Nhận diện vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự và lưu ý cho Kiểm sát viên khi kiểm sát giải quyết loại tranh chấp này
Ths. Nguyễn Thị Thu Trang
Phó Trưởng khoa Kiểm sát dân sự
Để phát hiện vi phạm của Tòa án khi kiểm sát giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự, Kiểm sát viên cần nắm vững quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự (đặc biệt là các quy định đối với từng loại hợp đồng) và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, đồng thời tham khảo một số dạng vi phạm phổ biến của Tòa án khi giải quyết các tranh chấp hợp đồng dân sự để rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát. Qua nghiên cứu thực tiễn, Tác giả xin tổng hợp một số dạng vi phạm phổ biến của Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết các tranh chấp hợp đồng dân sự.
1. Một số dạng vi phạm phổ biến của Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết các tranh chấp hợp đồng dân sự
– Vi phạm về thời hiệu khởi kiện, cách tính thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện[1]. Trong một số trường hợp Tòa án không tính ngày khởi kiện là ngày nộp đơn (trường hợp nộp trực tiếp tại Tòa án), hoặc ngày có dấu bưu điện (trường hợp nộp qua bưu điện) mà lại tính ngày Tòa án thụ lý vụ án để cho rằng hết thời hiệu khởi kiện là không đúng. Trong trường hợp thời hiệu khởi kiện vượt quá thời hạn quy định của pháp luật tố tụng, cần xác định có xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hay không và nếu có thì xác định thời gian cụ thể, đảm bảo tuân thủ quy định của BLDS, BLTTDS về thời hiệu khởi kiện.
– Vi phạm trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp dẫn đến áp dụng pháp luật không đúng: Ví dụ: vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Ngãi và bị đơn là bà Tuyết và những người thừa kế của ông Thoàn phải tách thửa, sang tên diện tích đất 77 m2 gắn liền căn nhà tại số 50 đường Trường Sơn, phường 2, Quận B, Thành phố H. Theo nội dung vụ án, ông Thoan có lô đất dài rộng 7m, dài 22m tại địa chỉ số 50, đường Trường Sơn, phường 2, TB. Ngày 2/9/1989, ông Thoan (chồng bà Tuyết) lập giấy nhượng đất có nội dung chuyển nhượng lại cho ông Ngãi diện tích 77m2 (1/2 thửa đất). Thực hiện thỏa thuận, ông Ngãi và ông Thoan ký hợp đồng thi công xây dựng 2 căn nhà. Theo thỏa thuận ông Ngãi chịu toàn bộ vật tư, chi phí cho đến khi hoàn thành việc xây dựng 02 căn nhà. Tháng 6/1990 xây nhà xong, gia đình ông Thoan ở 01 căn, gia đình ông Ngãi ở 01 căn. Năm 1994, ông Thoan viết giấy về cho bà Tuyết và các con xác định quan hệ giữa ông Thoan và ông Ngãi là một bên có đất, một bên bỏ tiền xây dựng xong chia đôi. Ngày 15/5/2003, ông Thoan, bà Tuyết và các con lập Giấy cam kết nhận việc chuyển nhượng một phần đất nêu trên. Ngày 21/01/2008, UBND Quận B cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho ông Thoan, bà Tuyết. Ngày 20/12/2013, ông Ngãi đưa vợ chồng ông Thoan 100 triệu đồng và bà Tuyết lập hợp đồng ủy quyền cho ông Ngãi được quyền quản lý, sử dụng 77m2. Tháng 7/2014, ông Thoan qua đời. Ông Ngãi nhiều lần yêu cầu bà Tuyết và các con ông Thoan, bà Tuyết thực hiện việc sang tên như thỏa thuận nhưng bà Tuyết không đồng ý. Đối với tranh chấp này cần xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định là “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản” nên áp dụng pháp luật trong giải quyết vụ án là chưa chính xác. Đối với tranh chấp này cần xác định: tuy hợp đồng chuyển nhượng chưa tuân thủ về hình thức nhưng ông Ngãi đã xây dựng nhà kiên cố và sử dụng từ năm 1990. Trong trường hợp này, lẽ ra phải áp dụng quy định tại điểm b3, tiểu mục 2.2 mục 2, phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao về việc giải quyết tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 15/10/1993 nhưng đến sau ngày 01/7/2004 mới phát sinh tranh chấp để công nhận hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa ông Ngãi và ông Thoan, bà Tuyết thì mới đúng[2].
Trong số một vụ án khác như: tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, sau khi đặt cọc, bên mua đã trả thêm tiền theo hợp đồng. Trong trường hợp này, giao dịch đã chuyển sang giai đoạn thực hiện hợp đồng nên Tòa án xác định tranh chấp hợp đồng đặt cọc là không đúng.
– Vi phạm trong việc xác định thành phần tham gia và tư cách pháp lý của đương sự: Tòa án xác định không đúng, không đầy đủ, xác định sai tư cách, bỏ sót người tham gia tố tụng trong vụ án. Sai phạm thường gặp là không đưa đầy đủ các thành viên của hộ gia đình tham gia tố tụng trong vụ tranh chấp liên quan đến tài sản của hộ gia đình như tranh chấp hợp đồng tín dụng; không đưa vợ, chồng, những người đang sinh sống tại nhà đất tranh chấp tham gia tố tụng trong trường hợp nhà đất là tài sản đảm bảo…
– Vi phạm trong việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, thường phổ biến các dạng sau:
+ Vi phạm trong việc thu thập chứng cứ là bản photo không có công chứng, chứng thực; thu thập chứng cứ không đầy đủ, không đúng trình tự do pháp luật quy định: Không tiến hành đo đạc, thẩm định tài sản tranh chấp (bất động sản); trường hợp đương sự tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng nhưng chỉ cung cấp Hợp đồng và biên bản xác nhận công nợ, không cung cấp các hóa đơn chứng từ thể hiện quá trình thực hiện hợp đồng, Tòa án căn cứ vào biên bản xác nhận công nợ để giải quyết vụ án…Ví dụ: vụ án “Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn bà Trần Thị Kiều Diễm, ông Nguyễn Chí Thành với bị đơn là ông Lê Thành Tuyển. Bà Diễm cho rằng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 020525/HĐ-CNQSDĐ ngày 02/10/2015 lập tại Văn phòng công chứng C giữa bà Diễm, ông Thành và ông Tuyển là hợp đồng giả tạo, che giấu việc vay mượn tiền giữa hai bên. Bà Diễm, ông Thành thừa nhận chữ ký, chữ viết và dấu lăn tay tại Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là của mình nhưng ông, bà không ra Văn phòng công chứng thực hiện mà chỉ ký tên trên Giấy vay mượn tiền với ông Tuyển. Sau đó, phía ông Nhớ (cha của ông Tuyển) đã cưỡng ép vợ chồng bà Diễm, ông Thành ký vào Bản thỏa thuận ngày 20/5/2017, bắt buộc nhận số tiền 200.000.000 đồng cũng như bắt buộc ký vào Biên bản bàn giao nhà đất cho ông Tuyển vào ngày 27/5/2017. Bà Diễm, ông Thành yêu cầu Tòa án hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nêu trên và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A0 390955, số vào sổ cấp GCN: HO 1936/03 do UBND huyện C cấp ngày 10/12/2008, đã được cập nhật biến động cho ông Tuyển ngày 28/6/2016. Bị đơn ông Tuyển không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Diễm, ông Thành. Trong vụ án này, bà Diễm, ông Thành khởi kiện, cho rằng Hợp đồng chuyển nhượng đất ký kết với ông Tuyển chỉ là giả tạo, nhằm che giấu Hợp đồng vay tài sản. Như vậy, để xác định yêu cầu của đương sự có căn cứ hay không, ngoài những bằng chứng khác, Tòa án cần thiết phải xác định giá trị tài sản (vào thời điểm tranh chấp và vào thời điểm giao dịch trước đó), bởi giá trị đúng của tài sản là một trong những căn cứ xác định tính hợp pháp của Hợp đồng mua bán đất có giả tạo hay không. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã không thực hiện việc xác định giá trị tài sản tranh chấp là thiếu sót. Mặt khác, sau thời điểm ký Hợp đồng chuyển nhượng cho ông Tuyển toàn bộ thửa đất 110 và ông Tuyển cập nhật sang tên vào năm 2016 thì vào ngày 20/5/2017, sau gần hai năm kể từ ngày nhận khoản tiền ban đầu (bà Diễm nhận 220.000.000 đồng vào ngày 04/9/2015), hai bên lại tiếp tục thỏa thuận rằng ông Tuyển hỗ trợ thêm 200.000.000 đồng cho bà Diễm, nhưng chỉ để được nhận phần đất 120m2, mà không phải là toàn bộ 289,1m2 đất như giao dịch ban đầu là có mâu thuẫn và chưa được Toà án cấp sơ thẩm đánh giá, làm rõ. Do có những thiếu sót trong thu thập chứng cứ và giải quyết yêu cầu của đương sự nên bản án sơ thẩm đã bị cấp phúc thẩm hủy án[3].
+ Vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ của Toà án cấp sơ thẩm: chủ yếu là dựa vào lời khai của một bên đương sự, đánh giá chứng cứ không khách quan, không xem xét toàn diện chứng cứ trong vụ án, dẫn đến quyết định giải quyết vụ án không đúng với bản chất vụ án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự..
– Vi phạm trong việc xét xử vắng mặt đương sự: Đương sự không được tống đạt hợp lệ các văn bản, quyết định tố tụng. Ví dụ: Tòa án sơ thẩm tiến hành cấp, tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự qua dịch vụ bưu chính nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía đương sự, tuy nhiên, Tòa án không tiến hành xác minh và cũng không thực hiện việc niêm yết công khai nhưng vẫn xử vắng mặt bị đơn là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
– Vi phạm do Tòa án giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện: Ví dụ: vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở” giữa nguyên đơn bà Lưu Thị Út (là con của ông Châu và bà Bảy). Năm 1970, ông Châu và bà Bảy cho bà Nuôi thuê căn nhà 71,5m2. Năm 1975, ông Châu, bà Bảy bán lại phần diện tích nhà đất trên cho bà Nuôi với giá 400.000 đồng (có xác nhận của Khóm trưởng). Nay bà Út khởi kiện yêu cầu bà Nuôi trả lại nhà cho bà Út. Tại bản án sơ thẩm buộc bà Nuôi và các con cháu của bà giao trả 57,8m2 (phần B) theo sơ đồ kèm theo bản án cho bà Út. Phần diện tích đất còn lại 57,9m2 (phần A) theo sơ đồ kèm theo bản án) bà Nuôi được sở hữu. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự. Tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết, nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn trả lại nhà đất theo giấy mua bán nhà là 71,5m2 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại giải quyết tranh chấp đối với toàn bộ diện tích nhà đất là 115,7m2 là vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vi phạm Điều 5 BLTTDS.[4]
– Vi phạm trong việc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, thường phổ biến các dạng sau:
+ Vi phạm trong việc Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, gây thiệt hại cho đương sự. Về nguyên tắc, Tòa án chỉ giải quyết khi có yêu cầu của đương sự, đồng thời khi đương sự có yêu cầu thì Tòa án phải giải quyết. Tuy nhiên, đối với yêu cầu tuyên bố hợp đồng hoặc giao dịch dân sự vô hiệu, nếu một hoặc các bên đương sự có yêu cầu giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu thì Tòa án phải giải quyết. Trường hợp Tòa án không xem xét, giải quyết là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
+ Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu chưa đúng quy định pháp luật như xác định lỗi của các bên làm cho hợp đồng vô hiệu, xác định thiệt hại của hợp đồng vô hiệu không chính xác… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Ví dụ: vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn Đường Văn Th, bị đơn Mai Văn M. Bản án sơ thẩm tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất xác lập ngày 04/5/2016 và ngày 25/10/2016 giữa ông Th với ông M vô hiệu, buộc ông M hoàn trả cho ông Th diện tích đất 668,6 m2, buộc ông Th có nghĩa vụ trả cho ông M 591.450.000 đồng (lỗi 50%). Tuy nhiên, ông M mới thực hiện 60% giá trị hợp đồng, do vậy thiệt hại xác định trên 60% giá trị hợp đồng là 421.740.000 đồng, mỗi bên lỗi 50% nên mỗi bên chịu 50% thiệt hại là 210.870.000 đồng. Vì giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu không chính xác nên Tòa án phúc thẩm chấp nhận kháng nghị sửa án của Viện kiểm sát[5].
– Vi phạm trong việc công nhận hợp đồng trong trường hợp có đối tượng hợp đồng không thể thực hiện được: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Kim Thanh, bà Phạm Thị Kim Thắm và bị đơn là bà Nguyễn Thị Kim Thoa. Theo nội dung vụ án, bà Thoa đặt cọc 230.000.000 đồng để nhận chuyển nhượng một phần thửa đất số 300, tờ bản đồ số G. 157. IV. B tọa lạc tại xã L, thành phố B, tỉnh T theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 118688 do UBND thị xã B cấp ngày 12/12/2008 đứng tên ông Thanh, bà Thắm. Hai bên đã giao nhận tiền cọc và bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hai bên thỏa thuận bà Thoa có trách nhiệm tách sổ trong thời hạn 01 tháng, sau khi tách thửa sẽ tiến hành giao kết hợp đồng chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Do đất không có đường đi nên ông Thanh, bà Thắm khởi kiện hủy hợp đồng đặt cọc, yêu cầu bà Thoa trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nguyên đơn trả lại cho bà Thoa 230.000.000 đồng. Bị đơn bà Thoa yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng, trường hợp nguyên đơn không đồng ý thì phải trả lại cho bà đặt cọc và phạt cọc là 460.000.000 đồng. Theo khoản 1 Điều 4 Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 16/4/2015 của UBND tỉnh T và Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 06/6/2014 của UBND thành phố B, tỉnh T thì thửa đất số 300 của ông Thanh, bà Thắm không đủ điều kiện tách thửa, thời điểm giao kết hợp đồng thì ông Thanh, bà Thắm và bà Thoa không biết. Đây là giao dịch có đối tượng không thể thực hiện được. Tòa án cho rằng giao dịch đặt cọc phát sinh hiệu lực, buộc ông Thanh, bà Thắm chịu phạt cọc bằng số tiền đặt cọc do không tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nhận định này không đúng ý chí của hai bên (Hai bên thỏa thuận ngay từ đầu là tách sổ, đứng tên riêng), vi phạm khoản 2 Điều 3 BLDS 2015. Mặt khác, bà Thoa nhận trách nhiệm tách sổ nhưng quá thời hạn thỏa thuận 01 tháng nhưng không thực hiện được, các bên không cùng hộ đứng tên chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ không thể thực hiện được đầy đủ quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai[6].
2. Một số lưu ý cho Kiểm sát viên khi kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự
Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự nói chung, kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự nói riêng, Kiểm sát viên cần lưu ý:
Một là, sử dụng kỹ năng nghiên cứu hồ sơ trước khi tham gia phiên tòa sơ thẩm để phát hiện có hay không có vi phạm: trong việc thụ lý, điều kiện khởi kiện, thành phần tham gia và tư cách tham gia tố tụng của đương sự, thẩm quyền giải quyết vụ án (lưu ý xác định tranh chấp hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân hay Trọng tài thương mại), xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, xác định thời hiệu khởi kiện (tùy thuộc vào quan hệ pháp luật tranh chấp như tranh chấp hợp đồng dân sự hay yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà pháp luật có quy định thời hiệu khởi kiện khác nhau. Kiểm sát viên cần xác định quan hệ tranh chấp để xem xét xác định thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 132 BLDS, Điều 429 BLDS, đồng thời các bên có yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu quy định tại khoản 2 Điều 184 BLTTDS không), việc nộp tạm ứng án phí, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời…
Hai là, kiểm tra và đánh giá việc thu thập chứng cứ, Kiểm sát viên phải xem xét, đánh giá tính hợp pháp và tính đầy đủ của chứng cứ như xem xét tính hợp pháp của chứng cứ, xem xét tính đầy đủ của chứng cứ. Tùy thuộc từng lĩnh vực, quan hệ tranh chấp, yêu cầu của các đương sự trong từng vụ án cụ thể mà các vấn đề cần phải chứng minh và tài liệu, chứng cứ bảo đảm cho việc chứng minh là khác nhau. Ví dụ: các vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay” có thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, các vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, “Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà”… để xác định chính xác đồng sở hữu, hộ gia đình làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án thì tài liệu, chứng cứ cần thu thập là hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại cơ quan quản lý có thẩm quyền; các vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa… thì các tài liệu pháp lý liên quan đến đối tượng của hợp đồng hoặc tài liệu giám định hàng hóa là nguồn chứng cứ rất quan trọng. Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, đánh giá việc kiểm tra, thu thập chứng cứ, đồng thời làm rõ nội dung vụ án (như nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tranh chấp, thủ tục, yêu cầu, phạm vi, căn cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, ý kiến, quan điểm của bị đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, việc thực hiện nghĩa vụ của các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, ai vi phạm, lỗi dẫn đến vi phạm, thiệt hại thực tế do vi phạm gây ra; thỏa thuận của các bên trong hợp đồng về việc giải quyết vi phạm, xác định văn bản pháp luật nội dung cần áp dụng để giải quyết vụ án…).
Ba là, Kiểm sát viên kiểm sát tại phiên tòa cần xem xét đối chiếu quy định của pháp luật và nội dung Biên bản phiên tòa, bút ký phiên tòa để phát hiện vi phạm. Khi kiểm sát bản án cần kết hợp các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án như đơn khởi kiện, các bản tự khai, biên bản ghi lời khai, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ để phát hiện những vấn đề mâu thuẫn giữa hồ sơ và bản án, mâu thuẫn giữa phần nhận định và quyết định của bản án. Kiểm sát viên phải xem xét, đánh giá tính hợp pháp của yêu cầu khởi kiện, phân tích đánh giá chứng cứ để xác định sự thật khách quan trong vụ án, đối chiếu với nhận định của Tòa trong bản án sơ thẩm, xem xét việc áp dụng pháp luật nội dung để từ đó xác định có hay không có vi phạm (lưu ý: đối với yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu, Kiểm sát viên cần xem xét các yêu cầu của các đương sự đã được Hội đồng xét xử xem xét giải quyết không, đặc biệt là yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Hợp đồng tranh chấp có đối tượng hợp đồng không thể thực hiện được mà Tòa án công nhận hợp đồng)…/.
[1] Xem khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 184 BLTTDS.
[2] Bản án số 98/2016/DSST ngày 28/3/2016 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
[3] Thông báo số 30/TB-VC3-V2 ngày 25/4/2023 thông báo rút kinh nghiệm các bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình bị Tòa án nhân dân cấp cao tuyên hủy, sửa án năm 2022.
[4] Bản án số 13/2016/DS-ST ngày 23/11/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh KT.
[5] Bản án số 27/2022/DS-ST ngày 13/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T
[6] Bản án số 148/2020/DS-PT ngày 17/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh T.