Tài liệu tham luận Hội thảo Hội thảo “Cải cách hệ thống tư pháp hình sự – Kinh nghiệm Nhật Bản” – Cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trong quá trình giải quyết vụ việc

PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát phụ trách Phân hiệu tại TP.HCM

1. Nhận thức chung về vật chứng, tài sản bị tạm giữ, bị kê biên, bị phong tỏa tài khoản theo quy định của tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc hình sự

– Theo quy định của Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) thì vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Vật chứng được xác định là một trong bẩy nguồn chứng cứ quy định tại Điều 87 BLTTHS

Như vậy có thể hiểu vật chứng gồm những tài sản có giá trị, nhưng có thể không có giá trị. Về hình thức vật chứng là dạng vật chất được thể dưới dạng hữu hình là tài liệu, đồ vật nhưng cũng có thể được thể hiện dưới dạng vô hình như dữ liệu điện tử, nhưng dù ở dạng nào thì đều có giá trị chứng minh tội phạm, giải quyết vụ án. Về nguồn gốc hình thành do các cơ quan có thẩm quyền tố tụng chủ động thu giữ hoặc thu giữ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dưới dạng tài liệu, đồ vật này có đặc điểm quy định tại Điều 89 của BLTTHS. Khi thu giữ vật chứng, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đảm bảo nguyên tắc thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì được chụp ảnh, ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Khi thu giữ vật chứng sẽ được niêm phong, bảo quản. Theo quy định tại Điều 494 BLTTHS thì tài liệu, đồ vật thu thập được qua hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu thập theo ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc tài liệu, đồ vật do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gửi đến Việt Nam để ủy thác truy cứu trách nhiệm hình sự cũng là vật chứng nếu thỏa mãn thuộc tính của chứng cứ Điều 89 BLTTHS và được sử dụng để giải quyết vụ việc, vụ án.

Theo quy định tại Điều 107 BLTTHS trường hợp vật chứng là phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử thì cũng phải thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định như đối với vật chứng là tài liệu, đồ vật hữu hình. Nếu không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử đã sao lưu.

Việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn liên quan tham gia. Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng khác. Khi thu giữ các phương tiện điện tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan. Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử. Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được.

Hiện tại BLTTHS quy định việc bảo quản phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng thông thường và khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử.

Vật chứng có thể được chuyển giao từ cơ quan có thẩm quyền điều tra đến Viện kiểm sát và tiếp tục chuyển giao đến Tòa án kèm theo hồ sơ vụ việc, vụ án nhưng cũng có thể chuyển đến cơ quan thi hành án khi vụ án được kết thúc điều tra. Tuy theo từng giai đoạn tố tụng nếu có căn cứ thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có quyền xử lý vật chứng.

– Theo quy định của Điều 198 BLTTHS thì tài sản sẽ bị tạm giữ khi nó là vật chứng hoặc tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án (không phải là vật chứng) mà qua khám xét Điều tra viên (ĐTV) thấy cần thiết phải tạm giữ để phục vụ hoạt động điều tra, giải quyết vụ án hoặc thi hành án. Việc tạm giữ tài sản khi tiến hành khám xét được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 BLTTHS. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản, trong đó một bản giao cho người chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản giao cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý tài sản bị tạm giữ.

– Kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản là hai biện pháp cưỡng chế được quy định tại Điều 126 BLTTHS do cơ quan người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong đó, kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với tài sản của bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên có thể là vật chứng nhưng cũng có thể không phải là vật chứng nhưng phải có giá trị. Khi thực hiện kê biên, cơ quan và người có thẩm quyền chỉ được phép kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo; đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên; người chứng kiến.

Người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 178 BLTTHS, đọc cho những người có mặt nghe và cùng ký tên. Ý kiến, khiếu nại nếu có liên quan đến việc kê biên được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.

Việc kê biên tài sản cũng có thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 437 BLTTHS. Tương tự như thể nhân khi kê biên cũng chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho người đứng đầu pháp nhân có trách nhiệm bảo quản; nếu để xảy ra việc tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì người này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Khi kê biên tài sản của pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi pháp nhân có tài sản bị kê biên; người chứng kiến.

– Đối với việc phong tỏa tài khoản là việc ngừng giao dịch tài khoản tại tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước theo quy định của BLTTHS được áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội. Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Ngay sau khi nhận được lệnh phong tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc phong tỏa tài khoản.

Phong tỏa tài khỏan cũng được áp dụng đối với pháp nhân thương mại khi pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Ngoài ra, phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ xác định số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân và cũng chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.

2. Cơ chế xử lý vật chứng tài sản bị tạm giữ, bị kê biên, bị phong tỏa tài khoản theo quy định của pháp luật

2.1. Cơ chế xử lý vật chứng bao gồm cả những vật chứng bị tạm giữ theo quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự

– Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một trong những biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 (được sửa đổi bổ sung từ Điều 41 BLHS 1999) thường được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng khi giải quyết các vụ án, có nội dung thể hiện:

+ Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với ba trường hợp là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

+ Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

+ Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

– Điều 48 BLHS 2015 (được sửa đổi bổ sung từ Điều 42 BLHS 1999) cũng là một biện pháp tư pháp khác quy định việc người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp cũng là một quy định khác liên quan đến vật chứng của vụ án được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng khi giải quyết các vụ án

Như vậy, với các biện pháp tư pháp hiện đang được quy định trong BLHS 2015, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không thể áp dụng để xử lý vật chứng là các loài động vật hoang dã (ĐVHD) còn sống bằng hình thức thả trở lại môi trường tự nhiên hoặc giao cho trung tâm cứu hộ động vật hoang dã để phù hợp với quy định của Công ước CITES và các quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 vì BLHS 2015 hiện chưa có quy định về biện pháp tư pháp “thả trở lại môi trường tự nhiên hoặc giao cho trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trường hợp thu giữ được các loài động vật này khi giải quyết vụ án hình sự”. Để tháo gỡ vướng mắc này Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 05/11/2018 (Nghị quyết 05 của HĐTP) đã hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 7 như sau: Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật

Khoản 1 Điều 90 BLTTHS quy định Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Việc bảo quản vật chứng được thực hiện như sau:

+ Vật chứng cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay sau khi thu thập. Việc niêm phong, mở niêm phong được lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng được thực hiện theo quy định của Chính phủ;

+ Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác. Nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì tiến hành niêm phong theo quy định tại điểm a khoản này; vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người được bảo quản tại cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật;

+ Vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng bảo quản;

+ Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi quyền hạn của mình quyết định bán theo quy định của pháp luật và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại Kho bạc Nhà nước để quản lý;

+ Vật chứng đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

Khoản 2 Điều 90 BLTTHS quy định người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với quy định này thì sẽ khó áp dụng nếu vật chứng là ĐVHD vì ĐVHD luôn phải gắn với tự nhiện với khoảng không gian rộng, tốn kém nhân lực, vật lực trong việc quản lý nên trong một số trường hợp do điều kiện trang thiết bị, kỹ thuật bảo quản có hạn mặc dù đã làm hết khả năng nhưng một số vật chứng là ĐVHD vẫn bị yếu, chết, thậm chí không còn kiểm soát được nhưng chưa có chế định rõ ràng để miễn trách nhiệm cho người quản lý trong những trường hợp này nên các cơ quan được giao quản lý rất ngại thực hiện công việc, cá biệt có những trường hợp đùn đẩy trách nhiệm trong việc quản lý loại vật chứng này. Hoặc vật chứng là dữ liệu điện tử mà áp dụng bảo quản như vật chứng thông thường là không hợp lý mà còn rất nhiều cách thức lưu trữ bảo quản khác chưa được quy định trong BLTTHS

Về trình tự, thủ tục giải quyết vật chứng trong đó có cả các vật chứng được quy định tại các Điều 105, Điều 106 BLTTHS trong đó:

Điều 105 BLTTHS việc thu thập, bảo quản vật chứng quy định vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.

Điều 106 BLTTHS việc xử lý vật chứng quy định:

+ Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

+ Vật chứng được xử lý với ba trường hợp là:

Thứ nhất, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

Thứ hai, vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

Thứ ba, vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

+ Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền  the quy định có quyền xử lý vật chứng dưới bốn hình thức là :

Thứ nhất, trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

Thứ hai, trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

Thứ ba, vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

Thứ tư, vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2.2. Xử lý tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa

Theo quy định định tại Điều 130 BLTTHS thì biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; bị cáo được Tòa án tuyên không có tội; bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án là chủ thể có thẩm quyền hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi thấy không còn cần thiết tuy theo từng giai đoạn của tố tụng hình sự. Đối với biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong giai đoạn điều tra, truy tố thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải thông báo cho Viện kiểm sát trước khi quyết định.

2.3. Cơ chế xử lý thí điểm đối với vật chứng, tài sản bị tạm giữ, tài sản bị kê biên, tài khỏa bị phong tỏa

Ngày 28 tháng 11 năm 2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết số 164/2024/QH15 thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Ngay sau đó, VKSND tối cao đã khẩn trương phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành TTLT số 01/2025/TTLT-VKSNDTC BCA-TANDTC-BQP ngày 26/02/2025 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, có hiệu lực từ ngày 01/3/2025.

Nghị quyết xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo

Điều 3 Nghị quyết quy định 05 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm: (1) Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; (2) Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; (3) Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; (4) Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; (5) Đối với biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản

Đối với các biện pháp xử lý nêu trên Nghị quyết quy định nhất quán, xuyên suốt, chỉ áp dụng khi có đủ 05 điều kiện sau đây (thiếu 01 điều kiện thì không được áp dụng), đó là:

+ Chỉ quy định thí điểm xử lý đối với một số vật chứng, tài sản nhất định, gồm tiền, bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để không áp dụng tùy tiện, tràn lan, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ.

+ Quy định rõ việc áp dụng các biện pháp này do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định nhưng phải trên cơ sở sự đồng ý, chủ động đề nghị của những người có liên quan (bị hại hoặc người đại diện của họ; bị can, bị cáo hoặc người khác là chủ sở hữu của vật chứng, tài sản; người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan; chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp vật chứng, tài sản), có sự đồng thuận, không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, bồi thường.

+ Quy định rõ trước khi ra quyết định áp dụng, cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định tư pháp, yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật đối với vật chứng, tài sản để xác định giá của vật chứng, tài sản, bảo đảm chứng cứ chứng minh việc giải quyết và bảo đảm thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ việc, vụ án, không để xảy ra trường hợp thất thoát giá trị của tài sản trong xử lý.

+ Việc áp dụng các biện pháp này phải có sự thống nhất của các CQTHTT trong mọi giai đoạn trước khi quyết định áp dụng, bảo đảm chặt chẽ, kiểm soát, tránh vi phạm.

+ Bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ việc, vụ án, vụ việc.

Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản chỉ được áp dụng khi có đầy đủ 05 điều kiện nêu trên, thiếu một trong các điều kiện này thì không được áp dụng. Tuy nhiên, để tránh việc tài sản bị đóng băng sau khi thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, cơ quan tiến hành tố tụng không “chờ” các điều kiện mà sẽ chủ động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu để xác định căn cứ, điều kiện áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản từ sớm và thông báo cho người có liên quan để họ có văn bản đề nghị (được quy định từ Điều 4 đến Điều 8 TTLT số 01/2025).

Với ý nghĩa là biện pháp hỗ trợ từ sớm khi kiểm tra, xác minh, khi có đủ căn cứ, điều kiện thì áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo BLTTHS. Việc áp dụng biện pháp này sẽ ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan vụ việc, vụ án, không làm mất đi quyền sỡ hữu, quản lý, sử dụng tài sản, do vậy, đây không phải là một biện pháp cưỡng chế độc lập. Chỉ áp dụng biện pháp này khi có căn cứ cho rằng cần phải ngăn chặn việc người bị buộc tội hoặc cá nhân, tổ chức khác có hành vi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, tẩu tán, hủy hoại tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án để bảo đảm việc xử lý, giải quyết.

Các biện pháp nêu trên được quy định cụ thể như sau:

(1) Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý nếu theo quy định của pháp luật hiện hành nếu vật chứng, tài sản là số tiền đã bị thu giữ, tạm giữ, phong tỏa hầu như không được lưu thông phục vụ các hoạt động kinh tế trong suốt quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự[1]. Do vậy Nghị quyết đã quy định giúp áp dụng pháp luật linh hoạt hơn theo hướng: khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ trả lại tiền cho bị hại, bị hại được nhận lại tiền bồi thường sớm hơn (không phải đợi đến khi có bản án, quyết định của Tòa án) hoặc chuyển số tiền đã thu giữ, tạm giữ vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại các ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (để bảo đảm phát sinh lợi tức, không bị ngưng trệ) hoặc cho chủ sở hữu tài khoản đó được chuyển đổi thành tài khoản tiền gửi tiết kiệm có thời hạn đối với tiền trong tài khoản đang bị phong tỏa, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm này để chờ xử lý, để tiền phát sinh lãi và được sử dụng để khắc phục hậu quả cho vụ án, hạn chế thấp nhất thiệt hại tội phạm gây ra; bảo đảm quyền lợi của bị can, bị cáo; tránh lãng phí và hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền tài sản của tổ chức, cá nhân.

Để áp dụng được biện pháp này, trước hết, bị hại và chủ sở hữu của số tiền (có thể là bị can, bị cáo hoặc người khác) đồng thời phải có văn bản đề nghị được trả lại số tiền bị thiệt hại cho các bị hại hoặc đại diện của bị hại. Trên cơ sở đó, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định chủ sở hữu đối với số tiền; xác định bị hại, tổng thiệt hại và số tiền bị thiệt hại đối với từng bị hại và họp thống nhất, xem xét việc áp dụng biện pháp. TTLT số 01/2025 cũng đã hướng dẫn cách xác định số tiền trả lại cho bị hại trong một số trường hợp[2]; trách nhiệm giao gửi quyết định áp dụng hoặc văn bản thông báo không áp dụng biện pháp và trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng. Trường hợp không đáp ứng điều kiện trả lại tiền cho bị hại, nếu chủ sở hữu có văn bản đề nghị gửi tiền vào Ngân hàng hoặc chuyển đổi thành tài khoản tiền gửi có kỳ hạn theo mẫu quy định thì cơ quan tiến hành tố tụng họp thống nhất việc áp dụng biện pháp gửi tiền vào Ngân hàng để chờ xử lý.

(2) Biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa cho thí điểm việc người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan được nộp tiền bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án để cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi có đủ điều kiện, từ đó, đưa vật chứng, tài sản vào lưu thông trên thị trường, tiếp tục được khai thác, sử dụng, khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Sau khi người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nộp tiền, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định hủy các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã áp dụng.

Để áp dụng được biện pháp này, người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan cần có văn bản đề nghị theo mẫu gửi cơ quan tiến hành tố tụng cho họ nộp tiền bảo đảm để nhận lại tài sản, vật chứng, trong đó, phải cam kết chịu trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản; không được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, hủy hoại, cố ý gây thiệt hại vật chứng, tài sản đó. Trên cơ sở đó, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của họ và việc tranh chấp đối với vật chứng, tài sản; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, xác định giá trị tài sản phù hợp với thời điểm xử lý; xác định mức tiền nộp bảo đảm không thấp hơn giá của tài sản, vật chứng theo kết luận định giá tài sản. Sau khi đủ điều kiện nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ họp thống nhất, xem xét quyết định áp dụng biện pháp. Tiền nộp bảo đảm sẽ xử lý theo hướng trả lại cho bị hại hoặc gửi vào Ngân hàng để chờ xử lý theo quy định của Nghị quyết. Trong quá trình áp dụng biện pháp, cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định áp dụng biện pháp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ theo dõi vật chứng, tài sản.

(3) Biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng đối với vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nếu không tiếp tục được lưu thông trên thị trường, không tiếp tục được khai thác, sử dụng thì sẽ bị giảm hoặc mất giá trị, đặc biệt đối với những vật chứng, tài sản là chứng khoán, theo thời gian, giá trị của chứng khoán có thể sẽ tăng lên, giảm xuống hoặc thậm chí không còn giá trị theo diễn biến thị trường, dẫn đến có thể gây thiệt hại cho chủ sở hữu, ảnh hưởng đến quyền tài sản của họ và các cổ đông khác. Do vậy, để nhanh chóng khắc phục hậu quả và bảo đảm thi hành án, Nghị quyết cho thí điểm việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản khi có đủ điều kiện. Sau khi tổ chức, cá nhân là bên nhận chuyển nhượng chuyển tiền thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định hủy các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã áp dụng.

Để áp dụng được biện pháp này, người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan cần có văn bản đề nghị theo mẫu gửi cơ quan tiến hành tố tụng cho phép họ bán, chuyển nhượng; trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung thì phải được sự thống nhất đề nghị của tất cả các chủ sở hữu hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp đề nghị. Trên cơ sở đó, cơ quan tiến hành tố tụng xác định quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của họ, việc tranh chấp đối với vật chứng, tài sản và việc mua bán, chuyển nhượng hợp pháp đối với vật chứng, tài sản; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, xác định giá trị tài sản phù hợp với thời điểm xử lý. Sau khi đủ điều kiện nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ họp thống nhất, xem xét quyết định áp dụng biện pháp.

(4) Biện pháp giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng. Sở dĩ Nghị quyết quy định biện pháp này là để thuận lợi trong công tác bảo quản vật chứng, tài sản và bảo đảm xử lý vụ án, thi hành án, đồng thời bảo đảm quyền lợi của chủ tài sản, tránh lãng phí, tiếp tục đưa vật chứng, tài sản vào lưu thông, khai thác, sử dụng, Nghị quyết cho thí điểm việc giao vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc người khác quản lý, khai thác, sử dụng theo đề nghị của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng khi có sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Để áp dụng được biện pháp này, chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp cần có văn bản đề nghị theo mẫu gửi cơ quan tiến hành tố tụng giao cho họ hoặc tổ chức, cá nhân khác quản lý, khai thác, sử dụng vật chứng, tài sản, trong đó, phải có nội dung cam kết chịu trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản về việc không mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, hủy hoại, cố ý gây thiệt hại vật chứng, tài sản. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp không có điều kiện quản lý, khai thác, sử dụng và không tìm được tổ chức, cá nhân khác quản lý, khai thác, sử dụng thì cần có văn bản đề nghị theo mẫu gửi cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để quản lý, khai thác, sử dụng vật chứng, tài sản đó, ngoài ra, tổ chức, cá nhân được chỉ định phải có cam kết bằng văn bản theo quy định. Trên cơ sở đó, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định quyền sở hữu, quản lý hợp pháp đối với vật chứng, tài sản; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, xác định giá trị tài sản phù hợp với thời điểm xử lý. Sau khi đủ điều kiện nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ họp thống nhất, xem xét quyết định áp dụng biện pháp. Trong quá trình áp dụng biện pháp, cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định áp dụng biện pháp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ thường xuyên rà soát căn cứ, điều kiện áp dụng, kiểm tra tình hình thực tế việc quản lý, khai thác, sử dụng vật chứng, tài sản

(5) Biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản đã quy định rõ điều kiện chỉ áp dụng biện pháp này khi có căn cứ cho rằng cần phải ngăn chặn việc người bị buộc tội hoặc cá nhân, tổ chức khác có hành vi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, tẩu tán, hủy hoại tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án để bảo đảm việc xử lý, giải quyết. Về thời hạn, chỉ áp dụng biện pháp này trong thời hạn không quá 02 tháng kể từ ngày ra quyết định áp dụng. Theo đó, trong thời hạn không quá 02 tháng, kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng giao Để bảo đảm chặt chẽ, theo hướng: Việc áp dụng biện pháp này phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trong mọi giai đoạn trước khi quyết định áp dụng, cuộc họp phải được lập biên bản có chữ ký của đại diện các cơ quan tham gia.

Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện hiệu quả các biện pháp xử lý, Nghị quyết quy định rõ về: việc xử lý lợi tức phát sinh; thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định áp dụng, hủy bỏ các biện pháp; việc ghi biện pháp xử lý trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án, quyết định của Tòa án; quy định trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát của Viện kiểm sát; việc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm bồi thường. Quy định VKSND có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

3. Một số kiến nghị, đề xuất

– Bổ sung biện pháp tư pháp quy định tại Điều 47 BLHS 2015 đó là: “trả về nơi cư trú tự nhiên hoặc giao cho các cơ sở bảo tồn thiên nhiên” đối với vật chứng là động vật hoang dã thuộc nhóm IB hoặc phụ lục I của công ước CITES. Khi bắt giữ các cá thể động vật hoang dã còn sống, tùy từng trường hợp các cơ quan Điều tra, VKS, Tòa án quyết định xử lý vật chứng trong bằng hình thức cứu hộ, tái thả về nơi cư trú tự nhiên hoặc tiêu huỷ các cá thể, bộ phận động vật hoang dã mang bệnh, không có giá trị sử dụng.

– Bổ sung một số biện pháp tạm giữ, bảo quản dữ liệu điện tử phù hợp với đặc tính nguồn chứng cứ này và phù hợp với thực tiễn như việc sử dụng giá trị “Hàm Băm” khi thu giữ để kiểm tra, xác định tính nguyên vẹn của dữ liệu điện tử trong suốt quá trình tố tụng; có thể lưu giữ dữ liệu điện tử thông qua điện toán đám mây; thông qua các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện…

– Cần có những biện pháp tổ chức thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 164/2024/QH15 thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự và TTLT số 01/2025, mặt khác sau một thời gian thực hiện việc tổng kết, đánh giá nếu khắc phục được những hạn chế của cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tòa thì sửa đổi, bổ sung quy định của BLTTHS để có thể áp dụng đối với mọi vụ việc, vụ án hình sự

[1] Chỉ được trả lại trong trường hợp không phải là vật chứng cho chủ sở hữu/ người quản lý hợp pháp tài sản đó hoặc là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án (điểm a, b khoản 3 Điều 106 BLTTHS).

[2] Như: số tiền xem xét trả lại tiền cho bị hại lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn tổng số tiền thiệt hại của các bị hại; tiền thu giữ, tạm giữ, phong tỏa là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực; đến giai đoạn xét xử Tòa án xác định số tiền đã trả cho bị hại không đúng với thiệt hại thực tế mà bị hại đó đã được nhận (Điều 4 TTLT số 01/2025).