Một số vướng mắc, bất cập trong áp dụng quy định tại điều 201 bộ luật hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện
ThS. Võ Ngọc Khánh Linh – Phó trưởng khoa kiểm sát hình sự
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt:
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) ra đời với nhiều điểm mới đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nói riêng. Thực tế cho thấy, số lượng các vụ án về loại tội phạm này đang diễn ra với tính chất và quy mô ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá một số tồn tại, vướng mắc trong áp dụng quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015; từ đó đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật.
Dẫn nhập
Trong những năm gần đây, bên cạnh việc thụ hưởng những giá trị, những thành tựu mà nền kinh tế thị trường mang lại thì xã hội cũng phải đối mặt với nhiều phát sinh mang tính tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Đó là tình hình tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự diễn biến hết sức phức tạp, không ngừng gia tăng cả về số vụ và hậu quả mà hành vi này gây ra cho xã hội . Với phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tạo ra tâm lý hoang mang trong dư luận, gây bất ổn về an ninh trật tự, kìm hãm sự phát triển kinh tế và vấn đề này cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh, gia tăng các loại tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế khác .
Thời gian qua, hoạt động cho vay lãi nặng của các nhóm tội phạm có những diễn biến phức tạp. Nhiều nhóm đối tượng thành lập các “công ty tài chính” trá hình, thậm chí sử dụng mạng Internet, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và lôi kéo “khách hàng”. Kèm theo những hoạt động cho vay lãi nặng là những hoạt động tội phạm khác nhằm mục đích thu hồi nợ của người vay như hành hung, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người nếu người vay không trả được nợ… Các hoạt động cho vay lãi nặng đang là vấn nạn nhức nhối cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an, an toàn công cộng của người dân .
Có thể thấy, việc xuất hiện hình thức cho vay mới với việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng Internet khiến cho việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, tình trạng phạm tội kéo dài, khó xử lý dứt điểm, từ đó gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội . Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) ra đời với một số thay đổi, bổ sung quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là căn cứ pháp lý quan trọng góp phần đấu tranh phòng, chống có hiệu quả loại tội phạm này. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm nói chung, tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nói riêng thì quy định của điều luật dần bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đòi hỏi cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để phù hợp với tiến trình phát triển cũng như đòi hỏi tự nhiên của nhu cầu xã hội đặt ra.
1. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự không phải là tội danh mới, lần đầu được ghi nhận trong BLHS năm 2015 mà đã được ghi nhận trong các BLHS trước đây. Tuy nhiên, so sánh quy định tại Điều 163 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 thì nội dung Điều 201 BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, từ tên điều luật đến nội dung cụ thể trong các điều khoản. Việc sửa đổi, bổ sung này được đánh giá là phù hợp và cần thiết, khắc phục được những vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định của Điều 163 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) trước đây.
Trong BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (sau đây gọi là BLHS năm 2015) thì tội danh này được ghi nhận tại Điều 201 như sau:
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy, so với quy định tại Điều 163 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì về mặt bố cục, điều luật vẫn gồm 03 khoản. Trong đó, khoản 1 quy định các dấu hiệu pháp lý của tội phạm và khung hình phạt cơ bản, khoản 2 quy định trường hợp phạm tội tăng nặng và khoản 3 quy định khung hình phạt bổ sung . Tuy nhiên, nội dung các khoản thì được thay đổi đáng kể.
Khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 không đưa ra khái niệm thế nào là tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự mà chỉ quy định cấu thành cơ bản của loại tội này là: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp năm lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…”. Như vậy, theo quy định của điều luật thì có thể hiểu: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (20%/năm) của chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự, được thực hiện với lỗi cố ý vì mục đích thu lợi bất chính mà xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước.
Đồng thời, điều luật cũng quy định hành vi phạm tội trên còn phải có đủ một trong các điều kiện sau: một là, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hai là, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng trong thời hạn là 12 tháng ; ba là đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Đồng thời, theo quy định của Điều luật thì việc cho vay lãi nặng phải xảy ra trong các giao dịch dân sự được được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội danh này bao gồm:
Thứ nhất, chủ thể của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là chủ thể thường, tức là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về tín dụng mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, xâm phạm đến lợi ích của công dân.
Thứ ba, mặt khách quan được thể hiện ở hành vi sau:
– Cho người khác vay với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên.
– Cho vay với mức lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Thứ tư, mặt chủ quan, tội phạm thực hiện hành vi với lỗi cố ý và mục đích vụ lợi bất chính.
2. Một số hạn chế, bất cập trong áp dụng quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015
Hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự diễn ra khá phổ biến hiện nay, nhiều hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015. Hiện nay, để giải quyết một số hạn chế, bất cập trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với tội danh này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Nghị quyết số 01/2021).
Có thể thấy, hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2021 về cơ bản đã khắc phục được những bất cập, vướng mắc khi áp dụng quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện, cụ thể:
Thứ nhất, về kỹ thuật lập pháp
BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 nhằm khắc phục ở mức tối đa những quy định có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của BLHS năm 2015; nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo đó, nội dung Điều 201 BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Cụ thể:
“i. Thay thế cụm từ “lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất” bằng cụm từ “lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất” tại khoản 1 và cụm từ “Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên” bằng cụm từ “Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên” tại khoản 2 Điều 201;”.
Như vậy, BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung 02 nội dung trong quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 201. Tuy nhiên, sự sửa đổi, bổ sung này chưa thực sự toàn diện, dẫn đến về mặt kỹ thuật lập pháp chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong xây dựng luật. Cụ thể, nội dung cụm từ “Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên” được thay bằng cụm từ “Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên” tại khoản 2 Điều 201. Tức là việc sửa đổi, bổ sung mới là thêm từ “mà” với ý nghĩa nhấn mạnh vào kết quả của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát nội dung toàn bộ Điều luật thì thấy, trong khoản 1 Điều 201 có quy định: “Người nào trong giao dịch dân sự…. thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng…”. Trong khoản này cũng sử dụng cụm từ “thu lợi bất chính” như quy định tại khoản 2 của Điều 201 trong Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 nhưng lại không được sửa đổi, bổ sung với việc thêm từ “mà”. Điều này gây ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong kỹ thuật lập pháp trong phạm vi cùng một điều luật. Tác giả cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung của Luật số 12/2017/QH14 trong trường hợp này bổ sung thêm từ “mà” chỉ nhằm làm nhấn mạnh thêm mục đích phạm tội, còn xét về bản chất, việc “thu lợi bất chính” tại khoản 1 Điều 201 với “phạm tội mà thu lợi bất chính” về cơ bản không khác nhau, đều là dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm .
Tuy nhiên, với việc chỉ điều chỉnh, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 201 bằng việc thêm từ “mà” đã khiến cho tổng thể điều luật thiếu chặt chẽ, logic, còn về mặt thực tế, tác giả cho rằng cách hiểu không có vướng mắc khi xem xét đối với hai nội dung này. Nhưng rõ ràng về mặt kỹ thuật lập pháp lại chưa thực sự phù hợp, trở thành một hạn chế, bất cập cần sớm được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.
Thứ hai, về xác định tình tiết đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này
So với quy định tại Điều 163 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì trong khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm dấu hiệu định tội mới là: ‘‘đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm’’.
Tuy nhiên, việc xác định tình tiết này còn gặp khó khăn, vướng mắc trong thực tế. Cụ thể:
Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2021 quy định: “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.”.
Như vậy, “hành vi này” tại khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 được xác định là hành vi cho người khác vay với mức lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015, tức là từ 20% x 5 = 100%/năm trở lên.
Đồng thời, điều luật quy định “hành vi này” phải thỏa mãn điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”.
Điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 144/2021/NĐ-CP) quy định phạt vi phạm như sau:
“Điều 12. Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự
… 4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…đ) Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;…”
Tuy nhiên, khi viện dẫn quy định này của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP để áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 trong xác định tình tiết định tội “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này” thì lại gặp khó khăn, vướng mắc. Bởi lẽ, như trên đã phân tích, “hành vi này” trong khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 là hành vi “cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự”. Tuy nhiên, trong Nghị định số 144/2021/NĐ-CP lại chỉ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “cho vay tiền… không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự”, tức là chỉ cần có hành vi cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất quy định tại Điều 468 BLDS là vượt quá 20%/năm là đã bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Việc quy định thiếu thống nhất giữa hai văn bản quy phạm pháp luật như phân tích ở trên gây ra sự lúng túng, khó khăn trong áp dụng vào thực tiễn. Cụ thể, nếu xác định tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này” theo quy định tại khoản 1 Điều 201 thì lại không phù hợp với cách xác định hành vi “cho vay tiền không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự” theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Thứ ba, về chủ thể của tội phạm
Căn cứ vào Điều 9, Điều 12, Điều 201 BLHS năm 2015 thì chủ thể của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là chủ thể thường, nghĩa là chủ thể này có thể là bất kỳ người nào có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của BLHS là từ đủ 16 tuổi trở lên. Như vậy, căn cứ vào quy định của BLHS thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào.
Theo quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 thì chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là cá nhân mà không bao gồm chủ thể là pháp nhân thương mại.
Điều 76 BLHS 2015 quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại như sau:
“Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này.”
Đây là những tội phạm mà thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm thời gian qua đã diễn ra rất phức tạp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và thiệt hại đối với xã hội, với nhân dân do pháp nhân gây ra là rất lớn. Đồng thời, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ta là thành viên, như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC), Công ước chống tham nhũng (Công ước UNCAC), Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, các điều ước quốc tế về chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố,… Việc quy định phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại dựa trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm và tính phổ biến của những hành vi vi phạm xảy ra trong thực tiễn để quy định trong BLHS nhằm xử lý hành vi phạm tội thật phù hợp.
Khoản 2 Điều 2 BLHS 2015 cũng nhấn mạnh rõ: “2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”.
Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh thuộc hai nhóm tội phạm là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về môi trường. Các tội phạm này cũng tương đồng với lĩnh vực hoạt động chủ yếu của pháp nhân thương mại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về tính phổ biến và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, Điều 75 BLHS 2015 quy định về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Điểm chung trong 33 tội danh áp dụng đối với pháp nhân thương mại là quy định song song giữa trách nhiệm hình sự của cá nhân con người phạm tội với trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, không chỉ có cá nhân cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự mà có nhiều tổ chức cũng núp bóng công ty tài chính thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi. Bằng chứng là rất nhiều công ty tài chính bị người dân tố cáo là lãi suất rất cao ,… tuy nhiên BLHS năm 2015 lại không quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Điều này gây bất cập bởi lẽ, các giao dịch cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của pháp nhân vẫn còn diễn ra mà chưa bị xử lý về tội danh quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015.
Thứ tư, về xác định khoản thu trái pháp luật
Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 201 của BLHS và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định:
“Thu lợi bất chính” là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay.”
Như vậy, khoản tiền thu lợi bất chính được xác định bao gồm số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của BLDS và các khoản thu trái pháp luật khác. Tuy nhiên, Nghị quyết số 01/2021 lại không giải thích các khoản thu trái pháp luật là những khoản thu nào, hay nói cách khác, căn cứ xác định khoản thu trái pháp luật khác ngoài số tiền lãi vượt quá mức lãi suất cao nhất theo quy định của BLDS là gì nên rất khó xác định thống nhất trong thực tế.
Ví dụ: Ngoài việc A cho B vay một khoản tiền với mức lãi suất phù hợp với tình tiết định tội quy định tại khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 thì A và B còn thỏa thuận với nhau một khoản phạt. Tức là, trong thời hạn là X ngày mà B không trả lãi theo thỏa thuận cho A thì B còn bị phạt số tiền là Y đồng. Khoản trả chậm lãi phạt có thể lên đến 20% thì trong trường hợp này có thể xác định khoản phạt này là khoản thu trái pháp luật không? Có luồng quan điểm cho rằng, nguyên tắc bất di bất dịch trong giao dịch dân sự là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Do đó, việc thỏa thuận khoản phạt này là không trái pháp luật nên số tiền thu được từ thực hiện thỏa thuận này không phải là khoản thu trái pháp luật khác theo quy định của Nghị quyết 01/2021 nêu trên. Tuy nhiên, luồng quan điểm khác lại cho rằng, việc các bên thỏa thuận cho vay với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS thì đã là vi phạm pháp luật, nên việc thỏa thuận thêm khoản phạt thì được xác định là thỏa thuận trái luật và vì vậy khoản tiền thu được từ thỏa thuận phạt vi phạm này chính là khoản thu trái pháp luật khác.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và những hệ lụy từ tội phạm này gây ra cho xã hội ngày càng nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý tài chính, tín dụng, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chính vì vậy, để góp phần ngăn chặn tội phạm này trong thời gian tới, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý điều chỉnh việc xử lý hành vi phạm tội này. Tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể sau:
Một là, để bảo đảm thống nhất, hoàn thiện trong kỹ thuật lập pháp hình sự thì trong thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015, nhà làm luật cần nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể các quy định trong các điều luật để sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện; trong đó cần sửa đổi, bổ sung nội dung tại Điều 201 BLHS năm 2015. Tác giả kiến nghị nội dung Điều luật cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, mà thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này,…”.
Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm sự thống nhất cao trong toàn bộ Điều 201 BLHS năm 2015.
Hai là, để áp dụng dấu hiệu định tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm được chính xác và thống nhất, kiến nghị sửa đổi cụm từ “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này” tại khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 thành “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay với lãi suất vượt quá mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự”.
Ba là, thực tiễn cho thấy rất nhiều các công ty, doanh nghiệp được thành lập mới để thực hiện hành vi cho vay tiền trong giao dịch dân sự và trong số đó, có không ít doanh nghiệp – pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 nhưng lại không có căn cứ pháp lý để xử lý trách nhiệm hình sự đối với chủ thể này. Do vậy, tác giả kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015, nhà làm luật cần xem xét sửa đổi, bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, để bảo đảm xử lý triệt để, kịp thời đối với loại tội phạm này. Cụ thể, Điều 76 về Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
‘‘Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188,189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 201, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này’’.
Bốn là, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 01/2021 cần bổ sung nội dung giải thích cụ thể các khoản thu trái pháp luật khác là những khoản thu nào để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn.
Kết luận
Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có những diễn biến hết sức phức tạp, không ngừng gia tăng cả về số vụ và hậu quả mà hành vi này gây ra cho xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm này vẫn còn hạn chế, thiếu sót nhất định do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ những khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý. Do vậy, với việc phân tích, chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong áp dụng quy định pháp luật về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật cụ thể, tác giả mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm có những điều chỉnh phù hợp để công tác phòng, chống loại tội phạm này phát huy tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của xã hội đặt ra trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);
2. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
3. Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự;
4. Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
5. Nguyễn Ngọc Hòa, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (phần các tội phạm), quyển 1, NXB Tư pháp, 2018;
6. Dương Sao, Xử lý “tín dụng đen” trong giao dịch dân sự – còn vướng mắc trpng áp dụng pháp luật, https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/xu-ly-tin-dung-den-trong-giao-dich-dan-su-con-vuong-mac-trong-ap-dung-phap-luat-560277, truy cập ngày 10/02/2023;
7. Hoàng Lĩnh, Nhiều vướng mắc trong xử lý hoạt động cho vay lãi nặng, https://voh.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhieu-vuong-mac-trong-xu-ly-hoat-dong-cho-vay-nang-lai-298354.html, truy cập ngày 10/02/2023;
8. Nguyễn Thành Chung, Bàn về một số vướng mắc về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, https://kiemsat.vn/ban-ve-mot-so-vuong-mac-ve-toi-cho-vay-nang-lai-trong-giao-dich-dan-su-55900.html, truy cập ngày 10/02/2023;
9. Khương Duy Anh, Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, https://kiemsat.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phong-ngua-ngan-chan-hoat-dong-cho-vay-lai-nang-tren-dia-ban-tinh-thanh-hoa-63522.html, truy cập ngày 10/02/2023.