Quá trình đào tạo bổ nhiệm Công tố viên Viện công tố Nhật Bản – Giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Ths. Hoàng Thị Hoa – Phó Trưởng khoa QHQT – Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp. HCM

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế về đào tạo bổ nhiệm Kiểm sát viên; Kiểm tra viên là một trong những nội dung rất quan trọng trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân giai đoạn hiện nay Đây là một nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính lâu dài, cần được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ trên cơ sở những định hướng về cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên là chức danh pháp lý trong ngành Kiểm sát được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Do đó, việc tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh pháp lý phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 74 đến Điều 81 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Nhằm đáp ứng tất cả những tiêu chí theo quy định như: tiêu chuẩn về chính trị, về đạo đức, trình độ chuyên môn, độ tuổi, sức khỏe và thời gian công tác nhất định.

Trong thời gian qua, Nhà nước cũng như ngành Kiểm sát đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các quy định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình thi tuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh Kiểm sát viên; Kiểm tra viên VKSND cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để góp phần nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu những kiến thức về mặt lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là những quy định về tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh pháp lý trong Viện công tố/Viện kiểm sát của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Trong phạm vi nghiên cứu, bài viết này, tác giả tập trung khái quát sơ lược tiêu chuẩn bổ nhiệm cũng như mô hình đào tạo, bổ nhiệm Công tố viên ở Nhật Bản, so sánh với tiêu chuẩn, quy trình đào tạo, bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND Việt Nam, từ đó rút ra giá trị tham khảo nhằm góp phần hoàn thiện hơn quy định về quy triình đào tạo bổ nhiệm Kiểm sát viên trong thời gian tới.

1. Công tố viên Viện công tố Nhật Bản

Theo quy định của Hiến pháp Nhật Bản[1] Viện công tố là cơ quan thuộc Bộ Tư pháp. “Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể kiểm tra và giám sát hoạt động của các Công tố viên. Tuy nhiên, trong trường hợp liên quan đến việc điều tra và xử lý các vụ án cụ thể, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp chỉ có thể giám sát thông qua Tổng trưởng Công tố”[2]. Toàn bộ hệ thống cơ quan Công tố và các Công tố viên đặt dưới sự chỉ đạo, giám sát chung của Bộ trưởng bộ Tư pháp. Song trên thực tế, Viện Công tố có vai trò chính trị và ảnh hưởng rất lớn trong Bộ Tư pháp Nhật Bản. Tổng trưởng công tố, người đứng đầu hệ thống công tố là người lãnh đạo, điều hành toàn bộ hệ thống công tố. Vai trò của Bộ trưởng bộ Tư pháp chỉ mang tính hình thức vì Bộ trưởng bộ Tư pháp là người đứng đầu ngành Công tố nhưng không có quyền can thiệp vào từng vụ án cụ thể. Trong công việc, các Công tố viên hoàn toàn độc lập và chỉ phải chịu trách nhiệm trực tiếp với cấp trên của mình. Một điều rất đáng chú ý là các vị trí then chốt trong Bộ Tư pháp hầu như do các Công tố viên nắm giữ. Điều đó cho thấy rằng Công tố viên có vai trò rất lớn trong Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Hệ thống tổ chức của Viện Công tố Nhật bản được tổ chức tương ứng với hệ thống Tòa án Nhật Bản và được chia thành 4 cấp gồm Viện công tố trung ương (tối cao), Viện công tố cấp cao, Viện công tố cấp quận và Viện công tố địa phương (khu vực).

– Tiêu chuẩn bổ nhiệm Công tố viên

Công tố viên của Viện công tố Nhật Bản bao gồm: Tổng trưởng Công tố, Công tố viên trưởng cấp cao, Công tố viên trưởng, Công tố viên và Trợ lý công tố viên. Trong đó, Tổng trưởng Công tố là người đứng đầu Viện Công tố trung ương có nhiệm vụ điều hành công việc, kiểm tra, giám sát cán bộ trong Viện Công tố trung ương và hệ thống công tố cấp dưới. Phó Tổng trưởng Công tố chịu trách nhiệm trước Tổng trưởng Công tố, giúp việc cho Tổng trưởng Công tố. Trong trường hợp Tổng trưởng Công tố bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc vị trí Tổng trưởng Công tố chưa có người đảm nhiệm thì Phó tổng trưởng Công tố thực hiện chức năng của Tổng trưởng Công tố. Công tố viên trưởng là người đứng đầu Viện Công tố cấp cao và Viện Công tố cấp quận. Tại Viện Công tố Trung ương và Viện công tố cấp cao, Viện Công tố cấp quận và cấp khu vực đều có sự hiện diện của Công tố viên. Ngoài ra, tại các cơ quan công tố khu vực có các trợ lý công tố viên là những người có nhiệm vụ điều tra các vụ án hình sự, truy tố hoặc giám sát thi hành án.

Theo quy định của pháp luật Nhật Bản, đội ngũ cán bộ tư pháp trong đó có Công tố viên đều được tuyển chọn, bổ nhiệm và sử dụng bằng tiêu chí: Công dân Nhật Bản, trung thành với Hiến pháp, có đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đã tốt nghiệp các trường đại học của Nhật, tiếp đó phải tham gia học ở Trường Luật (Law School) trong thời gian 02 năm đối với những người đã tốt nghiệp các trường đại học Luật hoặc chuyên ngành Luật của của Nhật và 03 năm đối với những người tốt nghiệp trường khác không phải chuyên ngành Luật. Trong thời gian học tại Trường Law School sẽ được đào tạo lý luận và thực tiễn về những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ. Các môn Luật cơ bản gồm có Hiến pháp, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật thương mại, Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hình sự; môn thực hành cơ bản thường sử dụng các phiên tòa giả định; ngoài ra học viên còn được học các môn học khác như kinh tế học, kế toán, luật sở hữu trí tuệ, đạo luật phá sản, luật gia đình. Đội ngũ giảng dạy là những giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành và những người làm công tác pháp luật như Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư. Sau khi trải qua khóa học và kiểm tra kiến thức nghiêm ngặt mà đạt kết quả thì mới đủ điều kiện tham gia kỳ thi tư pháp quốc gia.

Đối với những ứng viên có kiến thức giỏi hoặc không có thời gian và kinh phí để trải qua 02 hoặc 03 năm học ở Law School thì có thể tham gia kỳ thi tư pháp trù bị, nếu thi đỗ kì thi tư pháp trù bị thì mới đủ điều kiện tham gia kỳ thi tư pháp quốc gia.

Các ứng viên sau khi thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia thì sẽ tiếp tục được đào tạo ở Học viện tư pháp (Viện nghiên cứu và đào tạo luật thuộc Bộ Tư pháp) về các nội dung: Xét xử hình sự, xét xử dân sự, kiểm sát, bào chữa dân sự và bào chữa hình sự. Sau đó các thí sinh được cử đi thực tập tại Tòa án hoặc Viện công tố địa phương hoặc Hội luật sư. Trong quá trình thực tập các thí sinh phải thực hành tất cả các nghiệp vụ mà mình đã được đào tạo tập trung. Kết thúc chương trình thực tập các thí sinh sẽ đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp. Sau khi đỗ kỳ thi tốt nghiệp ở Học viện tư pháp do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý sẽ được bổ nhiệm Công tố viên hoặc Thẩm phán hoặc hành nghề Luật sư biện hộ tùy theo nhu cầu chuyên môn nghiệp vụ của mình để lựa chọn vị trí việc làm cho phù hợp. Với chức danh Công tố viên, Thẩm phán được nhận vào làm việc ở Viện công tố và Tòa án.

Đối với Công tố viên trưởng ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung thì phải có ít nhất 5 năm hành nghề Công tố viên, phải có trình độ năng lực hướng dẫn nghiệp vụ đối với Công tố viên và đảm bảo các nhiệm vụ khác theo vị trí việc làm đảm nhận.

Đối với Công tố viên cấp cao ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung thì phải có ít nhất 5 năm hành nghề Công tố viên trưởng, phải có trình độ năng lực nhất định, các kỹ năng chuyên môn chuyên sâu về điều tra, xử lý, điêu hành đối với các vụ án cần nghiên cứu đặc biệt… phù hợp với vị trí việc làm đảm nhận.

Đối với Tổng trưởng công tố, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung thì phải có ít nhất 7 đến 10 năm hành nghề Công tố viên cấp cao và có kỹ năng chỉ đạo, điều hành giải quyết các công việc quan trọng, phức tạp.

Ở Nhật Bản, Thẩm phán và Công tố viên nếu không muốn làm việc trong khu vực Nhà nước thì đều có thể xin ra ngoài làm việc với tư cách luật sư. Ngược lại, một Luật sư, Công tố viên hay Giáo sư các trường đại học Luật, chuyên gia pháp lý cấp cao cũng đều có thể là nguồn để được lựa chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán. Các Thẩm phán, Luật sư, Cảnh sát điều tra cũng có thể được trở thành Công tố viên mà không phải trải qua các quy định thực tập, luân chuyển cán bộ trong các cơ quan của Viện kiểm sát vì họ đều đã trải qua các kỳ thi các chức danh tư pháp.

Ở Nhật Bản hiện nay, trong số những người hành nghề luật thì Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư là 3 chức danh đang được quan tâm và thu hút nhiều sự chú ý của cả Chính phủ và nhân dân bởi đây là những cán bộ làm việc trong hệ thống tư pháp. Chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và kiến thức văn hóa, tính nhân văn, kinh nghiệm làm việc là những yêu cầu đối với đội ngũ này trong tiến trình cải cách tư pháp và phát triển toàn diện đất nước.

– Nhiệm vụ, quyền hạn của Công tố viên

Trong lĩnh vực hình sự, Công tố viên Viện công tố Nhật Bản có thẩm quyền điều tra tất cả các vụ án hình sự, tuy nhiên trong thực tế, Công tố viên chỉ thực hiện các hoạt động điều tra bổ sung sau khi cảnh sát chuyển hồ sơ vụ án đến Viện công tố đối với vụ án nghiêm trọng, vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, tội phạm về kinh tế quy mô lớn. Đối với các vụ án ít nghiêm trọng hoặc đơn giản chưa cần thiết phải điều tra bổ sung thì Công tố viên sẽ quyết định truy tố hay không truy tố, trong trường hợp nếu vụ án đủ điều kiện truy tố thì Công tố viên thực hành quyền công tố trước Tòa án.

Công tố viên tham gia vào tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự, từ điều tra tội phạm đến thực thực hành quyền công tố tại phiên tòa, khi thực hiện nhiệm vụ có quyền độc lập và tự chịu trách nhiệm trong tiến hành điều tra, truy tố, thực hiện quyền công tố tại phiên tòa. Các Công tố viên luôn tuân thủ nguyên tắc chỉ khi nào có đủ chứng cứ xác đáng về việc bị cáo có tội thì mới quyết định truy tố, bên cạnh đó Công tố viên còn dựa trên nguyên tắc tùy nghi truy tố nên vai trò của công tố viên trong tư pháp hình sự là vô cùng lớn. Ngoài ra, Công tố viên Viện Công tố Nhật Bản còn giám sát việc thi hành hình phạt (ở Việt Nam nhiệm vụ này của Kiểm sát viên gọi là kiểm sát thi hành án).

Trong quan hệ với Cơ quan điều tra, Công tố viên vừa đóng vai trò là người chỉ đạo, giám sát điều tra, vừa phối hợp với Điều tra viên. Công tố viên không những được quyền chỉ huy, chỉ đạo từ xa hoặc chỉ đạo cụ thể đối với Điều tra viên của Cảnh sát mà còn có thẩm quyền yêu cầu xử lý kỷ luật Điều tra viên của lực lượng Cảnh sát trong trường hợp Điều tra viên không tuân thủ chỉ đạo của Công tố viên.

Trong lĩnh vực phi hình sự, Công tố viên có vai trò như người đại diện cho lợi ích công, thực hiện các hoạt động mang tính chất hỗ trợ, đại diện cho các đương sự không có khả năng thực hiện quyền chủ thể.

Ngoài ra, Công tố viên Viện công tố Nhật Bản còn được pháp luật giao cho một số nhiệm vụ, quyền hạn như: Làm nguyên đơn khởi kiện hoặc bị đơn cho những chủ thể không có khả năng thực hiện quyền của mình như trẻ vị thành niên, người mất tích, người đã chết, đề nghị hủy bỏ một cuộc hôn nhân bất hợp pháp…. Tuy nhiên trong thực tế những thẩm quyền này Công tố viên rất ít khi phải thực thi vì không phổ biến.

Trong quá trình thực hiện được chức năng chuyên môn, địa vị của Công tố viên được bảo vệ vững chắc để việc thực hành quyền công tố không bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị. Công tố viên hoàn toàn độc lập, không bị đe dọa, ngăn cản, quấy rầy, can thiệp trái phép hay phải chịu trách nhiệm một cách vô lý về dân sự, hình sự hay các trách nhiệm khác. Bản thân Công tố viên và gia đình họ luôn được các cơ quan chức năng bảo vệ về thân thể khi sự an toàn cá nhân của họ bị đe dọa do thực hiện các chức năng công tố. đây là một đặc quyền rất lớn của Công tố viên Nhật Bản. Các công tố viên được bảo vệ địa vị vững chắc để việc thực hành quyền công tố không bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị.

2. Những điểm tương đồng và khác biệt có giá trị tham khảo cho Việt Nam

Qua việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về quy trình đào tạo bổ nhiệm Công tố viên của Viện công tố Nhật Bản, đối chiếu với quy định pháp luật về quy trình đào tạo bổ nhiệm Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam cho thấy những điểm tương đồng và khác biệt có giá trị tham khảo đối với Việt Nam như sau:

– Về một số điểm tương đồng

Thứ nhất, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam, Luật Tổ chức Viện công tố Nhật Bản đều quy định Kiểm sát viên/Công tố viên là chức danh tư pháp trong Viện kiểm sát nhân dân/Viện công tố. Mặc dù có quy trình đào tạo, tiêu chuẩn bổ nhiệm khác nhau nhưng khi được bổ nhiệm thì các Công tố viện/Kiểm sát viên đều có vị trí quan trọng trong Viện công tố/Viện kiểm sát, là lực lượng chủ chốt, đại diện cho Viện kiểm sát/Viện công tố nước mình để thực hiện chức năng của Ngành. Xuất phát từ điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, truyền thống văn hóa của mỗi nước khác nhau, nhưng nhìn chung công việc của Kiểm sát viên/Công tố viên đều góp phần quan trọng trong việc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, qua đó bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Thứ hai, để được bổ nhiệm Công tố viên/Kiểm sát viên các ứng viên phải  đáp ứng các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể theo quy định của pháp luật và trải qua quy trình đào tạo bài bản gồm đào tạo cả lý thuyết và thực hành về chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo khi đucợ bổ nhiệm đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vị được giao.

Thứ ba, về tiêu chuẩn chung bổ nhiệm Kiểm sát viên/Công tố viên. Giống như các quốc gia trên thế giới và một số nước trong khu vực thì tiêu chuẩn chung để bổ nhiệm Kiểm sát viên/Công tố viên ở Việt Nam và Nhật Bản được quy định chi tiết và cơ bản dựa vào các tiêu chí sau: Tiêu chuẩn về chính trị: Phải là công dân của nước tuyển dụng và phải trung thành với Hiến pháp, pháp luật mà người đó là công dân; Tiêu chuẩn về đạo đức: Phải có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp luật, vì Kiểm sát viên/Công tố viên là những người thực thi và áp dụng pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích của toàn thể nhân dân, nếu họ không có đạo đức tốt, không có lương tâm nghề nghiệp, không kiên quyết bảo vệ lẽ phải, công bằng xã hội thì khi thực hiện nhiệm vụ dễ dẫn đến việc làm trái quy định của pháp luật. Tiêu chuẩn về trình độ pháp lý: Để được bổ nhiệm Kiểm sát viên/Công tố viên phải có kiến thức pháp luật là trình độ cử nhân Luật trở lên. Yêu cầu này có ý nghĩa quan trọng, không thể thiếu với nhiệm vụ, trọng trách mà Kiểm sát viên/Công tố viên phải đảm nhận; Tiêu chuẩn về thâm niên công tác, sức khỏe: Có thời gian công tác thực tiễn theo quy định của pháp luật mỗi nước. Vì công việc của Kiểm sát viên/Công tố viên có tính đặc thù, giải quyết những vụ việc khó khăn phức tạp đòi hỏi phải có thời gian công tác nhất định để tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời phải có đủ sức khỏe tốt, nếu sức khỏe không đạt yêu cầu thì không được làm Kiểm sát viên/Công tố viên vì đây là tiêu chuẩn cần có để đảm nhận nhiệm vụ công tác đặc thù của Ngành nhiều lúc đi kiểm sát khám nghiệm hiện trường với thời tiết nắng gắt, mưa bão, rét buốt, hiện trường trên rừng, dưới biển….nên cần phải có sức khoẻ tốt để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, về tiêu chuẩn cụ thể bổ nhiệm Kiểm sát viên. Nhìn chung, Kiểm sát viên Việt Nam và Công tố viên ở Nhật Bản đều quy định tiêu chuẩn cụ thể bổ nhiệm Kiểm sát viên/Công tố viên các cấp phù hợp theo điều kiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị mỗi nước. Cấp càng cao thì đòi hỏi thâm niên công tác, chuyên môn nghiệp vụ càng cao phù hợp với vị trí việc làm. Ví dụ đối với Kiểm sát viên trung cấp thì phải có thời gian làm Kiểm sát viên sơ cấp ít nhất là 05 năm, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ đối với Kiểm sát viên sơ cấp….

Thứ năm, các Kiểm sát viên, Công tố viên đều được đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ rất bài bản cả lý thuyết và thực tiễn. Xét về thời gian thì các Kiểm sát viên/Công tố viên đều được đào tạo về nghiệp vụ trước khi được bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên/Công tố viên. Đồng thời trong quá trình hành nghề các Kiểm sát viên/Công tố viên được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu ở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn, nhằm nâng cao trình độ, kinh nghiệm để đủ khả năng giải quyết các vụ án phức tạp trong tình hình mới.

– Một số điểm khác nhau

Bên cạnh những nét tương đồng thì quy định của pháp luật về tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên/Công tố viên hai nước có cơ sự khác nhau và có giá trị tham khảo đối với Việt Nam, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Về nguồn để được đào tạo bổ nhiệm Kiểm sát viên. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, để được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trước tiên người đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn dự thi công chức vào ngành Kiểm sát như phải là công dân Việt Nam, có bằng cử nhân Luật, có đủ sức khỏe theo quy định… khi đã trúng tuyển công chức vào ngành Kiểm sát, tùy theo từng đơn vị mà có thể phải làm chuyên viên trong Viện kiểm sát một thời gian rồi đơn vị sắp xếp cho tham gia học lớp đào tạo nghiệp vụ Kiểm sát (chương trình đào tạo 09 tháng tập trung) các tỉnh phía Nam (từ Thừa Thiên Huế trở vào Cà Mau) được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh từ Quảng Trị trở ra Hà Giang được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Sau khi học và thi tốt nghiệp đạt thí sinh được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát và về đơn vị công tác. Sau khi đủ thời gian công tác pháp luật từ 4 năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và đạt một số tiêu chuẩn về đạo đức, sức khỏe nhất định có thể được đơn vị công tác cử tham gia dự kì thi Kiểm sát viên do Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức, sau khi trúng tuyển kỳ thi có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm Kiểm sát viên. Như vậy, để được bổ nhiệm Kiểm sát viên ở Việt Nam  người đó trước hết phải thi công chức vào ngành Kiểm sát nhân dân. Tức là ứng viên có thể được xem xét cho thi tuyển và bổ nhiệm trong phạm vi đã là công chức hiện đang công tác trong ngành Kiểm sát.

Trong khi đó ở Nhật Bản, nguồn được tuyển chọn, bổ nhiệm Công tố viên đa dạng, phong phú hơn, họ là những người tốt nghiệp các trường đại học chuyên ngành Luật hoặc khoa Luật của các trường đại học khác hoặc tốt nghiệp các trường đại học khác, có thể mới ra trường hoặc đã có thời gian công tác đều có thể là ứng viên tham dự kỳ thi tư pháp quốc gia, sau khi thi đậu được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cả ba chức danh là Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư. Trên cơ sở đó, ứng viên có thể lựa chọn vị trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân. Việc quy định như vậy tạo điều kiện để các thí sinh định hướng được lĩnh vực phù hợp, khả năng nghề nghiệp và năng lực, sở trường của mình trước khi quyết định chọn nghề Công tố viên hoặc Thẩm phán hoặc Luật sư. Trong quá trình công tác nếu Thẩm phán hoặc Công tố viên sau khi rời vị trí của mình có thể trở thành Luật sư biện hộ và ngược lại, Luật sư biện hộ có thể trở thành Thẩm phán hoặc Công tố viên.

Đây cũng là điều mà Việt Nam cần xem xét áp dụng cho đất nước. Vì trong thực tế một số trường hợp các Kiểm sát viên của ngành Kiểm sát muốn trở thành Thẩm phán, phải viết đơn xin nghĩ việc bên ngành Kiểm sát sau đó mới tham gia thi tuyển vào công chức ngành Tòa án (trừ một số trường hợp Kiểm sát viên giữ chức vụ lãnh đạo thì có thể được điều động, luân chuyển). Quy định như vậy phần nào ảnh hưởng đến quyền và lợi ích nhất định, bên cạnh đó cũng làm mất cơ hội lựa chọn lại của những người muốn thay đổi vị trí việc làm vì không đủ tuổi theo quy định của Ngành.

Thứ hai, Về mô hình đào tạo Kiểm sát viên/Công tố viên. Nhìn chung các Kiểm sát viên/Công tố viên trước khi được bổ nhiệm đều được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao khi được bổ nhiệm. Tuy nhiên, chương trình đào tạo nghiệp vụ Kiểm sát viên/Công tố viên còn có những điểm khác nhau. Đối với Việt Nam, chương trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát chỉ dành riêng cho công chức đang làm trong ngành Kiểm sát, thời gian đào tạo 09 tháng trong đó có 06 tháng học lý thuyết tại trường và 03 tháng về thực tập thực tế tại Viện kiểm sát địa phương (hiện nay Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã lồng ghép chương trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho các sinh viên của trường Đại học kiểm sát Hà Nội nhằm rút ngắn thời gian đào tạo nguồn lực cho ngành Kiểm sát, sau khi được tuyển dụng không phải mất thời gian đào tạo nghiệp vụ kiểm sát mà các ứng viên chỉ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức tiền công vụ, lớp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên của Ngành. Sau khi đủ điều kiện về năng lực, thời gian công tác, đạo đức chính trị thì cử tham dự kì thi Kiểm sát viên do VKSND tối cao tổ chức). Còn ở Nhật Bản, trước khi được bổ nhiệm Kiểm sát viên/Công tố viên phải thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia, sau đó tham gia học tại Viện nghiên cứu và đào tạo Luật thuộc Bộ Tư pháp (còn gọi là Trường Đào tạo chức danh pháp lý tập sự). Tổng thời gian đào tạo khoảng 15 tháng (trong đó 04 tháng học lý thuyết tại trường, 08 tháng thực tập và 03 tháng được huấn luyện sau khi bổ nhiệm). Chương trình đào tạo tập trung, các thí sinh được học và thực hành tất cả các nghiệp vụ trên cả 3 lĩnh vực là xét xử, truy tố và biện bộ. Sau khi học xong lý thuyết tại trường về thực tập tại Viện kiểm sát, Tòa án, Văn phòng Luật sư. Việc đào tạo như của Nhật Bản giúp các ứng viên sau khi được bổ nhiệm và hành nghề Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư biện hộ đều am hiểu công việc, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi chức danh, từ đó khi giải quyết một vụ việc cụ thể với một vị trí khác nhau họ có kỹ năng, kinh nghiệm góp phần làm tốt nhiệm vụ và đảm bảo cho pháp luật được thực thi nghiêm túc, rõ ràng và hiệu quả, vừa đảm bảo cho nguyên tắc tranh tụng được phát huy triệt để. Bên cạnh đó, việc dành phần lớn thời gian chương trình cho hoạt động thực hành nghiệp vụ theo mô hình của Nhật Bản là hoàn toàn hợp lý và đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo nghiệp vụ. Vì ý nghĩa và mục tiêu của công tác đào tạo nghệp vụ là hướng dẫn cho học viên những kỹ năng, phương pháp hành nghề và tạo điều kiện cho học viên trực tiếp thực hành dựa trên nền tảng kiến thức luật đã được học ở trường đại học. Đào tạo nghiệp vụ không có nghĩa là giảng dạy lại lý thuyết cho học viên, cũng không có nghĩa là thực tập sơ sài mang tính chất kiến tập nhiều hơn là trực tiếp thực hành, càng không có nghĩa là người học sử dụng lại những khóa luận, tiểu luận của khóa trước để viết lại thành bài của mình rồi nộp kết quả cho nhà trường mà học viên cần phải viết bằng công việc thực tế thực hiện, bằng chính kinh nghiệm của mình đã học hỏi được trong thời gian thực tập.

Như vậy, mô hình đào tạo Kiểm sát viên mà Việt Nam cần học hỏi và rút kinh nghiệm từ Nhật Bản là ưu tiên hơn nữa việc thực tập thực hành thực tế trên cả 3 vị trí Thẩm phán, Luật sư và Công tố viên của học viên lên trên việc giảng dạy lý thuyết để các học viên trải nghiệm nhiều hơn, rèn luyện kỹ hơn các kỹ năng cần thiết, rèn luyện bản thân và tránh bỡ ngỡ khi trực tiếp làm nhiệm vụ. Tuy nhiên cũng rút kinh nghiệm ở Nhật Bản là thời gian đào tạo để được tuyển chọn bổ nhiệm là Công tố viên còn quá dài, Việt Nam cần xem xét bố trí cho hợp lý nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và hiệu quả.

Thứ ba, để đào tạo được các cán bộ Kiểm sát viên/Công tố viên vững về chuyên môn nghiệp vụ cần phải có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm.  Ở Việt Nam mặc dù thời gian qua trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho các cán bộ, Kiểm sát viên, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Trường Đại học kiểm sát Hà Nội luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, bên cạnh đó Nhà trường cũng mời các chuyên gia đầu ngành Kiểm sát tham gia giảng dạy và báo cáo thực tế. Tuy nhiên trong quá trình học và thực hành diễn án chưa chú trọng đến việc mời các chuyên gia của ngành Tòa án, các Luật sư có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia giảng dạy và hướng dẫn diễn án. Ở Nhật Bản các giảng viên tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành cho các Công tố viên là những chuyên gia đầu ngành Công tố, Tòa án, các Luật sư và các Phó Giáo sư, Tiến sĩ đang giảng dạy ở các Trường Đại học khác có nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành cho các Công tố viên. Đây cũng là điều mà Việt Nam, ngành Kiểm sát cần quan tâm xem xét, vừa tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên cơ hữu đồng thời tham khảo mời các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu tham gia thỉnh giảng vì mục tiêu nâng cao chất lượng, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ Kiểm sát viên thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 48/NQ-TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hà Nội.

2. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Hà Nội.

3. Bộ Tư pháp Việt Nam và UNDP, Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp của năm quốc gia – Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga, Hà Nội.

4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Lê Tấn Phong (2017), Hoàn thiện pháp luật về Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nayHọc viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Điều 76- Điều 82 Hiến pháp Nhật Bản năm 1947.

[2] Điều 14 Luật về cơ quan Công tố Nhật Bản.