VẤN ĐỀ ĐÁNH GIÁ CỦA TIÊU CHUẨN LAO ĐỘNG
THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG

LỜI MỞ ĐẦU

Con người tạo ra của cải vật chất nuôi sống xã hội, giúp cho xã hôi phát triển và tiến bộ. Con người là trung tâm của mọi hoạt động, là sự bắt đầu cũng như kết thúc mọi hoạt động. Con người ngừng hoạt động, ngừng sản xuất đồng nghĩa với việc xã hội ngừng phát triển, ngừng hoạt động. Vì vậy, làm thế nào để tạo ra một điều kiện lao động phù hợp, tốt nhất với mọi người lao động là một điều quan trọng, là động lực thúc đẩy xã hội phát triển không ngừng. Khi xã hội ngày càng phát triển, con người càng nhận ra được sự cần thiết của điều kiện lao động và vấn đề này đang là mối quan tâm lớn trong tất cả các ngành nghề, các quốc gia trên thế giới.

Hiện nay pháp luật lao động Việt Nam cũng có những quy định về điều kiện lao động. Và để tìm hiểu rõ hơn về điều kiện lao động, nên tác giả quyết định chọn đề tài: Đánh giá các tiêu chuẩn lao động Việt Nam về điều kiện lao động.

NỘI DUNG

Khái quát một cách chung nhất chúng ta có thể hiểu điều kiện lao động là tổng thể các yếu tố về tự nhiên, xã hội, kỹ thuật, kinh tế, tổ chức thể hiện qua quy trình công nghệ, công cụ lao động, đối tượng lao động, môi trường lao động, con người lao động và sự sắp xếp, bố trí, tác động qua lại của chúng trong mối quan hệ với con người, tạo nên điều kiện nhất định cho con người trong quá trình lao động.

Hiện nay, Bộ luật lao động không có khái niệm cụ thể thế nào là điều kiện lao động mà chỉ có các chế định, quy định cụ thể về điều kiện lao động, theo đó các quy định về điều kiện lao động bao gồm:
– An toàn vệ sinh lao động;
– Bảo vệ sức khỏe người lao động;
– Bồi thường tai nạn lao động.

I. Đánh giá tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động

1.1. Khái quát chung về an toàn – vệ sinh lao động

An toàn – vệ sinh lao động là tổng hợp các giải pháp về pháp luật, khoa học kỹ thuật, kinh tế- xã hội nhằm ngăn ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố làm chấn thương và đe dọa tính mạng, sức khỏe của người lao động, hạn chế các yếu tố có hại cho sức khỏe người lao động trong quá trình sản xuất, nhờ đó đảm bảo cho người lao động được làm việc trong điều kiện lao động không có những nguy cơ trực tiếp gây tai nạn lao động hoặc không có những yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp.
Việc triển khai thực hiện các biện pháp an toàn lao động trong quá trình lao động có ý nghĩa quyết định trong việc ngăn ngừa tai nạn lao động và những sự cố khác có thể phát sinh trong quá trình làm việc gây thiệt hại trực tiếp cho người lao động. Ví dụ như người lao động phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình an toàn kĩ thuật gồm trình tự, các bước thực hiện công việc, vị trí đứng, thời gian an toàn, lệnh báo yên…Còn công tác vệ sinh lao động được đặt ra với các đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích kiến tạo một môi trường lao động xanh, sạch, trong lành, hạn chế đến mức thấp nhất các tác nhân vật lý, sinh học, hóa học độc hại, giảm thiểu tình trạng người lao động mắc các bệnh nghề nghiệp. Chẳng hạn như người lao động sẽ phải làm vệ sinh sạch sẽ công trường trước và sau khi làm việc, lau chùi sạch sẽ các dụng cụ lao động, hoặc người sử dụng lao động phải trang bị các thiết bị đảm bảo vệ sinh như máy hút bụi, máy phun nước, máy khử mùi, điều hòa không khí, lọc nước, tấm cách nhiệt….

1.2. Nội dung tiêu chuẩn an toàn – vệ sinh lao động

Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là yêu cầu quan trọng nhất của công tác bảo hộ lao động. Nếu không thiết lập được môi trường lao động thuận lợi, hạn chế đến mức thấp nhất sự tồn tại của các yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại trong quá trình sản xuất, nguy cơ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ luôn đe dọa tính mạng, sức khỏe của NLĐ. Để làm tốt công tác này, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc nghiên cứu các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động. Trên cơ sở đó, Nhà nước ban hành các quy phạm pháp luật có tính chất bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các đơn vị sử dụng lao động.
Tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động là những quy định có tính chất nghiêm ngặt về an toàn lao động hay vệ sinh lao động, bắt buộc sử dụng đối với các đơn vị lao động. Hiện nay các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành hơn 200 loại tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động để áp dụng trong nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật khác nhau. Đó là các quy định làm căn cứ thực hiện và làm cơ sở đánh giá mức độ an toàn, vệ sinh lao động trong từng đơn vị.

Tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động cấp ngành do các Bộ, Cơ quan ngang bộ có trách nhiệm xây dựng, ban hành, hướng dẫn áp dụng tại các đơn vị lao động trong phạm vi ngành đó. Thông thường, các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động do các Bộ chuyên ngành ban hành tùy thuộc vào đặc thù nghề nghiệp và điều kiện lao động của ngành đó. Mục đích của việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn lao động là hạn chế khả năng phát sinh tai nạn lao động. Việc ban hành tiêu chuẩn an toàn lao động phải có sự tham gia của Bộ lao động – thương binh và xã hội. Mục đích của việc áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh lao động là hạn chế tỉ lệ NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp. Việc ban hành các tiêu chuẩn vệ sinh lao động phải có sự tham gia của Bộ Y tế.

Người sử dụng lao động buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định này (không thể thay đổi hoặc thỏa thuận để thay đổi nhằm tránh các nguy cơ gây tai nạn lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho NLĐ (Điều 3 Nghị định 06/CP 1995). Hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về an toàn vệ sinh lao động bao gồm hai loại: Các tiêu chuẩn cấp Nhà nước áp dụng đối với mọi loại hình doanh nghiệp ở phạm vi quốc gia và các tiêu chuẩn cấp ngành áp dụng trong các ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù. NSDLĐ trong quá trình sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc và công nghệ, phải đảm bảo những yêu cầu nghiêm ngặt đối với nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, khung cảnh lao động….nhằm tạo ra một không gian làm việc đảm bảo các yêu cầu cơ bản như:

–    Máy móc, thiết bị được bố trí khoa học, đảm bảo khoảng cách an toàn, phù hợp với trình tự gia công, vận chuyển và đi lại trong quá trình sản xuất.
–    Nhà xưởng cao ráo, đủ không khí, ánh sáng, thông thoáng, nền nhà bằng phẳng.
–    Các chất thải, nước thải được xử lý đúng quy định.
–    Nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng, độ sáng, đạt tiêu chuẩn cho phép về bụi, hơi khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra đo lường.
Ngoài ra khi gia nhập WTO, Việt Nam phải chấp nhận 16 Hiệp định chính, trong đó có Hiệp định Hàng rào kỹ thuật thương mại. Hiệp định này có liên quan tới các tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với hàng hóa và các thủ tục để kiểm tra, đánh giá các tiêu chuẩn đó, bao gồm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động.

Ngay từ khâu đầu tiên khi xây dựng và mở rộng cải tạo cơ sở, người sử dụng lao động đã phải lập báo cáo khả thi về biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền duyệt và cơ quan thanh tra lao động giám sát thực hiện. Việc sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, vật tư hóa chất không những phải thực hiện các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh đã quy định mà còn phải đăng ký và kiểm định tại cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

Trong quá trình sử dụng lao động, người sử dụng lao động cũng phải định kỳ kiểm tra, tu sửa nhà xưởng thiết bị theo quy định để luôn đảm bảo an toàn. Nơi người lao động làm việc phải được đảm bảo tiêu chuẩn về không gian, dộ thoáng, độ sáng, độ rung và phải có bảng chỉ dẫn về an toàn, phải trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế thích hợp để xử lý sự cố. Người sử dụng lao động phải tập huấn về công tác an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Người lao động cũng có quyền từ chối công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc, tổ chức công đoàn cơ sở cũng có quyền đình chỉ lao động sản xuất nếu thấy rõ nguy cơ không đảm bảo an toàn cho tính mạng sức khỏe của người lao động (Điều 96 đến Điều 102 Nghị định 110/CP/2002)

Bên cạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, chủ sử dụng lao động còn phải xây dựng quy chế về bảo hộ lao động, hướng dẫn và áp dụng thống nhất quy chế này trong toàn bộ đơn vị.

Trong Bộ Luật Lao động năm 2012, tại Chương IX quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Đây là những quy định quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, an toàn nghề nghiệp của người lao động cũng đã có những điểm mới tập trung vào việc cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nâng cao ý thức tuân thủ an toàn lao động của người lao động, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Theo đó tại Điều 138 đã quy định cụ thể nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động.

1.3. Đánh giá tiêu chuẩn lao động Việt Nam về an toàn – vệ sinh lao động
Thứ nhất, thực trạng các quy định về an toàn vệ sinh lao động trong Bộ luật Lao động hiện nay
Các quy định về công tác ATVSLĐ xác lập được tính pháp lý trong các doanh nghiệp. Điều đó đã tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành vi trong doanh nghiệp và người lao động. Quyền và nghĩa vụ của NLĐ, NSDLĐ được bảo đảm khá đầy đủ trong khuôn khổ và theo các chế định của pháp luật trong Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới toàn diện và cụ thể hơn trên lĩnh vực công tác này.

–    Về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động hiện nay là quan hệ lao động giữa NLĐ làm công ăn lương với NSDLĐ và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp với quan hệ xã hội đó. Tuy vậy, về bản chất, công tác ATVSLĐ lại bao quát phạm vi rộng hơn, liên quan đến cả khu vực không có quan hệ lao động.

–    Về đối tượng điều chỉnh trong Bộ luật Lao động hiện nay chỉ mới áp dụng đối với hoạt động lao động có quan hệ lao động, mà chưa có quy định các hoạt động ngoài quan hệ lao động (cá nhân có sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; chủ nhà thuê lao động làm công việc dân sự; NLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp; lao động tự do). Những đối tuợng này chủ yếu tập trung trong  lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong các làng nghề và hộ gia đình. Chẳng hạn, hiện nay, riêng khu vực làng nghề, cả nước có 369.000 tổ hợp tác, 19.127 hợp tác xã và 57 liên hiệp hợp tác xã, thu hút 12,5 triệu xã viên, thành viên là hộ gia đình và cá nhân là NLĐ. Trong đó, số người có quan hệ lao động trực tiếp và thường xuyên với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được trả tiền công, tiền lương chiếm khoảng 4,5 triệu người.

–    Về nội dung ATVSLĐ, Bộ luật Lao động chưa quy định rõ quyền, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Nội dung chủ yếu chỉ tập trung vào những yêu cầu đối với NSDLĐ, NLĐ, các cơ quan quản lý, chưa quy định đầy đủ và rõ ràng về các hoạt động cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực kiểm định, tư vấn, huấn luyện (từ  điều kiện thành lập, phương thức tổ chức hoạt động đến kiểm soát). Một số nội dung này đang nằm rải rác trong các văn bản pháp luật liên quan khác, như Luật Doanh nghiệp, Luật Hóa chất, các nghị định quy định về kinh doanh có điều kiện, do đó các pháp điển hóa tập trung vào Bộ luật lao động để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng.
Lĩnh vực ATVSLĐ là lĩnh vực đặc thù có sự kết hợp giữa nội dung chế độ chính sách đối với NLĐ và các quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động. Các quy định về kỹ thuật này hiện có nhiều văn bản khác điều chỉnh như Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Bảo vệ môi trường nên đang tạo ra sự phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện.

–    Nhiều nội dung quan trọng khác về ATVSLĐ chưa được (và không thể) quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành. Vì vậy, phải có một văn bản pháp luật riêng quy định  về những vấn đề này, như các quy định về tổ chức quản lý công tác ATVSLĐ; việc quản lý các cơ sở, cá nhân sản xuất, chế tạo các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; quỹ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN); văn hóa phòng ngừa TNLĐ, BNN; cơ chế hoạt động của các cơ sở dịch vụ ATVSLĐ; lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ.

Hiện nay, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, theo đó, đòi hỏi việc bảo đảm các quyền lao động phải được chú trọng. Hơn nữa, vấn đề ATVSLĐ cần phải được xem xét, nhất là về điều kiện lao động trong nước phù hợp với thông lệ và những tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, luật pháp của Việt Nam  cần tương thích với các tiêu chuẩn, các chế định của quốc tế. Mặt khác, vấn đề ATVSLĐ mang tính toàn cầu, nên việc tiến tới xây dựng Luật ATVSLĐ càng là cơ sở để thúc đẩy thực hiện các công ước quốc tế đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về ATVSLĐ của Việt Nam.
Thứ hai, quá trình thực thi các quy định về an toàn vệ sinh lao động hiện nay

–    Việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của các doanh nghiệp hiện nay còn những hạn chế, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực sản xuất nông nghiệp, làng nghề. Các cơ sở sản xuất kinh doanh này chỉ quan tâm đến  quy định chung trong  Bộ luật Lao động để tránh những sai phạm mắc phải, còn các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ. Điều này càng đòi hỏi tính cấp thiết pháp điển hóa vấn đề ATVSLĐ trong một luật riêng.

Hơn nữa, thời gian qua, các cơ  quan quản  lý  nhà  nước ban hành chồng chéo một  số văn bản, đặc biệt là trong lĩnh vực ATVSLĐ. Chẳng hạn, việc kiểm soát an toàn các chất  độc hại, nguy hiểm theo quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động trong Bộ luật Lao động với Nghị định số 06/CP, ngày 20-01-1995, của Chính phủ và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn,… có nhiều điểm không thống nhất nên rất khó thực hiện, nhất là trong lĩnh vực kiểm định và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

–    Việc kiểm soát chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực ATVSLĐ, vì vậy, cũng đang gặp nhiều khó khăn. Hoạt động kiểm định kiểm tra an toàn các loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chưa được quản lý chặt chẽ, chưa có bộ tiêu chí chuẩn xác về điều kiện hoạt động kiểm định và đào tạo kiểm định viên.

–    Tình hình TNLĐ xảy ra ngày một nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người nhưng không được thống kê báo cáo đầy đủ đang là vấn đề cần phải quan tâm. Số doanh nghiệp báo cáo, thống kê TNLĐ rất thấp (khoảng dưới 8%). Nếu qua báo cáo, mỗi năm xảy ra khoảng 5.000 vụ TNLĐ thì con số thực tế cao gấp khoảng 20 lần, nên không phản ánh đúng thực trạng về công tác ATVSLĐ hiện nay. Theo ước tính của Tổ chức Lao động  quốc tế tổn thất do TNLĐ gây ra làm giảm khoảng 4% GDP toàn cầu. Việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ chưa nghiêm, những chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với các chủ doanh nghiệp.

–    Kinh phí đầu tư cho công tác bảo đảm ATVSLĐ của doanh nghiệp còn rất hạn hẹp. Nhiều chủ sử dụng chưa quan tâm, đầu tư chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. Những vi phạm phổ biến hiện nay của các doanh nghiệp là không tổ chức huấn luyện và thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm lao động cho người lao động; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ; vi phạm quy trình và các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trong sử dụng máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, không trang bị và sử dụng phương tiện bảo vệ công nhân; nhiều doanh nghiệp không tổ chức bộ phận chuyên trách làm công tác ATVSLĐ theo đúng quy định.
Nguồn lực cho công tác về ATVSLĐ, lực lượng thanh tra ATVSLĐ càng ngày càng ít, nhiều địa phương không có hoặc không coi trọng đúng mức vấn đề này.

II. Đánh giá những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khỏe người lao động

2.1. Những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khỏe người lao động
Thứ nhất, quy định về việc trang bị phương tiện bảo hộ lao động nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động
Để bảo vệ sức khỏe cho NLĐ thì một vấn đề cần quan tâm trước tiên đó là trang bị phương tiện bảo hộ lao động. Phương tiện bảo hộ lao động là một trong các giải pháp kĩ thuật được áp dụng để bảo vệ NLĐ trong quá trình sản xuất và theo trình tự các bước thực hiện. Phương tiện bảo vệ NLĐ là các phương tiện được lắp đặt tại nơi làm việc để cải thiện điều kiện lao động chung hoặc trang bị cho cá nhân NLĐ, bảo đảm an toàn cho họ. Trang bị các phương tiện cần thiết để bảo vệ NLĐ là nghĩa vụ của NSDLĐ, nhằm ngăn ngừa những yếu tố độc hại nguy hiểm không thể khắc phục hết trong điều kiện lao động hoặc đề phòng giải quyết sự cố. Trong đó, có các phương tiện sử dụng chung như phương tiện cứu hỏa, hút bụi, chống ồn, thông gió… Nếu điều kiện lao động không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định thì NSDLĐ buộc phải lắp đặt các thiết bị này. Bên cạnh đó, họ còn có nghĩa vụ cấp phát các thiết bị này và quy cách để NLĐ sử dụng khi làm việc trong các điều kiện có các yếu tố nguy hiểm, độc hại, khi các thiết bị an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết các yếu tố này. Còn các phương tiện cá nhân, NSDLĐ cũng có nghĩa vụ cấp phát cho NLĐ một hoặc một số loại như: Mũ chống chấn thương sọ não, kính, mặt nạ phòng độc, ủng, giầy, găng tay, dây an toàn khi làm việc ở độ cao, phao chống chết đuối…tùy theo yêu cầu của từng loại công việc. Đây là những công việc thiết thực và trực tiếp bảo vệ tính mạng và sức khỏe NLĐ nên không thể thay bằng các hình thức như phát tiền, thỏa thuận không cần sử dụng. Cũng vì tầm quan trọng của tính mạng, sức khỏe của NLĐ mà luật quy định phải được thực hiện đối với tất cả NLĐ làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn hay làm theo mùa vụ, làm chính thức hay tập nghề, học nghề. Ngoài ra, pháp luật còn khuyến khích NSDLĐ tùy theo điều kiện kinh tế mà đầu tư, cải thiện điều kiện lao động để giữ gìn sức khỏe cho NLĐ như lắp đặt các thiết bị thông gió, làm mát tại nơi làm việc ().

Có thể nói, pháp luật hiện hành đã ghi nhận việc trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho NLĐ, các quy định này nằm rải rác ở một số văn bản. Ví dụ Nhà nước đã ban hành một Thông tư để hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân; hay đã ban hành danh mục trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Điều này góp phần tạo hành lang pháp lý cho NSDLĐ và NLĐ, góp phần bảo vệ sức khỏe NLĐ. Tuy nhiên, những quy định trên còn khá chung chung, chưa cụ thể. Theo đó, một số văn bản đã đề cập đến sự cần thiết phải có nhưng bắt buộc đến đâu, yêu cầu đối với các phương tiện đó như thế nào thì lại chưa có quy định cụ thể. Cụ thể, đối với các phương tiện kĩ thuật chung, được lắp đặt tại nơi sản xuất, có tác dụng hạn chế các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong môi trường lao động, bảo vệ sức khỏe chung của NLĐ tại nơi sản xuất, dù đã được lắp đặt khá đầy đủ tại các đơn vị sử dụng lao động, nhưng pháp luật lao động lại chưa quy định chi tiết và cụ thể vấn đề này trong các văn bản pháp luật về bảo hộ lao động.

Thứ hai, quy định về chế độ chăm sóc y tế đối với NLĐ.
NSDLĐ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc sử dụng sức lao động, do đó pháp luật đã đặt ra các quy định bắt buộc về chế độ chăm sóc y tế đối với NLĐ. Đây là quy đinh hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm thường xuyên, đầu tư lâu dài cho nguồn nhân lực xã hội vì nó kịp thời phát hiện, khắc phục những suy yếu về sức khỏe của NLĐ, bảo vệ NLĐ khỏi sự ngược đãi, tắc trách của NSDLĐ.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, NSDLĐ phải có trách nhiệm chăm lo sức khỏe cho NLĐ, phải tổ chức khám sức khỏe khi tuyển dụng và khám sức khỏe đình kì cho NLĐ. Cụ thể, pháp luật quy định khi tuyển dụng và sắp xếp lao động, NSDLĐ phải căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại việc, tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho NLĐ về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh và những khả năng tai nạn cần đề phòng trong công việc của từng NLĐ. Quy định này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân NLĐ có thể gây ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, hàng năm chủ sử dụng lao động còn phải tổ chức khám sức khỏe định kì, riêng lao động nặng nhọc, độc hại thì phải tổ chức khám 6 tháng/lần. Mục đích của việc khám sức khỏe định kì là kịp thời phát hiện các trường hợp không còn đủ sức khỏe tiếp tục làm việc, bố trí cho họ công việc phù hợp hơn nếu có, phát hiện bệnh để có kế hoạch điều trị… Chi phí khám tuyển, khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp do NSDLĐ chi trả theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định trách nhiệm tổ chức chăm lo sức khỏe cho NLĐ thuộc về doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng các quy định về khám sức khỏe cũng chưa được cụ thể về các hạng mục cần khám để đánh giá sức khỏe của NLĐ nhằm phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, căn cứ “Tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại việc” không được quy định rõ ràng, khó xác định trên thực tế, khó có thể bao quát hết từng công việc cụ thể. Ngoài ra, giấy chứng nhận sức khỏe hiện nay được cấp phát tùy tiện, không xác thực, mang tính hình thức vì thế khi tuyển sụng khó kiểm soát được và việc sắp xếp công việc căn cứ vào đó cũng thiếu chính xác.

Trong khi đó, Bộ luật lao động năm 2012 đã ghi nhận việc chăm sóc sức khỏe cho NLĐ ở một điều luật riêng, cụ thể là Điều 152, gồm 7 khoản, với nhiều nội dung mới. Ví dụ như  Khoản 2 quy định: “Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần”… Qua đó, có thể thấy rằng vấn đề chăm sóc sức khỏe cho NLĐ ngày càng được quan tâm hơn.

Thứ ba, quy định về chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật.
Bồi dưỡng bằng hiện vật cũng là một biện pháp hỗ trợ thực hiện an toàn, vệ sinh lao động, nhằm giảm bớt ảnh hưởng của các yếu tố độc hại, nặng nhọc tác động lên cơ thể NLĐ. Điều 104 BLLĐ quy định “Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được bồi dưỡng bằng hiện vật…”. Việc bồi dưỡng phải đúng số lượng, cơ cấu theo quy định của Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế. Theo sửa đổi tại Thông tư liên tịch số 10/2006/TTLT-BLĐTBXH-BYT thì bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất cho một ngày làm việc, có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau: Mức 1, bằng 4.000 đồng; Mức 2, bằng 6.000 đồng; Mức 3, bằng 8.000 đồng; Mức 4, bằng 10.000 đồng”. Ngoài ra, phải bồi dưỡng tại chỗ, theo ca làm việc, không được trả tiền thay hiện vật, như vậy vừa đảm bảo ý nghĩa bồi dưỡng cho NLĐ vừa tránh sự vi phạm của NSDLĐ. Nhìn chung, sự bồi dưỡng này cũng có tác động tích cực đến NLĐ, tuy nhiên mức bồi dưỡng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu, sở thích, thói quen… của NLĐ.

Một trong những điểm mới của Bộ luật lao động năm 2012, được rất nhiều nhà làm luật quan tâm, đó là việc quy định trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật là một trong những hành vi bị cấm trong an toàn lao động, vệ sinh lao động. Theo đó, pháp luật hiện hành chỉ thừa nhận nguyên tắc trên ở một văn bản dưới luật. Tuy nhiên, trên thực tế, việc NSDLĐ trả tiền thay cho hiện vật khi bồi dưỡng NLĐ diễn ra không ít. Để đảm bảo việc NLĐ không dùng tiền vào mục đích khác hay không mua thực phẩm bồi dưỡng sức khỏe, bộ luật 2012 đã phải quy định riêng việc cấm thực hiện hành vi trả tiền thay hiện vật tai 1 điều khoản cụ thể. Điều này có thể thấy sự đặc biệt quan tâm của pháp luật đến việc bảo vệ sức khỏe NLĐ nói riêng.

Thứ  tư, quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với NLĐ trong quá trình làm việc.
Thực tế đã chứng minh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi quyết định không nhỏ đến sức khỏe của NLĐ. Có thể nói con người chịu tác động rất nhiều từ vấn đề giờ giấc đến thể trạng, tâm sinh lí. Nếu không có sự sắp xếp thời gian hợp lí, làm việc liên tục mà không có nghỉ ngơi hoặc làm việc vào những thời gian đặc biệt như buổi sáng sớm, buổi tối muộn, đêm khuya, giữa trưa… có thể khiến NLĐ không đạt được hiệu suất làm việc như kế hoạch, hơn nữa còn có khả năng gây nguy hiểm cho NLĐ, xảy ra các tai nạn lao động  bởi vì đó thường là thời điểm cơ thể con người bắt đầu mệt mỏi, căng thẳng, phản xạ chậm, thiếu chính xác, suy nghĩ không thấu đáo… dẫn đến không ứng phó nhanh, kịp thời, nhạy bén các sự cố, tình huống bất ngờ hoặc tự mình gây ra nguy hiểm cho mình. Chính vì vậy, việc quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hợp lí sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe NLĐ, hạn chế tai nạn đối với họ.

Theo quy định của BLLĐ 1994 (sửa đổi năm 2002, năm 2006, năm 2007) thì thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần, NSDLĐ có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo trước cho NLĐ biết. Thời giờ nghỉ ngơi được quy định như sau: NLĐ làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất nửa giờ, tính vào giờ làm việc; người làm ca đêm được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc; NLĐ làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác. Ngoài ra, thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn từ một đến hai giờ đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế ban hành (). Như vậy có thể thấy pháp luật hiện hành đã quy định mềm dẻo, linh hoạt để NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên vẫn còn thiếu quy định về thời gian nghỉ ngơi trong quá trình làm thêm giờ, quy định về thời điểm bắt đầu làm thêm như thế nào, cách thời điểm kết thúc giờ làm việc chính là bao nhiêu… Vì vậy, pháp luật cần quy định rõ những vấn đề đó để tránh sự thiệt thòi cho NLĐ và sự bóc lột của NSDLĐ.

Trong khi đó, Bộ luật lao động năm 2012 đã có một số điểm mới về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ nghi cho NLĐ như sau:
– Về giờ làm việc ban đêm, Bộ luật lao động năm 2012 thống nhất một mốc chung để áp dụng trong cả nước: giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
– Bổ sung quyền của người sử dụng lao động trong việc quy định làm việc theo giờ ngoài việc quy định thời giờ làm việc theo ngày, theo tuần như quy định hiện hành.
– Quy định cụ thể những trường hợp đặc biệt làm thêm giờ như: Thực hiện lệnh động viên, huy động đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.
– Về nghỉ trong giờ làm việc, Bộ luật lao động năm 2012 bổ sung trường hợp những người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định mà thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong một ngày thì thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất là 30 phút và tính vào giờ làm việc.

– Bộ luật lao động năm 2012 ngoài việc giữ nguyên các ngày nghỉ lễ, tết mà người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương khác, bổ sung thêm 01 ngày nghỉ tết âm lịch từ 4 ngày lên 5 ngày, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm là 10 ngày.

– Về các trường hợp nghỉ không hưởng lương, Bộ luật lao động năm 2012 cũng được quy định mở rộng các trường hợp được nghỉ không hưởng lương của người lao động như: khi ông, bà nội ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

2. 2. Đánh giá quy định của pháp luật về bảo vệ sức khỏe người lao động
Nhìn chung, luật lao động nước ta đã quy định khá đầy đủ và tương đối đồng bộ các nội dung nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho NLĐ. Những quy định này đã phần nào đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh pháp luật, tuy nhiên việc thực hiện các quy định đó trên thực tế thì như thế nào?

Trước hết, việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ vẫn chưa được chú trọng về chất lượng, kích cỡ, nhất là loại quần áo bảo hộ, giầy ủng, găng tay, kính mũ đều kém chất lượng, không đảm bảo thời gian sử dụng. Tại một số doanh nghiệp việc trang bị lại khấu trừ vào lương hoặc được trả bằng tiền cho NLĐ. Điều này đã có những tác động không nhỏ tới đời sống và ý thức của NLĐ.

Bên cạnh đó, về công tác chăm sóc sức khỏe thì mặc dù pháp luật đã quy định khám sức khỏe định kì cho NLĐ là trách nhiệm của NSDLĐ nhưng vấn đề này hiện nay lại không được bảo đảm. Thực tế, các doanh nghiệp không thường xuyên thực hiện hoạt động này hoặc thực hiện mang tính hình thức, chiếu lệ, chỉ dừng lại ở việc đánh giá về cân nặng, chiều cao, bệnh ngoài da… không phát hiện được các bệnh nghề nghiệp do yêu cầu cần phải có máy móc hiện đại hoặc đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Ngoài ra, việc bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ thì mới chủ yếu được thực hiện ở những doanh nghiệp có nhiều NLĐ làm việc trong điều kiện lao động độc hại (như các doanh nghiệp khai thác than, khoáng sản, sử dụng hóa chất độc hại, luyện kim, xi măng) trong đó phần lớn các doanh nghiệp thường trả tiền hoặc phát hiện vật bồi dưỡng cho NLĐ mang về.
Như vậy, tình trạng vi phạm những quy định bảo vệ sức khỏe NLĐ đang là một lỗ hổng cần được khắc phục. Vì vậy, nhà nước cần sửa đổi, bổ sung những quy định chưa hợp lý, còn thiếu sót đồng thời các doanh nghiệp cũng cần phải có ý thức áp dụng các quy định của pháp luật một cách triệt để, hiệu quả.

III. Đánh giá tiêu chuẩn về chế độ bồi thường và khắc phục hậu quả tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

3.1. Quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Tai nạn lao động là những sự cố bất ngờ xảy ra trong lao động, gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể con người. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động là việc không đảm bảo an toàn lao động. Tính chất bất ngờ của tai nạn lao động làm cho việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả của tai nạn lao động gặp nhiều khó khăn. Để phân biệt tai nạn lao động với tai nạn lao động thông thường có thể dựa vào các yếu tố sau: tai nạn xảy ra có gắn liền với việc thực hiện công việc của người lao động không? Địa điểm xảy ra tai nạn có gắn với việc thực hiện công việc của người lao động không? Thời gian xảy ra tai nạn có liên quan đến quá trình lao động không?

Bệnh nghề nghiệp là những bệnh mà người lao động mắc phải trong quá trình lao động, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người lao động. Nguyên nhân của bệnh nghề nghiệp là do điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại tác động lên cơ thể người lao động sau thời gian nhất định. Bệnh nghề nghiệp có thể phát sinh trong hoặc sau quá trình lao động. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu những môi trường lao động cụ thể và những bệnh nghề nghiệp có thể phát sinh khi người lao động làm việc lâu dài trong môi trường đó, cơ quan có thẩm quyền quy định danh mục bệnh nghề nghiệp.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe cho người lao động khác với trách nhiệm bồi thường trong luật dân sự bởi người sử dụng lao động không có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe đối với người lao động, thậm chí có thể họ không có lỗi trực tiếp trong việc xảy ra tai nạn, nhưng trách nhiệm của họ vẫn phát sinh trên cơ sở không tuân thủ những nghĩa vụ do pháp luật quy định khi tham gia vào quan hệ lao động.

Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là những sự cố nghiêm trong xảy ra trong quá trình lao động, là hậu quả tất yếu của việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Do đó, các quy phạm pháp luật về bảo hộ lao động quy định khá cụ thể về việc khắc phục hậu quả của tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Đây là những biện pháp được áp dụng khi các giải pháp về an toàn lao động, vệ sinh lao động không thể hạn chế được các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe xảy ra đối với người lao động trong quá trình sản xuất.
Khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có thể được hưởng các quyền lợi như sau:
+ Được người sử dụng lao động trả các khoản chi phí sơ cứu, cấp cứu cho đến khi điều trị ổn định
+ Được nhận đủ lương trong thời gian nghỉ điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
+ Được hưởng chế độ bồi thường hoặc chế độ trợ cấp tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi suy giảm khả năng lao động từ 5 % trở lên.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành: người lao động bị tai nạn lao động do lỗi của người sử dụng lao động hoặc bị mắc các bệnh nghề nghiệp được người sử dụng bồi thương theo những mức cụ thể, căn cứ vào tỉ lệ % suy giảm khả năng lao động; Người lao động bị tai nạn lao động do chính người lao động đó hoặc do những nguyên nhân khách quan được người sử dụng trợ cấp tai nạn ở mức thấp hơn so với mức bồi thường tai nạn lao động. Cụ thể:

– Điều 145 Bộ luật lao động 2012 quy định: Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường theo mức sau:
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.
+ Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho nhân thân của người lao động bị chết do tai nạn lao động.
+ Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định ở trên

3.2. Đánh giá tiêu chuẩn về chế độ bồi thường, khắc phục hậu quả của tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Thứ nhất: Về thời gian chịu trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động:
Khi xảy ra tai nạn lao động, trách nhiệm đầu tiên của NSDLĐ là thanh toán các chi phí y tế như viện phí, thuốc men cho người lao động cho đến khi điều trị xong. Tuy nhiên, có thể thấy rằng hiện nay pháp luật lao động vẫn chưa có quy định cụ thể thể nào là “Điều trị xong”. Do đó, đặt ra một số trường hợp nếu như bệnh của người lao động không thể chữa dứt điểm mà phải điều trị thường xuyên và kéo dài trong một thời gian thì NSDLĐ có phải chịu hết những chi phí đó hay không? Một trường hợp khác là ban đầu điều trị thì NLĐ đã có dấu hiệu hồi phục, sau một thời gian mới bị tái phát thì các chi phí y tế sau này NSDLĐ có trách nhiệm bồi thường hay không? Đây đều là những vấn đề khó khăn trong quá trình áp dụng quy định của pháp luật về thời gian chịu trách nhiệm của NSDLĐ khi NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hiện tại, Bộ luật lao động năm 2012 đã ra đời và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, tuy nhiên có thể thấy rằng nội dung này vẫn chưa được khắc phục được hạn chế này. Cụ thể, về trách nhiệm thanh toán chi phí của NSDLĐ mặc dù được quy định khác tuy nhiên chỉ khác về mặt câu chữ, cụ thể “điều trị xong” được thay thế bằng “Điều trị ổn định”. Việc quy định như vậy cũng chưa thực sự rõ ràng để hạn chế nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng trên thực tế. Do đó, hi vọng trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là điều trị ổn định để đảm bảo khả năng áp dụng của quy định trên thực tế. Chẳng hạn, pháp luật có thể quy định trách nhiệm của người sử dụng thanh toán các chi phí đến khi người lao động được xuất viện, hay đến khi người lao động có đủ sức khỏe để có thể đi làm trở lại.

Thứ hai: Về mức bồi thường, khắc phục hậu quả:
Những quy định của pháp luật về khoản tiền bồi thường khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như trên không thể coi là cái giá phải trả cho tính mạng, sức khỏe người lao động bị mất đi do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bản chất của nó là khoản tiền bồi thường cho sự giảm sút hoặc mất đi sức lao động của người lao động khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình lao động.

Theo Điều 145 Bộ luật lao động 2012 thì trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà suy giảm khả năng lao động từ 5% đến dưới 81% đã được bồi thường với mức rõ ràng. Đây là quy định kế thừa của Nghị định 110/2002/NĐ-CP của Chính Phủ hướng dẫn Bộ luật lao động năm 1994 về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Đây được xem là sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, bởi theo quy định của Bộ luật lao động 1994 thì chỉ yêu cầu người sử dụng lao động bồi thường ít nhất bằng 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho nhân thân của người lao động chết mà không do lỗi của người lao động. Như vậy, theo luật cũ thì chỉ khi suy giảm trên 81% thì người sử dụng lao động thì mới phải bồi thường còn nếu 80% thì không có trách nhiệm bồi thường, từ đó sẽ dẫn đến những tiêu cực của người sử dụng lao động làm giảm tỷ lệ suy giảm trên thực tế để tránh trách nhiệm bồi thường.

Cũng theo Điều 145 Bộ luật lao động 2014 thì trong trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp. Theo như tinh thần của Điều luật thì trong mọi trường hợp thì dù là do lỗi cố ý hay vô ý người lao động đều được hưởng chế độ. Quy định như vậy thiết nghĩ sẽ gây bất lợi cho người sử dụng lao động trong trường hợp người lao động cố tình thực hiện hành vi có thể gây tai nạn lao động nhằm vào mục đích không chính đáng. Ví dụ người lao động cố tình làm hỏng máy của người sử dụng lao động dẫn đến bị tai nạn lao động thì trong trường hợp này, người sử dụng lao động vẫn phải trợ cấp cho người lao động trong khi người sử dụng lao động là người bị thiệt hại. Theo pháp luật một số nước như Hungary thì nếu người lao động chủ ý gây ra thương tật thì sẽ không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động. Quy định như vậy là hợp lý vì vậy Việt Nam cần nghiên cứu để vận động vào quy định này trong Bô luật lao động.
Thứ ba: Về cách tính mức bồi thường:

Mức bồi thường được quy định trong luật là mức bồi thường tối thiểu. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh mà theo sự thỏa thuận của các bên mà người lao động hay nhân thân của họ được hưởng khoản tiền bồi thường là khác nhau. Về tiền lương làm căn cứ để tính bồi thường, theo quy định tại Nghị định 110/2002/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 06/Cp năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Bộ luật lao động về an toàn lao động, là tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi tai nạn lao động xảy ra hoặc trước khi được xác định bệnh nghề nghiệp, gồm lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có) theo quy định hiện hành của Chính phủ. Trường hợp thời gian làm việc không đủ để tính tiền lương theo hợp đồng bình quân của 6 tháng liền kề, thì lấy mức tiền lương của tháng liền kề hoặc tiền lương theo hình thức trả lương tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để tính bồi thường, trợ cấp tai nạn, bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, vấn đề về tiền lương làm căn cứ tính bồi thường cũng đã được quy định rõ ràng hơn so với quy định trước đó, khắc phục được hạn chế của quy định cũ, giải quyết vấn đề bồi thường cho người lao động chưa làm được 6 tháng hay người lao động không được nhận lương theo các hình thức khác không theo tháng.
Đối với người học nghề, pháp luật cũng đã có những quy định phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người đang học nghề, tập nghề bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mặc dù giữa người sử dụng lao động và người học nghề chưa có quan hệ lao động, người học nghề chưa được nhận làm chính thức cho người sử dụng lao động, do vậy pháp luật không bắt buộc họ phải thỏa thuận mức lương mà người sử dụng lao động phải trả. Nhưng để bảo vệ quyền lợi tối thiểu cho người học nghề khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm bồi thường tính theo mức lương tối thiểu.

Thứ tư: Về thủ tục bồi thường, khắc phục hậu quả:
Theo quy định tại Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH ngày 18/4/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thì thủ tục làm hồ sơ để người sử dụng lao động tiến hành bồi thường là biên bản điều tra của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp người lao động chết, nếu bị suy giảm khả năng lao động thì phải có biên bản điều tra và giấy chứng nhận mức độ suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Y khoa lao động. Sau 5 ngày kể từ ngày có đủ thủ tục trên, người sử dụng lao động phải tiến hành bồi thường nhằm bù đáp sự thiếu hụt về thu nhập và nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống của người lao động và gia đình họ.

Như vậy, có thể thấy rằng quy định của pháp luật về thủ tục bồi thường, khắc phục hậu quả là khá đơn giản, gọn nhẹ, đảm bảo đền bù nhanh chóng, giải quyết kịp thời những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người lao động.
Cuối cùng, có thể thấy, mặc dù pháp luật quy định về bồi thường, khắc phục hậu quả còn những hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung pháp luật lao động hiện nay đã phần nào đảm bảo quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần ngăn chặn tình trạng người sử dụng vì lợi nhuận đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong cơ chế điều chỉnh của pháp luật mà coi thường sức khỏe, tính mạng người lao động, đồng thời cũng thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến vấn đề con người và đưa vào hệ thông pháp luật Việt Nam tiến gần hơn đến những chuẩn mực chung của pháp luật các nước trên thế giới.

KẾT LUẬN

Như vậy, điều kiện lao động là một yếu tố quan trọng trong quá trình lao động, vì vậy điều kiện lao động luôn luôn được quan tâm và cải thiện để theo kịp với đà phát triển của xã hội. Cải thiện điều kiện lao động là làm thế nào để đưa ra các yếu tố của điều kiện lao động vào trạng thái tốt nhất, tối ưu nhất để chúng không gây ảnh hưởng xấu đến người lao động và môi trường xung quanh. Điều kiện lao động còn có tác động thúc đẩy củng cố sức khỏe, nâng cao khả năng làm việc của người lao động. Điều kiện lao động thuận lợi sẽ tạo tiền đề cho việc thực hiện có hiệu quả các quá trình lao động. Cải thiện điều kiện lao động là một nhân tố quan trọng để nâng cao năng suất lao động và bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Những quy định của pháp luật lao động Việt Nam hiện nay về điều kiện lao động mặc dù còn tồn tại một số hạn chế nhất định song đây là những quy định rất quan trọng quy định cơ bản, quan trọng để tạo ra môi trường lao động đảm bảo cho người lao động.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật lao động Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2009.
2.    Đàm Thị Ngọc Mai, Pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và thực tiễn thực hiện tại Công ty Cổ phần khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội, 2012.
3.    Mạc Phương Thanh, Pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động – Thực trạng và kiến nghị, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội, 2005.
4.    Lê Kim Dung, Tiêu chí của pháp luật bồi thường tai nạn lao động, Tạp chí Nhà nước và pháp luật. Viện Nhà nước và pháp luật, số 5/2011.
5.    Đỗ Thị Dung, Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ sức khỏe người lao động, Tạp chí Luật học, số 12/2011.

Nguyễn Thị Miến
Giảng viên Trường ĐTBD NV kiểm sát tại TP HCM