Một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định dân sự của toà án

Mai Văn Sinh – Phó Hiệu trưởng và
Phạm Thị Mai – Phó trưởng Khoa Dân sự,
Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

1. Một số kinh nghiệm thực hiện quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định dân sự của Toà án

1.1. Kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ và nhận diện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị

Để chất lượng kháng nghị phúc thẩm được nâng lên thì ngay trong giai đoạn nghiên cứu hồ sơ ở giai đoạn sơ thẩm, Kiểm sát viên phải tuân thủ các thao tác nghiệp vụ theo hướng dẫn của Ngành. Cần lưu ý, mỗi loại tranh chấp có đặc điểm khác nhau, nên khi nghiên cứu hồ ớ, Kiểm sát viên cần lựa chọn phương pháp nghiên cứu, xem xét đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật cho phù hợp. Kiểm sát viên cần đặc biệt lưu ý phần nội dung vụ án, nghiên cứu kỹ, toàn diện và trích cứu đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, lời khai của đương sự để phục vụ cho công tác kiểm sát bản án sau khi tham gia phiên toà. Tránh trường hợp sau khi xét xử phát hiện bản án có vi phạm nhưng việc trích cứu sơ sài hoặc không phô tô những tài liệu, chứng cứ quan trọng gây khó khăn cho công tác kháng nghị.

Bên cạnh đó, việc nắm vững kỹ năng nhận diện vi phạm trong bản án, quyết định dân sự sơ thẩm của Toà án sẽ giúp cho các Kiểm sát viên làm công tác dân sự luôn chủ động trong việc đề xuất Lãnh đạo đơn vị thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm và nâng cao chất lượng kháng nghị của VKSND.

Chính vì vậy, để nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, trước hết mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải không ngừng trau dồi, hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu hồ sơ và kỹ năng nhận diện vi phạm của bản án, quyết định dân sự của Toà án.

Trên thực tế, Toà án cấp sơ thẩm thường có các dạng vi phạm điển hình như sau:

Về tố tụng: thường tập trung ở các vi phạm như xác định không chính xác thẩm quyền giải quyết vụ án của Toà án (vi phạm quy định tại các điều từ 26 – 40 BLTTDS); xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp; vẫn thụ lý giải quyết đối với đương sự không có quyền khởi kiện; xác định không đầy đủ, không chính xác tư cách tham gia tố tụng của các đương sự như xác định sai tư cách bị đơn, đưa thiếu người tham gia tố tụng với tư cách là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; sai sót khi xác định người đại diện theo uỷ quyền của đương sự;  giải quyết vượt quá hoặc giải quyết không đầy đủ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; không xem xét yêu cầu áp dụng thời hiệu khi đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện; không thực hiện các thủ tục luật định khi đương sự kháng cáo; không xác minh địa chỉ của đương sự để tống đạt văn bản tố tụng chính xác (dù xét xử vắng mặt bị đơn); không kiểm tra thời hạn ủy quyền đối với người đại diện của đương sự…

Sai sót về việc xác minh, thu thập và đánh giá chứng cứ: Thường là vi phạm của Toà án khi không tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ tại các cơ quan chuyên môn; có nhiều vụ án Tòa án chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp thu thập chứng cứ cần thiết; lời khai của đương sự có mâu thuẫn những không tiến hành đối chất dẫn đến việc giải quyết chưa đảm bảo căn cứ thuyết phục hoặc đã thu thập đầy đủ chứng cứ nhưng đánh giá chưa toàn diện các tình tiết khách quan của vụ án.

Vi phạm về nội dung giải quyết vụ án: Tuỳ thuộc vào từng loại tranh chấp dân sự khác nhau mà vi phạm về nội dung của Toà án có thể không giống nhau. Tuy nhiên, các vi phạm chủ yếu của Toà án về nội dung giải quyết vụ án thường tập trung vào các lỗi như: áp dụng sai căn cứ pháp lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, nghĩa vụ pháp lý của một hoặc một số đương sự; nội dung tuyên án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; án tuyên không rõ gây khó khăn cho việc thi hành án; án tuyên không đúng nghĩa vụ của người phải thi hành án phải chịu nếu chậm thi hành án; vi phạm trong việc quyết định chi phí định giá tài sản, thẩm định tại chỗ; vi phạm về tính án phí

Đối với các loại án dân sự cụ thể, các vi phạm điển hình về nội dung giải quyết của Toà án thường xảy ra là:

+ Án ly hôn: vi phạm trong việc giải quyết quan hệ nhân thân của vợ chồng (thuộc trường hợp không công nhận quan hệ vợ chồng nhưng lại tuyên cho lý hôn và ngược lại); khi giải quyết chia tài sản chung, việc định giá tài sản tranh chấp không theo giá thị trường hoặc thành phần định giá không đúng quy định của pháp luật hoặc không xác minh thực tế tài sản tranh chấp; khi phân chia tài sản không đúng với hiện trạng; chia tỉ lệ không đúng với công sức đóng góp hoặc chia hiện vật không đảm bảo quyền lợi của mỗi bên; án tuyên nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nhưng không xác định rõ thời gian thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng,…

+ Án thừa kế: Phân chia di sản thừa kế, tài sản chung không đúng, không công bằng; chia thừa kế theo di chúc, nhưng không xem xét đến người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc; vi phạm trong việc tuyên án về chia di sản thừa kế là hiện vật không cụ thể, không rõ ràng, không có sơ đồ kèm theo bản án, gây khó khăn cho việc thi hành án; vi phạm trong việc giải quyết tài sản trên đất (là di sản thừa kế); vi phạm trong việc giải quyết trích công sức cho người thừa kế có công tôn tạọ, quản lý di sản; án tuyên chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất cho các đồng thừa kế nhưng không tuyên về lối đi, nên không thi hành án được…

+ Án giải quyết tranh chấp đất đai: Giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất mà không xem xét toàn bộ tài sản trên đất tranh chấp; Vi phạm trong việc tuyên án không cụ thể, không rõ ràng, không có sơ đồ kèm theo bản án, gây khó khăn cho việc thi hành án; Án tuyên trả đất nhưng không xác định rõ diện tích đất, chỉ giới, vị trí; Án tuyên kích thước các cạnh của mảnh đất không phù hợp với sơ đồ đất, các hướng được xác định trong bản án không phù hợp với bản đồ địa chính; Án tuyên giao đất nhưng trên thực tế nhưng trên thực tế thì diện tích đất lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với quyết định trong bản án; Án tuyên giao trả đất nhưng không đề cập đến nhà và tài sản đã có trên đất; Giải quyết sai hậu quả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu,…

+ Án tranh chấp hợp đồng vay tài sản: vi phạm về quyết định lãi suất trong bản án không đúng pháp luật; tuyên xử về nghĩa vụ trả nợ vay của vợ chồng không phù hợp quy định của pháp luật…

1.2. Kinh nghiệm ban hành kháng nghị

Để nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm, bên cạnh việc chú trọng đến kỹ năng phát hiện vi phạm, Kiểm sát viên cần phải trau dồi kỹ năng soạn thảo văn bản kháng nghị. Kiểm sát viên kỹ năng dự thảo nội dung cần kháng nghị, đó là:

– Kháng nghị phải chia thành từng ý nhỏ với lập luận khúc triết, văn phong dễ hiểu và dựa trên phân tích các căn cứ pháp luật. Mỗi dạng vi phạm cần được thể hiện rõ ràng, rành mạch để được Hội đồng xét xử xem xét toàn diện nhất, đầy đủ nhất.

– Kháng nghị cần phải phân tích cụ thể, chi tiết vi phạm của Toà án như: số, hiệu bản án; việc trích dẫn quan hệ pháp luật tranh chấp; xác định tư cách tham gia tố tụng; về áp dụng pháp luật; tính logic trong phần nhận định và quyết định của bản án,…

– Kháng nghị nên chỉ ra những thiếu sót, vi phạm trong bản án mà không nên đưa ra hướng xử lý vụ án khi chưa có căn cứ vững chắc. Tuỳ thuộc vào quá trình Toà án xác minh, thu thập chứng cứ ở giai đoạn phúc thẩm, kết quả nghiên cứu hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên bổ sung hướng xử lý vụ án cho phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.

– Phần cuối kháng nghị chỉ nên nêu rõ là kháng nghị một phần hay toàn bộ bản án, quyết định dân sự của Toà án cấp sơ thẩm mà không nên đưa ra hướng giải quyết cụ thể (hủy án, sửa án hay y án) khi chưa có căn cứ vững chắc.

Khi tham gia kiểm sát việc xét xử tại phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên căn cứ vào kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, để đề nghị Hội đồng xét xử hủy án, sửa bản án hoặc giữ nguyên bản án (nếu Tòa án phúc thẩm khắc phục được các vi phạm của cấp sơ thẩm và bản chất vụ án không thay đổi).

 1.3. Kinh nghiệm bảo vệ kháng nghị

Phiên toà, phiên họp phúc thẩm là nơi thể hiện tập trung nhất các kỹ năng, kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự ở cấp phúc thẩm. Để bảo vệ tốt kháng nghị của VKSND, Kiểm sát viên cần phải thể hiện kỹ năng lập luận sắc sảo, có tính thuyết phục cao.

Trong thời gian chuẩn bị xét xử, Kiểm sát viên được phân công xét xử phúc thẩm phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nội dung bản kháng nghị, kiểm tra các tài liệu chứng cứ kèm chứng minh cho nội dung kháng nghị; đồng thời, cần nghiên cứu quan điểm kháng cáo của đương sự để xác định giữa nội dung đương sự kháng cáo với nội dung Viện kiểm sát kháng nghị có đồng nhất hoặc mâu thuẫn nhau hay không.

Trao đổi sớm với Thẩm phán được phân công xét xử phúc thẩm để nắm bắt được những vấn đề sẽ chấp nhận hoặc không được chấp nhận. Từ đó tiếp tục nghiên cứu nội dung phản biện của Tòa án, nhằm đưa ra những chứng cứ xác đáng thuyết phục Hội đồng xét xử chấp nhận.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải tranh luận với đương sự theo từng vấn đề kháng nghị, chỉ ra được những tài liệu chứng cứ chứng minh cho nội dung kháng nghị, phải dựa trên những quy định của pháp luật để lập luận, quy nạp những vi phạm của cấp sơ thẩm, làm cơ sở đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận sửa hoặc hủy bản án, quyết định.

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định dân sự của Toà án

2.1. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành

Hiệu quả, chất lượng công tác kiểm sát trong hoạt động tư pháp và công tác kháng nghị, kiến nghị chịu tác động lớn từ công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp. Vì vậy, Lãnh đạo VKSND các cấp trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự cần phải xác định khâu công tác này là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của đơn vị; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kháng nghị; trực tiếp nghe báo cáo, quyết định việc kháng nghị, việc bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa, phiên họp; phải lựa chọn, bố trí công chức có năng lực, trình độ và kinh nghiệm để thực hiện công tác này

Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh cần phải tăng cường và thường xuyên tiến hành kiểm tra (kiểm tra trực tiếp hoặc yêu cầu tự kiểm tra) đối với VKSND cấp huyện và đơn vị Phòng 9 VKSND tỉnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

– Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh và đơn vị Phòng 9 VKSND tỉnh phải luôn quan tâm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, hướng dẫn và trả lời thỉnh thị đối với VKSND cấp huyện. Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra công vụ kịp thời chỉ ra những vi phạm, thiếu sót cần khắc phục trong công tác này, đồng thời rút ra được những kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

 – VKSND các cấp phải tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng và sự phối hợp của chính quyền, các cơ quan hữu quan địa phương nhất là các cơ quan tư pháp trong công tác kiểm sát đạt hiệu quả, kịp thời chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc. Chủ động tham mưu với cấp uỷ ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ địa phương gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát; xây dựng quy chế phối hợp giữa VKSND với Toà án, với UBND cấp tỉnh, huyện, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát theo quy định của pháp luật.

2.2. Xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát có bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vàng, nắm vững chính sách pháp luật, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ công tác

Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự phải có được nhận thức đúng và đầy đủ về các chủ trương, quan điểm của Đảng và nhà nước về cải cách tư pháp, những quy định pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND thì việc vận dụng vào công tác kiểm sát mới có chất lượng và đạt hiệu quả cao. Phải chú trọng quan tâm đúng mức đến việc bố trí, sắp xếp đội ngũ Kiểm sát viên, công chức làm công tác này vừa bảo đảm tính ổn định, vừa có tính kế thừa, đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và giữ vai trò chuyên trách ở lĩnh vực này, nhất là đối với Phòng 9 VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện có nhiều án, nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

– Về công tác nghiệp vụ thì ngay sau khi nhận được bản án, quyết định, Lãnh đạo VKSND/ thủ trưởng đơn vị nghiệp vụ phải phân công Kiểm sát viên, công chức cập nhật vào sổ thụ lý theo dõi, lập phiếu kiểm sát đầy đủ theo quy định của Ngành, tránh tình trạng để tồn đọng quá nhiều mới phân công và vào sổ theo dõi. Nếu chỉ đọc bản án, quyết định thì rất khó phát hiện được đầy đủ vi phạm, do đó, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và thường xuyên tổng hợp, tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm, nhận diện các dạng vi phạm về nội dung và hình thức trong các bản án, quyết định.

Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, cấp huyện, Lãnh đạo Phòng 9 VKSND tỉnh phải chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nhất là tự đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức chính trị, pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức thông qua việc tạo điều kiện để Kiểm sát viên, công chức tham gia các khoá bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu, xây dựng các đề tài, chuyên đề nghiệp vụ để tổng kết thực tiễn, phân tích, đánh giá tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra các biện pháp, giải pháp thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, từ kết quả triển khai thực hiện chuyên đề, đề tài, thông báo rút kinh nghiệm giúp cho lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị tự kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả, thiếu sót, khuyết điểm và những kinh  nghiệm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm sát.

2.3. Xây dựng và phát huy tốt mối quan hệ phối hợp trong Ngành kiểm sát, giữa Viện kiểm sát nhân dân với Tòa án nhân dân

Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc gảii quyết các vụ việc dân sự nói chung và công tác thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm nói riêng thì một trong những giải pháp hữu hiệu là phải thực hiện và phát huy tốt mối quan hệ phối hợp giữa VKSND cấp tỉnh với VKSND cấp huyện, giữa Phòng 9 VKSND tỉnh với VKSND cấp huyện. Theo đó, VKSND cấp huyện phải thực hiện nghiêm túc việc gửi bản án, quyết định lên VKSND cấp tỉnh đúng thời hạn; Phòng 9 VKSND tỉnh phân công Kiểm sát viên theo dõi địa bàn để nắm bắt tình hình, kịp thời trao đổi, hướng dẫn, giải đáp nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị, đặc biệt là đối với những vụ việc trước khi ban hành kháng nghị cần thiết có sự trao đổi thống nhất về căn cứ pháp luật, những vi phạm của bản án, quyết định giúp cho việc ban hành kháng nghị có căn cứ, chính xác và đúng pháp luật.

Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và Phòng 9 VKSND tỉnh phải mở sổ ghi chép, theo dõi tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng của Toà án, nếu phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải kịp thời báo cáo tham mưu đề xuất với Lãnh đạo đơn vị để kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần phải chủ động và tăng cường phối hợp giữa Viện kiểm sát với Toà án cùng cấp trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành trong các hoạt động tố tụng. Khi phát hiện vi phạm nên trao đổi để Toà án tự khắc phục, trong trường hợp Toà án vẫn giữ nguyên quan điểm thì Viện kiểm sát mới ban hành văn bản kháng nghị. Cần xây dựng quy chế phối hợp giữa VKSND với TAND trong hoạt động tố tụng dân sự, trong đó lưu ý đến quy định về thời hạn chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND; việc thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của VKSND./.