Kinh nghiệm tranh tụng của Kiểm sát viên trong trường hợp bị cáo bị truy tố, xét xử về tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ

Tội phạm về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ rất đa dạng và phức tạp, những người phạm loại tội này thường có trình độ chuyên môn cao nên thủ đoạn che dấu hết sức tinh vi, rất khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án xâm phạm trật quản lý kinh tế, chức vụ, Kiểm sát viên cần thực hiện tốt các bước sau đây:

– Bước 1: Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án. Đây là mấu chốt và đánh giá sự thành công trong quá trình giải quyết vụ án, trong đó cần chú trọng đến các tài liệu chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội, xác định được những chứng cứ nào là chứng cứ buộc tội, chứng cứ nào là chứng cứ gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo; nghiên cứu kỹ các lời khai của bị cáo, lưu ý bị cáo thừa nhận nội dung gì, không thừa nhận nội dung gì, lời khai của những người tham gia tố tụng khác như thế nào, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nói lên điều gì, quan điểm quan điểm của người bào chữa ra sao… để chuẩn bị đề cương xét hỏi tại phiên tòa.

– Bước 2: Chuẩn bị kỹ các câu hỏi thẩm vấn và nội dung tranh tụng. Kiểm sát viên cần chuẩn bị câu hỏi thẩm vấn và câu hỏi phải cụ thể, sát với nội dung vụ án, trong đó chú trọng đến các câu hỏi về hành vi phạm tội bị cáo, nguyên nhân phạm tội, tài sản tham nhũng, khả năng khắc phục để được hưởng khoan hồng…để từ đó phân loại, đánh giá tính chất mức độ của tội phạm cũng như cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng bị cáo. Kiểm sát viên cần chuẩn bị các nội dung tranh tụng, đây là nội dung quan trọng các vụ án xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng. Nội dung này sẽ đánh giá vai trò của Kiểm sát viên tại phiên tòa bảo vệ Cáo trạng của Viện kiểm sát, nêu ra những chứng cứ buộc tội nhằm khẳng định việc truy tố đối với bị cáo là đúng người đúng tội, phản bác những quan điểm bào chữa của bị báo, ngừơi bào chữa, Kiểm sát viên cần giải thích, lập luận để thuyết phục Hội đồng xét xử chấp nhận luận tội của Viện kiểm sát, cũng như thuyết phục dư luận đồng tình, ủng hộ, có như vậy vai trò của Kiểm sát viên tại phiên tòa mới thành công.

– Bước 3: Xác định tính chất phức tạp của từng vụ án để có hướng xét hỏi, tranh tụng phù hợp. Đối với các vụ án kinh tế, chức vụ đặc biệt là những vụ án do Ban chỉ đạo trung ương trực tiếp chỉ đạo cho thấy tính chất nghiêm trọng, phức tạp của vụ án, được dư luận xã hội, báo chí quan tâm, Kiểm sát viên cần chủ động tranh tụng trong các vấn đề hoặc nhóm vấn đề, trong đó cần chú ý tổng hợp các ý kiến của luật sư bào chữa, bị cáo theo cách thức như sau: Nếu có quan điểm trả lời thì ghi liền vào bên cạnh những nội dung để tranh tụng hoặc giải thích…. Việc đối đáp, tranh tụng trên cơ sở khách quan, đúng tố tụng, phù hợp với diễn biến của phiên tòa; những nội dung nào trả lời được hoặc có trọng tâm thì nên lựa chọn tranh tụng trước, nội dung nào khó thì nên vận dụng tài liệu để tham khảo ý kiến của đồng nghiệp bên cạnh hoặc chuẩn bị có bộ phận trợ giúp (phối hợp với Điều tra viên, giám định viên…).

Để thực hiện tốt việc tranh tụng, Kiểm sát viên cần có các kỹ năng sau:

– Kỹ năng ghi chép câu hỏi và trả lời của bị cáo. Kiểm sát viên cần tập trung chú ý lắng nghe, ghi chép những câu hỏi của thành viên Hội đồng xét xử đã hỏi và trả lời của các bị cáo để từ đó đối chiếu với bảng đề cương thẩm vấn xem có trùng lặp hoặc đã hỏi và trả lời rồi thì gạch chéo hoặc đánh dấu để không hỏi lại, tránh trùng lắp mất thời gian.

– Kỹ năng xét hỏi. Khi đến phần xét hỏi, ngoài những câu hỏi dự kiến, Kiểm sát viên cần hỏi thêm những nội dung mà bị cáo khai ra trước Hội đồng xét xử để xác định lại quan điểm đánh giá về vụ án, vai trò của bị cáo cũng như phục vụ kết luận về vụ án, đảm bảo có căn cứ, đúng tố tụng và phù hợp diễn biến tại phiên tòa, Kiểm sát viên có thể xét hỏi thêm các vấn đề chưa rõ, phát sinh ngoài dự kiến.

– Chiến thuật xét hỏi. Chiến thuật xét hỏi đối với từng bị cáo trong từng vụ án phải khác nhau, tùy theo đặc điểm, tính chất của từng vụ án để quyết định việc thẩm vấn ai trước, ai sau, cách hỏi như thế nào… Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên cần chủ đồng trao đổi với thành viên Hội đồng xét xử nên hỏi ai trước, ai sau, hỏi những nội dung gì nhằm đảm bảo hoạt động tố tụng cũng như tránh việc phản cung, chối tội của bị cáo…

– Trình tự xét hỏi. Kiểm sát viên cần xét hỏi đối với những bị cáo thần khẩn khai báo trước và hỏi kỹ các bị cáo đó về từng nội dung cụ thể; sau đó tiếp tục thẩm vấn bị cáo liên quan, đặc biệt là đối với vụ án có bị cáo kêu oan, chối tội, cần sử dụng cách hỏi nhằm xác nhận những sự kiện có liên quan, như gặp mặt, có lời khai về nội dung nào đó hoặc có sự kiện gì diễn ra mà có sự có mặt của bị cáo đang kêu oan…

– Đối với các bị cáo kêu oan, khai nhận không thành khẩn phải hỏi sau cùng. Nội dung hỏi không nên đi trực tiếp mà nên hỏi từ những chứng cứ gián tiếp, dần đến các nhân chứng, sau khi có đủ căn cứ mới triển khai hỏi bị cáo và bằng lập luận của mình cùng tài liệu chứng cứ, Kiểm sát viên buộc bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội mới thành công.

– Điểm mấu chốt trong phiên tòa không chỉ xét hỏi chủ yếu về chứng cứ buộc tội mà Kiểm sát viên cần quan tâm đến các chứng cứ gỡ tội và các căn cứ buộc tội của Cơ quan điều tra thu thập đã phù hợp hoặc đầy đủ hay chưa, có vi phạm tố tụng hay không…

Đặc biệt, trong vụ xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, chức vụ (có dấu hiệu tham nhũng), Kiểm sát viên cần thẩm vấn làm rõ đường đi của tài sản để từ đó có biện pháp thu hồi triệt để cho ngân sách Nhà nước.

Kinh nghiệm tranh tụng của Kiểm sát viên trong trường hợp bị cáo không nhận tội

Kiểm sát viên cần phải nắm vững các quy định pháp luật về các hoạt động kinh tế tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội (các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy trình hoạt động của từng cơ quan, tổ chức…) để đối chiếu xem hành vi bị cáo có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì theo quy định tại điều khoản nào của Bộ luật hình sự.

Kiểm sát viên cần thẩm định các tài liệu chứng cứ thu thập trong hồ sơ vụ án có đảm bảo khách quan hay không; chứng cứ trực tiếp hay gián tiếp (thông thường các tội cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô, nhận hối lộ…đều có chứng cứ như có vi phạm nguyên tắc, vượt thẩm quyền, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, cần viện dẫn cụ thể các văn bản quy định về quy trình, thẩm quyền phê duyệt, Nghị định, Thông tư hướng dẫn những vấn đề được làm và không được làm…

Nắm chắc các quy định về quản lý kinh tế, xác định đúng bản chất của hành vi tội phạm, xác định có dấu hiệu vụ lợi hay không, xác định hậu quả và hành vi vi phạm có quan hệ nhân quả với nhau để định tội danh cho chính xác cũng như làm cơ sở trong quá trình tranh tụng.

Ví dụ: Khi tranh tụng trong tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án ĐLT cùng 6 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái” gây thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), vì các bị cáo kêu oan và đề nghị xem xét lại tội danh, hình phạt, mức bồi thường dân sự… Viện kiểm sát đã đưa ra các lập luận: Năm 2008-2011, bị cáo ĐLT đã ký thỏa thuận góp vốn với HVT (Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank) nhưng không thông qua Hội đồng quản trị Tập đoàn PVN, việc này trái với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trong lần góp vốn đầu tiên 400 tỷ đồng, Viện kiểm sát cho rằng bị cáo ĐLT chỉ đạo và quyết định việc PVN góp vốn khi chưa biết tình hình, kết quả hoạt động của Ngân hàng Oceanbank, trong khi Bộ Tài chính đã yêu cầu PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của ngân hàng để tránh rủi ro trước khi quyết định đầu tư. Với lần góp vốn thứ hai 300 tỷ đồng, Viện kiểm sát nhận định, ngày 31/5/2010 cựu thành viên Hội đồng thành viên, VKT theo ủy quyền của bị cáo ĐLT đã ký nghị quyết để PVN bổ sung vốn là trái với tinh thần của Công văn chỉ đạo từ cấp trên yêu cầu PVN rà soát tình hình triển khai thực hiện, cân đối vốn, trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ của Ngân hàng Oceanbank. Lần này, bị cáo ĐLT đồng ý để PVN ra nghị quyết chấp thuận bổ sung tăng vốn 300 tỷ đồng khi chưa được Thủ tướng phê duyệt. Trước khi ra nghị quyết góp vốn lần hai bị cáo ĐLT cũng không chỉ đạo khảo sát, đánh giá lại hoạt động của Ngân hàng Oceanbank. Tại lần góp vốn thứ ba, Viện kiểm sát kết luận ngày 1/1/2011, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực thi hành nhưng bị cáo vẫn chủ trương góp vốn lần ba trong tháng 5/2011; số tiền 100 tỷ đồng góp vào để duy trì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của PVN tại Ngân hàng Oceanbank là 20%, song luật chỉ cho phép tỷ lệ này là 15% (một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng). Không chỉ vậy, các bị cáo ĐLT còn không báo cáo cấp trên. Hậu quả của ba lần góp vốn trái luật nói trên làm Tập đoàn PVN mất toàn bộ 800 tỷ đồng sau khi Oceanbank có nhiều sai phạm trong quản lý và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

– Đánh giá tổng thể ba lần góp vốn nói trên, Viện kiểm sát cho rằng bị cáo ĐLT và đồng phạm làm trái ý kiến của Chính phủ có hệ thống, các bị cáo báo cáo cấp trên chỉ mang tính thủ tục, hình thức, khi thực hiện góp vốn, các bị cáo bàng quan với năng lực, thực trạng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Oceanbank. Tranh luận vấn đề này, bị cáo ĐLT cho rằng trong suốt năm 2009-2011 Ngân hàng Oceanbank có chia cổ tức 244 tỷ đồng cho PVN nên việc đầu tư là đúng hướng, có lãi và Ngân hàng Oceanbank là ngân hàng loại A. Với nội dung trang luận này, Kiểm sát viên cần lập luận: theo kết luận của Thanh tra Ngân hàng, lợi nhuận theo báo cáo của Oceanbank là ảo, lãi giả lỗ thật nên thực chất số tiền này chính là tiền gốc của các cổ đông góp vào Ngân hàng Oceanbank, rồi sau đó, Oceanbank sử dụng nguồn vốn đó để trả lãi cho các cổ đông (trong đó có PVN) là thủ đoạn để che đậy thua lỗ và để kêu gọi tiếp tục góp vốn.

– Bị cáo ĐLT tiếp tục cho rằng nguyên nhân PVN mất 800 tỷ đồng vốn góp vào Oceanbank do cấp trên không cho phép thoái vốn và hậu quả xảy ra sau khi bị cáo đã chuyển công tác khác được bốn năm nên bị cáo không chịu trách nhiệm. Tranh luận nội dung này, Kiểm sát viên phải chỉ ra PVN thiệt hại 800 tỷ đồng là do đầu tư vào Ngân hàng Oceanbank trong khi ngân hàng này hoạt động không hiệu quả, vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng; và vi phạm của Ngân hàng Oceanbank đã được chứng minh ở vụ án là do bị cáo HVT tham ô, cố ý làm trái gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, do đó, việc Oceanbank mất khả năng thanh khoản chỉ là vấn đề thời gian; cấp có thẩm quyền không cho phép PVN thoái vốn tại Ngân hàng Oceanbank là do yếu tố khách quan và không phải nguyên nhân dẫn đến PVN thất thoát 800 tỷ đồng như bị cáo nhìn nhận.

Kiểm sát viên thông qua việc nắm chắc các quy định của pháp luật về quy trình đầu tư, góp vốn của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước làm căn cứ đối chiếu, chỉ ra những sai phạm của Tập đoàn PVN khi góp vốn cho Oceanbank chính là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước; bị cáo biết việc làm của mình là chưa tuân thủ quy định của pháp luật và chỉ đạo của cấp trên nhưng vẫn thực hiện, hành vi của các bị cáo đã thảo mãn cấu thành tội phạm, từ đó nội dung luận tội và tranh luận của KSV thể hiện được tính thuyết phục, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho HĐXX hai cấp đồng ý với Cáo trạng truy tố của VKS đối với các bị cáo trong vụ án kinh tế nói trên.

*Đối với vụ án “Vi phạm các quy định trong xây dựng” (vụ Đường ống nước sông Đà), quá trình tranh tụng tại phiên tòa, các Luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng:

– Kết luận giám định không đúng, không khách quan, không đầy đủ, thành phần chuyên môn của tổ chức giám định, có thành viên Hội đồng giám định chưa đảm bảo tư cách pháp lý, hình thức bản kết luận giám định tư pháp không chuẩn dẫn đến việc quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo là không có căn cứ;

– Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01 mà chủ đầu tư Vinaconex phê duyệt áp dụng cho Dự án là tiêu chuẩn nước ngoài chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về xây dựng chấp thuận, tiêu chuẩn này không thuộc quy định của Nhà nước về xây dựng, vì thế trong quá trình thực hiện Dự án, nếu các bị cáo có hành vi nào không thực hiện đúng yêu cầu của Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01 thì cũng không thể quy kết bị cáo vi phạm quy định về xây dựng được; hậu quả bao gồm thiệt hại về vật chất và phi vật chất của vụ án là không có, hành vi của các bị cáo không cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”; Dự án cấp nước Sông Đà- Hà Nội là Dự án mới, Nhà nước chưa có xây dựng quy chuẩn cụ thể, nên đề nghị áp dụng Điều 25 BLHS 2015 để miễn trừ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

 Quá trình tranh tụng, Kiểm sát viên đã đưa ra các lập luận như sau:

– Về giá trị pháp lý của kết luận giám định: Ngày 07/8/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định trưng cầu giám định, đến ngày 15/4/2015 Bộ xây dựng đã ban hành Kết luận giám định tư pháp, bản kết luận giám định đó đã được Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng ký tên, đóng dấu pháp nhân, các trang có dấu giáp lai theo đúng quy định tại Điều 32 Luật giám định tư pháp, và tại công văn số 716 ngày 08/10/2015, Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình đã xác nhận Kết luận giám định tư pháp ngày 15/4/2015 có 11 trang và 08 phụ lục kèm theo. Tuy nhiên, để làm rõ các nội dung đã trưng cầu giám định, nên ngày 24/8/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra- Bộ công an có công văn số 2883/C46-P10 gửi Bộ xây dựng, sau đó Bộ xây dựng đã có công văn 107/BXD-GĐ ngày 30/9/2016 trả lời theo nội dung yêu cầu của Cơ quan cảnh sát điều tra, công văn 107/BXD-GĐ ngày 30/9/2016 có giá trị như kết luận giám định bổ sung. Như vậy, Kết luận giám định ngày 15/4/2015 và Công văn 107/BXD-GĐ có hình thức phù hợp theo quy định tại Điều 32 Luật giám định tư pháp và Điều 14 Thông tư số 04/2013/TT-BXD ngày 22/4/2014 của Bộ xây dựng hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng (Thông tư số 04/2013/TT-BXD).

Về điều kiện, năng lực của tổ chức thực hiện giám định: Viện vật liệu xây dựng không nằm trong danh sách đăng tải công bố trên trang web nhưng do Bộ xây dựng có văn bản chỉ định Viện vật liệu xây dựng thực hiện giám định là phù hợp với khoản 2 Điều 20 Luật giám định tư pháp và khoản 2 Điều 10 Thông tư số 04/2013/TT-BXD.

Về sự tham gia của trường Đại học kiến trúc: căn cứ  Quyết định số 1042/QĐ-BXD ngày 21/8/2014 của Bộ trưởng Bộ xây dựng về việc phân công thực hiện giám định tư pháp xây dựng và Quyết định số 1223/QĐ-BXD ngày 06/10/2014 của Bộ trưởng Bộ xây dựng về việc điều chỉnh Quyết định số 1042/QĐ-BXD ngày 21/8/2014, thì Bộ xây dựng giao cho Cục giám Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng định phối hợp với Cục hạ tầng kỹ thuật, Vụ pháp chế thực hiện giám định sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng; Giao cho Viện Vật liệu xây dựng chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực thực hiện giám định nguyên nhân vỡ ống, chất lượng, độ bền lâu của tuyến ống. Theo 02 Quyết định trên thì Bộ xây dựng đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ xây dựng tham gia thực hiện giám định, trong đó có Trường đại học kiến trúc. Vì vậy, Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục hạ tầng kỹ thuật, Vụ pháp chế, Viện vật liệu xây dựng và các đơn vị có liên quan của Bộ xây dựng có trách nhiệm thi hành Quyết định số 1223/QĐ-BXD nêu trên.

Như vậy, Viện vật liệu xây dựng và Trường đại học kiến trúc có đủ điều kiện, năng lực của tổ chức thực hiện giám định, đã tham gia thực hiện giám định theo quyết định phân công của Bộ xây dựng là đúng thành phần chuyên môn của tổ chức giám định, phù hợp quy định của pháp luật.

– Về nội dung giám định: Tại Quyết định trưng cầu giám định gửi Bộ Xây dựng, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an có yêu cầu Bộ xây dựng giám định về các nội dung lien quan chất lượng vật liệu dùng vào việc xây dựng công trình để góp phần làm sang tỏ vụ án, trong đó có 02 nội dung rất quan trọng là giám định để xác định nguyên nhân vỡ ống và giám định để xác định độ bền lâu của tuyến ống truyền tải nước sạch Sông Đà – Hà Nội.

 Theo hồ sơ vụ án, Cơ quan điều tra đã thu thập hồ sơ và cung cấp cho Bộ Xây dựng để thực hiện công tác giám định, Tổ chức giám định của Bộ xây dựng đã áp dụng các phương pháp khóa học để thực hiện giám định; kiểm tra hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật tại thời điểm áp dụng; tiêu chuẩn, quy chuẩn và hồ sơ khảo sát thiết kế; khảo sát hiện trường, thí nghiệm, kiểm định chất lượng ống, vật liệu; mô phỏng điều kiện làm việc thực của ống nằm trong đất. Tổ chức giám định theo phương pháp là chọn bất kỳ điểm nào của tuyến ống, cả chỗ ống bị vỡ, chỗ không bị vỡ tại nhiều vị trí khác nhau để tiến hành giám định; giám định các cây ống dự phòng, giám định quy trình sản xuất ống tại nhà máy và giám định quá trình thi công lắp đặt. Tổ chức giám định của Bộ xây dựng đã tiến hành đào 14 hố trên dọc tuyến ống dài 46 km khi tuyến ống đang vận hành để lấy mẫu tiến hành giám định, trong đó có giám định về mẫu đất, kết cấu vật liệu thi công tại hiện trường đào và quan sát về ngoại quan ống. Sau khi giám định, Bộ Xây dựng đã có Kết luận giám định tư pháp ngày 15/4/2015 kết luận về nguyên nhân chính gây vỡ tuyến ống dẫn nước là do chất lượng ống không đảm bảo, không có cơ sở xác định các tuyến ống đạt độ bền 50 năm, số lượng 5.000 ống mà đơn vị mua và phụ kiện khác đã cung cấp cho dự án cấp nước không có 02 chỉ tiêu thí nghiệm ống dài hạn trong 10.000 giờ để xác định độ bền 50 năm theo quy định.

Tại phiên tòa, đại diện tổ chức giám định tư pháp bảo vệ kết quả giám định, khẳng định lại: Công tác giám định là giám định toàn tuyến ống, không phải giám định từng cây ống.

Các lần vỡ ống từ lần thứ 11 đến thứ 18, tài liệu điều tra, xác minh thu thập có trong hồ sơ vụ án, kết quả xác minh tại Công ty khai thác dự án (Viwasupco) xác định: Thời điểm “trước, trong” khi vỡ ống các lần này, không có tải trọng bất thường tác động lên quyến ống; đơn vị khai thác vận hành đúng công suất thiết kế.

Từ phương pháp giám định toàn tuyến ống, kết luận chất lượng tuyến ống không đảm bảo, các tài liệu điều tra có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định các lần vỡ ống từ lần thứ 11 đến 18 nguyên nhân do chất lượng ống không đảm bảo. Do vậy, việc Cơ quan điều tra kết luận điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố thêm 8 lần vỡ ống này là đúng quy định của pháp luật. Việc bổ sung hậu quả các lần vỡ ống khi đang giải quyết vụ án cũng phù hợp quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ quốc phòng về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật hình sự năm 2003.

Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an đã có văn bản trưng cầu giám định gửi Bộ xây dựng với nội dung cơ bản: Về sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng tại Dự án hệ thống cấp nước; về nguyên nhân vỡ tuyến ống truyền tải nước Sông Đà; chất lượng độ bền lâu của tuyến ống; phân định trách nhiệm các chủ thể có liên quan. Tổ chức giám định tư pháp của Bộ xây dựng đã tuân thủ triệt để các quy định của Luật giám định theo đúng thành phần chuyên môn, thực hiện việc giám định theo đúng quy trình, nội dung yêu cầu giám định, từ đó giải quyết được 04 vấn đề như yêu cầu của Cơ quan điều tra. Do đó, Kết luận giám định ngày 15/4/2015 và công văn 107/BXD-GĐ ngày 30/9/2016 của Bộ xây dựng là chứng cứ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án.

– Việc Hội đồng quản trị Vinaconex lựa chọn áp dụng Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01 đối với ống cốt sợi thủy tinh trong dự án này là phù hợp với quy định của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 1997 (Tập 1 – Phần quy định chung và quy hoạch xây dựng) có hiệu lực đến năm 2011. Mặt khác tại Quyết định số 09 ngày 07/4/2005 của Bộ xây dựng về việc ban hành Quy chế áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt nam đã quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài của dự án thuộc về người quyết định đầu tư, cụ thể trong dự án này thì Hội đồng quản trị Vinaconex có đủ thẩm quyền quyết định áp dụng Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01 đối với ống cốt sợi thủy tinh.

Bản dịch Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01 có trong hồ sơ vụ án cũng như được cơ quan giám định sử dụng khi tiến hành giám định là bản dịch sang tiếng Việt do Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiến hành. Cơ quan này là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn tại Việt Nam, nên việc sử dụng bản dịch này là có cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý. Trong tài liệu này thể hiện Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01 có 07 chỉ tiêu, yêu cầu đối với ống sợi composite là: Độ kín thủy tĩnh, độ cứng vòng, độ bền kéo hướng vòng, độ bền kéo hướng trục, độ bền nén hướng trục, áp suất thiết kế thủy tĩnh dài hạn, biến dạng uốn hướng vòng dài hạn.

Tại quyết định số 1377 ngày 14/10/2004 của Hội đồng quản trị Vinaconex phê duyệt thiết kế kỹ thuật đã quyết định việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng dự án, trong đó có tiêu chuẩn ống cốt sợi thủy tinh là Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01, ống và các phụ kiện phải đạt tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01 và thời gian làm việc của ống tối thiểu là 50 năm.

Ngày 04/4/2005, Trần Cao Bằng, giám đốc Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex đã công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa số 04 tại Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tây – Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01 – Tiêu chuẩn ống áp lực sợi thủy tinh áp dụng cho hàng hóa là ống nhựa cốt sợi thủy tinh đường kính danh nghĩa D200 đến D3000. Doanh nghiệp cam kết sản xuất hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn công bố. Theo quy định tại điều 20 Pháp lệnh chất lượng hàng hóa năm 1999 thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo quy định của pháp luật, đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng đã công bố, kiểm tra chất lượng hàng hoá và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa do mình sản xuất.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chủ đầu tư dự án, của Nhà thầu tham gia dự án (Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống, Nhà thầu tư vấn giám sát) nên ngày 09/8/2005, Ban quản lý Dự án và Nhà thầu sản xuất đã ký Hợp đồng kinh tế số 07 để sản xuất, cung cấp ống cho dự án, và ngày 28/3/2006, Ban quản lý Dự án và Nhà thầu tư vấn giám sát đã ký kết Hợp đồng kinh tế số 18 về việc Công ty Viwase thực hiện tư vấn giám sát thi công dự án.

Như vậy, Tiêu chuẩn xây dựng mà Ban quản lý Dự án, Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống, Nhà thầu tư vấn giám sát phải tuân thủ là Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01. Do đó, 09 bị cáo trong vụ án thuộc Ban quản lý dự án, Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống và Nhà thầu tư vấn giám sát đã có hành vi thực hiện không đúng yêu cầu của Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-1 là vi phạm quy định về xây dựng.

  – Về hậu quả thiệt hại: Vụ án truy tố với 18 lần vỡ ống, 23 cây ống bị vỡ trong thời gian từ 04/02/2012 đến ngày 02/10/2016. Hồ sơ vụ án thể hiện, đơn vị tiếp quản, vận hành khai thác dự án là Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex đã chi phí cho việc khắc phục, sửa chữa đối với 18 lần vỡ ống này là 16.618.883.494 đồng (có hóa đơn, chứng từ thể hiện chi phí này tại các lần vỡ ống). Ngoài ra, do sự cố vỡ ống xảy ra, Công ty khai thác dự án phải dừng cấp nước để thi công thay thế đoạn ống bị vỡ, tổng số giờ cắt nước là 386 giờ, lượng nước ngừng cấp trong thời gian cắt nước là 1.744.904m3 (đơn vị khai thác đã xác nhận). Tài liệu xác minh tại đơn vị mua nước của Công ty khai thác dự án để cung cấp nước cho hộ dân, xác định các thời điểm vỡ ống, đơn vị này cung cấp nước Sông Đà – Hà Nội cho hơn 177.000 hộ dân có địa bàn phía Tây, Nam thành phố Hà Nội. Như vậy, trên thực tế việc vỡ ống đã gây ra hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Công ty khai thác dự án có văn bản không yêu cầu tổ chức, cá nhân bồi thường, tại phiên tòa, đại diện Công ty khai thác dự án cũng không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường với lý do là dùng nguồn tiền dự phòng để chi phí, đây là sự tự nguyện của Công ty khai thác, xét thấy cần chấp nhận. Tuy nhiên, việc Công ty khai thác dự án không yêu cầu bồi thường không có nghĩa là việc vỡ ống không gây ra hậu quả, mà hậu quả đã xảy ra. Đối với số giờ cắt nước, lượng nước dừng cấp và việc ảnh hưởng đến người dân sử dụng nguồn nước này là việc thực tế, do hậu quả việc vỡ ống gây ra, không phải là cắt để bảo trì, bảo dưỡng tuyến ống mà cắt việc cung cấp nước để sửa chữa các ống bị vỡ.

Như đã phân tích ở trên, xét thấy có căn cứ xác định hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm quy định về xây dựng của 09 bị cáo trong vụ án là 18 lần vỡ ống, 23 cây ống bị vỡ, chi phí khắc phục sửa chữa 16.618.883.494 đồng; dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, với lượng nước ngừng cấp là 1.744.904 m3, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  – Hạng mục tuyến ống truyền tải nước sạch là 1 trong 8 hạng mục chính của Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội. Hạng mục này có các nhà thầu tham gia thực hiện gồm: Nhà thầu tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Vinaconex (Vinaconsult), Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống và phụ kiện ống cốt sợi thuỷ tinh là Công ty Cổ phần Ống sợi thuỷ tinh Vinaconex (Viglafico), Nhà thầu thi công xây dựng lắp đặt tuyến ống truyền tải nước sạch dài 46km từ Hòa Bình về Hà Nội là các Công ty cổ phần xây dựng thành viên của Vinaconex, Nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng lắp đặt tuyến ống là Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase), Đơn vị vận hành khai thác dự án sau đầu tư là Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex. Chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án để quản lý đầu tư xây dựng dự án, trong đó có hạng mục tuyến ống, việc tuyến ống này liên tục bị vỡ từ năm 2012 đã làm mất ổn định cuộc sống sinh hoạt của người dân Thủ đô, gây lo lắng trong nhân dân là do các cá nhân, tổ chức tham gia dự án không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã trưng cầu giám định, kết quả tiến hành giám định của Bộ Xây dựng đã xác định được nguyên nhân chính vỡ tuyến ống do chất lượng ống cốt sợi thủy tinh dùng lắp đặt cho dự án không đảm bảo gây ra. Tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã xác định được: ống cốt sợi thủy tinh là vật tư vật liệu dùng để thi công xây lắp tuyến ống truyền tải nước sạch, do “Nhà thầu” là Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất, cung cấp cho dự án; Ban Quản lý dự án là đơn vị thay mặt chủ đầu tư mua sắm, chịu trách nhiệm kiểm tra loại vật tư vật liệu này để giao cho các Nhà thầu thi công lắp đặt vào tuyến ống. Trước khi lắp đặt, chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Vinaconex đã chỉ định nhà thầu là Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam giám sát vật tư vật liệu ống trước khi cho các Công ty xây dựng thành viên của Vinaconex tiến hành lắp đặt cho dự án. Ống cốt sợi thủy tinh được sản xuất, bàn giao cho Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát cho lắp đặt phải bảo đảm 05 chỉ tiêu cơ lý để xác định chất lượng ống, nhưng thực tế ống mà các bên dưa vào xây dựng không được thực hiện thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý dài hạn trong 10.000 giờ để xác định độ bền 50 năm như tiêu chuẩn Ansi Awwa C950 quy định. 09 bị cáo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý dự án, của Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống, của Nhà thầu tư vấn giám sát đó tổ chức sản xuất, nghiệm thu đã cho lắp đặt các sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn sản xuất như đã phân tích trên nên dẫn đến gây hậu quả làm vỡ đường ống nước là trách nhiệm thuộc về 09 bị cáo.

Như đã phân tích ở trên, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý dự án, Nhà thầu sản xuất, cung cấp ống, Nhà thầu tư vấn giám sát, vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các bị cáo tại các đơn vị, đặc biệt là hồ sơ nghiệm thu, tiếp nhận, cho lắp đặt ống vào dự án đã có đủ cơ sở kết luận 09 bị cáo Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển, Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải, Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân đã có hành vi phạm các quy định của Luật Xây dựng năm 2003, các Nghị định của Chính phủ, các quy định của Ngành xây dựng về quản lý chất lượng công trình xây dựng, nên hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1999.

 – Theo Điều 25 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về “Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ”, thì hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới nếu chủ thể đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không xem là tội phạm, nhưng nếu chủ thể không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa và gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Để xác định việc đầu tư dây chuyền, sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh của Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex có phải là áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới hay không, ngày 24/8/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và công nghệ (Cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về khoa học, công nghệ) để làm rõ nội dung này, đến ngày 31/8/2016 thì Bộ Khoa học công nghệ có văn bản kết luận công nghệ sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh không nằm trong danh mục ngành, nghề thuộc các lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư. Do đó, không đủ cơ sở để xem xét dự án “Nhà máy sản xuất ống cốt sợ thủy tinh” là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới ở Việt Nam để hưởng ưu đãi. Mặt khác, những tài liệu, chứng cứ trong vụ án xác định các bị cáo trong Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm trong việc sản xuất ống cốt sợi thủy tinh cấp cho Dự án cấp nước Sông Đà-Hà Nội, do đó không có căn cứ để áp dụng Điều 25 Bộ luật hình sự năm 2015 loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Trong vụ án về Dự án cấp nước Sông Đà-Hà Nội nói trên, đã quá trình thực hành quyền công tố đạt hiệu quả như đề ra, thuyết phục được Tòa án tuyên bố các bị cáo như VKS truy tố và đáp ứng sự quan tâm của dư luận, KSV phải nâng cao sự hiểu biết về quy trình, yêu cầu của pháp luật cũng như quy chuẩn về sản xuất, xây dựng công trình, yêu cầu kỹ thuật đối với các vật liệu được dùng trong xây dựng; quy định về thẩm quyền, trình tự giám định trong xây dựng, chính sách hình sự đối với vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới trong sản xuất…và phải khéo léo khai thác các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, sắp xếp một cách logic và khoa học thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ của Ngành trong đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực phức tạp như trên.

Kinh nghiệm tranh tụng của Kiểm sát viên trong trường hợp bị cáo không đồng ý với tội danh, khung hình và những vấn đề khác liên quan vụ án mà Kiểm sát viên đề nghị áp dụng đối với bị cáo

Kinh nghiệm tranh tụng trong trường hợp bị cáo không đồng ý với tội danh mà Viện kiểm sát truy tố

Quá trình thực hành quyền công tố về kinh tế – chức vụ, thường xảy ra những trường hợp bị cáo và người bào chữa cho rằng hành vi của bị cáo không phạm vào tội danh hoặc khung hình phạt như Viện kiểm sát truy tố mà phạm vào tội nhẹ, khung hình phạt nhẹ hơn, và đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Khoản 2 Điều 298 BLTTHS để xét xử theo hướng có lợi đối với bị cáo. Những tình huống như thế, Kiểm sát viên phải phân tích, làm rõ dấu hiệu đặc trưng của các tội danh quy định trong Chương tội phạm về kinh tế và Chương tội phạm về chức vụ của Bộ luật hình sự liên quan đến hành vi của bị cáo rồi tiến hành định tội danh đối với bị cáo (trường hợp hành vi của bị cáo phạm và nhiều tội khác nhau thì áp dụng nguyên tắc thu hút tội danh để định tội); tiếp theo sau đó, Kiểm sát viên đi vào phân tích các tình tiết định khung tăng nặng làm cơ sở đề nghị xét xử bị cáo nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Trong vụ án ĐLT cùng đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và Tham ô tài sản liên quan đến thiệt hại tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Vào năm 2007, Tập đoàn PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, từ cơ sở đó, PVN giao cho công ty con là Điện lực Dầu khí (PVPower) làm chủ đầu tư. Để tạo điều kiện cho Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), ngày 22/1/2010, ĐLT xin cấp trên đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai cần được chỉ định thầu và được chấp nhận. Biết PVC không đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm và cũng chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng cuối năm 2010, bị cáo ĐLT đã chỉ định công ty này làm tổng thầu của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nói trên. Ngày 28/2/2011, PVC và PVPower đã nhận chỉ đạo và ký Hợp đồng tổng thầu EPC số 33 dù chưa đủ cơ sở pháp lý. Ngay sau đó, bị cáo TXT (khi đó là Chủ tịch HĐQT PVC) chỉ đạo cấp dưới lập công văn gửi PVPower đề nghị tạm ứng 72 triệu USD. Do không có vốn nên cùng ngày này, chủ tịch PVPower Đỗ Chí Thanh đã ký công văn gửi PVN đề nghị cấp bổ sung vốn điều lệ quý I/2011 cho PVPower để có tiền tạm ứng cho PVC. Với lý do PVPower không đủ năng lực làm chủ đầu tư, ĐLT chỉ đạo ông PĐT và NQK làm thủ tục để PVN thay PVPower làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC theo hợp đồng EPC. Sau đó, PVN tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng trái với các quy định của Nhà nước. Việc này tạo điều kiện cho bị cáo TXT sử dụng sai mục đích hơn 1.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 119 tỷ đồng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo ĐLT kháng cáo kêu oan cho rằng bị cáo không phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vì quá trình thực hiện xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã được phê duyệt và khởi công xây dựng đúng theo quy định pháp luật.

Cơ quan tố tụng xác định hành vi của ĐLT cùng đồng phạm trong việc Cố ý làm trái là liên quan đến việc ký Nghị quyết số 33 về việc giao cho công ty PVPower thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Toàn bộ số tiền để xây dựng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển tiền cho PVN chủ đầu tư, đáng ra phải gửi tiền vào Ngân hàng theo quy định, nhưng bị cáo ĐLT lại chỉ đạo chuyển tiền cho PVPower lấy số tiền này đi xây dựng công trình khác, dẫn đến Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xây dựng chậm trể, đến thời điểm xét xử đang đắp chiếu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng (thiệt hại này theo Cơ quan giám định xác định là số tiền lãi đáng ra phải gửi Ngân hàng). Bị cáo ĐLT cho rằng nếu có phạm tội thì bị cáo chỉ phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” như Viện kiểm sát đã truy tố.

Kiểm sát viên đã đưa ra các chứng cứ thuyết phục trong tranh tụng như sau: Nguồn vốn của Nhiệt điện Thái Bình 2 được cấp chỉ nhằm mục đích sử dụng cho dự án cụ thể, tuy nhiên, bị cáo ĐLT đã chỉ đạo cấp dưới bằng việc triển khai chuyển số tiền cho PVPower thực hiện dự án khác mà không gửi vào tài khoản của Ngân hàng để lấy lãi gây thiệt hại 119 tỷ đồng là hành vi cố ý làm trái chứ không phải thiếu trách nhiệm.

Bị cáo ĐLT cùng luật sư nêu nhiều lập luận để chứng minh không cố ý làm trái, bị cáo chỉ có vai trò hạn chế trong việc chỉ định thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho PVC, chỉ đạo ký hợp đồng thi công tổng thầu EPC số 33, chỉ đạo tạm ứng tiền cho PVC và sử dụng nguồn vốn. Với quan điểm tranh luận này, Kiểm sát viên căn cứ vào nội dung phê duyệt của cấp có thẩm quyền cho phép triển khai Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc cấp vốn là để xây dựng công trình trên, bị cáo biết rất rõ nội dung chỉ đạo của cấp trên, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới của mình chuyển nguồn vốn chi tiêu cho công trình khác là cố ý làm trái, khi hành vi làm trái của bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng thì tội phạm đã hoàn thành. Vì vậy, Viện kiểm sát truy tố và đề nghị xử phạt bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng người, đúng tội.

Trường hợp khác là vụ án Hoàng Thị Lan phạm tội “Tham ô tài sản” theo Bản án hình sự sơ thẩm số 04/2018/HSST ngày 25/01/2018 của Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Hoàng Thị Lan phạm tội “Tham ô tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Nông Thị Nhung phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tòa án áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 278, Điểm b, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46, Điều 47; Áp dụng Khoản 1 Điều 267, Điểm p Khoản 1 Điều 46; Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt Hoàng Thị Lan 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và 06 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; áp dụng Khoản 2 Điều 285, Điểm p, Điểm q Khoản 1, Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999 xử phạt bị cáo Nông Thị Nhung 04 năm tù. Ngày 07/02/2018, bị cáo Hoàng Thị Lan kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; ngày 05/02/2018, Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị phần áp dụng pháp luật đối với bị cáo Nông Thị Nhung với lý do hành vi của Nông Thị Nhung phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định của Điều 165 BLHS 1999.

Hành vi phạm tội của bị cáo Nông Thị Nhung là buông lỏng quản lý, không đôn đốc, kiểm tra các hoạt động giao dịch; không thực hiện đúng các quy trình nghiệp vụ thu, chi, kiểm quỹ. Cụ thể: Bị cáo thực hiện phê duyệt 04 bút toán rút tiền mặt trên hệ thống IPCAS không đối chiếu với chứng từ (gồm các bút toán số 62, 63, 64, 65 với số tiền 1.900.000.000đ) do bị cáo Lan hạch toán nhưng không có chứng từ tài khoản tiền gửi của khách hàng. Sau khi bị cáo Nhung phê duyệt thì bị cáo Lan mới rút được tiền từ tài khoản của khách hàng. Bị cáo biết việc phê duyệt 04 bút toán này là sai quy định nhưng vẫn thực hiện. Việc phê duyệt của bị cáo Nông Thị Nhung đã vi phạm Quyết định số 1000/QĐ-HĐQT-TCKT ngày 05/7/2011 và Quyết định số 311/QĐ-NHNo-TCKT ngày 27/3/2014 của Agribank. Ngày 26/6/2015 bà Hoàng Thị Nhung và ông Nguyễn Văn Tự đến lấy 01 sổ tiết kiệm dự thưởng với số tiền gửi 1.570.000.000đ tại Agribank Bảo Lâm. Khi đối chiếu, bị cáo Nông Thị Nhung biết số seri sổ tiết kiệm trên giấy hẹn của bà Hoàng Thị Nhung đã phát hành cho khách hàng khác và séc lĩnh tiền mặt ngày 02/4/2015 của ông Tự rút 1.570.000.000đ trùng với số tiền gửi tiết kiệm của bà Nhung (vợ ông Tự), trên séc không có chữ ký của thủ quỹ và trên sổ nhật ký quỹ không ghi chi khoản tiền này. Bị cáo Nhung đã điện thoại cho bị cáo Lan hỏi, Lan trả lời là đã đem số tiền đó gửi tiết kiệm cho vợ chồng ông Tự tại Agribank chi nhánh ở cấp tỉnh, bị cáo Nhung nói với bị cáo Lan là tự thỏa thuận với vợ chồng ông Tự, sau đó bị cáo Lan đã lợi dụng khoản tiền gửi tiết kiệm này của khách hàng để chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân. Như vậy, với quyền hạn của mình, bị cáo Nông Thị Nhung đã không thực hiện những việc thuộc phạm vi trách nhiệm, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và ngành Ngân hàng, hành vi của bị cáo đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, thể hiện ở việc thực hiện không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao, dẫn đến tạo điều kiện để bị cáo Lan lợi dụng chiếm đoạt tài sản của Agribank Bảo Lâm. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng với tội danh bị cáo đã phạm. Từ việc đối chiếu quy định của Ngành ngân hàng với hành vi mà bị cáo Nông Thị Nhung thực hiện, Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nức về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cho đúng với tính chất, mức nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo, và quan điểm trên được Tòa án phúc thẩm chấp nhận.

Kinh nghiệm tranh tụng trong việc áp dụng hình phạt và các vấn đề liên quan đến vụ án

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên cũng cần nghiên cứu và chuẩn bị những nội dung liên quan đến hình phạt, phần bồi thường dân sự để từ đó có kỹ năng tranh tụng hợp lý. Mục đích của việc áp dụng hình phạt bên cạnh là trừng trị người phạm tội còn phải nhằm cải tạo, giáo dục họ, khoan hồng đối với những người lầm lỡ, có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Do đó, khi tranh tụng Kiểm sát viên cần đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ tội phạm và nguyên nhân phạm tội để có quan điểm giải quyết vụ án hợp lý, hợp tình, tránh tình trạng đề nghị áp dụng hình phạt và các biện pháp tư pháp một cách cứng nhắc, máy móc, không phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của Luật hình sự Việt Nam.

Ví dụ: Vụ Phan Thị Mỹ (cùng đồng phạm) phạm tội “Đưa hối lộ”. Do có người thân bị Công an thành phố Phủ Lý bắt và tạm giữ về hành vi cố ý gây thương tích, nên Nguyễn Thế Quyền đặt vấn đề với Nguyễn Tiến Dũng là Phó Trưởng phòng Công an cấp tỉnh để nhờ lo cho các con của ông Quyền là Cường, cùng con, cháu của các ông bà Phan Thị Mỹ, Nguyễn Bá An, Nguyễn Bá Bính và Phan Thị Sáu không bị tạm giữ. Trong khoảng thời gian từ tháng 2/2016 đến tháng 4/2016 Quyền đưa cho Dũng 30 triệu đồng, Mỹ đưa cho Dũng 120 triệu đồng, còn An, Bính, Sáu mỗi người đưa cho Dũng 40 triệu đồng để lo cho các con cháu không bị tạm giữ. Sau khi đưa tiền cho Dũng nhưng Doanh là con bà Mỹ vẫn không được tại ngoại như đã thỏa thuận, vỉ vậy Mỹ đã đòi nhiều lần nhưng Dũng không trả nên Mỹ đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Quá trình điều tra xác định: Đầu năm 2015, Dũng còn nhận tiền để lo thủ tục cho con trai bà Đỗ Thị Kim Nga và ông Nguyễn Văn Ánh vào học tại trường Học viện cảnh sát nhân dân với số tiền 350.000.000 đồng. Sau khi nhận tiền, Dũng không thực hiện được như đã hứa hẹn, vợ chồng bà Nga nhiều lần đòi tiền lại, Dũng không trả nên đã làm đơn tố cáo. Xác định được tổng số tiền Dũng chiếm đoạt của các bị hại là 620.000.000 đồng, CQĐT đã khởi tố vụ án và bị can Dũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khởi tố các bị can Phan Thị Mỹ, Nguyễn Thế Quyền, Nguyễn Bá An, Nguyễn Bá Bính, Phan Thị Sáu về tội “Đưa hối lộ” để tiến hành điều tra theo quy định.

Quá trình xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù đối với bị cáo  Nguyễn Tiến Dũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; và phạt tù đối với các bị cáo Phan Thị Mỹ, Nguyễn Thế Quyền, Nguyễn Bá An, Nguyễn Bá Bính, Phan Thị Sáu về tội “Đưa hối lộ”. Sau đó các bị cáo kháng cáo kêu oan và cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ lọt người phạm tội; Viện kiểm sát cấp sơ thẩm kháng nghị về việc áp dụng pháp luật chưa đúng đối với các bị cáo phạm tội đưa hối lộ và đề nghị cho các bị cáo bị xét xử về tội đưa hối lộ được hưởng án treo.

Khi tranh tụng, Kiểm sát viên nhận định và đánh giá như sau: Đối với các bị cáo phạm tội đưa hối lộ, theo quy định của Khoản 6 Điều 289 quy định: “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”, căn cứ theo lời khai của bị cáo Mỹ tại cơ quan điều tra, bị cáo đưa tiền cho Nguyễn Tiến Dũng tổng số tiền 120 triệu để xin cho con trai nhằm không bị bắt tạm giữ, tạm giam trong vụ án “Cố ý gây thương tích”, sau đó khi con bị cáo Mỹ vẫn bị tạm giam nên bị cáo đòi tiền bị cáo Dũng được 80 triệu đồng, đến khi không đòi được số tiền còn lại là 40 triệu đồng, bị cáo Mỹ mới làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của bị cáo Dũng, nên việc tố cáo sau khi sự việc được phát giác chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ; các bị cáo Phan Thị Mỹ, Nguyễn Thế Quyền, Nguyễn Bá An, Nguyễn Bá Bính, Phan Thị Sáu bị truy tố, xét xử về hành vi đưa hối lộ đều chủ động khai báo về hành vi phạm tội của bị cáo Dũng, nhưng Tòa án chỉ cho bị cáo Phan Thị Mỹ (người chủ động tố cáo trước tiên) hưởng tình tiết giảm nhẹ là chưa công bằng và thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Về việc các bị cáo cho rằng mình không thể đưa hối lộ cho người lừa đảo họ là Nguyễn Tiến Dũng, thì quá trình tranh luận, Kiểm sát viên kết luận, bị cáo Mỹ đã có ý thức chủ quan đưa tiền cho Dũng để lo cho con mình không bị giam giữ trong vụ cố ý gây thương tích, đây là vụ án có thật, tuy hành vi của bị cáo Nguyễn Tiến Dũng có tính chất làm môi giới nhưng đã lợi dung hoàn cảnh để dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người đưa hối lộ nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng với bản chất của hành vi mà bị cáo Dũng thực hiện. Đối với người bị chiếm đoạt tài sản đều xuất phát từ việc muốn đưa hối lộ nhằm hướng đến làm sai lệch hoạt hoạt động đúng đắn của cơ quan tư pháp, sau khi thỏa thuận, các bị cáo chuyển giao tiền cho bị cáo Dũng thì hành vi trên đã phạm vào tội “Đưa hối lộ” và tội phạm đã hoàn thành, vì vậy việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những bị cáo đưa tiền cho bị cáo Dũng về tội đưa hối lộ là đúng quy định của pháp luật hình sự.

Đối với nội dung kháng cáo của bị cáo Mỹ cho rằng, việc bà Đỗ Thị Kim Hoa và ông Nguyễn Văn Ánh vì không hiểu biết về các thủ tục xét tuyển, đã đưa tiền cho bị cáo Dũng nhờ giúp cho con trai bà Hoa, ông Ánh trúng tuyển vào Trường trung cấp Cảnh sát, theo bị cáo Mỹ thì hành vi của bà Hoa, ông Ánh cũng giống như hành vi của bị cáo mà lại không bị xử lý là không công bằng và bỏ lọt người phạm tội. Vấn đề này, Kiểm sát viên tranh luận như sau: Quá trình điều tra xác định, trong biên nhận tiền mà bị cáo Dũng ký với ông Ánh 200 triệu đồng đề ngày 26/3/2015 với nội dung là Dũng nhận của anh Ánh số tiền 200 triệu, không ghi rõ mục đích làm gì, đến ngày 26/3/2017 thì bà Đỗ Thị Kim Hoa (vợ ông Ánh) làm đơn tố cáo Dũng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Tiến Dũng không có nhiệm vụ tuyển sinh, trong khoảng thời gian dài (2 năm) không thực hiện giao dịch thành công như thỏa thuận với bà Hoa và ông Ánh, Dũng không trả lại tiền, bà Hoa, ông Ánh khi biết Dũng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã chủ động làm đơn tố cáo đến cơ quan điều tra; trước khi bà Hoa, ông Ánh tố cáo thì Cơ quan điều tra không hề phát hiện có vụ việc như trên, do đó không xử lý đối với bà Hoa, ông Ánh là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, không có cơ sở để chấp nhận nội dung kháng cáo này của bị cáo Phan Thị Mỹ.

Về kháng nghị của Viện kiểm sát đề nghị cho các bị cáo Nguyễn Thế Quyền, Nguyễn Bá An, Nguyễn Bá Bính, Phan Thị Sáu, Nguyễn Thị Mỹ được hưởng tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” và “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và đề nghị cho các bị cáo hưởng án treo xét thấy: Trong vụ án các bị cáo Quyền, An, Bính, Sáu và Mỹ có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó, bị cáo Nguyễn Thế Quyền có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được tặng thưởng huân chương chiến công hạng 3, huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3, có bố mẹ đẻ có công với cách mạng, bị cáo chủ động nộp số tiền 30 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Bá Bính tham gia kháng chiến, bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, có bố mẹ có công với cách mạng; bị cáo Nguyễn Bá An có thời gian tham gia quân đội và có bố mẹ công với cách mạng; đặc biệt, bị cáo Nguyễn Thị Mỹ, Phan Thị Sáu đều thành khẩn khai báo, trong đó bị cáo Mỹ chủ làm đơn tố giác hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Tiến Dũng, do đó, xét thấy các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có địa chỉ nơi cư trú rõ ràng, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho các bị cáo được hưởng án treo tuy chưa đúng với Nghị quyết 01/2013, nhưng với tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo trong vụ án này cho thấy không cần thiết cách ly các bị cáo với xã hội.

Đối với tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” và “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, từ hành vi phạm tội đưa hối lộ mà các bị cáo thực hiện cho thấy như sau: hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan pháp luật, làm mất uy tín của cơ quan Nhà nước, là một trong những nguyên nhân gây thoái hóa, biến chất cán bộ, công chức, làm gia tăng tệ nạn tham nhũng; thiệt hại mà hành vi của các bị cáo gây ra là thiệt hại phi vật chất, nên không có cơ sở để áp dụng tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại”, vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng các tình tiết nêu trên là có căn cứ; mặt khác hành vi của các bị cáo phạm vào tội rất nghiêm trọng, với loại tội phạm này không thể cho các bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Do đó, kháng nghị của Viện kiểm sát về việc đề nghị cấp phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” và “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đối với các bị cáo Mỹ, Quyền, Bính, An, Sáu là không có căn cứ để chấp nhận.

Từ những phân tích như trên, trong vụ án như vậy, Kiểm sát viên chỉ có thể đề nghị chấp nhận phần kháng nghị của Viện kiểm sát về việc giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng cho các bị cáo hưởng án treo; chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thế Quyền, Nguyễn Bá An, Nguyễn Bá Bính, Phan Thị Sáu xin hưởng án treo; đối với kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Mỹ về việc miễn trách nhiệm hình sự không đúng pháp luật và việc bỏ lọt người phạm tội thì Kiểm sát viên cần đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận.

*Một điển hình khác như bị cáo NBS trong vụ án AVG. Quá trình điều tra, bị cáo NBS thừa nhận có nhận của PNV số tiền 03 triệu USD từ việc mua án, sáp nhập công ty AVG, bị cáo NBS khai đã chuyển số tiền trên cho con gái là Nguyễn Thị H, nhưng chị H không thừa nhận. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo NBS thay đổi lời khai, cho rằng không nhận số tiền 3 triệu USD từ bị cáo PNV, giải thích vì sao tại Cơ quan điều tra lại khai nội dung như trên, thì bị cáo lấy lý do, do đầu óc không minh mẫn nên khai không đúng. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chứng minh những lời khai tại Cơ quan điều tra là có cơ sở, quá trình điều tra, lấy lời khai của bị cáo có sự tham gia của Kiểm sát viên, người bào chữa cho bị cáo, đặc biệt Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã tổ chức ghi âm, ghi hình đảm bảo căn cứ buộc tội. Khi tranh tụng, Kiểm sát viên chuẩn bị các thiết bị để trình chiếu, công bố băng ghi âm, ghi hình cho Hội đồng xét xử, người bào chữa và những người tham dự phiên tòa biết…Bằng tác nghiệp này, thì buổi chiều bị cáo NBS thay đổi lời khai và thừa nhận có nhận số tiền như trên. Khi đề nghị, Kiểm sát viên đề nghị mức án Tử hình đối với tội nhận hối lộ của bị cáo (thời điểm này gia đình bị cáo chưa nộp lại tài sản tham nhũng), trong quá trình Hội đồng xét xử nghị án, Kiểm sát viên tác động tâm lý nên gia đình bị cáo đã nhanh chóng nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ 03 triệu USD (66 tỷ đồng). Kết quả Hội đồng xét xử tuyên mức án chung thân về tội “Nhận hối lộ” đối với bị cáo./.

Ths. Võ Văn Tài – Phó Trưởng khoa kiểm sát Hình sự
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.Hồ Chí Minh