Về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp nạn nhân bị bán sang nước ngoài
Nguyễn Thị Long – Giảng viên Khoa Tội phạm học và Điều tra Tội phạm
Phân hiệu Trường ĐH Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, cũng như quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng đã làm tăng nhu cầu trao đổi lao động, tìm kiếm hôn nhân, việc làm ở các nước phát triển. Lợi dụng các nhu cầu trên, không ít người đã trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người và vấn đề bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại do bị lừa bán sang nước ngoài đang trở thành vấn đề phức tạp.
Từ khoá: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Xác định thiệt hại, buôn bán người
Abstract: Along with socio-economic development and the process of deep international integration and cooperation, there has been an increasing demand for labor exchange, marriage seeking, and employment opportunities in developed countries. Exploiting these demands, many individuals have become victims of human trafficking, and the issue of compensation for damages in cases where individuals are deceived and trafficked abroad is becoming increasingly complex.
Keywords: Non-contractual damages, Damage identification, Human trafficking
- Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường trong trường hợp bị lừa bán sang nước ngoài
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ phát sinh khi thoả mãn ba điều kiện cụ thể: (1) Có thiệt hại thực tế xảy ra. Thiệt hại xảy ra là tiền đề của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bởi mục đích của việc áp dụng trách nhiệm là khôi phục, bù đắp những tổn thất thực tế mà người thiệt hại phải gánh chịu; (2) Có hành vi gây thiệt hại trái luật hoặc có sự kiện tài sản gây thiệt hại trái luật. Quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản là một quyền tuyệt đối của mọi công dân, tổ chức, yêu cầu mọi người phải tôn trọng và không được thực hiện bất cứ hành vi nào “xâm phạm” và “Người nào…xâm phạm…mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”[2]; (3) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của con người hoặc hoạt động tài sản và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. [3]. Trước đây Bộ luật dân sự còn yêu cầu thêm yếu tố lỗi của người gây thiệt hại và chúng ta cần phải lưu ý về trường hợp bồi thường thiệt hại phát sinh do lỗi một phần hoặc toàn bộ của bên bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ở trường hợp thiệt hại do buôn bán người, xét về yếu tố lỗi, tại điểm b, Điều 3 của Nghị định thư Palermo nhấn mạnh rằng, trong trường hợp có sự đồng ý của nạn nhân cũng không được coi là lý do để loại trừ hành vi phạm tội nếu như các phương thức đe doạ, ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa đảo, lạm dụng quyền lực hoặc vị trí dễ bị tổn thương… nêu trên đã được thực hiện. Bởi vì sự đồng ý của nạn nhân có được là thông qua các phương thức nói trên. [4]
Về điều kiện có thiệt hại thực tế xảy ra, khi người bị thiệt hại là nạn nhân của buôn bán người điều kiện này thoả mãn. Buôn bán người để lại những tổn thương nghiêm trọng đối với người bị thiệt hại về cả sức khoẻ thể chất và tâm lý: Các nạn nhân của tội phạm này thường bị bóc lột sức lao động, phải làm những công việc nặng nhọc và quá sức, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, có thể bị thương tích, tàn phế suốt đời hoặc tử vong; ngoài ra, họ còn có thế bị cưỡng bức, bóc lột tình dục, có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS hay mang thai ngoài ý muốn (đối với nạn nhân nữ). Những tổn thương về sức khoẻ có thể dẫn tới những ảnh hưởng sâu sắc về tâm lý đối với nạn nhân như tình thần suy sụp, lo âu, sợ hãi, mặc cảm, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống, dẫn tới phát triển lệch lạc về nhận thức khiến họ trở nên khó hòa nhập với cuộc sống và cộng đồng, tệ hại hơn có thể dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý,.. hoặc trở thành tội phạm buôn bán ngưới.[5]Quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người được pháp luật ghi nhận và bảo hộ “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” [6], Chủ Tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong cuộc sống khi bị tước đoạt tự do, con người nói riêng và vạn vật nói chung đều rơi vào thống khổ bởi để dành được tự do như ngày nay thì tổ tiên chúng ta đã phải đánh đổi máu và nước mắt. Quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ. Trong Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.[7] Trường hợp bồi thường thiệt hại do người bị thiệt hại là nạn nhân của buôn bán người, người gây thiệt hại đã sử dụng các phương thức đe doạ, ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa đảo, lạm dụng quyền lực hoặc vị trí dễ bị tổn thương…gây thiệt hại cho người khác, xâm phạm tới các giá trị mà pháp luật đặc biệt đề cao bao gồm quyền tự do, quyền được bảo vệ sức khoẻ, bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhận phẩm, thậm chí là quyền được sống. Những hành vi xâm phạm tới các quyền này được quy định là hành vi trái luật, được bộ luật hình sự quy định là tội phạm[8] và được xác định là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong Điều 6 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2025, quy định về Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; Hành vi trái pháp luật khi lừa bán sang nước ngoài lao động khổ sai và những thiệt hại các nạn nhân phải gánh chịu có mối quan hệ nhân quả vì hành vi trái pháp luật của tội phạm buôn bán người là nguyên nhân gây ra thiệt hại và thiệt hại xảy ra đối với các nạn nhân là hệ quả tất yếu của các hành vi lừa bán sang nước ngoài theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP [9]của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Trong các văn kiện pháp lý, đảm bảo quyền được bồi thường thiệt hại trong trường hợp bị lừa bán sang nước ngoài đã được ghi nhận trong pháp luật quốc tế cũng như quốc gia. Luật Nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo quốc tế đã ghi nhận các nhiệm vụ của các quốc gia liên quan đến nghĩa vụ cung cấp cho các nạn nhân quyền tiếp cận công lý công bằng và có hiệu quả; Nghĩa vụ nỗ lực cứu chữa cho nạn nhân và trách nhiệm cung cấp hoặc tạo điều kiện bồi thường cho nạn nhân được đặt ra cấp thiết đối với mỗi quốc gia[10]Như vậy, tóm lại, với những phân tích ở trên, tác giả khẳng định rằng các điều kiện để bồi thường thiệt hại cho nạn nhân của tội buôn bán người thoả mãn các điều kiện của bộ luật dân sự năm 2015 [11]và cần được thực hiện đầy đủ nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân của tội phạm buôn bán người.
- Một số phương thức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do bị lừa bán sang nước ngoài.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh đối với nạn nhân của tội phạm buôn bán người là vấn đề mà pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế đặc biệt quan tâm. Theo công ước về buôn bán người của Châu Âu xác định “nạn nhân của buôn bán người” là “bất kì con người nào là đối tượng của buôn bán người được xác định” Cách tiếp cận này có thể hiểu không cần phải chứng minh các nạn nhân đã phải chịu đựng những tổn thất về kinh tế, tinh thần, thể chất thực tế mới xác định họ là nạn nhân của mua bán người. Với cách xác định như vậy sẽ đảm bảo tốt cho việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của loại tội phạm nguy hiểm này.[12] Theo văn bản Những nguyên tắc và hướng dẫn về quyền được cứu chữa và bồi thường của Liên hợp quốc, nạn nhân của tội phạm buôn bán người bao gồm cả những người phụ thuộc hoặc thành viên gia đình trực hệ của nạn nhân và những người phải chịu tổn thất khi giúp đỡ nạn nhân hoặc ngăn chặn hành vi buôn bán người. [13] Tại quy định Khoản 6 Điều 6 Nghị định thư, các quốc gia thành viên cần phải có các biện pháp và quy định giúp cho nạn nhân của tội phạm buôn bán người được đền bù những thiệt hại mà họ phải gánh chịu về thể chất, tinh thần, kinh tế. Việc bồi thường thiệt hại không thể xóa các trải nghiệm tiêu cực, mất mát của nạn nhân, nhưng có thể cải thiện triển vọng phục hồi của họ và bảo vệ người đó tránh rơi vào tình trạng bị buôn bán một lần nữa. Theo hướng dẫn tại Điều 12 và Điều 13 Tuyên bố của Liên hợp quốc về các Nguyên tắc công lý cơ bản cho nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực, các biện pháp bồi thường có thể bao gồm bắt buộc phải thanh toán tiền lương chưa trả, được thanh toán các chi phí pháp lý, chi phí y tế, để bù cho những đau đớn và khổ sở của họ.[14] Khi xác định thiệt hại, căn cứ trên tinh thần Bộ luật dân sự năm 2015, tác giả kiến nghị các thiệt hại mà người bị thiệt hại là nạn nhân của mua bán người phải gánh chịu gồm [15]: 1) Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; 2) Thiệt hại do sức khoẻ và tính mạng bị xâm phạm; 3) Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm phạm; 4) đặc biệt suy rộng ra còn bao gồm thiệt hại do quyền tự do bị xâm phạm, bởi khi bị lừa bán sang nước ngoài, nạn nhân không khác gì “nô lệ”, mất quyền tự do và được xem như món hàng hoá trong hình thái kinh tế-xã hội chiếm hữu nô lệ ngày xưa
2.1.Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại về tài sản là loại thiệt hại dễ nhận thấy nhất trong trường hợp nạn nhân bị lừa bán. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được bồi thường bao gồm “tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng”, “lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút”, “Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại”, “Thiệt hại khác do luật định”[16]. Khi người bị thiệt hại là nạn nhân của buôn bán người thường bị mất mát tài sản, họ có thể bị lừa mất tiền tiết kiệm, tài sản cá nhân hoặc thậm chí là khoản nợ lớn do bị lừa bán. Việc mất mát này không chỉ ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế của bản thân người bị thiệt hại và gia đình mà còn gây ra những khó khăn trong việc tái hoà nhập cuộc sống sau khi trở về. Ví dụ trường hợp bị bán sang Campuchia của anh T “ họ bắt tôi học vi tính, nếu chống cự thì bị đánh đập, chích điện. Họ nói nếu muốn về Việt Nam thì phải đưa tiền chuộc là 100 triệu đồng”, anh T kể và cho biết thêm, bọn chúng cho anh gọi zalo về nhà để yêu cầu người thân nộp tiền chuộc. “Ở đây khoảng 4 ngày, tôi nhờ được người quen chuộc về Việt Nam với giá khoảng 54 triệu đồng. Qua thông tin từ những người cùng cảnh ngộ thì nhóm này có 2 bãi tập kết người như vậy, mỗi ngày có khoảng 7 đến 8 người Việt Nam bị lừa, bán sang đây”[17]. Trong trường hợp này thiệt hại anh T phải chịu bao gồm số tiền bị chuộc 100 triệu đồng chưa kể đến những khoản thiệt hại khác. Trong nhiều trường hợp nạn nhân bị lừa bán phải sống phải sống trong điều kiện khắc nghiệt, không có nơi ở ổn định, không có nguồn thu nhập, dẫn đến tình trạng thiếu thốn vật chất nghiêm trọng. Họ có thể phải làm việc trong những ngành nghề nguy hiểm, không được trả lương hoặc bị trả lương rất thấp, dẫn đến tình trạng nợ nần chồng chất. Thiệt hại vật chất còn bao gồm các chi phí phát sinh trong quá trình tìm kiếm sự cứu trợ, như chi phí đi lại, chi phí điều trị y tế nếu nạn nhân bị thương tích trong quá trình bị lừa bán, hoặc chi phí pháp lý nếu họ quyết định khởi kiện để đòi lại quyền lợi. Như vậy ngoài khoản thiệt hại như tiền chuộc thân, tiền bị lừa bán gửi sang cho đối tượng lừa bán có thể còn bao gồm khoản tiền công không được trả lương, khoản tiền lãi phát sinh từ việc vay mượn liên quan đến khoản tiền chi trả gửi chuộc nạn nhân và những khoản chi phí khác.
Phương thức bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm có thể thực hiện bằng các cách sau: Bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc mà hai bên thoả thuận với nhau hay cơ quan pháp luật có thể yêu cầu người gây ra hành vi lừa bán phải trả lại tài sản hoặc bồi thường bằng tiền cho nạn nhân. Các khoản bồi thường có thể bao gồm chi phí chữa trị, tiền bồi thường mất thu nhập, hoặc bồi thường cho các thiệt hại tài sản mà nạn nhân đã mất. Ngoài các khoản trên, sẽ bao gồm thiệt hại gián tiếp do những nguồn lợi bị mất, bị giảm sút, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản nhưng không thu được do tài sản của nạn nhân bị xâm phạm. Khi nạn nhân bị lừa bán sang nước ngoài nếu có thể chứng minh được những khoản hoa lợi, lợi tức mất mát do tài sản của nạn nhân bị thiệt hại trong khi bị lừa bán sang nước ngoài lao động khổ sai và nếu không bị lừa bán sang nước ngoài thì khoản hoa lợi, lợi tức chắc chắn sẽ thu được thì những khoản này sẽ được xác định thiệt hại khi bồi thường.
- Thiệt hại do sức khoẻ, tính mạng bị xâm phạm
Thiệt hại về sức khoẻ và tính mạng là một trong những thiệt hại nghiêm trọng nhất mà người bị lừa bán có thể gặp phải. Nạn nhân của việc lừa bán sang nước ngoài thường phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, làm việc trong môi trường không an toàn, thiếu thốn thực phẩm và chăm sóc y tế. Những điều kiện này có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho sức khoẻ, từ các bệnh lý về thể chất đến các chấn thương tâm lý nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân còn có thể bị hành hạ thể xác hoặc tâm lý, bị cưỡng bức lao động, bị xâm hại tình dục hoặc thậm chí là bị sát hại. Việc bị tước đoạt quyền tự do và sống trong sự sợ hãi liên tục có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu, hoặc PTSD (hội chứng stress sau sang chấn). Đặc biệt, trong những vụ việc có yếu tố buôn bán người, nếu nạn nhân không may bị chết, thiệt hại về tính mạng sẽ không thể khắc phục được bằng bất kỳ biện pháp nào.
Sức khoẻ và sinh mạng con người là vốn quý, khó có thể xác định chính xác bằng một khoản tiền. Vì vậy, bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thực chất có ý nghĩa đền bù một phần thiệt hại mà các nạn nhân xấu số và gia đình các nạn nhân đã chịu đựng. Bộ luật dân sự năm 2015 đã chỉ ra thiệt hại do sức khoẻ, tính mạng bị xâm phạm. Theo đó thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được xác định bao gồm những chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và các chức năng bị giảm sút (tiền thuốc, tiền viện phí, tiền tàu xe, tiền thay thế các bộ phận giả nếu có). Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc nạn nhân khi nạn nhân trở về nước, thu nhập giảm sút là khoản chênh lệch giữa trước và sau khi điều trị sức khoẻ do hệ luỵ từ tác động của buôn bán người. Và ngoài ra thiệt hại bao gồm tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu, hiện tại bộ luật dân sự không có mẫu số chung cho tất cả mọi người và không thể tính được thành tiền một cách chính xác, mức tối đa cho một người có sức khoẻ bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định, về phần này tác giả kiến nghị trường hợp nạn nhân bị tổn thương sức khoẻ trong quá trình bị bán sang nước ngoài thì tổn thất tinh thần kiến nghị để mức tối đa khi xác định thiệt hại. Khi nạn nhân mua bán người bị tra tấn, hành hạ, các tổn thương về sức khoẻ sẽ không có điều kiện được cứu chữa kịp thời mà sẽ để lại các tổn thương, khi được giải cứu trở về các vết thương có thể đã lành hoặc để lại một số di chứng, việc xác định thiệt hại sức khoẻ trong những trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn, do đó tác giả kiến nghị xác định thiệt hại sẽ được tính theo điều kiện chữa trị thương tổn sức khoẻ với thời gian điều trị cho bệnh nhân bị các tổn thương tương tự. Ngoài ra nạn nhân buôn bán người do được xác định bao gồm cả những người phụ thuộc hoặc thành viên gia đình trực hệ của nạn nhân và những người phải chịu tổn thất khi giúp đỡ nạn nhân hoặc ngăn chặn hành vi buôn bán người. [18] do vậy nếu chứng minh được những người phụ thuộc hay thành viên của gia đình nạn nhân bị thiệt hại về sức khoẻ xuất phát từ nguyên nhân việc buôn bán người tạo ra thì những thiệt hại được xác định theo tinh thần của điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 tương tự như đối với nạn nhân trực tiếp bị buôn bán người .
Đối với các nạn nhân xấu số bị thiệt hại tính mạng thì thiệt hại được xác định dựa trên tinh thần của điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó các chi phí phải bỏ ra bao gồm, thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được xác định như vừa phân tích trên; chi phí hợp lý cho việc mai táng phù hợp với phong tục tập quán, chi phí vận chuyển tro cốt hoặc thi thể từ nước ngoài về nếu thiệt hại tính mạng ngoài nước; tiền cấp dưỡng cho những người mà người chết có nghĩa vụ phải cấp dưỡng và khoản tiền khác để bù đắp những tổn thất tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
- Về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Tổn thất về danh dự, nhân phẩm và uy tín là một thiệt hại không thể đo đếm bằng tiền, nhưng lại vô cùng quan trọng đối với con người. Việc bị lừa bán sang nước ngoài không chỉ làm mất mát về vật chất và sức khoẻ mà còn ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Nạn nhân của các vụ lừa bán thường phải trải qua những tình huống hết sức xấu hổ và tổn thương, đặc biệt khi họ bị đối xử như những món hàng, bị ép buộc tham gia vào các hoạt động tội phạm hoặc bị lợi dụng tình dục. Việc bị xâm hại, bị tước đoạt quyền tự do và nhân phẩm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của nạn nhân và khiến họ cảm thấy bị hạ thấp, bị bỏ rơi. Đặc biệt, nếu vụ việc bị phơi bày công khai, nạn nhân có thể phải đối mặt với sự kỳ thị từ xã hội, thậm chí bị mất uy tín trong mắt gia đình, bạn bè và cộng đồng. Những tổn thất này có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nạn nhân. Theo tinh thần của bộ luật dân sự năm 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm chi phí bỏ ra và thu nhập bị mất,.. và khoản tiền để bù đắp tổn thất tinh thần mà nạn nhân của tội phạm buôn bán người phải gánh chịu. Dựa trên tinh thần Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP [19]của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm trong trường hợp bị lừa bán sang nước ngoài lao động khổ sai có thể được xác định gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm bằng nhiều phương thức khác nhau như bị hành hạ, bị làm nhục…Khi bị xâm phạm, người gây ra thiệt hại phải chi trả các khoản chi phí để khắc phục thiệt hại: chi phí chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu xe đi lại, tiền thuê nhà trọ (nếu có); chi phí tổ chức xin lỗi nạn nhân và các chi phí thực tế cần thiết khác để khắc phục thiệt hại. Ngoài ra khi nạn nhân bị làm nhục, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín dẫn tới không thể tiếp tục lao động, làm việc như trước, thu nhập thực tế bị giảm sút, bị mất thì việc xác định khoản thiệt hại được xác định như đối với trường hợp nạn nhân bị xâm phạm tới sức khoẻ. Ngoài ra, nạn nhân cần được bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần phải căn cứ vào hành vi, hình thức mà nạn nhân phải gánh chịu khi bị lừa bán sang nước ngoài phải lao động khổ sai. [20]
- Về thiệt hại do mất tự do.
Một trong những thiệt hại nghiêm trọng khi bị lừa bán sang nước ngoài chính là việc bị tước đoạt quyền tự do. Người bị lừa bán thường bị giam giữ trong những điều kiện khắc nghiệt, bị ép buộc lao động hoặc tham gia vào các hoạt động tội phạm mà họ không mong muốn. Việc bị tước đoạt tự do không chỉ là một hành vi vi phạm pháp luật mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến nhân quyền của nạn nhân. Sự tự do là một quyền cơ bản của con người, việc bị mất quyền tự do có thể gây ra những tác động tâm lý tiêu cực, làm suy giảm niềm tin vào cuộc sống và xã hội. Trong trường hợp nạn nhân được giải thoát, việc tái hòa nhập với cộng đồng sau khi đã trải qua giai đoạn bị tước đoạt tự do cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và các tổ chức xã hội.
Trong xác định thiệt hại theo quy định của bộ luật dân sự năm 2015 tuy không đề cập đền thiệt hại do mất tự do tuy nhiên theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại điều 585 của Bộ luật dân sự 2015 “thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời” do đó, khi tự do là quyền tối thiểu và cơ bản nhất của một con người bị xâm phạm trái luật thì cần được xác định phải được bồi thường. Do bộ luật dân sự không quy định cụ thể nên tác giả kiến nghị thiệt hại được xác định có thể bao gồm việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm về việc tước đoạt tự do của nạn nhân. Ngoài ra, người bị thiệt hại trong trường hợp này có thể yêu cầu bồi thường cho việc bị giam giữ trái phép, tổn thất về tinh thần và các chi phí pháp lý liên quan đến việc đòi lại quyền tự do. Thiệt hại được bồi thường áp dụng tương tự pháp luật [21]có thể được xác định từ 02 đến 05 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị tước đoạt tự do khi nạn nhân bị lừa bán sang nước ngoài.
Chúng ta nhận thấy rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia, nơi mà tội phạm buôn bán người hoạt động sôi động nhất trong khu vực ASEAN. Điều này là thách thức đối với công tác đảm bảo quyền của các nạn nhân đặc biệt về vấn đề xác định thiệt hại để bồi thường cho nạn nhân mua bán người. Cũng bởi vì lẽ đó mà việc nghiên cứu về chế định xác định thiệt hại và kiến nghị quy định thành điều khoản cụ thể trong những trường hợp này là cần thiết. Tại Việt Nam, có khá nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tuy nhiên, nghiên cứu dưới khía cạnh xác định thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp bị lừa bán sang nước ngoài lao động khổ sai lại chưa được chú ý nhiều. Trong khi đó, đây là vấn đề quan trọng để bảo vệ quyền lợi, đền bù những thiệt hại của nạn nhân mua bán người là phụ nữ, trẻ em, lao động yếu thế… đồng thời là căn cứ để răn đe phòng ngừa tội phạm hoạt động trong lĩnh vực này. Những quyền này thường không được cung cấp một cách hiệu quả cho những người bị buôn bán vì họ thường thiếu thông tin về khả năng và quy trình để đạt được các biện pháp khắc phục, bao gồm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Để khắc phục vấn đề này, những người bị buôn bán cần được hỗ trợ về mặt pháp lý và vật chất khác để giúp họ được hưởng đầy đủ và phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hiến pháp 2013
- Bộ luật Hình sự năm 2015
- Bộ luật Dân sự năm 2015
- Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017
- Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ năm 1776
- Trường Đại học luật Hà Nội, (2022), Giáo trình Luật dân sự Việt Nam tập II, nxb. Tư pháp, Hà Nội.
- Nguyễn Minh Tuấn, (Chủ biên), 2016, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
- Đỗ Văn Đại, (Chủ biên), (2016), Bình luận khoa học bộ luật dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức- Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội.
- Vũ Ngọc Dương, (chủ nhiệm), (2023), Bảo đảm quyền của nạn nhân tội phạm buôn bán người theo pháp luật ASEAN và thực tiễn thực hiện tại Việt Nam, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.
- Nguyễn Khắc Hải, (2018), Nạn nhân của tội phạm, Tạp chí khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 34, số 2.
- Sembacher, A, (2005), The council of Europe convention on action against trafficking in human beings, J .Int’l &Comp.L.,
- T, (2012), Anne Gallagher, The International Law of Human Trafficking.
- Marika McAdam, Tiến trình BaLi về Đưa người Di cư Trái phép, Nạn Buôn bán Người và Tội phạm Xuyên Quốc Gia liên quan, Hướng dẫn chính sách về bảo vệ nạn nhân buôn bán người, 2015,
https://www.unodc.org/roseap/uploads/documents/Publications/2021/SoM_Protocol_Vietnamese.pdf, truy cập ngày 22/01/2025.
- Ban biên tập- Pháp luật, Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, 2020, https://dangcongsan.vn/phap-luat/toi-pham-mua-ban-nguoi-dien-bien-phuc-tap-672020.html truy cập ngày 15/01/2025.
- Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Quý III/2024: Đã điều tra xử lý 83 vụ với 240 bị can liên quan đến hành vi mua, bán người, 2024,
https://bocongan.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-bo/quy-iii2024-da-dieu-tra-xu-ly-83-vu-voi-240-bi-can-lien-quan-den-hanh-vi-mua-ban-nguoi-d2-t41951.html truy cập ngày 15/01/2025.
- Sơn Tùng, Hành trình đầy ám ảnh của nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia, 2024, https://congan.com.vn/doi-song/hanh-trinh-day-am-anh-cua-nan-nhan-bi-lua-ban-sang-campuchia_161735.html truy cập ngày 23/01/2025,
[*] Giảng viên Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm, phân hiệu Trường đại học kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh
[2] Khoản 1, điều 584, Bộ luật dân sự năm 2015
[3] Trường Đại học luật Hà Nội, (2022), “Giáo trình Luật dân sự Việt Nam tập II”, nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 480-485
[4] Obokata.T, (2012), Anne Gallagher, The International Law of Human Trafficking, tr.278
[5] Vũ Ngọc Dương (2023), “Bảo đảm quyền của nạn nhân tội phạm buôn bán người theo pháp luật ASEAN và thực tiễn thực hiện tại Việt Nam”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 56
[6] Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ
[7] Khoản 1, điều 20, Hiến pháp năm 2013
[8] Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015
[9] Đỗ Văn Đại( Chủ biên), (2016), Bình luận khoa học bộ luật dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức- Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tr.91
[10] Nguyễn Khắc Hải (2018), Nạn nhân của tội phạm, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, Tập 34, số 2, tr.89
[11] Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015
[12] Sembacher, A (2005), “The council of Europe convention on action against trafficking in human beings” Tul.J .Int’l &Comp.L., 14,435
[13] Obokata. T, (2012), Anne Gallagher, The International Law of Human Trafficking, tr.278.
[14] Marika McAdam, Tiến trình BaLi về Đưa người Di cư Trái phép, Nạn Buôn bán Người và Tội phạm Xuyên Quốc Gia liên quan (2015), Hướng dẫn chính sách về bảo vệ nạn nhân buôn bán người,
https://www.unodc.org/roseap/uploads/documents/Publications/2021/SoM_Protocol_Vietnamese.pdf , truy cập ngày 22/01/2025, tr.16
[15] Mục 2, chương XX, Bộ Luật Dân sự năm 2015
[16] Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015
[17] Sơn Tùng, Hành trình đầy ám ảnh của nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia, 2024, https://congan.com.vn/doi-song/hanh-trinh-day-am-anh-cua-nan-nhan-bi-lua-ban-sang-campuchia_161735.html truy cập ngày 23/01/2025,
[18] Obokata. T, (2012), Anne Gallagher, The International Law of Human Trafficking, tr.278.
[19] Điều 9, Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
[20] Nguyễn Minh Tuấn, (Chủ biên), 2016, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, Tr.843.
[21] Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát số 08/2025