trách nhiệm bồi thường, thì dù cho họ có lỗi cố ý, vô ý hoặc không có lỗi, họ cũng đều hoàn toàn không đủ khả năng bồi thường hết số tiền được yêu cầu. Vì vậy, có thể xem xét bỏ đi điều kiện về yếu tố lỗi, chỉ cần người có trách nhiệm bồi thường đảm bảo hết các tiêu chí về không đủ khả năng bồi thường là sẽ được giảm mức bồi thường cho phù hợp.
Đây là nguyên tắc nhân đạo của Nhà nước đối với người có lỗi vô ý hoặc không có lỗi gây thiệt hại nhưng quyền quyết định lại trao cho Toà án mà không trao cho bên bị thiệt hại. Do đó, quyền tự quyết của các chủ thể trong quan hệ dân sự không được đảm bảo. Trường hợp Tòa án quyết định chấp nhận giảm mức BTTH cho bên gây ra thiệt hại thì ảnh hưởng đến quyền của bên bị thiệt hại trong việc quyết định có đồng ý hay không về việc giảm mức bồi thường cho bên gây ra thiệt hại và vi phạm nguyên tắc thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ. Trường hợp Tòa án quyết định không chấp nhận giảm mức BTTH cho bên gây ra thiệt hại thì mức bồi thường vượt quá điều kiện kinh tế của họ và vi phạm nguyên tắc nhân đạo. Do đó, cần xem xét bổ sung thêm quy định về việc cho các bên tự thỏa thuận với nhau về giảm mức bồi thường, trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một trong những vấn đề pháp lý phức tạp thường gặp, đòi hỏi cần phải được giải quyết kịp thời nhằm xem xét trách nhiệm pháp lý của bên gây ra thiệt hại và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên bị thiệt hại. Trên cơ sở phân tích quy định của pháp luật và thực tiễn xét xử của Tòa án, tác giả đã chỉ ra được một số tồn tại, hạn chế về điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH, chủ thể chịu trách nhiệm BTTH và nguyên tắc BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, từ đó, giúp hình thành một số kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra./.
[1] Vũ Thị Hải Yến, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, http://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2010/04/06/4727.
[2] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. (2019). Sách tình huống pháp luật hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Bình luận bản án). Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, trang 404.
[3] Các trường hợp gây thiệt hại được pháp luật cho phép: Tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, được sự cho phép của nạn nhân (tự nguyện, hành vi được cho phép không vi phạm điều cấm của luật, gây thiệt hại trong phạm vi cho phép…).
[4] Khoản 3 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trường hợp thật cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. Khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy, hành vi trưng dụng tài sản, giải tỏa đất đai phải tuân theo quy định pháp luật nhưng chủ thể phải bồi thường các thiệt hại gây ra bởi hành vi này.
[5] Xem Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 23/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện Cần G, tỉnh Long An và Bản án dân sự phúc thẩm số 204/2021/DS-PT ngày 30/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện Cần G, tỉnh Long An.
[6] Xem Bản án dân sự sơ thẩm số 97/2018/DS–ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và Bản án dân sự phúc thẩm số 114/2019/DS-PT ngày 11/7/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.
[7] Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 BLDS năm 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Các dấu hiệu của sự kiện bất khả kháng tương tự với các dấu hiệu của thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, đó là không có sự tác động của con người, không cần có lỗi, nguồn nguy hiểm cao độ tự gây thiệt hại hoàn toàn nằm ngoài khả năng nhận biết, kiểm soát của con người.
[8] Xem Bản án dân sự sơ thẩm số 848/2017/DS-ST ngày 08/8/2017 của Tòa án nhân dân Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án dân sự phúc thẩm số 1013/2017/DS-PT ngày 15/11/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
[9] Xem Bản án dân sự sơ thẩm số 848/2017/DS-ST ngày 08/8/2017 của Tòa án nhân dân Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án dân sự phúc thẩm số 1013/2017/DS-PT ngày 15/11/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
[10] Xem Bản án dân sự sơ thẩm số 79/2022/DS-ST ngày 27/7/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang về tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng.
[11] Xem Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2022/DS-ST ngày 14/7/2022 của Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai.
[12] Xem Bản án dân sự sơ thẩm số 136/2017/DS-ST ngày 20/12/2017 của Tòa án nhân dân thị xã TC, tỉnh AG.
ThS. Nguyễn Hà Trang – Giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh
truyenthongphattrien.com.vn