Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Nhật Bản

Ngày 13/3/2025, Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (Phân hiệu) đã long trọng đón tiếp Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Nhật Bản do ông KOIKE Takashi, Vụ trưởng Vụ An ninh Công Cộng, Viện Công tố tối cao Nhật Bản làm Trưởng đoàn đến thăm và tham dự Hội thảo “Cải cách hệ thống tư pháp hình sự – Kinh nghiệm Nhật Bản”


PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Phụ trách Phân hiệu, đón tiếp Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Nhật Bản

Tham dự Hội thảo có đồng chí PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Phụ trách Phân hiệu tại Tp. Hồ Chí Minh – Chủ trì buổi làm việc; đồng chí Hoàng Thị Thuỳ Hoà – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND tối cao; đồng chí Phạm Thuỳ Dương – Kiểm tra viên chính, Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND tối cao, cùng các đồng chí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kiểm sát Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh: Mai Văn Sinh, Nguyễn Công Sinh, Lê Văn Hảo và một số đại biểu là lãnh đạo các Phòng, Khoa và giảng viên, học viên Nhà trường.

Về phía đoàn đại biểu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, có ông KOIKE Takashi, Vụ trưởng Vụ An ninh Công Cộng, Viện Công tố tối cao, Bộ Tư pháp Nhật Bản – đồng chủ trì; ông TANAKA Kunihiko Giảng viên, Công tố viên, Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á Viễn đông của Liên Hợp quốc (UNAFEI); bà MAKINO Mikiko, Chuyên viên cao cấp, Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á Viễn đông của Liên Hợp quốc (UNAFEI).

Cùng dự Hội thảo có bà INOKURA Minako, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông CHINONE Koichi, Công tố viên, Cố vấn trưởng Dự án JICA.

Phát biểu tại buổi tiếp đoàn đồng chí PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát, Phụ trách Phân hiệu bày tỏ vui mừng được đón tiếp Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Nhật Bản đến thăm, làm việc với Nhà trường, đồng thời nhấn mạnh về mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trong những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc và thu được nhiều kết quả tốt đẹp, đồng chí mong muốn trong thời gian sắp tới, Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13), VKSND tối cao tiếp tục tạo điều kiện cho Nhà trường mở rộng và tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Bộ Tư pháp Nhật Bản trong việc trao dổi kinh nghiệm về công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ Kiểm sát viên, Công tố viên giữa Phân hiệu và các cơ sở đào tạo của Nhật Bản.

         PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Phụ trách Phân hiệu phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông KOIKE Takashi, Vụ trưởng Vụ An ninh Công Cộng, Viện Công tố tối cao, Bộ Tư pháp Nhật Bản cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình của VKSND tối cao Việt Nam và của Lãnh đạo Phân hiệu. Đồng thời khẳng định sẽ cố gắng chia sẻ đầy đủ các nội dung liên quan về cải cách hệ thống tư pháp hình sự, kinh nghiệm của Nhật Bản trong hoạt động cải cáchTư pháp.

Ông KOIKE Takashi, Vụ trưởng Vụ An ninh Công Cộng, Viện Công tố tối cao, Bộ Tư pháp Nhật Bản phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Nhật Bản Ông KOIKE Takashi, Vụ trưởng Vụ An ninh Công Cộng, Viện Công tố tối cao Nhật Bản và Ông TANAKA Kunihiko, Công tố viên Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á Viễn đông của Liên Hiệp Quốc (UNAFEI) đã trình bày tham luận về “Thực hiện quyền Công tố tại Nhật Bản”, “Triết lý trong hoạt động của Công tố viên” và “Xử lý vật chứng và hệ thống bảo toàn chứng cứ trong thủ tục hình sự của Nhật Bản”.

Các đồng chí chủ trì buổi Hội thảo “Cải cách hệ thống tư pháp hình sự – Kinh nghiệm Nhật Bản”.

Tiếp theo chương trình Hội thảo đồng chí Tiến sĩ Lê Văn Hảo – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát cũng đã trình bày tham luận: “Quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của VKSND – thẩm quyền truy tố của VKSND” và đồng chí PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kiểm sát Phụ trách Phân hiệu cũng gửi đến Hội thảo bài tham luận: “Cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong toả tài khoản trong quá trình giải quyết vụ việc”.

Sau phần trình bày tham luận của các đại biểu, Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Tư pháp Nhật Bản đã trao đổi, thảo luận, giải đáp vướng mắc, khó khăn về các nội dung: thực hiện quyền công tố tại Nhật Bản; Quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn về bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Xử lý vật chứng và hệ thống bảo toàn chứng cứ trong thủ tục hình sự của Nhật Bản; Cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên tài sản, phong toả tài khoản trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đặt ra nhiều câu hỏi có tính tư duy cao cũng như tháo gỡ những vấn đề có tính khác biệt trong giải quyết vụ việc của Việt Nam và Nhật Bản.

Kết thúc chương trình, đồng chí PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh – Phó Hiệu trưởng Phụ trách Nhà trường chúc Đoàn công tác có chuyến thăm và làm việc ý nghĩa tại Việt Nam và hy vọng, mối quan hệ giữa các cơ quan tư pháp và pháp luật giữa 02 nước Việt Nam – Nhật Bản thông qua Dự án Jica sẽ ngày càng được củng cố, tăng cường và phát triển. Ông KOIKE Takashi, Vụ trưởng Vụ An ninh Công Cộng, Viện Công tố tối cao Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ có những buổi gặp gỡ, làm việc với Nhà trường để trao đổi những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực hình sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Công tố viên, Kiểm sát viên của 02 Quốc gia nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường nói riêng./.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Phan Thị Thanh