QUY ĐỊNH VỀ TRƯỜNG HỢP ĐƯƠNG NHIÊN ĐƯỢC XÓA ÁN TÍCH THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH

TS Lê Văn Công[1]

Ths. Nguyễn Thị Thu Hồng[2]

  1. Quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về trường hợp đương nhiên được xóa án tích

Hiện nay không có định nghĩa lập pháp về án tích, tuy vậy, dưới góc độ của Khoa học Luật Hình sự có thể hiểu án tích là hậu quả pháp lý mà người, pháp nhân thương mại bị kết án phải gánh chịu sau khi chấp hành xong bản án. Trong mối quan hệ với trách nhiệm hình sự thì án tích là một trong những hình thức của trách nhiệm hình sự. Án tích tồn tại trong suốt thời gian người, pháp nhân thương mại bị kết án chấp hành bản án và trong một khoảng thời gian nhất định sau khi chấp hành xong bản án. Từ đây có thể hiểu, xóa án tích có nghĩa là xóa đi hậu quả sau cùng của việc phạm tội. Người, pháp nhân thương mại được xóa án tích coi như người, pháp nhân thương mại đó chưa bị kết án và được cấp giấy chứng nhận. Thời điểm xóa án tích cũng chính là thời điểm chấm dứt trách nhiệm hình sự của người, pháp nhân thương mại phạm tội.

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (2017), quy định gồm các trường hợp không bị coi là có án tích, các trường hợp đương nhiên được xóa án tích; xóa án tích theo quyết định của Tòa án; xóa án tích trong trường hợp đặc biệt và xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong phạm vi bài biết này, tác giả chỉ bàn luận về nội dung liên quan đến trường hợp đương nhiên xóa tích.

Đương nhiên được xóa án tích là trường hợp được công nhận là chưa bị kết án mà không cần được sự xem xét quyết định của Tòa án. Đương nhiên được xóa án tích được quy định tại Điều 70 (đối với cá nhân) và Điều 89 (đối với pháp nhân thương mại) BLHS năm 2015 (2017). Theo đó:

Thứ nhất, đối với cá nhân (người) phạm tội, căn cứ vào quy định tại Điều 70, Điều 73 BLHS năm 2015 (2017) xác định:

– Những người bị Tòa án xử phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn (kể cả trường hợp phạt tù nhưng cho hưởng án treo) được đương nhiên xóa án tích khi hội đủ những điều kiện:

+ Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và XXVI của BLHS năm 2015 (2017).

+ Người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án, đồng thời họ phải chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không phạm tội mới trong khoảng thời hạn: 01 năm trong trường hợp phạt cảnh cáo, phạt tiên, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo; 02 năm trong trường hợp hình phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp hình phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp hình phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng được giảm án.

– Thời điểm để bắt đầu tính thời hạn xoá án tích được tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án. Trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyển công dân mà thời gian phải chấp hành dài hơn thời hạn để được xóa án tích quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 70 thì thời điểm đương nhiên xóa án tích là khi người phạm tội chấp hành xong hình phạt bổ sung.

– Nếu chưa được xoá án tích mà phạm tội mới và bị Tòa án tuyên bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.

Thứ hai, đối với pháp nhân thương mại phạm tội, căn cứ vào Điều 89 BLHS 2015 xác định:

– Thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án trong mọi trường hợp đều là 02 năm, không phân biệt là loại hình phạt chính và mức hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Cũng giống như cá nhân người bị kết án, điều kiện để được xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án là trong thời hạn tính xóa án tích, pháp nhân thương mại không phạm tội mới. Do đó, nếu phạm tội mới bất kể là loại tội phạm gì, bị áp dụng hình phạt chính là gì thì án tích của tội cũ sẽ không được xóa. Điều 89 BLHS năm 2015 (2017) không quy định hậu quả pháp lý trong trường hợp pháp nhân thương mại bị kết án chưa được xóa mà pháp nhân đó lại phạm tội mới. Tuy vậy, căn cứ vào Điều 74 BLHS năm 2015 (2017) về áp dụng quy định của BLHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội xác định, nếu trong thời hạn 2 năm kể từ khi pháp nhân thương mại bị kết án chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại đó phạm tội mới, án tích sẽ được tính lại tương tự như trường hợp đối với cá nhân bị kết án.

– Thời điểm để bắt đầu tính thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án được tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc khi hết thời hiệu thi hành bản án.

Quy định các trường hợp đương nhiên xóa án tích thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với những người, pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội. Nhà nước đương nhiên công nhận và xem những người, pháp nhân thương mại đã bị kết án thực hiện đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về trường hợp đương nhiên được xóa án tích là người, pháp nhân thương mại chưa bị kết án. Người, pháp nhân thương mại được đương nhiên xóa án tích không phải chịu hậu quả pháp lý nào từ bản án kết tội đã xóa án tích trước đây nếu họ thực hiện tội phạm mới. Cơ quan tiến hành tố tụng không được sử dụng bản án đã được xóa án tích để làm căn cứ xác định tội phạm, tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Mặt khác, trên phương diện xã hội thì quy định đương nhiên xóa án tích còn giúp người, pháp nhân thương mại đã bị kết án hòa nhập cộng đồng xã hội.

  1. Một số vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật

Đối với các quy định về xóa án tích nói chung, đương nhiên xóa án tích nói riêng, so với BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì BLHS năm 2015 (2017) đã quy định một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Tuy vậy, trong thực tiễn áp dụng vẫn còn có một vài vấn đề bất cập, vướng mắc hoặc có cách hiểu không thống nhất ở một số điểm nhất định. Cụ thể là:

Thứ nhất, đối với cá nhân (người) phạm tội:

Một là, trong trường hợp người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, đã đủ thời gian được xem là đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 BLHS năm 2015 (2017) nhưng chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự thì có được xác định là đương nhiên xóa án tích không?

Về trường hợp này, hiện nay đã có hướng dẫn nội bộ của ngành Tòa án và ngành Kiểm sát. Tuy nhiên, hai hướng dẫn của hai cơ quan tố tụng lại đối lập nhau. Theo đó, tại mục 7, Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính hướng dẫn: “Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: Người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.

Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự”.

Khác với hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, mục 7 Công văn số 4632/VKSTC-V7 ngày 30/11/2019 về việc trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì “…Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự có được coi là “đã chấp hành xong” các quyết định khác của bản án hình sự hay không hoặc có được coi là đủ điều kiện để đương nhiên xóa án tích theo Điều 70 Bộ luật Hình sự hay không. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 70 BLHS, đương nhiên được xóa án tích không chỉ áp dụng đối với người bị kết án mà còn áp dụng trong trường hợp hết thời hiệu thi hành bản án. Do đó, trường hợp này đã hết thời hiệu để thi hành nên xử lý theo hướng có lợi cho bị án cần được coi là không có tiền án

Sự đối lập trong hướng dẫn của ngành Kiểm sát và ngành Tòa án về việc xác định án tích, xóa án tích trong trường hợp này đã dẫn tới trong thực tiễn các địa phương áp dụng không thống nhất, điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới việc xác định trách nhiệm hình sự, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; gây ra sự không công bằng trong việc áp dụng pháp luật hình sự, thậm chí có nguy cơ dẫn đến oan sai.

Hai là, hiện nay vẫn còn quan điển chưa thống nhất về xác định thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích là kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án hay được tính khi chấp hành xong hết các quyết định ghi trong bản án. Theo đó, có quan điểm tính kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án nhưng cũng có quan điểm tính kể từ khi chấp hành xong tất cả quyết định khác của bản án.

Những người theo quan điểm xác định thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích là kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong tất cả các quyết định ghi trong bản án cho rằng, quy định như tại khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015 (2017) chỉ là cách diễn đạt khác về mặt câu chữ so với quy định tại khoản 2 Điều 64 BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, còn về tư tưởng, bản chất của nội dung điều luật vẫn phải là chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án. Tức là, người bị kết án phải chấp hành xong hết hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.

Tác giả bài viết không đồng tình với quan điểm, lập luận như trên mà đồng tình với quan điểm xác định thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích là kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án. Có thể câu từ, cách diễn đạt như tại khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015 (2017) vẫn gây ra nhầm lẫn, tuy nhiên cần phải hiểu quy định này là: Việc chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của án treo là “điều kiện cần” để một người được xóa án tích, vì khi đó khoảng thời gian được tính để xoá án tích sẽ bắt đầu được tính, và người bị kết án phải không thực hiện hành vi phạm tội mới trong khoảng thời gian này. Bên cạnh đó, người bị kết án đều phải đáp ứng “điều kiện đủ” là việc họ phải chấp hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Khi và chỉ khi người bị kết án chấp hành xong phần “điều kiện đủ” này thì họ mới được xóa án tích, dù cho thời hạn được tính để xóa án tích đã kết thúc từ trước đó[3].

Ba là, về tính thời hạn để xóa án tích theo quy định tại khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015 (2017).

Khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015 (2017)Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành. Hiện nay có hai luồng quan điểm với cách hiểu khác nhau về nội dung điều khoản này.

         Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng, sau khi chấp hành xong bản án mới, thời hạn để tính xóa án tích bao gồm khoảng thời gian để xóa án tích cho bản án cũ cộng với thời gian tính để xóa án tích cho bản án mới, bởi lẽ xóa án tích là xóa đi hậu quả pháp lý đối với người bị kết án theo từng bản án, có nghĩa là ngoài việc phải chịu hình phạt đối với tội mà họ đã phạm, người bị kết án còn bị pháp luật ấn định một khoảng thời gian nhất định để chứng minh họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

         Luồng quan điểm thứ hai thì cho rằng, sau khi chấp hành xong bản án mới, người bị kết án sẽ đồng thời được tính thời gian để xóa án tích cho tất cả các bản án mà họ đã chấp hành trên cơ sở thời hạn của bản án nặng nhất đối với tội mà họ đã phạm.

          Tác giả bài viết đồng tình với luồng quan điểm thứ hai về cách tính thời hạn để xóa án tích. Theo đó, việc tính thời hạn xóa án tích trong trường hợp trên phải theo hướng có lợi cho người bị kết án, có nghĩa là sau khi chấp hành xong bản án mới, người bị kết án sẽ đồng thời được tính thời gian để xóa án tích cho tất cả các bản án mà họ đã chấp hành trên cơ sở thời hạn của bản án nặng nhất đối với tội mà họ đã phạm. Khác với hình phạt, thời hạn xóa án tích quy định tại Điều 73 BLHS năm 2015 không được tổng hơp như tổng hợp hình phạt, do đó, cần phải cho người bị kết án đồng thời được tính thời gian để xóa án tích cho tất cả các bản án mà họ đã chấp hành trên cơ sở thời hạn của bản án nặng nhất đối với tội mà họ đã phạm.

Thứ hai, đối với pháp nhân thương mại phạm tội[4]:

Trong quy định về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án tại Điều 89 BLHS năm 2015 (2017) không quy định hậu quả pháp lý trong trường hợp pháp nhân thương mại bị kết án chưa được xóa án tích mà pháp nhân đó lại phạm tội mới. Tuy vậy, về áp dụng quy định của BLHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội tại Điều 74 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Do đó, nếu trong thời hạn 2 năm kể từ khi pháp nhân thương mại bị kết án chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại đó phạm tội mới, án tích sẽ được tính lại theo quy định tại khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015 (2017) như đã đề cập ở trên.

Tuy nhiên, về thời hạn tính xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án sẽ được tính lại kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính của bản án mới theo quy định tại khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015 (2017) hay tính lại kể từ khi chấp hành xong bản án mới (đây là cách tính thời hạn xóa án tích dành riêng cho pháp nhân thương mại bị kết án) cần có văn bản hướng dẫn thống nhất. Vì cách tính thời hạn xóa án tích của pháp nhân thương mại bị kết án và người bị kết án có sự khác nhau, thời điểm bắt đầu tính thời hạn xóa án tích cũng khác nhau nên sẽ rất khó áp dụng quy định tại Điều 74 BLHS năm 2015 (2017) (Phần quy định chung) về xóa án tích mà không trái với quy định xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án.

Ngoài ra, Điều 89 BLHS chỉ quy định thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án là 02 năm mà không phụ thuộc vào hình phạt chính được áp dụng. Hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại gồm 03 loại được quy định tại Điều 33 BLHS, trong đó hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại. Đối với pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt chính là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì không tính thời hạn xóa án tích vì trường hợp này giống như trường hợp cá nhân người phạm tội bị kết án tử hình nhưng không được giảm án. Tuy vậy, nếu pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn về toàn bộ hoạt động thì vấn đề xóa án tích không đặt ra đối với pháp nhân thương mại là hợp lý vì pháp nhân thương mại không còn tồn tại nữa. Nhưng trường hợp pháp nhân thương mại hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn về một lĩnh vực, vấn đề xóa án tích được áp dụng sẽ gặp khó khăn và thời hạn áp dụng cho pháp nhân thương mại đó được tính thế nào. Mặt khác, khi pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt liên quan đến chấm dứt hoạt động kéo theo hậu quả pháp lý về quyền lợi của người lao động, của chủ nợ, các đối tác đang có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với pháp nhân, đây cũng là vấn đề chưa được đề cập đến trong các văn bản pháp luật hiện nay.

  1. Kiến nghị

Qua nghiên cứu và xác định một số vấn đề bất cập, vướng mắc hoặc chưa thống nhất về cách hiểu trong quy định của BLHS về trường hợp đương nhiên xóa án tích như trên, tác giả có một số kiến nghị nhằm hoàn thiện, khắc phục như sau:

Một là, liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất các vấn đề sau:

– Về trường hợp người, pháp nhân bị kết án không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Cần hướng dẫn cụ thể về vấn đề này theo hướng: Trường hợp người bị kết án chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự thì vẫn được coi là đương nhiên xóa án tích.

– Về xác định thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích. Cần hướng dẫn cụ thể về vấn đề này theo hướng:

+ Đối với cá nhân người bị kết án:  Thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích là kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án; còn hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, tuy nhiên phải trước ngày nguời phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mới”.

+ Đối với pháp nhân thương mại bị kết án chưa xóa án tích mà phạm tội mới và bị kết án: Thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ được tính lại kể từ khi chấp hành xong bản án mới.

– Về tính thời hạn để xóa án tích. Cần hướng dẫn cụ thể về vấn đề này theo hướng: Sau khi chấp hành xong bản án mới, người bị kết án sẽ đồng thời được tính thời gian để xóa án tích cho tất cả các bản án mà họ đã chấp hành trên cơ sở thời hạn của bản án nặng nhất đối với tội mà họ đã phạm.

Hai là, sửa đổi quy định về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại quy định tại Điều 89 BLHS năm 2015 (2017).

Như đã đề cập ở trên, Điều 89 BLHS quy định thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân phạm tội là 2 năm và không phụ thuộc vào hình phạt chính áp dụng. Tuy nhiên, theo quy định của BLHS, hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm 3 loại hình phạt: Phạt tiền (Điều 77), đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78) và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79). Hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân, có nghĩa là loại hình phạt không cho phép pháp nhân tiếp tục tồn tại để hoạt động. Do đó, tại Điều 89 BLHS năm 2015 (2017) quy định về tính thời hạn xóa án tích khi pháp nhân thương mại chấp hành xong hình phạt chính nhưng không loại trừ trường hợp pháp nhân thương mại bị áp dụng loại hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là không hợp lý.

Do đó, cần sửa đổi quy định về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại tại Điều 89 BLHS năm 2015 (2017) như sau: “Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn; hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp không thực hiện hành vi phạm tội mới”./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. TS Lê Văn Công – TS Vũ Văn Tư (2023), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Luật Hình sự Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb Công an nhân dân.
  2. Quốc hội (2009), Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  3. Quốc hội (2017), Bộ luật Hình sự năm năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  4. Tòa án nhân dân tối cao (2019), Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính, Hà Nội.
  5. Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2019), Công văn số 4632/VKSTC-V7 ngày 30/11/2019 về việc trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hà Nội
  6. Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2019), Giáo trình luật hình sự Việt Nam phần chung, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  7. https://tapchitoaan.vn/an-tich-va-duong-nhien-duoc-xoa-an-tich7638.html (Án tích và đương nhiên được xóa án tích, truy cập ngày 06/11/2023)

[1] Trung tá, Phó Trưởng khoa, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II, Bộ Công an.

[2] Giảng viên, khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Án tích và đương nhiên được xóa án tích (tapchitoaan.vn)

[4] TS Lê Văn Công – TS Vũ Văn Tư (2023), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Luật Hình sự Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb Công an nhân dân.

Nguồn từ Tạp chí Kiểm sát số 03 năm 2024