Khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại và lao động.

Thực hiện Kế hoạch số 19/KH-VKSTC ngày 06/02/2025 của Viện trưởng VKSND tối cao về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025, trên cơ sở đề nghị của các đơn vị trong Ngành và Công văn số 1006/VKSTC-V15 về việc tổ chức lớp bồi dưỡng, sáng ngày 18/3/2025, Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) tổ chức Lễ khai giảng lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu ngắn hạn về kỹ năng kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại và lao động.

Dự và phát biểu tại Lễ khai giảng khóa học có đồng chí Mai Văn Sinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát.

Đồng chí Mai Văn Sinh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiểm sát phát biểu tại Lễ khai giảng

Tham dự Lễ khai giảng còn có lãnh đạo các Khoa, Phòng, các giảng viên Nhà trường và 35 học viên là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh Phía Nam.

Mục đích của việc mở lớp bồi dưỡng nhằm trang bị thêm những kiến thức chuyên sâu, kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đang công tác tại VKSND các địa phương trong việc kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại và lao động.

Toàn cảnh lớp Tập huấn

Trong thời gian học tập học viên được các giảng viên có kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn truyền đạt những kỹ năng trong việc kiểm sát giải quyết các tranh chấp trong ly hôn, thừa kế, nhà ở và quyền sử dụng đất, tranh chấp về kinh doanh thương mại và lao động. Đây là những tranh chấp thường gặp trong thực tiễn, đòi hỏi Kiểm sát viên, kiểm tra viên phải có được kiến thức, kỹ năng chuyên sâu khi kiểm sát để tránh xảy ra sai sót khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Ngoài các buổi học về lý luận các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên còn được nghe báo cáo thực tế trao đổi, thảo luận cùng giảng viên để giải đáp những khó khăn, vướng mắc về thực tiễn áp kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại và lao động, từ đó giúp cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có được những kiến thức lý luận, kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, đáp ứng yêu cầu cải cách Tư pháp và hội nhập quốc tế hiện nay./.

Phan Thị Thanh