Giải pháp nâng cao chất lượng định tội và thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án giết người

Ngày 22/11, VKSND cấp cao tại TP HCM phối hợp Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM tổ chức hội nghị chuyên đề “Một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động định tội và thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án giết người”.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM phát biểu ở hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Cục điều tra VKSND tối cao tại TP HCM, các đồng chí là Viện trưởng, Phó Viện trưởng của 23 VKSND các tỉnh, thành phía Nam và VKS Quân sự Quân khu 7; đại diện TAND cấp cao tại TP HCM, TAND TP HCM.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong những năm qua, tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng về số lượng, qui mô và tính chất, thủ đoạn tội phạm ngày càng vi hơn, trong đó tội giết người tăng hầu hết ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở TP HCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang… Số vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày càng nhiều, tội phạm theo kiểu băng nhóm xã hội đen sử dụng các loại hung khí nguy hiểm có tính sát thương cao.

Điều đáng nói, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa, nhiều đối tượng là người chưa thành niên bị lôi kéo, rủ rê, tụ tập thành những nhóm đánh, chém, bắn nhau, gây náo loạn nhiều khu vực, làm mất ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn…

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng VKSND TP HCM trình bày tham luận.

Trước tình hình đó, công tác đấu tranh phòng chống và điều tra, truy tố, xét xử đối những vụ án giết người đòi hỏi phải được nâng cao, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời phá án. Việc điều tra, truy tố, xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng khung hình phạt, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt người, lọt tội, có như vậy mới góp phần kéo giảm tình hình tội phạm gia tăng như hiện nay.

Cùng với những kết quả của Cơ quan điều tra, VKSND các tỉnh phía Nam đã đạt được nhiều thành tích trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra – kiểm sát xét xử tội phạm giết người, các vụ án giết người đều được phát hiện, khởi tố, xử lý kịp thời, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần tích cực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự đối với tội giết người tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót.

Đồng chí Trần Văn Cường, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương trình bày tham luận tại hội nghị.

vẫn còn xảy ra trường hợp vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử; chưa làm đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định của BLTTHS dẫn đến không phát hiện những mâu thuẫn giữa các chứng cứ; Đánh giá chưa đúng tính chất khách quan của vụ án dẫn đến bỏ lọt tội phạm, lọt người phạm tội, hoặc xử phạt không nghiêm, không tương xứng hậu quả gây bức xúc trong nhân dân….

Những thiếu sót, vi phạm trên cấp phúc thẩm không thể khắc phục được phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, xét xử lại làm kéo dài quá trình giải quyết vụ án… Nguyên nhân của thực trạng này phần nhiều là xuất phát từ hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm còn chưa tốt.

Do đó, hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nhuyên nhân của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án giết người.

Qua đó, xác định nguyên nhân, hạn chế, trách nhiệm, đề ra giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử nhằm hạn chế việc Tòa tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại. Đảm bảo việc đấu tranh xử lý tội phạm chính xác, kịp thời, đúng pháp luật và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Quang cảnh hội nghị.

Phải làm rõ chứng cứ buộc, gỡ tội

Tại hội nghị, đại diện VKSND TP HCM và VSKND các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Dương, Kiên giang, Long An, Trà Vinh… đã phát biểu tham luận, tập trung vào những khó khăn, vướng mắc; những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự đối với tội giết người.

Qua đó, hội nghị cũng đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án giết người.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện cấp cao 3, đánh giá hội nghị đã thành công tốt đẹp. Đồng chí Phó Viện trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phải tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là việc phân công, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của Kiểm sát viên; kịp thời chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho Kiểm sát viên. Bám sát, sâu sát trong từng vụ án cụ thể, đặc biệt là các vụ án truy xét, phức tạp về chứng cứ, bị can không nhận tội thì lãnh đạo đơn vi nên trực tiếp đọc hồ sơ vụ án, kiểm tra tài liệu, chứng cứ để kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót trong quá trình điều tra, những vấn đề cần phải chứng minh làm rõ trong vụ án hoặc mâu thuẫn giữa các tài liệu chứng cứ đã thu thập…

Đặc biệt, không được buông lỏng giao phó cho Kiểm sát viên, vì lãnh đạo Viện là người ký phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót. Kiểm tra, giám sát thông qua việc chỉ đạo Kiểm sát viên xây dụng báo cáo đề xuất, sơ đồ tư duy, phải yêu cầu báo cáo rõ từng chứng cứ buộc tội, gỡ tội, những nội dung chưa thống nhất quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tổ tụng, thực hiện quy định về báo cáo án cho Viện cấp cao 3 theo quy chế.

Các đại biểu tham dự hội nghị cùng chụp hình lưu niệm.

“Đặc biệt cần lưu ý phải rút ra được những bài học kinh nghiệm, tránh để xảy ra những vi phạm, thiếu sót mang tính chủ quan trong thời gian qua. Nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm trong công tác thực hành quyền công tổ, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Đặc biệt là trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố trong giải quyết các vụ án hình sự”, đồng chí Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.

Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, Chị thị số 05 ngày 27/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu thực trạng của công tác trên để tìm ra giải pháp khắc phục nhằm góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự về tội giết người, bảo đảm cho việc xử lý đúng quy định của pháp luật, không để lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, quyền con người trong tố tụng hình sự.

Viện cấp cao 3 và Trường Nghiệp vụ xây dựng chuyên đề “Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động định tội và thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án giết người ta khu vực phía Nam (giai đoạn 2019-2023), nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự về tội giết người tại khu vực phía Nam trong thời gian tới.

Mục đích nghiên cứu chuyên đề là nhằm đánh giá chất lượng (kết quả) của hoạt động điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm đối với các vụ án giết người, qua đó xác định nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, hạn chế việc Tòa tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại, bảo đảm việc đấu tranh xử lý tội phạm được khách quan, chính xác, nhanh chóng, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Nguồn: Báo bảo vệ pháp luật