Một số bất cập của pháp luật về trưng cầu, yêu cầu giám định và giám định tư pháp

ThS. GVC. LÊ MINH TRUYỀN*

ThS. NCS. HOÀNG NGỌC ANH**

 * , ** Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. HCM.

 

Tóm tắt: Giám định tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc bổ trợ giải quyết các vụ án, vụ việc và được trưng cầu bởi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Tuy vậy, quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng về vấn đề này vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Trong bài viết này, tác giả làm rõ những vướng mắc, bất cập đó và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.

  1. Đặt vấn đề

Giám định tư pháp (GĐTP) có vai trò quan trọng trong việc bổ trợ giải quyết các vụ án, vụ việc. Kết luận giám định là nguồn chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Luật Tố tụng hành chính (TTHC). Một số luật khác, mặc dù không quy định rõ kết luận giám định là nguồn chứng cứ, tuy nhiên, vẫn có những quy định xác định việc xác lập chứng cứ từ nghiên cứu, đánh giá, khai thác kết luận giám định. Trong nhiều vụ án, vụ việc, kết luận giám định là nguồn chứng cứ có tính then chốt để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (THTT), người THTT, các cơ quan, đơn vị trưng cầu, cá nhân yêu cầu giám định khai thác, xác lập chứng cứ để giải quyết đúng đắn, chính xác vụ án, vụ việc.

Hiện nay, việc tiến hành giám định được thực hiện theo quy định của Luật GĐTP năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020, một số quy định của BLTTHS năm 2015[1] và các quy trình giám định được ban hành theo các thông tư về giám định. Các bộ luật và luật khác mặc dù có quy định về trưng cầu giám định, yêu cầu giám định và một số vấn đề về người giám định, kết luận giám định, nhưng không quy định về việc tiến hành giám định. Dù vấn đề giám định có thể được quy định ở một số bộ luật, luật, văn bản dưới luật, nhưng Luật GĐTP luôn là căn cứ pháp lý cao nhất, đầy đủ nhất cho việc tổ chức và tiến hành giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định (kể cả giám định công lập hay ngoài công lập). Việc tổ chức và tiến hành giám định phải tuân thủ đúng các quy định của Luật GĐTP. Cũng chính từ cơ sở pháp lý này mà quy định của pháp luật về giám định và thực tiễn áp dụng gặp một số vướng mắc, bất cập trong việc GĐTP ngoài tố tụng và vấn đề yêu cầu giám định của cá nhân theo quy định của pháp luật.

  1. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về giám định

Một là, vấn đề giám định ngoài tố tụng.

Hiện nay, căn cứ Luật GĐTP năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì GĐTP được thực hiện theo trưng cầu, yêu cầu giám định liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính[2]. Như vậy, so với Luật GĐTP năm 2012, thì phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật GĐTP vẫn được giữ nguyên; nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức GĐTP công lập và các tổ chức GĐTP theo vụ việc vẫn chỉ là phục vụ cho hoạt động tố tụng. Điều này lại mâu thuẫn với quy định của các luật khác, cũng như thực tiễn tiến hành GĐTP tại các cơ quan, tổ chức giám định.

Theo đó, gắn với thực tiễn giải quyết một số loại vụ việc ngoài tố tụng đã phát sinh yêu cầu phải có kết luận của các cơ quan chuyên môn, cần thiết phải trưng cầu giám định để thực hiện giám định và kết luận. Thực tế hiện nay, trong nhiều luật khác có quy định về việc trưng cầu giám định, yêu cầu giám định và sử dụng nội dung kết luận giám định để xác lập chứng cứ, căn cứ giải quyết vụ việc. Có thể đơn cử một số quy định như sau:

– Điểm e khoản 1 Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính:“Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định”.

– Khoản 1 Điều 87 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: “Khi cần đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn – kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận, thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định việc trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định”.

– Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định về trưng cầu giám định và sử dụng kết quả giám định trong giải quyết khiếu nại, tố cáo[3].

Thực hiện quy định của pháp luật và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trong thực tế giải quyết các loại vụ việc ngoài tố tụng nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền trưng cầu giám định, người có quyền yêu cầu giám định đã thực hiện trưng cầu, yêu cầu cơ quan, tổ chức tiến hành giám định. Trong đó, rất nhiều trường hợp thực hiện trưng cầu giám định, yêu cầu giám định tại các tổ chức GĐTP (được thành lập theo quy định của Luật GĐTP). Trong trường hợp được trưng cầu, yêu cầu giám định, cũng tùy loại vụ việc, mà tổ chức GĐTP quyết định tiếp nhận hoặc không tiếp nhận. Tuy vậy, như trường hợp trưng cầu của các cơ quan có thẩm quyền nhằm phục vụ xử lý vi phạm hành chính (như xử phạt vi phạm hành chính về tham gia giao thông) thì tổ chức giám định có tiếp nhận, thực hiện giám định.

Từ đây rõ ràng phát sinh vấn đề bất cập là, việc giải quyết vụ việc ngoài tố tụng như trên, nhưng việc giám định lại được thực hiện bởi tổ chức GĐTP, tiến hành theo quy định của Luật GĐTP. Trong khi đó, như đã đề cập thì nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức GĐTP chỉ phục vụ cho hoạt động TTHS, TTDS và TTHC.

Hai là, vấn đề yêu cầu giám định của cá nhân theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Luật GĐTP, BLTTHS, BLTTDS, Luật TTHC đều quy định cá nhân (đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ) có quyền yêu cầu giám định. Theo đó:

– Khoản 1 Điều 1 Luật GĐTP năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định:Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ…”.

– Khoản 1 Điều 207 BLTTHS năm 2015 quy định: “Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định”.

– Khoản 1 Điều 102 BLTTDS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019 và khoản 1 Điều 89 Luật TTHC năm 2015 đều quy định: “Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự”.

Từ những quy định trên, thấy rằng, yêu cầu giám định chỉ được thực hiện sau khi người yêu cầu giám định đưa ra đề nghị trưng cầu giám định cho cơ quan có thẩm quyền THTT, người có thẩm quyền THTT thực hiện trưng cầu giám định mà không được chấp nhận hoặc hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền THTT, người có thẩm quyền THTT nhận được đề nghị nhưng không trả lời.

Tuy nhiên, điều này dẫn đến trình tự, thủ tục rườm rà, trong khi đó, đối tượng giám định có thể bị biến đổi bởi thời gian làm thủ tục, gây khó khăn cho quá trình giám định và kết luận. Bên cạnh đó, trường hợp cơ quan có thẩm quyền THTT đồng ý với đề nghị trưng cầu giám định, nhưng thực hiện trưng cầu tổ chức giám định khác với tổ chức giám định người đề nghị mong muốn. Trường hợp này cũng gây ra những khúc mắc từ phía đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Ngoài ra, trong TTDS, thì đương sự có nghĩa vụ chứng minh. Trong các nguyên tắc cơ bản được quy định trong BLTTDS năm 2015 có nguyên tắc: “Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”[4]. Rõ ràng quy định này của điều luật đã xác định quyền và nghĩa vụ thu thập, giao nộp chứng cứ. Điều này cũng có nghĩa rằng, đương sự phải được quyền tự thực hiện yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật và giao nộp kết luận giám định cho cơ quan có thẩm quyền THTT.

       3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giám định

Từ những mâu thuẫn, bất cập như đã phân tích ở trên, để hoàn thiện pháp luật và thuận tiện cho việc áp dụng trong thực tiễn giải quyết các vụ án, vụ việc, tác giả có một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật sau:

Một là, cần nghiên cứu bổ sung phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật GĐTP, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức GĐTP công lập và các tổ chức GĐTP theo vụ việc. Theo đó, tại khoản 1 Điều 1 Luật GĐTP năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 cần chỉnh lý như sau:

“Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các loại vụ việc khác theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo trưng cầu, yêu cầu của cơ quan, tổ chức và người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này’’.

Cùng với việc bổ sung về phạm vi, đối tượng điều chỉnh như trên, tại các điều luật quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức GĐTP công lập và các tổ chức GĐTP theo vụ việc, cần bổ sung quy định về việc đáp ứng trưng cầu, yêu cầu của cơ quan, tổ chức và người yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, cần quy định thống nhất tổ chức GĐTP công lập và các tổ chức GĐTP theo vụ việc đều có quyền thực hiện giám định ngoài tố tụng.

Hai là, sửa đổi quy định về quyền thực hiện yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Theo đó, tại các điều luật trong các bộ luật, luật có quy định về vấn đề này, cần sửa đổi diện người nêu trên có quyền tự mình thực hiện yêu cầu giám định tại các tổ chức GĐTP công lập và các tổ chức GĐTP theo vụ việc và giao nộp kết luận giám định cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án, vụ việc. Cụ thể:

– Sửa khoản 1 Điều 102 BLTTDS năm 2015 như sau: “Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự”.

– Sửa khoản 1 Điều 89 Luật TTHC năm 2015 như sau: “Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”.

– Sửa khoản 1 Điều 207 BLTTHS năm 2015 như sau: “Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định hoặc tự yêu cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.

Kết luận

GĐTP là một hoạt động rất quan trọng. Hoạt động GĐTP được thực hiện nhằm cung cấp các chứng cứ để phục vụ cho việc giải quyết các vụ án của các cơ quan THTT. Mục đích của hoạt động GĐTP nhằm tránh tình trạng oan sai, giải quyết vụ việc đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm công bằng trong quá trình tố tụng; góp phần bảo vệ hữu hiệu các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc tạo lập và cung cấp những chứng cứ mang tính khoa học, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả và chất lượng của hoạt động tố tụng. Bài viết đã nêu lên được những bất cập trong quy định của pháp luật về giám định, như bất cập về giám định ngoài tố tụng, bất cập trong vấn đề yêu cầu giám định của cá nhân theo quy định của pháp luật. Từ đó tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giám định nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám định, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân (số 12/2024) 

[1] Điều 208 đến Điều 213 BLTTHS năm 2015.

[2] Khoản 1 Điều 2  Luật GĐTP năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020.

[3] Điểm b khoản 1 Điều 34 của Luật Tố cáo năm 2018; điểm b khoản 1 Điều 34 của Luật Tố cáo năm 2018.

[4] Khoản 1 Điều 6 BLTTDS năm 2015.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
  2. Luật Giám định tư pháp năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020.
  3. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019.
  4. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020.
  5. Luật Thanh tra năm 2022.
  6. Luật Khiếu nại năm 2011.
  7. Luật Tố cáo năm 2018.