Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông – Một số nguyên nhân, kiến nghị và giải pháp phòng ngừa.
ThS. GVC. Võ Ngọc Khánh Linh
Khoa Tội phạm học – Điều tra tội phạm
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn được biết đến là Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, mạng internet, trí tuệ nhân tạo (AI)… tại Việt Nam và các nước trên thế giới. Mặc dù sự phát triển của công nghệ đem lại nhiều lợi ích và thay đổi cho cuộc sống, nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều rủi ro và thách thức.
Cùng với cuộc cách mạng này, một loại hình tội phạm mới xuất hiện, đó là tội phạm sử dụng công nghệ cao. Loại tội phạm này ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, không chỉ xâm phạm đến trật tự an ninh, an toàn thông tin, gây tổn thất thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân mà còn đe dọa đến an ninh, trật tự xã hội và an ninh mạng của các quốc gia trên thế giới. Tìm hiểu về tội phạm sử dụng công nghệ cao là yêu cầu cấp thiết để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm, bảo vệ quyền lợi và sự an toàn về dữ liệu cá nhân của người dùng.
1. Nhận thức chung về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và một số thuật ngữ có liên quan
Hiện nay, luật pháp của nhiều nước trên thế giới có đưa ra khái niệm liên quan đến loại tội phạm sử dụng công nghệ cao như sau:
– Theo BLHS năm 1995 của Australia và Phần 10.7 của Luật Thịnh vượng chung (Commonwealth legislatim – Part 10.7 Computer Offences) thì tội phạm công nghệ cao được hiểu là “Sự xâm nhập máy tính một cách trái phép, sự sửa đổi trái phép dữ liệu bao gồm việc phá hủy dữ liệu, tấn công từ chối dịch vụ (DOS); tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDOS); có sử dụng botrets tạo ra và phân phối phần mềm độc hại”.
– Theo từ điển Luật học Black’s law, tội phạm máy tính (Computer crimnal) được hiểu là “Tội phạm đòi hỏi kiến thức về công nghệ máy tính chẳng hạn như phá hoại hoặc ăn cắp dữ liệu máy tính hay sử dụng máy tính để thực hiện tội phạm”.
– Tại cuộc họp lần thứ 10 ngày 27/10/2000 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức tại Thành phố Viên (Thủ đô nước Áo) có hội thảo và bàn về ngăn chặn, xử lý tội phạm công nghệ cao đã đưa ra khái niệm tội phạm này theo hai hướng:
+ Tội phạm công nghệ thông tin theo nghĩa hẹp là “những tội phạm có hành vi sử dụng máy tính cũng như mạng lưới Internet để xâm phạm đến an toàn của hệ thống máy tính và các dữ liệu lưu trữ của hệ thống đó, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dùng được gọi là tội phạm công nghệ cao”;
+ Tội phạm công nghệ thông tin được hiểu theo nghĩa rộng là “những tội phạm có hành vi sử dụng máy tính cũng như sử dụng các phương thức khác có liên quan đến máy tính, mạng máy tính để thực hiện các hành vi lừa đảo, trốn thuế, mạo danh gây ra những mối đe dọa, làm sai lệch thông tin ảnh hưởng đến người dùng được gọi là tội phạm công nghệ cao”.
Ngoài ra, theo Công ước của Hội đồng châu Âu về Tội phạm mạng (Công ước Budapest) năm 2001: Tội phạm mạng còn được hiểu là những hành vi truy cập, cản trở bất hợp pháp việc truyền tải dữ liệu máy tính, can thiệp trái phép dữ liệu, sử dụng trái phép thiết bị, giả mạo, lừa đảo liên quan đến máy tính, vi phạm liên quan đến hình ảnh, khiêu dâm trẻ em, vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan qua hệ thống máy tính,…[1]
Theo khoa học Luật hình sự, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), mạng viễn thông còn có tên gọi khác như: Tội phạm máy tính, tội phạm ảo, tội phạm không gian ảo, tin tặc, tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, cho đến nay không có khái niệm thống nhất về loại tội phạm này. Ở nước ta, tội phạm trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông mặc dù đã được quy định lần đầu tiên trong BLHS năm 1999 và tiếp tục được quy định trong BLHS năm 2015 nhưng cả hai Bộ luật này đều không đưa ra khái niệm về loại tội phạm này.
Khoản 1 Điều 3 Luật Công nghệ cao năm 2008 quy định : “Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất dịch vụ hiện có”.
Theo từ điển Bách khoa Công an nhân dân: “Tội phạm công nghệ cao là loại tội phạm có sử dụng những thành tựu mới của khoa học – kỹ thuật và công nghệ hiện đại làm công cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội một cách cố ý hay vô ý gây nguy hiểm cho xã hội”.[2]
Nghị định số 25/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ đã ban hành quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao và đã quy định: “Trong Nghị định này, công nghệ cao bao gồm công nghệ thông tin và viễn thông” (khoản 2 Điều 1),“Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự có sử dụng công nghệ cao” (khoản 1 Điều 3).
Như vậy, có thể hiểu: Tội phạm trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông là tội phạm sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ ở trình độ cao và được thực hiện trên không gian mạng nhằm tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Từ những nhận định trên, kết hợp với quy định về tội phạm của Điều 8 BLHS, có thể hiểu: “Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện bằng việc cố ý sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số, xâm hại đến trật tự an toàn thông tin, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”[3].
- Quy định của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông
Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông bắt đầu phát sinh ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế nhưng luôn phát triển theo chiều hướng gia tăng cả về số lượng tội phạm và số lượng người phạm tội với tính chất mức độ càng ngày càng tinh vi hơn. Bộ luật hình sự năm 1999 lần đầu tiên quy định một số hành vi sử dụng công nghệ cao là tội phạm tại 03 điều luật (Điều 224 – Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi rút tin học; Điều 225 – Tội vi phạm quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử; Điều 226 – Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính).
Sau 10 năm thi hành Bộ luật Hình sự cho thấy, việc quy định các hành vi phạm tội trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông tại 03 điều luật nói trên không thể điều chỉnh hết các quan hệ xã hội mới phát sinh bị xâm phạm trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XXI đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 vào ngày 19/6/2009 trong đó, sửa đổi cả 03 điều luật là Điều 224, 225, 226 và bổ sung 02 điều luật mới là: Điều 226a và Điều 226b về các tội phạm trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông. Theo đó BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 gồm có 05 điều luật về tội phạm trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông sau đây: Điều 224 – Tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số; Điều 225 – Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số; Điều 226 – Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; Điều 226a – Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác; Điều 226b – Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có nhiều điều luật quy định về tội phạm có sử dụng công nghệ cao, trong đó có thể chia thành các nhóm: nhóm các điều luật quy định trực tiếp các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông; nhóm các điều luật quy định cụ thể sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông là tình tiết định tội, định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự và nhóm khác (các điều luật không quy định cụ thể sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông nhưng có thể xảy ra trong các tội phạm) cụ thể là: (i) Nhóm các điều luật quy định các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông: bao gồm 9 Điều, từ Điều 285 đến Điều 294 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ Điều 292 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông); (ii) Nhóm các điều luật quy định sử dụng công nghệ cao là tình tiết định tội, định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Điểm e khoản 2 Điều 155 (Tội làm nhục người khác), Điểm e khoản 2 Điều 156 (Tội vu khống), Điểm c khoản 2 Điều 321 (Tội đánh bạc), Điểm c khoản 2 Điều 326 (Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy), Điều 344 (Tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản).
3. Tình hình tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông xảy ra ở Việt Nam
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, viễn thông, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông ở Việt Nam cũng đang diễn biến phức tạp. Số các vụ án mà đối tượng lợi dụng mạng internet, mạng viễn thông để thực hiện hành vi tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng nhiều và tinh vi, đặc biệt có sự liên kết giữa tội phạm trong và ngoài nước.
Các hình thức phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông phổ biến như: tin tặc, lừa đảo trực tuyến, tấn công mạng, phần mềm độc hại, tội phạm liên quan đến tiền điện tử, tội phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân và nhiều hình thức tội phạm khác không chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị mà còn gây tổn hại đến kinh tế, thương mại và xã hội, và nó đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.
Theo thống kê của Cục thống kế tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong giai đoạn 2018 – 2023, trên cả nước Cơ quan điều tra đã khởi tố 4.167 vụ/1.302 bị can, Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 499 vụ/1.036 bị can, Tòa án nhân dân xét xử 471 vụ/879 bị can (xem Bảng 2.1). Diễn biến các vụ khởi tố, truy tố và xét xử tăng lên hàng năm, trong đó tăng mạnh trong giai đoạn 2021 – 2023. Nếu lấy năm 2018 làm mốc để so sánh sự gia tăng của tình hình tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được khởi tố thì các năm tiếp theo sự gia tăng so với năm 2018 lần lượt là: năm 2019 tăng 52,15%, năm 2020 tăng 132,52%, năm 2021 tăng 212,88%, năm 2022 tăng 465,03%, năm 2023 tăng 1081,60%.
Như vậy, sau 06 năm tính từ 2018 thì số vụ án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được Cơ quan điều tra khởi tố đã tăng lên tới 1081,60%.
Bảng 2.1. Diễn biến tình hình tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông giai đoạn 2018 đến năm 2023
Tiêu chí | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | Tổng | |
Khởi tố | Vụ | 163 | 248 | 379 | 510 | 921 | 1926 | 4147 |
bị can | 81 | 90 | 151 | 152 | 304 | 418 | 1196 | |
Truy tố | Vụ | 49 | 42 | 50 | 81 | 107 | 170 | 499 |
bị can | 93 | 73 | 119 | 152 | 221 | 221 | 1036 | |
Xét xử | Vụ | 60 | 41 | 44 | 67 | 98 | 161 | 471 |
bị cáo | 100 | 54 | 94 | 114 | 175 | 342 | 879 |
(nguồn: Cục thống kế tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Phân chia theo các tội cụ thể thì tình hình như sau (xem Bảng 2.2):
Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285): khởi tố 03 vụ/11 bị can, truy tố 02 vụ/06 bị can, xét xử 02 vụ/06 bị can.
Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286): khởi tố 03 vụ/11 bị can, truy tố 02 vụ/06 bị can, xét xử 02 vụ/06 bị can.
Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287): khởi tố 04 vụ/04 bị can, truy tố 03 vụ/03 bị can, xét xử 03 vụ/03 bị can.
Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288): khởi tố 37 vụ/80 bị can, truy tố 18 vụ/60 bị can, xét xử 25 vụ/66 bị can.
Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289): khởi tố 54 vụ/132 bị can, truy tố 36 vụ/77 bị can, xét xử 30 vụ/50 bị can.
Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290): khởi tố 3973 vụ/825 bị can, truy tố 371 vụ/716 bị can, xét xử 356 vụ/619 bị can.
Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291): khởi tố 94 vụ/248 bị can, truy tố 67 vụ/172 bị can, xét xử 53 vụ/133 bị can.
Các Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293) và Tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294) không khởi tố vụ nào.
Bảng 2.2. Tình hình tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông giai đoạn 2018 đến năm 2022
Tiêu chí | Điều
285
|
Điều
286
|
Điều
287
|
Điều
288
|
Điều
289
|
Điều
290
|
Điều
291
|
Điều
293
|
Điều
294 |
Tổng | |
Khởi tố | Vụ | 3 | 2 | 4 | 37 | 54 | 3973 | 94 | 0 | 0 | 4167 |
bị can | 11 | 2 | 4 | 80 | 132 | 825 | 248 | 0 | 0 | 1302 | |
Truy tố | Vụ | 2 | 2 | 3 | 18 | 36 | 371 | 67 | 0 | 0 | 499 |
bị can | 6 | 2 | 3 | 60 | 77 | 716 | 172 | 0 | 0 | 1036
|
|
Xét xử | Vụ | 2 | 2 | 3 | 25 | 30 | 356 | 53 | 0 | 0 | 471 |
bị cáo | 6 | 2 | 3 | 66 | 50 | 619 | 133 | 0 | 0 | 879 |
(nguồn: Cục thống kế tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Như vậy, các loại tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được khởi tố, điều tra, truy tố chủ yếu là các tội được quy định tại các Điều 288, 289, 290 và 291.
Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa và đấu tranh đối với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông
Mặc dù tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông đã được quy định bằng những điều luật cụ thể trong Bộ luật Hình sự; tuy nhiên từ thực tiễn công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm này hiện nay còn một số khó khăn, vướng mắc trong lý luận và thực tiễn xử lý tội phạm. Đó là:
– Thứ nhất, cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ viễn thông và mạng viễn thông, tội phạm trong lĩnh vực này cũng ngày tinh vi hơn, các đối tượng phạm tội có sự liên kết chặt chẽ và nhiều đối tượng phạm tội trong cùng một vụ án hơn. Mặt khác, đặc trưng của tội phạm trong lĩnh vực này là dễ xóa dấu vết, khiến cho việc điều tra gặp nhiều trở ngại, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội của tội phạm cũng không giới hạn thu hẹp trong một địa phương mà còn liên quan nhiều vùng, lãnh thổ đã dẫn đến tình trạng số vụ phạm tội mà Cơ quan điều tra phát hiện và khởi tố ngày càng gia tăng, nhưng hiệu quả của việc chứng minh người phạm tội ở mức thấp. Lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong các cơ quan có thẩm quyền còn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng.
– Thứ hai, tội phạm sử dụng công nghệ cao và mạng viễn thông có xu hướng cập nhật khai thác và ứng dụng nhanh chóng thành tựu khoa học kỹ thuật trong quá trình phạm tội, trong khi đó, một số cán bộ, ĐTV, KSV chưa chủ động học tập nâng cao trình độ hiểu biết về lĩnh vực này; các phương pháp điều tra, thu thập chứng cứ chưa được hiện đại, nhiều trường hợp còn lúng túng trong thu thập, phân tích, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, …. Vì vậy không sớm phát hiện được những thiếu sót trong hoạt động điều tra đối với tội phạm trong lĩnh vực này, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
– Thứ ba, hiện nay không gian mạng trở thành một phần của lãnh thổ quốc gia, một phần không gian sống của con người. Đặc điểm chung về tội phạm trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông là tội phạm có tính xuyên quốc gia, thường có sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước, nhiều đối tượng nước ngoài lợi dụng đi du lịch, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội. Loại tội phạm này hầu như không có ranh giới nên có hại ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một điều ước quốc tế toàn cầu cũng như các cơ chế, thiết chế hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tính đến nay, Việt Nam chỉ mới ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp lĩnh vực hình sự với khoảng 27 quốc gia. Từ năm 2014-2018, VKSND tối cao đã tiếp nhận 93 yêu cầu tương trợ tư pháp từ nước ngoài, gửi 245 yêu cầu tương trợ tư pháp với nước ngoài, trong đó có nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao. Theo số liệu thống kê, từ năm 2014-2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký 09 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước gồm: Ô-xtơ-rây-li-a, Tây Ban Nha, Pháp, Hung-ga-ri, Campuchia, Ca-dắc-xtan, Cu ba, Mo-dăm-bích, Lào[4].
– Thứ tư, hệ thống pháp luật trong nước, đặc biệt là pháp luật về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp với những biến chuyển nhanh chóng của tình hình tội phạm với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng. Đồng thời, nhiều quy định của pháp luật Việt Nam chưa tương thích, phù hợp với luật pháp các nước khác, nên gặp khó khăn trong thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế xử lý tội phạm này.
– Thứ năm, đa số bị hại do tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm thường không biết mình bị ai chiếm đoạt tài sản, họ không rõ bị xâm phạm thông tin cá nhân vào thời điểm nào, thường sau một khoảng thời gian bị tội phạm chiếm đoạt tài sản thì mới phát hiện… Mặt khác, tội phạm trên không gian mạng có xu hướng xâm hại nhiều đối tượng, người có liên quan cùng lúc và ở nhiều địa phương khác nhau, do đó gây khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ (lấy lời khai, cung cấp tài liệu, đối chất…). Đa số các bị hại đều thiếu các kiến thức cần thiết về công nghệ thông tin, cũng như hiểu biết về phương thức, thủ đoạn phạm tội, nên không có biện pháp, công cụ để tự bảo vệ.
– Thứ sáu, một số dữ liệu được lưu trữ online như One Drive, Dropbox,… thông qua các máy chủ đặt ở nước ngoài nên để thu thập dữ liệu phải có sự phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ qua kênh hợp tác quốc tế, nên rất khó khăn do sự khác biệt xung đột về quy định pháp luật giữa các quốc gia, rào cản về ngôn ngữ, Cơ quan điều tra thường bị các nhà dịch vụ từ chối cung cấp với nhiều lý do. Đồng thời cần phải có các thiết bị, phần mềm chuyên dụng được cập nhật thường xuyên với giá thành cao thì mới có thể thu thập, giải mã, phân tích, giám định dữ liệu điện tử, điều này cũng gây ra những cản trở nhất định.
Một số kiến nghị, giải pháp trong công tác phòng ngừa và đấu tranh đối với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông
– Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ an ninh mạng. Quốc hội cần tiếp tục ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học – công nghệ; chỉ đạo khẩn trương nghiêm túc trong các Cơ quan Bộ ngành, cũng như có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương trong việc xây dựng, phát triển lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới;
– Hai là, cần bổ sung, chỉnh sửa các điều luật trong Bộ luật Tố tụng hình sự về (như thủ tục xét phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra; thủ tục giao nhận các quyết định tố tụng, thời hạn điều tra…), để phù hợp với thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Bởi vì không chỉ riêng đối tượng phạm tội mà người bị xâm hại bởi tội phạm trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông không chỉ giới hạn thu hẹp trong một địa phương mà còn phạm tộiở nhiều địa bàn khác nhau, mỗi địa bàn lại phát sinh thêm hoặc bớt một vài đối tượng, người liên quan dẫn đến thủ tục phức tạp kéo dài.
– Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự để nâng cao hiệu quả xử lý các vụ án hình sự về tội phạm trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, cần thiết lập, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông giữa các cơ quan tố tụng trong nước và quốc tế; kịp thời giải quyết các yêu cầu điều tra, xác minh về tội phạm; trao đổi, cập nhật thông tin về tội phạm, chia sẻ nghiệp vụ, kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm, hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật, phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực thực thi pháp luật về phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tội phạm này.
– Bốn là, Chính phủ cần giao cho Bộ Công an chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy và triển khai thành lập các đơn vị cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực thuộc các phòng chức năng ở Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm xây dựng một hệ lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên phạm vi toàn quốc.
– Năm là, các Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức chuyên ngành có liên quan (tin học, ngoại ngữ, công nghệ thông tin…) cho những người tiến hành tố tụng. Đào tạo lực lượng ĐTV, KSV, Thẩm phán có chuyên môn cao và chuyên nghiệp đối với lĩnh vực tội phạm CNTT và mạng viễn thông. Bản thân những người có thẩm quyền được phân công giải quyết vụ việc phải không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn để đảm bảo phần lớn các vụ án đều được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
– Sáu là, các cơ quan báo chí, phòng chống tội phạm cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho quần chúng nhân dân trên các phương tiện đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Thường xuyên cải tiến hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm của Nhân dân về phòng, chống loại tội phạm này. Khuyến cáo người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, cần đề cao cảnh giác khi nhận cuộc gọi điện thoại của người lạ; thường xuyên kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật và quyền riêng tư trên tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Thận trọng rà soát, kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử và giao dịch trực tuyến. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm thì kịp thời thông báo cho cơ quan nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021)
- Bộ luật Hình sự năm 2015
- Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ “Kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án về các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông”, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2022).
- Từ điển bách khoa Công an nhân dân (2005), NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội
- Phan Chí Hiếu, Nguyễn Văn Cương (2019), Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra (Sách chuyên khảo), NXB Tư pháp, Hà Nội.
- Đinh Thế Hưng, Lê Thị Hồng Xuân (2021), Tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Tòa án nhân dân số 7 năm 2019.
- Nguyễn Ngọc Anh (2021), Một số quy định của pháp luật về tội phạm công nghệ cao, truy cập tại: http://csnd.vn/Home/Nghien-cuu-Trao-doi/286/Mot-so-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-toi-pham-cong-nghe-cao
- Khổng Vũ Hà, Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản: Thực trạng và một số biện pháp phòng, chống, tạp chí điện tử pháp lý, ngày 10/9/2024, https://phaply.net.vn/toi-pham-su-dung-mang-may-tinh-mang-vien-thong-phuong-tien-dien-tu-de-chiem-doat-tai-san-thuc-trang-va-mot-so-bien-phap-phong-chong-a258470.html
[1] Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ “Kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án về các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông”, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
[2] Từ điển bách khoa Công an nhân dân (2005), NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội
[3] Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ “Kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án về các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông”, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2022).
[4] Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ “Kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án về các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông”, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2022).