Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và giải pháp khắc phục
Giảng viên Nguyễn Thị Thùy Liên – Khoa Kiểm sát hình sự – Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh
So với Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 thì quy định về tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của BLTTHS năm 2015 là một trong những quy định mới. Quy định này ra đời đã khắc phục được khó khăn trong việc áp dụng các quy định của BLTTHS năm 2003 khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố xuất hiện những căn cứ khiến cho quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm bắt buộc phải dừng lại một khoảng thời gian nhất định mà cơ quan tiến hành tố tụng nếu như áp dụng quy định của BLTTHS năm 2003 hoặc các văn bản hướng dẫn trước đó không thể giải quyết được, điều này khiến cho quá trình tố tụng kéo dài, gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tố giác, người báo tin, cơ quan, tổ chức đã kiến nghị khởi tố.
Điều 148 BLTTHS năm 2015 quy định về việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
1. Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định tạm đình chỉ kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát và gửi quyết định tạm đình chỉ đó cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ để tiếp tục giải quyết. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.”
Như vậy, khi hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định tại Điều 147 BLTTHS (20 ngày trong trường hợp thông thường, 02 tháng trong trường hợp phức tạp, cần kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc 04 tháng khi có gia hạn), nếu thuộc một trong các trường hợp đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; hoặc đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Về mặt lý luận, có thể hiểu tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm ngừng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong một khoảng thời gian nhất định khi xuất hiện những căn cứ do pháp luật quy định mà chưa đủ cơ sở để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Quy định này nhằm mục đích khắc phục những vướng mắc về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã tồn tại trước đó. Tuy nhiên, quá trình áp dụng quy định này trong thực tiễn lại xuất hiện những vướng mắc nhất định, cụ thể như sau:
Một là, BLTTHS năm 2015 chỉ quy định việc tạm đình chỉ khi có một trong các trường hợp được quy định tại Điểm a, b khoản 1 Điều 148 mới xem là có căn cứ để tạm đình chỉ, trong khi thực tiễn có thể phát sinh những căn cứ khác nhưng chưa được luật dự liệu thì có thể xem là đủ căn cứ để tạm đình chỉ hay không hay bắt buộc phải ra một trong các quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Ví dụ, trường hợp trong vụ án cố ý gây thương tích xảy ra, có đơn yêu cầu khởi tố của bị hại, nhưng trong quá trình kiểm tra, xác minh, bị hại bỏ đi khỏi địa phương, Cơ quan điều tra không thể triệu tập để làm việc được và cũng chưa thể tiến hành trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật để xác định cơ sở khởi tố vụ án thì có căn cứ để tạm đình chỉ hay không? Hay áp dụng quy định tại Điều 146, gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm? Hay vận dụng quy định tại Điều 157 BLTTHS để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự? Trong trường hợp khác, khi cơ quan có thẩm quyền không thể triệu tập, để làm việc với người tố giác, người báo tin vì những lý do nhất định thì trường hợp này có thể tạm đình chỉ không? Thực tiễn khi phát sinh trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng thường vận dụng căn cứ tại Điểm b khoản 2 Điều 148 để ra quyết định tạm đình chỉ nhưng việc vận dụng như vậy thường là gượng ép và không đủ thuyết phục.
Hai là, việc áp dụng căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015 trong nhiều trường hợp thể hiện sự tùy nghi của cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi trên thực tế, việc xác định những đồ vật, tài liệu có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vụ án rất khó. Đây là một quy định mới chưa có hướng dẫn cụ thể nên quá trình áp dụng khá phức tạp, khi gặp phải trường hợp thấy cần thiết, nếu đối chiếu không phù hợp với quy định tại Điểm a, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ vận dụng Điểm b mặc dù cảm thấy nó “chưa thực sự phù hợp”.
Ba là, BLTTHS năm 2015 không có quy định về thời gian tạm đình chỉ là bao lâu mà chỉ quy định là khi lý do tạm đình chỉ không còn thì phải phục hồi việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cũng không quy định được tạm đình chỉ bao nhiêu lần, khi đã phục hồi giải quyết, nếu tiếp tục xuất hiện căn cứ cần tạm đình chỉ thì có tiếp tục áp dụng quy định này hay không, do đó gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các đối tượng liên quan, đặc biệt là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Bốn là, BLTTHS năm 2015 quy định, thẩm quyền tạm đình chỉ thuộc về Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát. Tuy nhiên, thẩm quyền phục hồi việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chỉ thuộc về Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, điều này là không phù hợp về mặt lý luận cũng như thực tiễn, gây khó khăn cho quá trình áp dụng.
Với những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực tiễn áp dụng quy định của BLTTHS năm 2015 đối với các trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tác giả đề xuất các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tránh việc áp dụng tùy tiện quy định này trong thực tiễn giữa các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, đặc biệt là quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 148 BLTTHS. Đồng thời, những quy định cụ thể liên quan đến thẩm quyền phục hồi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cũng cần được hướng dẫn, bổ sung thêm chủ thể Viện kiểm sát là cơ quan có quyền phục hồi việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố để đảm bảo tính thống nhất khi áp dụng quy định này trong thực tiễn.
Thứ hai, để tránh tình trạng nhận thức không thống nhất quy định của pháp luật dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thông qua việc áp dụng quy định tạm đình chỉ đối với các trường hợp cần trưng cầu giám định, định giá tài sản thì đối với các yêu cầu về trưng cầu giám định, định giá tài sản, cần có những quy định ràng buộc về thời gian cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các yêu cầu này, sớm có được kết quả phục vụ cho hoạt động giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chỉ được tiến hành một lần trên cơ sở tổng hợp, xem xét toàn diện nội dung, trường hợp cần thiết tiến hành tạm đình chỉ để giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan, sau đó phục hồi việc giải quyết để đảm bảo quyền lợi của những đối tượng có liên quan, tránh để dây dưa, kéo dài.
Tóm lại, tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là quy định mới được ghi nhận trong BLTTHS năm 2015 nhằm mục đích khắc phục những khó khăn về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của các văn bản pháp luật trước đó. Mặc dù vậy, khi áp dụng vào thực tiễn đã bắt đầu phát sinh những bất cập, đòi hỏi phải có những thay đổi, hướng dẫn phù hợp, để quy định này thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn áp dụng pháp luật./.