Một số kỹ năng của kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc điều tra thu thập chứng cứ trong các vụ án xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường các vụ án xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông là hoạt động bắt buộc trong công tác điều tra, thu thập chứng nhằm tạo căn cứ cho việc giải quyết vụ án xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Qua công tác khám nghiệm hiện trường sẽ thu thập được đầy đủ các dấu vết của vụ tai nạn, bước đầu xác định được sơ bộ lỗi của người tham gia giao thông, từ đó có thể xác định được hành vi của người tham gia giao thông có phạm vào một trong các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay không. Vì vậy, đòi hỏi hoạt động khám nghiệm hiện trường phải được tiến hành nhanh chóng ngay sau khi tai nạn giao thông xảy ra.
Căn cứ quy định của pháp luật, Kiểm sát viên (KSV) phải có mặt để thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, KSV cần thực hiện đầy đủ các hoạt động như sau:
1.1. Kỹ năng của Kiểm sát viên trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường
Một là, hoạt động của KSV trước khi đến hiện trường.
Ngay sau khi nhận được thông báo của CQĐT về vụ, việc xảy ra cần phải khám nghiệm hiện trường, lãnh đạo VKS cùng cấp phải kịp thời phân công Kiểm sát viên THQCT, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên được phân công phải tiến hành các hoạt động được quy định tại Điều 29 Quy chế 111.
Kiểm sát viên chủ động trao đổi với ĐTV chủ trì khám nghiệm để nắm được sơ bộ ban đầu vụ việc cần khám nghiệm hiện trường xảy ra ở địa điểm nào, thời gian và chuẩn bị phương tiện, máy ghi âm, ghi hình (nếu có), giấy tờ phục vụ cho việc ghi chép, vẽ sơ đồ và nhanh chóng đến hiện trường.
Hai là, hoạt động của KSV khi đến hiện trường (trước khi bắt đầu tiến hành khám nghiệm).
– Kiểm sát thành phần tham gia khám nghiệm hiện trường theo quy định tại các điều 201, 202 BLTTHS. Cơ cấu thành phần tham gia Hội đồng khám nghiệm hiện trường tùy thuộc vào từng loại hiện trường cụ thể như hiện trường có tử thi, hiện trường tai nạn giao thông gây sập cầu cống, nhà cửa… và tùy thuộc vào tính chất nghiêm trọng của vụ việc đã xảy ra. Trong thực tiễn, thành phần Hội đồng khám nghiệm thông thường có các thành viên sau đây: ĐTV chủ trì khám nghiệm, Cán bộ điều tra; Giám định viên kỹ thuật hình sự tham gia phát hiện, ghi nhận, thu giữ bảo quản dấu vết, vật chứng, dữ liệu điện tử của các camera giao thông, chụp ảnh, vẽ sơ đồ, lập biên bản khám nghiệm hiện trường; KSV trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường có sự sự tham gia của người chứng kiến. Ngoài ra, tùy thuộc vào vụ việc xảy ra và tính chất nghiêm trọng của vụ việc đó, Hội đồng khám nghiệm có thể mời các chuyên gia về tai nạn giao thông tham gia khám nghiệm.
– Kiểm tra thành phần tham gia Hội đồng khám nghiệm nếu phát hiện còn thiếu các thành phần theo quy định tại Điều 201 và Điều 202 BLTTHS; thành viên tham gia Hội đồng khám nghiệm không đủ tư cách pháp lý thì KSV yêu cầu người chủ trì khám nghiệm khắc phục ngay để bảo đảm giá trị pháp lý của hoạt động khám nghiệm hiện trường.
– Nắm bắt tình hình và xử lý thông tin trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường. Theo quy định của pháp luật và quy trình khám nghiệm hiện trường đặc biệt là hiện trường có tử thi, KSV và các thành phần tham gia Hội đồng khám nghiệm phải nắm bắt những thông tin ban đầu có liên quan đến hiện trường và tử thi. Chính vì vậy ngay khi đến hiện trường, KSV phải phối hợp các thành viên tham gia khám nghiệm cần nhanh chóng gặp người có trách nhiệm yêu cầu họ cung cấp thêm về công tác bảo vệ hiện trường và tất cả những thông tin mà lực lượng bảo vệ hiện trường đã thu thập được, đồng thời gặp gỡ, trao đổi với những người biết được thông tin về hiện trường như: Người làm chứng, thân nhân nạn nhân và có thể thông tin do chính người bị hại trước khi chết cung cấp. Mục đích của việc nắm tình hình hiện trường nhằm giúp KSV xác định:
+ Hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị thay đổi, nếu bị thay đổi thì do những nguyên nhân nào; đặc điểm thời tiết, khí hậu, ánh sáng…
+ Trong quá trình bảo vệ hiện trường, lực lượng bảo vệ đã xử lý như thế nào đối với dấu vết, vật chứng;
+ Ai là người phát hiện vụ việc, thời gian nào, ngoài ra còn có ai biết về vụ việc đã xảy ra;
+ Trường hợp đã xác định được đối tượng gây tai nạn thì cần xác định họ, tên, đặc điểm nhận dạng để bố trí lực lượng cưỡng chế thu giữ mẫu máu phục vụ cho việc xét nghiệm nồng độ hoặc chất kích thích khác kịp thời. Ngoài ra, đối với trường hợp khám nghiệm hiện trường có tử thi, KSV và các thành viên Hội động khám nghiệm cần nắm các thông tin sau đây:
Vị trí, tư thế, dáng điệu ban đầu của nạn nhân đã bị thay đổi hay chưa; nếu bị thay đổi thì ai đã làm thay đổi, nguyên nhân nào của việc làm thay đổi đó;
Trong quá trình bảo vệ hiện trường, cán bộ bảo vệ đã xử lý như thế nào đối với dấu vết, vật chứng, tử thi và các đồ vật khác ở hiện trường;
Xác định sơ bộ tài sản, hành lý của nạn nhân mang theo trước và sau khi phát hiện nạn nhân chết;
Xác định tung tích của nạn nhân; nếu đã rõ tung tích cần xác định rõ họ, tên, tuổi, nơi cư trú; nếu chưa rõ tung tích cần ghi nhận hình dạng, giới tính, độ tuổi, các đặc điểm nhận dạng trên cơ thể, các đặc điểm về quần áo, đồ đạc mang theo…
Trong quá trình nắm bắt thông tin về tình hình hiện trường, KSV và các thành phần Hội đồng khám nghiệm cần thu thập những thông tin có giá trị đối với quá trình điều tra, những thông tin góp phần xác định nội dung sự việc có dấu hiệu của tội phạm hay không.
– Kiểm sát công tác bảo vệ hiện trường: Bảo vệ hiện trường là quá trình tổ chức lực lượng, sử dụng các phương tiện và áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ, giữ gìn dấu vết, vật chứng ở hiện trường, ở tử thi (trong trường hợp hiện trường có tử thi). Xác định phạm vi bảo vệ hiện trường đã bao quát hết tất cả các khu vực cần khám nghiệm hay chưa, từ đó KSV có ý kiến yêu cầu cần giữ nguyên hay mở rộng, thu hẹp phạm vi bảo vệ hiện trường; kiểm sát các biện pháp và phương pháp sử dụng các phương tiện mà lực lượng bảo vệ hiện trường đã thực hiện để bảo đảm không làm thay đổi, mất mát, hư hỏng dấu vết; xác định hiện trường có bị thay đổi do quá trình cứu chữa nạn nhân, tìm kiếm tài sản hay do các tác động khác như khí hậu, thời tiết hay không; nếu có thì hiện trường đó thay đổi những khu vực nào để tiến hành đánh dấu trước khi khám nghiệm, những đồ vật nào đã đưa ra khỏi hiện trường…
Ngoài ra, đối với hiện trường có tử thi nằm trên trục đường giao thông chính, khu vực tập trung đông dân cư hoặc trong trường hợp thời tiết không thuận lợi cho việc giữ nguyên vị trí của tử thi để tiến hành khám nghiệm thì có thể di chuyển tử thi đến nhà bảo quản tử thi của bệnh viện hoặc vị trí khác thuận tiện cho việc khám nghiệm. Trong những trường hợp này cần đánh dấu, ghi nhận vị trí, tư thế, dáng điệu của tử thi trước khi di chuyển. Việc ghi nhận có thể tiến hành bằng cách vẽ sơ đồ, mô tả hoặc chụp ảnh. Quá trình di chuyển cần thực hiện một cách cẩn thận nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến các dấu vết, vật chứng có trên hiện trường.
Trong trường hợp cần thiết, KSV có thể yêu cầu ĐTV chủ trì khám nghiệm kiểm tra các phương tiện giao thông nhằm phát hiện, ghi nhận, thu giữ dấu vết va chạm.
1.2. Kỹ năng của Kiểm sát viên trong quá trình khám nghiệm hiện trường
Quá trình khám nghiệm hiện trường, KSV cần tiến hành đầy đủ các hoạt động theo quy định tại các điều 201, 202 BLTTHS và Điều 30 Quy chế 111, đồng thời thực hiện các kỹ năng cần thiết để đảm bảo việc khám nghiệm hiện trường thu thập được các tài liệu, dấu vết chứng minh hành vi phạm tội.
1.2.1. Kỹ năng quan sát hiện trường và thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động khám nghiệm sơ bộ hiện trường
Trước khi tiến hành khám nghiệm, KSV phối hợp với ĐTV quan sát và kiểm sát hoạt động khám nghiệm sơ bộ hiện trường của Hội đồng khám nghiệm nhằm bảo đảm phát hiện một cách đầy đủ nhất các dấu vết, vật chứng có liên quan đến sự việc đã xảy ra đặc biệt là vụ việc chết người.
Kiểm sát viên và các thành viên Hội đồng khám nghiệm phải nắm bao quát vị trí, trạng thái chung của hiện trường cũng như những đồ vật, dấu vết, vật chứng, tử thi (nếu có) ở hiện trường để lựa chọn chiến thuật khám nghiệm hiện trường, phương pháp phát hiện, ghi nhận, thu lượm các dấu vết, vật chứng phù hợp cho giai đoạn khám nghiệm tỉ mỉ.
Việc quan sát hiện trường có người chết, KSV và các thành viên Hội đồng khám nghiệm thực hiện như sau:
– Về đối tượng quan sát: Phải quan sát toàn bộ cấu trúc của địa hình, toàn bộ khu vực hiện trường, quan sát tất cả đồ vật, dấu vết, vật chứng, tử thi (nếu có) ở hiện trường.
– Về cách thức tiến hành quan sát: Kiểm sát viên và các thành viên của Hội đồng khám nghiệm lựa chọn vị trí đứng để thực hiện quan sát là vị trí bao quát được hiện trường. Đối với hiện trường rộng hoặc có nhiều khu vực bị che khuất thì cần di chuyển vào trong hiện trường để quan sát nhưng cần đi theo một lối nhất định và tuyệt đối không làm phá hủy dấu vết. Nếu cần thiết thì sử dụng các công cụ hỗ trợ cho quá trình quan sát như đèn pin, các vật chiếu sáng khác, kính lúp.
– Các công việc cụ thể mà KSV phải yêu cầu và phối hợp với các thành viên của Hội đồng khám nghiệm thực hiện trong giai đoạn quan sát:
Đặt số cho các dấu vết, vật chứng, tử thi (nếu có) đã thấy rõ ở hiện trường: Trường hợp di chuyển vào trong hiện trường và quan sát thì khi phát hiện được dấu vết, vật chứng, tử thi đã thấy rõ, Hội đồng khám nghiệm phải thực hiện đặt số thứ tự. Số thứ tự được đặt ở vị trí của dấu vết, vật chứng, tử thi và được đặt theo thứ tự từ nhỏ đến lớn theo thứ tự phát hiện. Số thứ tự cũng có thể được đặt đối với các vị trí nghi có có dấu vết, vật chứng tồn tại.
1.2.2. Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc phát hiện, ghi nhận, thu thập dấu vết trong giai đoạn khám nghiệm tỉ mỉ
– Trong giai đoạn khám nghiệm tỉ mỉ, KSV cần lưu ý: Tùy theo đặc điểm của hiện trường và kết quả của giai đoạn quan sát mà khi khám nghiệm tỉ mỉ, Hội đồng khám nghiệm quyết định áp dụng các chiến thuật khám nghiệm, sử dụng phương tiện, kỹ thuật thích hợp để phát hiện, ghi nhận, thu lượm dấu vết, vật chứng cho phù hợp. Trong giai đoạn khám nghiệm này, KSV phải kiểm sát và yêu cầu Hội đồng khám nghiệm chấp hành các quy định của BLTTHS về quy trình khám nghiệm, các phương pháp sử dụng công cụ, phương tiện để phát hiện, ghi nhận dấu vết, vật chứng, chụp ảnh, vẽ sơ đồ, ghi nhận vào biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, các phương pháp thu lượm, bảo quản phù hợp với từng loại dấu vết, vật chứng bảo đảm cho việc giám định, phân tích, đánh giá dấu vết, vật chứng được khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác sau này.
– Sau khi kết thúc giai đoạn quan sát, KSV cùng các thành viên Hội động khám nghiệm tiến hành đánh giá kết quả quan sát hiện trường theo các nội dung sau:
+ Đã nắm bắt được toàn cảnh, đặc điểm và trạng thái của hiện trường, vị trí của các dấu vết, vật chứng, tử thi (nếu có) trên hiện trường hay chưa; đã xác định được mối quan hệ giữa các đồ vật, cảnh vật ở hiện trường với các dấu vết, vật chứng; quan hệ giữa phạm vi hiện trường với các vùng phụ lân cận hay chưa. Nếu chưa đạt kết quả thì cần quan sát hiện trường tiếp tục như thế nào.
+ Xác định tại hiện trường (đối với các vụ tai nạn mà đối tượng điều khiển phương tiện bỏ chạy nhằm trốn tránh trách nhiệm) có tồn tại dấu vết “nóng” hay không. Nếu có cần tiến hành hội ý, trao đổi giữa các thành viên Hội đồng khám nghiệm, đặc biệt là với ĐTV chủ trì khám nghiệm với KSV để kịp thời khai thác, truy tìm đối tượng.
+ Sơ bộ đánh giá về nội dung, diễn biến vụ việc, xác định khu vực nào có tồn tại nhiều dấu vết, vật chứng nhất cần tập trung tìm kiếm, phát hiện trong giai đoạn khám tỉ mỉ và quyết định lựa chọn chiến thuật, phương tiện kỹ thuật cho giai đoạn khám nghiệm tỉ mỉ được tiến hành khách quan, toàn diện, đầy đủ, đúng pháp luật.
– Quá trình thực hiện nhiệm vụ, KSV cần yêu cầu và phối hợp với ĐTV cố gắng xác định rõ khu vực va chạm đầu tiên giữa các phương tiện giao thông hoặc với vật cản trở giao thông bao giờ cũng để lại trên hiện trường những dấu vết có thể giúp chúng ta xác định được chính xác vị trí xảy ra sự va chạm đó trên hiện trường. Các dấu vết của điểm va chạm (điểm đụng) thường để lại trên mặt đường bộ như vết cà xước mặt đường bộ, vết phanh, vết dầu, nhớt, trung tâm các mảnh vỡ… nơi xảy ra đâm va. Việc xác định đúng khu vực va chạm giữa các phương tiện trên hiện trường giúp Điều tra viên đánh giá được nguyên nhân vụ tai nạn, lỗi của các bên trong vụ tai nạn, từ đó xác định trách nhiệm hình sự thuộc bên nào, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc giải quyết vụ án một cách đúng đắn, khách quan, không xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Để xác định chính xác khu vực va chạm của vụ tai nạn giao thông trên hiện trường, trong quá trình khám nghiệm hiện trường cần phải xác định được:
+ Dấu vết do phương tiện giao thông hoặc người tham gia giao thông bị đổ, ngã trực tiếp va đập trên mặt đường.
+ Dấu vết là đám hỗn hợp vật chất như mảnh sơn, kính vỡ, hàng hóa, đất cát…. do hai bên phương tiện đâm va vào nhau rơi vãi trên mặt đường. Hình dáng của dấu vết này phụ thuộc vào tính chất đâm va như ngược chiều, xuôi chiều, đâm chếch, đâm thẳng…
+ Dấu vết để lại trên phương tiện, người, đồ vật có liên quan. Đó là các dấu vết để lại trên phương tiện giao thông hoặc trên người, đồ vật, tư trang, hành lý… do sự va chạm lần đầu giữa các vật đó gây ra. Do tính chất đâm va trong mỗi vụ tai nạn là khác nhau nên vị trí, hình dáng, kích thước của các dấu vết cũng khác nhau như lồi, lõm, cày xước, chùi trượt … để lại trên đầu xe, sườn xe hoặc để lại trên xác nạn nhân, tư trang hành lý…
Ví dụ: Thông qua vết phanh có thể xác định được phần đường, phía đi, tốc độ, chiều hướng, trạng thái vận động của phương tiện trước khi đâm va. Theo kinh nghiệm thực tế thì thường ở phía sau hoặc phần cuối các vết phanh là khu vực va chạm đầu tiên giữa hai phương tiện (trừ trường hợp đâm trước khi phanh hoặc đâm ở đầu tầm phanh). Ngược lại, khu vực va chạm đầu tiên lại thường xuất hiện ở phần bắt đầu các vết cà xứơc, đổ vỡ, rơi vãi… trên đường, bởi vì sau khi đâm va thì các phương tiện, linh kiện của phương tiện bị vỡ, văng, lê trên đường tạo ra vết cà xước. Vì vậy, khu vực sát với điểm bắt đầu của vết cà xước để lại trên mặt đường thường xuất hiện các dấu vết phản ảnh khu vực va chạm đầu tiên của vụ tai nạn.
+ Chiều rộng của lòng đường bộ (qua đó xác định tim đường), lòng cầu, chu vi của khoảng không nơi ngã ba, ngã tư xảy tai nạn…
+ Hướng di chuyển của các phương tiện giao thông hoặc vật cản trở giao thông ngay trước khi tai nạn giao thông xảy ra và vị trí dừng, đỗ của các phương tiện giao thông, của nạn nhân… sau khi tai nạn xảy ra.
– Tiến hành các hoạt động ghi nhận chung: Trong giai đoạn này KSV kiểm sát hoạt động của cán bộ kỹ thuật hình sự trong việc tiến hành ghi nhận chung về hiện trường và dấu vết, vật chứng, tử thi. Cụ thể như:
Chụp ảnh định hướng, chụp ảnh trung tâm và từng phần hiện trường.
Vẽ sơ đồ hiện trường chung.
Mô tả chung về hiện trường vào biên bản khám nghiệm.
– Xác định và lựa chọn các mốc chuẩn để sử dụng trong đo đạc và xác định vị trí của dấu vết, vật chứng, tử thi ở hiện trường (mốc chuẩn được lựa chọn là các vật, các điểm cố định ở hiện trường).
– Khi kiểm sát việc khám nghiệm tỉ mỉ, KSV phải bảo đảm mọi dấu vết vật chứng được phát hiện thu giữ trên hiện trường đều phải được ghi nhận đầy đủ, thống nhất trong sơ đồ, bản ảnh và biên bản khám nghiệm hiện trường về tên gọi, loại dấu vết, vật chứng, số lượng, màu sắc, trạng thái, đặc điểm trước khi phát hiện, thu giữ phải đúng quy trình chuyên môn, quy định của pháp luật nhằm bảo đảm giá trị pháp lý của dấu vết, vật chứng.
– Trong quá trình khám nghiệm, bao gồm cả giai đoạn quan sát và giai đoạn khám nghiệm tỉ mỉ, KSV yêu cầu ĐTV ghi nhận, thu lượm đầy đủ, chính xác, rõ ràng, cụ thể các tình tiết, số lượng, vị trí, hình dáng, kích thước, màu sắc và đặc điểm của các dấu, vết vật chứng, tài liệu đã được phát hiện tại hiện trường để làm cơ sở xem xét đối chiếu kiểm tra với biên bản, sơ đồ, bản ảnh hiện trường do ĐTV hoặc Giám định viên kĩ thuật hình sự lập tại hiện trường. Trường hợp cần thiết, KSV có thể chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ mô tả hiện trường, xem xét tại chỗ dấu vết, đồ vật, tài liệu có liên quan đến tội phạm, trực tiếp kiểm sát việc lấy lời khai và cần thiết thì ghi âm lời khai của người bị hại, người làm chứng và những người biết việc (các tài liệu này được lưu trong hồ sơ kiểm sát).
– Kiểm sát viên đề ra yêu cầu khám nghiệm trên cơ sở nghiên cứu cơ chế, quy luật hình thành dấu vết để có thể phát hiện, xác định được loại dấu vết; dấu vết hình thành đúng hay trái với quy luật thông thường; sự mâu thuẫn giữa các dấu vết, vật chứng, đồ vật để kịp thời yêu cầu thu thập đầy đủ; tránh trường hợp bỏ sót, làm hư hỏng các dấu vết hoặc làm thay đổi tình trạng hiện trường; xác định có hay không việc tạo hiện trường tai nạn giả để che giấu hành vi phạm tội khác.
Nếu thấy việc khám nghiệm hiện trường chưa đầy đủ, vi phạm quy định tại Điều 201 BLTTHS thì KSV yêu cầu ĐTV, người có chuyên môn bổ sung, khắc phục; trường hợp Hội đồng khám nghiệm không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu thì KSV kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để xin ý kiến chỉ đạo; yêu cầu ĐTV ghi ý kiến của mình vào biên bản khám nghiệm.
– Những dấu vết, vật chứng, đồ vật đã thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong theo quy định của pháp luật, bảo đảm phục vụ cho việc giám định và sử dụng làm chứng cứ chứng minh sự thật của vụ án.
– Kiểm sát viên phải có trách nhiệm phối hợp cùng ĐTV phân tích, đánh giá đúng kết quả khám nghiệm hiện trường; xem xét quyết định kết thúc khám nghiệm hoặc tiếp tục bảo vệ hiện trường để có thể khám nghiệm bổ sung, khám nghiệm lại; xác định rõ những dấu vết, vật chứng, đồ vật và nội dung cần trưng cầu giám định để phục vụ cho công tác điều tra, giải quyết vụ án.
1.2.3. Kỹ năng kiểm sát biên bản khám nghiệm hiện trường
Sau khi hoạt động khám nghiệm hiện trường kết thúc, KSV phải kiểm sát biên bản khám nghiệm hiện trường gồm các nội dung theo quy định tại Điều 133 và 178 BLTTHS nhằm bảo đảm cho hiện trường vụ án cũng như quá trình tiến hành khám nghiệm của cơ quan, người có thẩm quyền được phản ánh một cách khách quan, trung thực và kịp thời.
KSV phải chú ý kiểm tra về: Ngày giờ lập và kết thúc việc khám nghiệm đúng thực tế diễn ra; thành phần tham gia khám nghiệm, những người tham gia ký tên phải đúng thành phần và là những người tham gia có mặt tại hiện trường lúc diễn ra hoạt động khám nghiệm; nội dung biên bản phải phản ánh đúng thực tế diễn ra về hoạt động khám nghiệm cũng như việc vẽ sơ đồ, chụp ảnh, đo đạc và mô tả thực trạng hiện trường; ghi nhận về điều kiện thời tiết, khí hậu ánh sáng và tình trạng của hiện trường; những dấu vết, tài liệu và mẫu vật được thu lượm, bảo quản tại hiện trường (ghi rõ tên, đặc điểm, vị trí và phương pháp thu lượm).
1.3. Kỹ năng của Kiểm sát viên sau khi kết thúc việc khám nghiệm hiện trường
Sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường, trước khi rời khỏi hiện trường, KSV cần xác định kết quả khám nghiệm hiện trường đã đạt yêu cầu hay chưa, có cần khám nghiệm bổ sung hay không. Điều này có ý nghĩa hết sức cần thiết nhằm bảo đảm cho công tác khám nghiệm hiện trường có hiệu quả, vì thực tế khi đã dừng công tác bảo vệ hiện trường thì trong trường hợp cần thiết nếu phải khám nghiệm lại hoặc khám nghiệm bổ sung sẽ gặp rất nhiều khó khăn đôi khi không thể khắc phục được.
Kiểm sát việc bàn giao lại các đồ vật, tài sản… trên hiện trường (đối với những loại đồ vật, tài sản không cần thu giữ, tạm giữ để phục vụ cho công tác điều tra) của ĐTV trả cho chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân là người quản lý hợp pháp.
Theo quy định tại Điều 31 Quy chế 111, sau khi kết thúc việc khám nghiệm hiện trường, KSV phải ghi thông tin vào sổ thụ lý khám nghiệm đồng thời báo cáo ngay bằng văn bản và đề xuất quan điểm với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện về kết quả khám nghiệm hiện trường, những yêu cầu của KSV không được ĐTV, người có chuyên môn thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ (nếu có).
2. Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lấy lời khai người làm chứng
Người làm chứng trong các vụ tai nạn giao thông có thể là người đi đường, hành khách đi trên phương tiện, những người dân xung quanh nơi xảy ra tai nạn. Việc tiến hành lấy lời khai người làm chứng cần phải được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, có thể trước hoặc đồng thời với việc tiến hành khám nghiệm hiện trường. Những thông tin mà người làm chứng cung cấp trong các vụ tai nạn giao thông thường có độ tin cậy cao vì họ không có sự ràng buộc với các bên, không sợ bị trả thù. Do đó, KSV cần yêu cầu Điều tra viên làm rõ những nội dung sau trong lời khai của người làm chứng:
– Những thông tin cụ thể về lý lịch người làm chứng, mối quan hệ với người gây tai nạn hoặc nạn nhân;
– Vị trí, khoảng cách từ nơi người làm chứng quan sát đến nơi xảy ra tai nạn giao thông;
– Hướng chuyển động của từng loại phương tiện;
– Đặc điểm loại phương tiện gây tai nạn, màu sơn, biển số;
– Tốc độ phương tiện;
– Diễn biến của vụ tai nạn như thế nào;
– Tình trạng mặt đường, mật độ phương tiện tham gia giao thông tại thời điểm xảy ra tai nạn;
– Tình trạng của nạn nhân trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn;
– Sự đánh giá, nhận xét của họ về nguyên nhân, lỗi của vụ tai nạn giao thông;
– Người làm chứng cam đoan như thế nào về độ trung thực của họ.
Khi lấy lời khai người làm chứng cần chú ý: trong điều kiện có thể thì cần lấy lời khai của hai người làm chứng trở lên và cần tìm được người trực tiếp chứng kiến một phần hoặc toàn bộ diễn biến vụ tai nạn.
Đối với các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở nông thôn, vắng người qua lại và đặc biệt những nơi không có camera giao thông hay camera an ninh, nếu có người chứng kiến vụ tai nạn thì họ thường là người ngẫu nhiên đi ngang qua và chứng kiến vụ tại nạn nói trên. Vì vậy, nếu không tìm ra những người đó và lấy lời khai ngay, để họ đi khỏi hiện trường thì sau này cơ quan chức năng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy lời khai và xác định lỗi của các bên gây tai nạn sau này.
Khi đánh giá lời khai người làm chứng, KSV cần phải kết hợp với đánh giá dấu vết hiện trường, phương tiện, tử thi để xem lời khai của họ có thực sự khách quan hay không; có phù hợp với những chứng cứ khác hay không. Trên cơ sở đó, KSV xác định ban đầu lỗi của người gây tai nạn làm căn cứ cho việc xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hay không.
3. Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lấy lời khai người người bị hại
Người bị hại trong các vụ tai nạn giao thông là con người cụ thể, bị thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do vụ tai nạn gây nên. Thực tế xử lý cho thấy đa phần các vụ án giao thông đường bộ thường hậu quả làm người bị hại chết, do đó việc lấy lời khai đối với chủ thể này chỉ thực hiện được với người bị thiệt hại về sức, tài sản. Trường hợp người bị hại bị tổn hại cho sức khỏe từ 61% trở lên, thì sức khỏe đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng làm giảm súc trí nhớ, vì vậy việc khai báo nhiều lúc cũng không khách quan và chính xác với diễn biến xảy ra. Bên cạnh đó, đôi khi do tình trạng hốt hoảng, sợ hãi ban đầu của người bị hại nên ký ức về các tình tiết vụ tai nạn dễ bị nhầm lẫn, khai báo lộn xộn. Vì vậy, việc lấy lời khai người làm chứng còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và trạng thái tâm lý của họ, phải ổn định tâm lý, tư tưởng để họ lấy lại bình tĩnh, nhớ lại diễn biến, có như vậy việc khai báo mới đầy đủ và chính xác.
Đối với người có thương tích nặng đang bị điều trị tại các cơ sở y tế thì việc lấy lời khai của họ phải được sự đồng ý của chính người bị hại và bác sỹ điều trị. Quá tình hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, hỏi những vấn đề chính, trọng tâm trước mới hỏi đến các vấn đề có liên quan đến vụ tai nạn.
Quá trình kiểm sát việc lấy lời khai người bị thiệt hại sức khỏe, tài sản trong các vụ án xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, KSV cần Điều tra viên làm rõ các nội dung sau:
– Những thông tin về lý lịch người bị hại;
– Khi tai nạn xảy ra họ đang làm gì, ở đâu, phần nào, phía nào của đường;
– Khi nào họ phát hiện thấy người điều khiển phương tiện gây tai nạn;
– Đặc điểm nạn (loại phương tiện, màu sơn, biển số nếu họ nhớ), chiều hướng di chuyển của từng loại phương tiện;
– Tốc độ phương tiện và phần đường, làn đường chuyển động;
– Diễn biến vụ tai nạn;
– Tình trạng mặt đường, lưu lượng phương tiện xung quanh tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn;
– Đánh gia, nhận xét của họ về lỗi của vụ tai nạn;
– Thiệt hại về thể chất hoặc tài sản và yêu cầu bồi thường của người bị hại.
4. Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lấy lời khai người gây tai nạn giao thông, hỏi cung bị can
Về mặt chủ quan của tội phạm, đây là hành vi được thực hiện do lỗi vô ý, những người gây tai nạn thường bị bất ngờ, diễn biến tai nạn giao thông xảy ra nhanh chóng nên họ thường có thái độ, trạng thái tâm lý hoang mang, hoảng sợ, ân hận. Do vậy, lời khai ban đầu của họ sau ngay sau khi tai nạn xảy ra thường trung thực, có tính khách quan nhưng cũng có khi bị nhầm lẫn ở những tình tiết cụ thể (mặc dù không cố ý). Đôi lúc họ không nhận thức được đầy đủ diễn biến, quá trình của vụ tai nạn giao thông (nhất là những người say rượu hoặc có nồng độ cồn trong maú cao), do vậy, để kiểm chứng lời khai của họ có trung thực với diễn biến của vụ việc hay không thì phải kết hợp với đánh giá dấu vết hiện trường, phương tiện, tử thi và các lời khai khác. Tuy nhiên, một số người sau khi gây tai nạn thường có thủ đoạn che dấu tội phạm như sau:
– Sau khi gây tai nạn, người gây tai nạn thường điều khiển phương tiện (ô tô) sang phần đường bên phải nhằm thay đổi vị trí va chạm ban đầu ở hiện trường. Trường hợp này thường thấy ở các vụ tai nạn giao thông mà phương tiện gây tai nạn giao thông đi sai phần đường, lấn phần đường của phương tiện ngược chiều.
– Đối với những trường hợp điều khiển phương tiện bỏ trốn thì thực tiễn họ thường tiến hành sửa chữa lại những hư hỏng, tẩy xóa dấu vết do sự cố va đập vào các phương tiện hoặc các đồ vật xung quanh nơi xảy ra tai nạn trên phương tiện. Nơi sửa chữa, xóa dấu vết thường là các ga ra ô tô, các trạm bảo hành, các nơi gò hàn kim loại,…
– Rửa sạch các dấu vết máu, lông tóc, dầu mỡ…bám trên phương tiện hoặc nơi va chạm với nạn nhân.
– Sơn lại các vết bong tróc sơn khi gây tai nạn.
Nắm rõ những đặc điểm này giúp cho các KSV, Điều tra viên trong quá trình khám nghiệm phát hiện được hiện trường sai lệch, hiện trường giả tạo. Do đó, quá trình khám nghiệm hiện trường phải thu thập các dấu vết một cách khách quan, đo đạc chính xác, tỷ mỷ để có cơ sở đánh giá biễn biến vụ tai nạn và lỗi của các bên tham gia giao thông được chính xác.
Lấy lời khai của người gây tai nạn giao thông ngay sau khi tai nạn xảy ra là việc làm hết sức quan trọng nhằm xác định ngay diễn biến của vụ tai nạn giao thông, làm cơ sở đánh giá đúng đắn tính chất của vụ tai nạn có phải là tội phạm hay không, người gây tai nạn có phạm tội hay không? Do vậy, KSV có thể yêu cầu và phối hợp với Điều tra viên cần lấy lời khai ngay của người gây tai nạn, tập trung làm rõ diễn biến của vụ tai nạn như: hành vi của người gây tai nạn, hành vi của người bị hại, hậu quả của vụ tai nạn, lỗi của người gây tai nạn, của người bị hại, tình trạng kỹ thuật phương tiện khi tai nạn xảy ra, hành vi tiếp theo của họ ngay sau khi tai nạn xảy ra…
Việc hỏi cung bị can nhằm thu thập những chứng cứ, tài liệu để chứng minh hành vi phạm tội của bị can. Quá trình hỏi cung bị can trong các vụ tai nạn giao thông thì đặc điểm tâm lý của bị can thường sẽ tìm mọi cách để chứng minh mình chấp hành đúng luật lệ giao thông và đổ lỗi cho người khác, việc gây tai nạn là do sự kiện bất ngờ, tình thế bất khả kháng; Bị can có thể khai báo sai sự thật, đưa ra những bằng chứng giả tạo. Có những vụ án bị can cho rằng mình chỉ là người ngồi phía sau, người điều khiển phương tiện lúc gây tại nạn là người đi chung với bị can; trường hợp khác, bị can còn tạo nên những dấu vết giả hoặc cố ý làm xáo trộn, sai lệch hiện trường vụ án nhằm gây khó khăn, đánh lạc hướng CQĐT. Do vậy, khi trực tiếp kiểm sát việc hỏi cung bị can, KSV cần nghiên cứu kỹ hiện trường, kết quả khám nghiệm hiện trường, lời khai của người làm chứng, bị hại (nếu có), nắm vững các tình tiết diễn biến của vụ tai nạn giao thông để chuẩn bị nội dung đấu tranh với bị can. Kiểm sát viên cần trao đổi yêu cầu Điều tra viên làm rõ những nội dung cơ bản sau:
– Những điều kiện bảo đảm cho việc điều khiển phương tiện giao thông của bị can (giấy phép lái xe);
– Tình trạng sức khỏe, tinh thần, năng lực của bị can khi điều khiển phương tiện, như có sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác không;
– Đặc điểm, tình trạng phương tiện khi xảy ra tai nạn, các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật của phương tiện, quyền sở hữu phương tiện;
– Hàng hóa, hành khách vận chuyển (số lượng, trọng lượng, chủng loại…)
– Hướng lưu thông của phương tiện do bị can điều khiển và của người bị gây tai nạn;
– Tốc độ phương tiện trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn;
– Quá trình diễn biến vụ tai nạn (phát hiện tình huống tai nạn, thái độ, hành vi xử lý tình huống của bị can);
– Hành vi của bị can sau tai nạn (dừng đỗ xe, cấp cứu người bị nạn hay bỏ chạy hoặc có hành vi khác…);
– Đánh giá nhận xét của bị can về nguyên nhân, lỗi của bị can hoặc của người khác trong vụ tai nạn….
– Hậu quả của vụ tai nạn, trách nhiệm của bị can trong việc khắc phục hậu quả.
5. Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thực nghiệm điều tra
Trong quá trình điều tra vụ án tai nạn giao thông, để xác định chính xác về hành vi vi phạm của các bên có liên quan hoặc trường hợp có căn cứ khẳng định hiện trường đã bị xáo trộn hoặc sửa chữa, can thiệp, thì cần phải tiến hành dựng lại hiện trường nhằm kiểm tra, xác minh, củng cố tài liệu, chứng cứ; xác định khả năng hình thành dấu vết, khả năng nghe, nhìn của con người, qua đó có thể xác định rõ hành vi phạm tội, lỗi của người phạm tội cũng như các tình tiết khác của vụ án…
Thực tế khi tiến hành các biện pháp điều tra như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện có liên quan, Điều tra viên, cán bộ điều tra thường phát hiện được nhiều loại dấu vết khác nhau nhưng không xác định chính xác nguồn gốc hình thành dấu vết đó thì khi đó cần tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định chính xác nguồn gốc hình thành của loại dấu vết đó. Trong khi thực nghiệm lại cần chú ý:
– Phương tiện tham gia thực nghiệm cần đảm bảo cùng chủng loại với phương tiện gây tai nạn, có đầy đủ các điều kiện kỹ thuật của xe gây tai nạn; Nơi thực nghiệm chính là nơi xảy ra tai nạn giao thông, các điều kiện khác như thời gian, không gian, điều kiện các phương tiện tham gia giao thông khác cũng phải đáp ứng một cách tương tự với các điều kiện khi tai nạn xảy ra. Người mô tả vị trí của các phương tiện, dấu vết có thể là chính bị can hoặc người làm chứng, người có mặt đầu tiên tại hiện trường và phải có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối khi thực nghiệm. Không thực nghiệm lại những hành vi cụ thể đã diễn ra trên thực tế, ví dụ: không diễn lại hành động tông xe vào cột điện, hoặc hai xe ô tô đâm nhau…
– Thực nghiệm điều tra để kiểm tra khả năng quan sát có thể được tiến hành để kiểm tra lời khai của bị can, người làm chứng hoặc người bị hại nhằm đánh giá tính xác thực của lời khai và động cơ mục đích khi khai báo.
Thực nghiệm điều tra trong trường hợp này cần chú ý: Trước khi thực nghiệm điều tra KSV cần yêu cầu Điều tra viên kiểm tra khả năng các cơ quan tri giác xem có gì thay đổi với thời điểm họ đã tri giác được các sự việc hiện tượng cần kiểm tra không. Đồng thời cần xem xét điều kiện về ánh sáng, thời tiết, khí hậu có ảnh hưởng gì đến khả năng quan sát và thụ cảm nghe, nhìn của người thực nghiệm hay không…
– Thực nghiệm điều tra về khả năng diễn ra của các sự việc, hiện tượng để xác định sự việc, hiện tượng đó có khả năng xảy ra hay không, nếu xảy ra thì xảy ra như thế nào? Có thể xác định diễn biến của vụ tại nạn giao thông, vận tốc của các phương tiện, xác định cơ chế hình thành dấu vết trên đường, ở các phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn…
6. Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc nhận dạng
Trong điều tra tội phạm vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông, nhận dạng thường được tiến hành nhằm xác định người gây tai nạn đã bỏ trốn. Nhận dạng trong trường hợp này thường được Điều tra viên tổ chức cho người bị hại hoặc người làm chứng có mặt tại hiện trường bằng trí nhớ (tri giác) của mình nhận dạng được đối tượng tình nghi đã gây tai nạn.
– Nhận dạng phương tiện gây tai nạn cũng được tiến hành khi cần xác định thu giữ phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông.
– Trong trường hợp nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông mà chưa rõ tung tích lai lịch cần tổ chức nhận dạng để xác định tung tích lai lịch của nạn nhân để giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông.
Chú ý: Trước khi tiến hành nhận dạng cần lấy lời khai kỹ những người nhận dạng và tạo điều kiện để người nhận dạng ở trạng thái bình thường mới tổ chức nhận dạng. Có thể nhận dạng người một cách trực tiếp hoặc qua ảnh. Trong mọi trường hợp nhận dạng người thì phải có ít nhất ba ảnh chụp ba người hoặc có ba người với hình thức bình thường phù hợp với người cần nhận dạng. Khi nhận dạng người, KSV phải yêu cầu Điều tra viên cần hỏi người nhận dạng xem căn cứ vào đặc điểm gì mà người nhận dạng xác định được người cần nhận dạng. Đối với trường hợp nhận dạng tử thi thì không cần thiết phải có các điều kiện đầy đủ như trên và thông báo trên phương tiện truyền thông theeo quy định.
7. Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc đối chất
Đối chất được áp dụng trong điều tra tội phạm vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông trong trường hợp lời khai của những người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông có mâu thuẫn với nhau về thời gian, địa điểm gây tai nạn, về vị trí, hướng chuyển động, hành động của người điều khiển phương tiện giao thông hoặc trường hai đối tượng ngồi trên phương tiện khi gây tai nạn đổ lỗi cho người kia là người điều khiển phương tiện…
Những vấn đề KSV cần lưu ý Điều tra viên trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát việc áp dụng biện pháp đối chất:
+ Cần thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vấn đề cần đối chất để phục vụ cho cuộc đối chất;
+ Trước khi đối chất cần làm rõ mối quan hệ của những người tham gia đối chất để vận dụng các thủ thuật, chiến thuật trong quá trình đối chất và có cơ sở đánh giá kết quả đối chất;
+ Cần xác định rõ những nội dung gì cần đưa ra để đối chất;
+ Khi đối chất, Điều tra viên đặt câu hỏi để một bên trả lời, sau đó hỏi bên kia xem có thừa nhận nội dung đó không, nếu không thừa nhận thì không thừa nhận ở nội dung nào, lý do.
Trên cơ sở kết quả cuộc đối chất, KSV, Điều tra viên đánh giá, xác định nội dung đúng đắn trong lời khai, chứng cứ của hai bên để sử dụng làm chứng cứ chứng minh tội phạm.
Ngoài những phương pháp đã nêu trên, có thể áp dụng các phương pháp điều tra khác được quy định trong BLTTHS để điều tra làm sáng tỏ nội dung vụ án xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã trình bày ở phần trên như giám định kỹ thuật đối với phương tiện giao thông hoặc kiểm tra dất vết trên cơ thể người liên quan đến tai nạn giao thông, thu giữ dữ liệu điện tử lưu giữ trong camera hành trình trình, camera giao thông…
Th.s. Võ Văn Tài
Phó Trưởng Khoa Kiểm sát Hình sự