NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG THƯỜNG GẶP
TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM
1. Khái niệm về trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em
– Điều 1 Luật trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Theo Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam thì khái niệm trẻ em là: “Công dân Việt Nam dưới 16 tuổi trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”.
Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau nhưng có thể hiểu, trẻ em là người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt sinh lý và tâm lý, dễ bị tổn thương do các tác động tiêu cực từ môi trường xã hội. Chính vì thế mà theo Luật trẻ em Việt Nam thì trẻ em là người dưới 16 tuổi.
– Tại Điều 4, Luật trẻ em năm 2016 quy định như sau:
“Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác”.
“Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”.
– Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nếu một người bị nghi là có một trong các hành vi nêu trên thì sẽ bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật Hình sự. Và để luật hình sự hóa các hành vi XHTDTE của Luật trẻ em năm 2016, thì theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có 05 tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em bao gồm: Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146); Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147);
Ngoài ra, còn có 03 tội danh quy định tình tiết phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em là dấu hiệu định khung tăng nặng (trong trường hợp nạn nhân là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi) bao gồm: Tội chứa mại dâm – Điều 327; Tội môi giới mại dâm – Điều 328; Tội mua dâm người dưới 18 tuổi – Điều 329.
2. Những khó khăn của các cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến tội xâm hại tình dục trẻ em
2.1. Thiếu các văn bản hướng dẫn áp dụng các điều luật liên quan đến các tội xâm hại tình dục trẻ em
– Hiên nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”. Đây là một điểm mới của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999. Có quan điểm cho rằng: Quan hệ tình dục khác là hành vi nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình với người khác dưới những hình thức nhất định: Như quan hệ bằng miệng, đường hậu môn hoặc quan hệ tình dục khác không có sự tiếp xúc với bộ phận sinh dục. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng quan hệ tình dục khác như quan hệ bằng miệng, đường hậu môn…đây chỉ là bước khởi động để quan hệ tình dục, còn thế nào là quan hệ tình dục khác thì vẫn chưa nêu ra được. Chính vì sự thiếu hướng dẫn của pháp luật dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng có cách hiểu khác nhau, làm kéo dài thời gian xử lý tội phạm hay bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
– Trường hợp Dâm ô. Đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về hành vi này. Theo quy định mới của BLHS thì Tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi – Điều 146 bắt buộc người phạm tội “phải không nhằm mục đích giao cấu…” quy định như vậy rất khó khăn trong công tác truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Ví dụ: Vụ án xảy ra tại tỉnh TN, Trịnh Thanh B (25 tuổi) quen thân với Lê Thị N (15 tuổi), ngày 1.5.2018 B rủ N đi khách sạn tâm sự. Khi vào khách sạn B đã có các hành vi: rờ mó ngực, hôn người N…Sau đó N về tâm sự lại với chị gái, thì gia đình N đã tố cáo hành vi của B. Tại Cơ quan điều tra B khai: “…rờ mó ngực, hôn người N là nhằm mục đích giao cấu với N…”. Cùng với lời khai và bằng chứng thu được Cơ quan điều tra không thể truy cứu trách nhiệm hình sự B, vì hành vi của B không thỏa mãn yếu tố cầu thành của Điều 146 khi mà Điều luật mới thêm cụm từ “phải không nhằm mục đích giao cấu”.
2.2. Trường hợp tố giác muộn
Tội phạm ẩn về hành vi XHTDTE xảy ra còn nhiều, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên các cơ quan tiến hành tố tụng không phát hiện kịp thời và xử lý được, có thể dẫn ra một số nguyên nhân như sau:
– Hành vi XHTDTE chưa được gia đình và cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời; có trường hợp đã phát hiện mà không đi tố giác vì người phạm tội là người thân trong gia đình. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ lao động – Thương binh – Xã hội “ Thống kê trong 4 năm, từ 2015 – 2018 từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng cho thấy, đa phần trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân quen; trong đó tỷ lệ bị xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ…) là 21,3%; bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; bởi người lạ là 12,6%”. Điển hình vụ án xảy ra tại tỉnh Hòa Bình: Nạn nhân là cháu Hoàng Thị P. ( SN 2001), ở xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn; cháu P. và mẹ đã đến công an xã tố cáo hành vi hiếp dâm Hoàng Thị P. của ông Vinh (bố đẻ của P). Được biết, trước khi ông Vinh thực hiện hành vi đồi bại với cháu P. thì cháu đã từng uống thuốc diệt ốc để tự tử cách đó một tuần. Theo chia sẻ của cháu P., thời gian trước đó khoảng gần chục ngày (ngày 27.9.2018), vào ban đêm, ông Vinh có đòi hỏi cháu phải cho ông “Ngủ”, tuy nhiên cháu không đồng ý. Lúc này cháu bị bố mình đánh đập và đe dọa. Nhưng đến rạng sáng, bố đã đi sang giường của cháu rồi thực hiện hành vi đồi bại. Do ấm ức và tủi nhục, cháu P. đã có suy nghĩ muốn kết liễu cuộc sống của mình. Ngày 8.10.2018 trong lúc cháu P. cầm túi thuốc diệt ốc cho vào miệng thì đã được ông Vinh và bà Ph. phát hiện. Sau đó, mọi người đưa cháu P. đến bệnh viện cấp cứu. Vụ án trên là một minh chứng điển hình cho việc XHTDTE do bị người thân trong gia đình xâm hại, hành vi đồi bại của người thân (người cha) xảy ra trong một thời gian dài nhưng mãi đến khi nạn nhân (người con gái) uống thuốc tự tử thì người thân trong gia đình (người mẹ) mới biết vụ việc. Nếu như nạn nhân không tự tử hay nói ra hành vi phạm tội của người thân thì các cơ quan tiến hành tố tụng không phát hiện ra được hành vi phạm tội và xử lý Hình sự.
– Bên cạnh đó, cùng với sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng khiến nạn nhân không dám hoặc không muốn lên tiếng. Hoặc khi nạn nhân có ý định tố giác thì người phạm tội xin thương lượng, bồi thường…dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng không nắm bắt được hết các có hành vi phạm tội đã xảy ra.
2.3.Khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ
2.3.1. Về thu thập, đánh giá dấu vết vật chất
Trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ đối với các vụ án XHTDTE, các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau:
– Như đã trình bày ở trên, lý do nạn nhân không giám tố giác hay do gia đình che giấu…đến khi nạn nhân tố giác thì: Việc tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm dấu vết trên thân thể nạn nhân, thu giữ mẫu vật không còn kịp thời. Điển hình là vụ án xảy ra tại tỉnh Cà Mau: Từ giữa tháng 6 đến hết tháng 9.2016, Hữu Bê đã lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của cháu H.M.K. (SN 2004, học sinh lớp 5, hàng xóm của bị cáo Bê) để dụ dỗ, gọi điện thoại, viết giấy hẹn gặp, cho tiền nhằm thực hiện hành vi dâm ô như sờ vào các vùng nhạy cảm của cháu K. Sau nhiều lần bị xâm hại, chiều 10.2.2017, gia đình phát hiện cô bé tím tái, cạnh bên có nhiều vỏ thuốc Tây nên đưa đi cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong vào sáng hôm sau. Gia đình cháu K. đã có đơn tố cáo gửi đến Công an tỉnh Cà Mau từ tháng 9.2016. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đã ra quyết định không khởi tố vụ án vì nhiều lý do như: Nạn nhân đã chết, ông Bê không nhận hành vi phạm tội của mình. Nhà ông Bê cũng đã đập và xây lại nhà mới…không thu giữ chứng cứ nào chứng minh được hành vi phạm tội của ông Bê.
– Mặc khác hầu hết các vụ XHTDTE xảy ra nơi vắng vẻ, đặc biệt tại các vùng nông thôn vùng sâu, miền núi hẻo lánh do đó thường được phát hiện muộn nên rất khó thu thập được chứng cứ sinh học; bị hại và người thân không cung cấp đủ các thông tin cần thiết về tội phạm, hành vi phạm tội không còn để lại dấu vết, hoặc dấu vết để lại không có giá trị chứng minh.
– Trong một số trường hợp, khi phát hiện hoặc tiếp nhận tố giác, tin báo về XHTDTE không đúng thẩm quyền, nhưng chính quyền cấp xã vẫn giữ xác minh, một thời gian sau mới chuyển lên cấp trên có thẩm quyền để điều tra, xác minh lúc đó có những dấu vết hoặc tình tiết không thể thu thập được, nên phải kéo dài thời gian giải quyết hoặc có giải quyết nhưng không thể chứng minh được tội phạm.
2.3.2. Về việc lấy lời khai
– Do phần lớn các vụ án phát hiện chậm, điều tra truy xét không thu giữ được chứng cứ vật chất, thường chỉ có lời khai của bị hại, nên người phạm tội lúc đầu khai nhận hành vi của mình, nhưng sau đó lại thay đổi không thừa nhận lời khai trước đó hoặc người phạm tội không khai nhận đã thực hiện hành vi phạm tội, hoặc khai nhận có nhiều mâu thuẫn, do vụ án không có người làm chứng. Điển hình vụ án xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh: Nhà anh N.V.H có nuôi một con mèo tam thể rất đẹp nên hay được các cháu nhỏ đến chơi, cạnh nhà anh H có hai cháu nhỏ là N (5 tuổi) và L (7 tuổi), ba mẹ N, L sống bằng nghề buôn bán ve chai nên không có thời gian chăm sóc con, hay để con ở nhà và họ đi làm đến chiều tối mới về… Một hôm, H rủ N qua nhà chơi với con mèo, và H đã thực hiện hành vi dâm ô đối với em, cũng bằng thủ đoạn trên H cũng đã thực hiện hành vi dâm ô đối với L. Sự việc chỉ bị phát giác khi N và L kể cho bà hàng xóm nghe và bà đã nói lại với gia đình N, L. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một bản cung thể hiện H nhận tội, còn các bản khai về sau cũng như tại phiên tòa sơ thẩm H đều chối tội với các lý do như: Bị cơ quan điều tra bức cung, chỉ rủ bé qua chơi với mèo….Tại phiên tòa phúc thẩm dựa vào những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Tòa án đã tuyên H phạm tội Dâm ô đối với dưới 16 tuổi.
– Mặc khác người bị hại còn nhỏ, bị nhiều người xâm hại hay bị xâm hại nhiều lần…dẫn đến tâm lý nhận thức của trẻ chưa ổn định, lại bị dư chấn tâm lý về hành vi xâm hại tình dục nên lời khai thường tản mát, thiếu chính xác. Thậm chí thay đổi lời khai hoặc khai theo ý chí của người đại diện nên Cơ quan điều tra khó thu thập chính xác.
2.3.3. Về việc xác định tuổi của bị hại
– Đây cũng là vấn đề khó khăn, do một số trường hợp bị hại không đăng ký khai sinh, khi đi học mới đăng ký, không có tài liệu xác định thời điểm sinh; trong khi đó vấn đề giám định và sử dụng kết quả giám định về độ tuổi của bị hại (trong trường hợp các tài liệu có mâu thuẫn) chưa kịp thời hoặc có trường hợp mâu thuẫn.
– Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc đánh giá chứng cứ hay định tội danh giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không có sự thống nhất, do nhận thức khác nhau về các quy định của pháp luật nên nhiều vụ phải kéo dài thời gian giải quyết hoặc không xử lý được.
Điển hình là vụ án xảy ra tại tỉnh Tây Ninh: Đặng Thanh Tuấn (SN 1999, ngụ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), Tuấn quen với em N (sinh ngày 6.11.2002) và có 5 lần quan hệ với nhau. Gia đình em N phát hiện sự việc và đã tố cáo với cơ quan chức năng. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp khó khăn khi xác định tuổi của bị hại N, vì N không có các giấy tờ chứng minh chính xác ngày, tháng, năm sinh. Bắt buộc phải đi giám định tuổi, tuy nhiên kết quả giám định tuổi lại ghi N sinh khoảng 12 năm 9 tháng 19 ngày đến 13 năm 3 tháng. Trong trường hợp này phải áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, Tòa Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên Tuấn không phạm tội cho dù rằng Tuấn đã có hành vi giao cấu với em N, đã bị Tòa án Tây Ninh tuyên là có tội, nhưng vì mâu thuẫn trong việc xác định tuổi dẫn đến Tòa án phải tuyên Tuấn không phạm tội./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
2. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015;
3. Luật trẻ em năm 2016;
4. Trích “Báo cáo trước Quốc Hội của Bộ trưởng Bộ lao động – Thương binh – Xã hội” trên báo Pháp luật;
5. Tài liệu Tập huấn về truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến lạm dụng trẻ em giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Viện kiểm sát nhân dân Tối Cao tháng 11/20018;
6. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Chính trị Quốc gia sự thật (Hà Nội- 2018);
7. Các vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại tỉnh An Giang, Tây Ninh, Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh.
Th.s Trần Xuân Thiên An
Khoa Kiểm sát Hình sự; Trường ĐT, BD NV kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh