Một số vướng mắc trong thi hành án đối với trường hợp người bị kết án phạt tù có thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam

Trần Thị HuyềnPhó Trưởng khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thi hành án hình sự là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước do cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nhằm thi hành những bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành hoặc bản án, quyết định được thi hành ngay theo quy định của pháp luật[1].

Về nguyên tắc, việc thi hành án được thực hiện đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, pháp luật còn quy định, trong một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuy chưa có hiệu lực nhưng được thi hành ngay, mặc dù sau đó bản án, quyết định này vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Cụ thể, theo quy định tại Điều 363 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) – gọi tắt là BLTTHS: “Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Bên cạnh đó, BLTTHS còn quy định, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hoặc tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị áp dụng hình phạt tù với thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giam thì Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa, nếu họ không bị tạm giam về tội phạm khác[2]. Việc trả tự do cho người bị kết án phạt tù trong trường hợp này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc đảm bảo tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tại Điều 8 của BLTTHS; thống nhất với quy định về cách tính quy đổi và trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù tại đoạn 3 khoản 1 Điều 38 BLHS là: “Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày phạt tù”. Vì vậy, có thể hiểu rằng tại thời điểm Tòa án tuyên án quyết định áp dụng hình phạt tù với mức phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam, thì người bị kết án được coi như đã chấp hành xong hình phạt tù và do đó, cần trả tự do cho họ.

Vấn đề đặt ra là, trong trường hợp người bị kết án phạt tù có thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam, khi bản án, quyết định của Tòa án phát sinh hiệu lực pháp luật, thì Tòa án đã xét xử sơ thẩm có phải ban hành Quyết định thi hành án phạt tù không? Nếu không ban hành Quyết định thi hành án phạt tù thì việc thi hành các hình phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình phạt chính là hình phạt tù (nếu có) hoặc việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, việc xóa án tích đối với người bị kết án phạt tù sẽ được thực hiện trên cơ sở nào? Hiện tại đang chưa có sự nhận thức thống nhất về việc áp dụng pháp luật trong thi hành án đối với người bị kết án phạt tù trong trường hợp này, do đó tác giả xin đưa ra một số ý kiến trao đổi như sau:

Một là, về việc ban hành Quyết định thi hành án phạt tù:

Theo quy định của pháp luật, việc ban hành Quyết định thi hành án hình sự nói chung và quyết định thi hành án phạt tù nói riêng là hoạt động thuộc trách nhiệm của Tòa án có thẩm quyền. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 21 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (Luật THAHS) quy định “Ra quyết định thi hành án” là một nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự và tại Điều 364 BLTTHS đã quy định rõ về thẩm quyền, thời hạn ra quyết định thi hành án hình sự, đó là:

1. Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.

2. Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm…”.

Căn cứ vào các quy định nêu trên có thể hiểu, để thực hiện thủ tục đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thi hành, trước hết cần phải có quyết định thi hành án của Chánh án Tòa án có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 363, khoản 5 Điều 328, khoản 3 Điều 347 BLTTHS, trong trường hợp xét xử bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án quyết định áp dụng hình phạt tù với mức phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian người đó đã bị tạm giam thì Tòa án phải quyết định trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa (nếu bị cáo không bị tạm giam về tội phạm khác) và quyết định này của Tòa án được thi hành ngay. Theo đó, có quan điểm cho rằng: trong trường hợp này, việc ban hành Quyết định thi hành án phạt tù – với vai trò là văn bản pháp lý để thực hiện thủ tục đưa người bị kết án đi chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ là không cần thiết. Vì ngay tại thời điểm Tòa án (cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm) tuyên án, người bị kết án đó đã coi như chấp hành xong hoặc thậm chí đã chấp hành “vượt quá” thời hạn phạt tù mà Tòa án quyết định áp dụng đối với họ. Do vậy, không có cơ sở để buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù nữa. Quan điểm này cũng đồng nhất với nội dung hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao (TAND tối cao) trong thời gian gần đây. Cụ thể, tại tiểu mục 2 Mục II Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TAND tối cao về việc Giải đáp một số vướng mắc trong xét xử đã hướng dẫn: Trong trường hợp thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam thì “Tòa án không ra quyết định thi hành án phạt tù mà ra quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án gửi kèm theo bản án, quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa cho cơ quan thi hành án hình sự theo quy định”. Với hướng dẫn như vậy, có thể hiểu rằng, trong trường hợp này, TAND tối cao thống nhất việc ban hành Quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa thay cho việc ban hành Quyết định thi hành án phạt tù, đồng nghĩa với việc xác định, Tòa án đã xét xử sơ thẩm không có trách nhiệm trong việc ban hành Quyết định thi hành án phạt tù như quy định tại Điều 364 BLTTHS.

 Nội dung hướng dẫn của TAND tối cao nêu trên là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, khi đối chiếu với một số quy định của BLTTHS và Luật THAHS và một số văn bản pháp luật khác có liên quan đến việc thi hành án đối với trường hợp người bị kết án phạt tù có thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giam, tác giả nhận thấy, nội dung hướng dẫn này chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện quy định pháp luật về thủ tục ra Quyết định thi hành án, thi hành một số hình phạt bổ sung (trong trường hợp người bị kết án phạt tù bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung); thủ tục cấp giấy chứng nhận xông hình phạt tù và xóa án tích đối với họ.

Theo quan điểm của tác giả, việc Tòa án ban hành Quyết định trả tự do cho bị cáo đang bị tạm giam trong trường hợp này là hoạt động thực hiện thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định tại khoản 5 Điều 328 BLTTHS hoặc trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 347 BLTTHS[3]. Chính vì thế, Quyết định trả tự do này không thể thay thế Quyết định thi hành án phạt tù, càng không có giá trị thay thế cho các thủ tục cần thiết tương ứng để thi hành bản án về hình phạt phạt tù theo quy định của Luật THAHS.

Liên quan đến vấn đề này, có quan điểm cho rằng: Vì bản án sơ thẩm quyết định áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo đang bị tạm giam với mức hình phạt bằng hoặc ngắn hơn thời gian người đó đã bị tạm giữ, tạm giam là bản án được thi hành ngay mặc dù chưa có hiệu lực pháp luật, do đó, Tòa án không phải thực hiện thủ tục ban hành Quyết định thi hành án khi bản án sơ thẩm này có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 364 BLTTHS.

Tác giả cho rằng, quan điểm trên đã đồng nhất thời điểm bản án, quyết định được thi hành với thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, từ đó dẫn đến việc loại trừ trách nhiệm của Tòa án trong việc ban hành Quyết định thi hành án phạt tù khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Quan điểm này cũng không phù hợp với quy định của BLTTHS và Luật THAHS về thủ tục thi hành đối với bản án hình sự sơ thẩm khác cũng thuộc trường hợp “được thi hành ngay” (do Tòa án sơ thẩm đã áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo đang bị tạm giam). Ví dụ, trường hợp Tòa án sơ thẩm áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo đang bị tạm giam thì người bị kết án được trả tự do ngay tại phiên tòa theo quy định tại khoản 3 Điều 328 BLTTHS và đây là bản án được thi hành ngay. Tuy nhiên, căn cứ các quy định tại Mục 3 Chương V Luật THAHS về thủ tục thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, có thể thấy rằng: Quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ phải được ban hành để làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Thẩm quyền và thủ tục ban hành Quyết định thi hành án trong trường hợp này đương nhiên phải tuân thủ quy định tại Điều 364 BLTTHS. Như vậy, có thể khẳng định rằng: Việc thực hiện quy định tại Điều 363 BLTTHS đối với bản án sơ thẩm khi chưa có hiệu lực pháp luật trong trường hợp này không ảnh hưởng đến việc xác định hiệu lực của bản án sơ thẩm theo quy định tại Điều 343 BLHS; đồng thời không có giá trị loại trừ trách nhiệm ban hành Quyết định thi hành án khi bản án sơ thẩm này có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 364 BLTTHS.

Hai là, về việc thi hành hình phạt bổ sung:

Việc không ban hành Quyết định thi hành án phạt tù trong trường hợp người bị kết án phạt tù với thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam còn ảnh hưởng đến thủ tục thi hành hình phạt bổ sung trong trường hợp Tòa án đã áp dụng hình phạt bổ sung đối với người bị kết án phạt tù.

Tại khoản 1 Điều 22 của Luật THAHS năm 2019 về quyết định thi hành án phạt tù quy định: Quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ họ, tên, chức vụ người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành quyết định thi hành án; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án; thời hạn chấp hành án phạt tù, thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung….”. Ngoài ra, pháp luật hiện hành không có quy định nào khác về việc Tòa án ban hành Quyết định thi hành án riêng để thi hành đối với từng loại hình phạt bổ sung này. Như vậy, nội dung về loại hình phạt và thời hạn chấp hành các hình phạt bổ sung (nếu có) phải được thể hiện trong Quyết định thi hành án phạt tù. Mặt khác, theo quy định trong các Chương VI, VII, VIII, IX Luật THAHS về thủ tục thi hành các loại hình phạt bổ sung như quản chế, cấm cư trú, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, thì ngay sau khi người bị kết án phạt tù chấp hành xong hình phạt tù, bản sao Quyết định thi hành án có nội dung về “hình phạt bổ sung” được gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú để tiếp tục tổ chức thi hành hình phạt bổ sung. Riêng đối với hình phạt bổ sung là hình phạt trục xuất thì bản sao quyết định thi hành án phạt tù được gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có trại giam đóng để áp giải người chấp hành án vào cơ sở lưu trú, sau đó là các thủ tục để thi hành hình phạt trục xuất đối với người chấp hành án. Do đó, để đảm bảo thực hiện thủ tục thi hành các hình phạt bổ sung trong trường hợp người bị kết án phạt tù có thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giam bắt buộc phải có Quyết định thi hành án phạt tù, trong đó ghi rõ nội dung về hình phạt bổ sung theo quy định tại Điều 22 và các quy định khác có liên quan của Luật THAHS. Như vậy, nếu “không ra quyết định thi hành án phạt tùnhư hướng dẫn tại Công văn số 02/TANDTC-PC của TAND tối cao nêu trên, thì trong trường hợp này sẽ không có cơ sở để thi hành hình phạt bổ sung, không đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện quy định của Luật THAHS về thủ tục thi hành hình phạt bổ sung, đồng thời không phù hợp với quy định về việc ban hành quyết định thi hành án khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực theo quy định của Điều 364 BLTTHS.

Ba là, về việc cấp giấy chứng nhận đối với người bị kết án phạt tù:

Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định pháp luật xác nhận việc người bị kết án phạt tù đã chấp hành xong thời hạn phạt tù được Tòa án áp dụng đối với họ. Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù còn là một trong những văn bản cần thiết để thực hiện thủ tục xác nhận xóa án tích đối với người bị kết án phạt tù. Thẩm quyền, thủ tục cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù được quy định trong Luật THAHS.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật THAHS năm 2019 về việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù thì: “Vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoàn chỉnh thủ tục theo quy định của pháp luật để trả tự do cho phạm nhân; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho người đã chấp hành xong án phạt tù…”. Tuy nhiên, quy định này lại không phù hợp để giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù đối với trường hợp người bị kết án phạt tù có thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam, bởi thực tế người bị kết án đã được trả tự do ngay tại phiên tòa, nói cách khác người bị kết án chưa phải là “phạm nhân”. Với sự khác biệt đó, việc cấp giấy chứng nhận cho người bị kết án phạt tù trong trường hợp này có được thực hiện không và nếu có thì thực hiện như thế nào hiện vẫn chưa được quy định cụ thể.

Theo tác giả, mặc dù người bị kết án phạt tù trong trường hợp này không bị đưa đi chấp hành án tại cơ sở giam giữ nhưng không có nghĩa là họ chưa chấp hành xong thời hạn phạt tù được Tòa án áp dụng. Để đảm bảo thực hiện thống nhất quy định pháp luật có liên quan đến thủ tục xóa án tích, việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù đối với trường hợp người bị kết án phạt tù có thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam vẫn phải được thực hiện. Tuy nhiên, vì không xác định ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án phạt tù đối với người bị kết án, do vậy tác giả cho rằng, thời điểm cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù trong trong trường hợp này không thể thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật THAHS mà thời điểm phát sinh trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho người bị kết án cần được quy định thống nhất  là “ngay sau khi nhận được Quyết định thi hành án phạt tù”. Ngoài ra, theo tác giả, hồ sơ, tài liệu cần thiết để cơ quan có thẩm quyền căn cứ thực hiện việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cũng phải được quy định tương ứng với từng trường hợp. Ví dụ: Đối với trường hợp người bị kết án phạt tù theo bản án sơ thẩm, hồ sơ, tài liệu cần thiết để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù bao gồm: Bản án sơ thẩm có hiệu lực hoặc bản án sơ thẩm có hiệu lực một phần (về nội dung Tòa án quyết định áp dụng hình phạt tù với thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giam); Quyết định thi hành án phạt tù; Quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa của Hội đồng xét xử sơ thẩm). Đối với trường hợp người bị kết án phạt tù theo bản án phúc thẩm, hồ sơ, tài liệu cần thiết để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù bao gồm: Bản án phúc thẩm (kèm theo Bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị); Quyết định thi hành án phạt tù; Quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa của Hội đồng xét xử phúc thẩm) …

Bốn là, về việc xóa án tích đối với người bị kết án phạt tù:

Việc ban hành Quyết định thi hành án phạt tù trong trường hợp người bị kết án phạt tù có thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giam còn liên quan đến việc thực hiện thủ tục xóa án tích cho người bị kết án. Bởi theo quy định pháp luật hiện hành về thủ tục xóa án tích, Quyết định thi hành án phạt tù là một trong những văn bản cần thiết trong hồ sơ xác minh điều kiện xóa án tích, làm cơ sở để Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người bị kết án phạt tù theo quy định tại Điều 70 BLHS, Điều 369 BLTTHS, Luật lý lịch tư pháp và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 hướng dẫn trình tự thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp[4]. Do đó, việc Tòa án không ban hành Quyết định thi hành án trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục xóa án tích đối với người bị kết án.

Tóm lại, thủ tục thi hành án đối với trường hợp người bị kết án phạt tù có thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian người đó đã bị tạm giữ, tạm giam hiện nay vẫn còn một số vướng mắc nhất định. Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc áp dụng các quy định của Luật THAHS và của BLTTHS hiện hành về thủ tục thi hành án, trong khi các đạo luật này chưa có sự điều chỉnh, bổ sung và chưa có các hướng dẫn của Liên ngành trung ương, tác giả cho rằng, Tòa án đã xét xử sơ thẩm cần phải ban hành Quyết định thi hành án phạt tù đối với trường hợp người bị kết án tù có thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam. Trong đó, nội dung về thời hạn chấp hành hình phạt tù được ghi đúng với quyết định của bản án đã có hiệu lực về mức hình phạt tù, đồng thời ghi rõ thời hạn chấp hành án phạt tù đã được trừ vào thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam (từ ngày…tháng… năm … đến ngày… tháng… năm).

Những nội dung được đề cập trong bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả về một số vấn đề liên quan đến thủ tục thi hành án đối với trường hợp người bị kết án phạt tù với thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam theo quy định pháp luật hiện hành. Rất mong nhận được những ý kiến trao đổi từ đồng nghiệp và các độc giả để nâng cao nhận thức về vấn đề này./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tư pháp – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (2012), Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/20121 Hướng dẫn trình tự thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;
  2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2009), Luật lý lịch tư pháp, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2019;
  3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2015;
  4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2015;
  5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2017;
  6. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật THAHS, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2020;
  7. Tòa án nhân dân tối cao (2021), Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 về việc Giải đáp một số vướng mắc trong xét xử.

[1] Xem Điều 2 Luật Thi hành án hình sự năm 2019;

[2] Xem khoản 5 Điều 328; khoản 3 Điều 347 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[3] Xem khoản 5 Điều 328, khoản 4 Điều 347 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[4] Xem Điều 4, Điều 5, Điều 13 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 hướng dẫn trình tự thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.