Một số vướng mắc, bất cập trong quy định về biện pháp cưỡng chế áp giải, dẫn giải theo quy định mới của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và kiến nghị hoàn thiện
Nguyễn Thị Hoài Thương – Chuyên viên Phòng Quản lý khoa học và Thông tin tư liệu – Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh
Áp giải, dẫn giải là biện pháp cưỡng chế cần thiết trong hoạt động tố tụng hình sự và được các cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng xem xét áp dụng với các đối tượng trong từng trường hợp cụ thể, vừa phục vụ hoạt động tố tụng hình sự diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được áp dụng. Các biện pháp cưỡng chế áp giải, dẫn giải tác động đến quyền xâm phạm về thân thể – một trong những quyền cơ bản của công dân, đòi hỏi chỉ áp dụng trong những trường hợp thật cần thiết, theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã bổ sung những quy định cụ thể về căn cứ, đối tượng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng trong mục II chương VII, qua đó tạo pháp lý rõ ràng, giúp việc thi hành pháp luật được chặt chẽ, thống nhất. Tuy nhiên, những quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 về biện pháp áp giải, dẫn giải vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện.
Áp giải và dẫn giải đã được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định như là một biện pháp cưỡng chế để bảo đảm cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được diễn ra theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, áp giải và dẫn giải được quy định rải rác và riêng lẻ trong các điều luật liên quan đến bị can, bị cáo như: Quy định về áp giải bị can trong trường hợp được triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng (Khoản 3 Điều 49), áp giải bị cáo trong trường hợp được triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng (Khoản 3 Điều 50), áp giải bị can tại ngoại (Điều 130), dẫn giải người làm chứng trong trường hợp được triệu tập mà cố ý không đến nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử (Điểm a Khoản 4 Điều 155), dẫn giải người làm chứng (Điều 134)… Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đề cập tới áp giải, dẫn giải nhưng chưa quy định cụ thể thế nào là áp giải, căn cứ để áp giải. Quy định về dẫn giải chỉ áp dụng đối với người làm chứng, còn các đối tượng khác liên quan đến vụ án, nếu họ cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì cũng không áp dụng dẫn giải.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã có nhiều quy định mới về biện pháp cưỡng chế, dẫn giải, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã quy định khái niệm áp giải, dẫn giải.
Khái niệm của biện pháp cưỡng chế áp giải, dẫn giải được giải thích tại điểm k và điểm l Khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017. Theo đó, áp giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử. Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giảm định.”
Từ khái niệm trên nhận thấy áp giải là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc hơn, được áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và người bị buộc tội (người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo). Dẫn giải là biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với người bị nghi thực hiện tội phạm (người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố), người làm chứng (người tham gia tố tụng góp phần làm sáng tỏ sự thật vụ án). Mục đích của việc áp giải, dẫn giải là đưa những đối tượng trên đến địa điểm thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Đối với trường hợp người bị hại thì mục đích dẫn giải là nhằm tiến hành hoạt động giám định.
Quy định này đã tạo nên cơ sở pháp lý, thể hiện sự rõ ràng, chặt chẽ, thống nhất trong hoạt động lập pháp đối với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017.
Thứ hai, áp giải và dẫn giải được quy định thành mục riêng trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017.
Tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, biện pháp áp giải và dẫn giải chưa được quy định thành mục riêng, mà được nêu rải rác trong phần điều tra vụ án hình sự. Đây là một thiếu sót lớn và chưa khái quát được bản chất của áp giải, dẫn giải. Bởi lẽ, biện pháp áp giải và dẫn giải là các biện pháp cưỡng chế chứ không có ý nghĩa trong việc thu thập chứng cứ, tìm ra sự thật của vụ án. Hơn nữa, các biện pháp này có thể áp dụng trong nhiều giai đoạn tố tụng hình sự chứ không đơn thuần chỉ phục vụ cho công tác điều tra.
Nhằm khắc phục thiếu sót trên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã quy định về biện pháp áp giải, dẫn giải tại Điều 127 Mục II Chương VII – Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Quy định như vậy là phù hợp, bảo đảm chính xác về hình thức, nội dung, ý nghĩa theo đúng bản chất của biện pháp áp giải, dẫn giải.
Thứ ba, căn cứ áp dụng của biện pháp áp giải, dẫn giải.
Tương tự như Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 chưa quy định cụ thể về căn cứ áp dụng biện pháp áp giải. Khoản 1 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 quy định: “Áp giải có thể áp dụng đối với người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội.” Như vậy, quy định này chỉ mới xác định đối tượng có thể áp dụng biện pháp dẫn giải, chứ chưa quy định căn cứ để áp dụng biện pháp này.
Trong khi đó, đối với biện pháp áp giải, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã quy định rất cụ thể các căn cứ để có thể áp dụng biện pháp này tại Khoản 2. Điều 127.
Thứ tư, đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã mở rộng đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải, cụ thể:
Biện pháp áp giải không chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong trường hợp đã được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng mà còn được áp dụng đối với người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội (Điều 60, 61, Khoản 1 Điều 126). Căn cứ vào Điều 4, 60, 61, 182 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 thì áp giải được áp dụng khi người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội cần được di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác để phục vụ hoạt động tố tụng hình sự. Ngoài ra, biện pháp này còn được áp dụng trong trường hợp người bị buộc tội đang tại ngoại không có mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. So sánh với Bộ luật tố tụng năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã bỏ quy định áp dụng biện pháp áp giải đối với người bị kết án đang tại ngoại, nếu quá thời hạn mà không có mặt tại Cơ quan công an để chấp hành án được quy định tại Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Đối tượng áp dụng biện pháp dẫn giải được quy định tại Khoản 2 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã mở rộng phạm vi so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Theo đó, ngoài người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội bị khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan cũng sẽ bị áp dụng biện pháp dẫn giải.
Thứ năm, về thẩm quyền áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định cơ quan ra quyết định triệu tập bị can, bị cáo, người làm chứng có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải thì Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã bổ sung thêm không chỉ có cơ quan mà “người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải…” Khoản 3 Điều 127 cũng đã quy định cụ thể người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải: “Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử.” Việc mở rộng thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải đã giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thể áp dụng linh hoạt hơn, giúp cho quá trình giải quyết các vụ án hình sự được thuận lợi và nhanh chóng. Việc mở rộng thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải đã giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thể áp dụng linh hoạt hơn, giúp cho quá trình giải quyết các vụ án hình sự được thuận lợi và nhanh chóng.
Thứ sáu, về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải
Khoản 6 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 quy định: “Không bắt đầu việc áp giải, dẫn giải vào ban đêm…” thay cho quy định “không được áp giải, dẫn giải vào ban đêm” tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trong thực tiễn, có rất nhiều trường hợp áp giải người bị buộc tội từ nơi họ lẩn trốn về nơi xảy ra vụ án để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử với quãng đường rất xa, phải di chuyển trong nhiều ngày liên tục. Vì vậy, nếu quy định “không được áp giải, dẫn giải vào ban đêm” là bất hợp lý, gây trở ngại, khó khăn cho người áp dụng pháp luật. Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 quy định “Không bắt đầu việc áp giải, dẫn giải vào ban đêm…” đã khắc phục được những điểm bất hợp lý trên. Ngoài ra, việc quy định không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải vào ban đêm còn bảo đảm tính công khai, minh bạch, cũng như bảo đảm an toàn trong quá trình áp giải và dẫn giải.
Cũng tại Khoản 6 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017, các nhà làm luật còn bổ sung thêm trường hợp không áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế. Bởi lẽ, những người già yếu khi áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải có thể gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của họ. Điều này cũng được lý giải bởi do tính chất, đối tượng áp dụng của biện pháp áp giải, dẫn giải không nghiêm trọng như việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người bị buộc tội. Đồng thời thể hiện sự nhân đạo của pháp luật Việt Nam.
So sánh, đối chiếu với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã có những quy định mới tương đối cụ thể, rõ ràng về khái niệm, đối tượng có thể bị áp dụng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế áp giải, dẫn giải. Tuy nhiên, những quy định trên vẫn còn một số vướng mắc, bất cập như sau:
Thứ nhất, chưa quy định cụ thể, khái quát về căn cứ áp dụng biện pháp áp giải tại một điều luật nhất định. Hiện tại, căn cứ áp giải mới chỉ được nêu rải rác tại các Điều 60, 61, 182 Bộ luật, trong khi đó, căn cứ áp giải bị can, bị cáo lại được thể hiện ở những điều luật quy định về nghĩa vụ của bị can, bị cáo hay triệu tập bị can là không còn phù hợp về cả nội dung lẫn hình thức.
Thứ hai, chưa có quy định cụ thể về các trường hợp áp giải tại Khoản 1 Điều 127.
Thứ ba, việc quy định tại Khoản 2 Điều 127 về dẫn giải áp dụng khi các chủ thể không có mặt theo giấy triệu tập mà “không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan” dẫn đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng muốn áp dụng biện pháp dẫn giải có thể phải chứng minh lý do mà người làm chứng, người bị hại, người bị tố giác hoặc kiến nghị khởi tố vắng mặt có phải là bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hay không. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng biện pháp này khi cần thiết nếu không có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Thứ tư, đối với người bị hại chỉ bị dẫn giải trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, trong khi đó, người bị hại vắng mặt tùy trường hợp có thể phải hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 292 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017. Việc hoãn phiên tòa có thể ảnh hưởng đến kế hoạch xét xử chung của Tòa án, ảnh hưởng đến người tham gia tố tụng khác trong vụ án, những Bộ luật đã không quy định dẫn giải người bị hại trong trường hợp này để tránh hoãn phiên tòa.
Từ những vướng mắc, bất cập đã phân tích ở trên, theo quan điểm tác giả, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 cần hoàn thiện quy định về biện pháp cưỡng chế áp giải, dẫn giải theo hướng như sau:
Thứ nhất, cần quy định cụ thể về căn cứ áp dụng biện pháp áp giải, trong đó, chuyển nội dung tại Điểm a Khoản 3 Điều 60 và Điểm a Khoản 3 Điều 61 về Khoản 1 Điều 127 thành căn cứ áp dụng biện pháp áp giải và cũng có thể áp dụng đối với bị cáo; đồng thời bổ sung thêm căn cứ “đưa người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến các địa điểm để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố hoặc xét xử” cho phù hợp với quy định tại Điểm k Khoản 1 Điều 4. Như vậy, Khoản 1 Điều 127 có thể chỉnh sửa như sau:
Điều 127. Áp giải, dẫn giải
1.Áp giải có thể áp dụng đối với:
a) Bị can, bị cáo không có mặt theo giấy triệu tập của người thẩm quyền tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc có biểu hiện trốn tránh;
b) Đưa người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố hoặc xét xử.
Thứ hai, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư Pháp, Tòa án nhân dân tối cao để xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể để thống nhất việc thực hiện trong thực tiễn đối với các nội dung như: Thế nào là “lý do bất khả kháng”, “trở ngại khách quan”, “có biểu hiện trốn tránh” và cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần chứng minh, làm rõ vấn đề này như thế nào, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người làm chứng, người bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố cần cung cấp những tài liệu minh chứng nào, tránh việc họ lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Thứ ba, cần bổ sung trường hợp dẫn giải đối với người bị hại trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập tại phiên tòa lần thứ hai sau khi họ đã vắng mặt dẫn đến phải hoãn phiên tòa lần thứ nhất và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch xét xử chung của Tòa án, cũng như ảnh hưởng đến người tham gia tố tụng trong vụ án khác.
Thứ tư, Khoản 1 Điều 419 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 quy định: “Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết”.
Biện pháp cưỡng chế áp giải, dẫn giải mang tính nghiêm khắc. Việc áp dụng những biện pháp này sẽ đảm bảo hiệu quả của các hoạt động tố tụng. Nhưng mặt khác có thể gây những tác động tiêu cực đến người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, đặc biệt là người bị buộc tội. Vì vậy, để phù hợp với nhân thân của người dưới 18 tuổi, đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần của họ, cũng như đảm bảo về mục đích giáo dục đối tượng này, bên cạnh những quy định chung tại chương VII thì Khoản 1 Điều 419 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã quy định: “Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết” nhưng lại không quy định rõ những trường hợp nào được xem là “thật cần thiết”.
Tác giả cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 cần có một khoản riêng trong Điều 127, hoặc có văn bản hướng dẫn về biện pháp cưỡng chế áp giải áp dụng đối với người chưa thành niên như quy định về trường hợp “thật cần thiết”, phương pháp, thời gian, cách thức tiến hành riêng… nhằm đảm bảo một cách tốt nhất quyền con người đối với người dưới 18 tuổi. Người có thẩm quyền tố tụng khi áp dụng, thi hành biện pháp áp giải đối với người dưới 18 tuổi cần cân nhắc, tiến hành thận trọng, tùy vào từng đối tượng, lựa chọn thời gian, địa điểm phù hợp.