Một số ý kiến về cách tính tuổi khi xác định tuổi của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Ths. Lê Thị Nga – Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin tư liệu,
Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Khi tiến hành tố tụng đối với một vụ án hình sự, việc xác định tuổi của người tham gia tố tụng là yếu tố rất quan trọng. Chỉ khi xác định được tuổi của người tham gia tố tụng, đặc biệt là người bị buộc tội, bị hại thì mới có thể xác định được chính xác thủ tục tố tụng cần áp dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Bên cạnh đó, tuổi của bị can, bị cáo, bị hại chính là căn cứ để định tội, định khung, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu như: Giấy chứng sinh; giấy khai sinh; chứng minh nhân dân; thẻ căn cước công dân; sổ hộ khẩu; hộ chiếu. Tuy nhiên, trên thực tế không phải trường hợp nào cũng có những giấy tờ, tài liệu trên để có căn cứ xác định chính xác tuổi của người bị buộc tội, người bị hại. Chính vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định cách tính tuổi thống nhất đối với người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi nhằm bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.

Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đưa ra quy định về cách tính tuổi khác nhau giữa bị can, bị cáo và bị hại khi không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi. Khi BLTTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã đưa ra cách tính tuổi thống nhất đối với người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi. Theo quy định tại Điều 417 BLTTHS năm 2015, đối với trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội, người bị hại được xác định thông qua các cách tính: Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh; Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh; Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh; Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không xác định được năm sinh thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành giám định để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại. Tuy nhiên, kết quả giám định không đưa ra số tuổi cụ thể mà sẽ có sai số. Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi đã hướng dẫn về cách tính tuổi này. Theo đó, “trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ. Ví dụ: Kết luận giám định A có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của A là 13 tuổi 6 tháng.”[1] Như vậy, theo quy định này, ngày sinh lấy làm căn cứ để xác định độ tuổi của người tham gia tố tụng sẽ là ngày sau cùng, tháng sau cùng, để họ có độ tuổi thấp nhất. Quy định này có điểm khác tương đối lớn so với quy định của BLTTHS năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đó là đã thống nhất cách tính tuổi đối với tất cả người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, theo đó, cách tính tuổi của người bị buộc tội và người bị hại là người dưới 18 tuổi là giống nhau.

Tuy nhiên, quy định này được ghi nhận ở phần thủ tục đặc biệt thuộc chương XXVIII: thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi và văn bản hướng dẫn về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Điều này có nghĩa là BLTTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định cách tính tuổi đối với người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 chưa quy định cách tính tuổi đối với người bị buộc tội, người bị hại đã đủ 18 tuổi trở lên. Trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mà các điều luật có quy định tình tiết định khung “phạm tội đối với người già yếu” hoặc trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” hoặc tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với người từ đủ 70 tuổi trở lên” thì việc xác định tuổi của họ chính là căn cứ để áp dụng các tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trong trường hợp cũng có thể xác định được chính xác ngày tháng năm sinh của họ thông qua các giấy tờ, tài liệu. Vì vậy, việc quy định cách tính tuổi đối với họ trong trường hợp là rất cần thiết nhằm đảm bảo sự đầy đủ, thống nhất trong quy định của pháp luật. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định về cách tính tuổi đối với người bị buộc tội, người bị hại đã đủ 18 tuổi trở lên dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng khi giải quyết những trường hợp này. Mặc dù trường hợp này xảy ra không nhiều nhưng vẫn gặp phải trên thực tế. Chính vì vậy, trong Tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đưa ra hướng dẫn về cách tính tuổi đối với đối tượng này. Theo đó, cách xác định tuổi đối với người phạm tội để áp dụng tình tiết giảm nhẹ ““Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 51 BLHS khi chỉ biết năm sinh, không xác định được ngày, tháng sinh theo cách lấy ngày đầu tiên, tháng đầu tiên (01/01) của năm sinh làm ngày, tháng, năm sinh của họ, đảm bảo theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội”[2]. Như vậy, theo hướng dẫn này, đối với người phạm tội là người từ đủ 70 tuổi trở lên thì cách tính tuổi của họ là lấy ngày đầu tiên, tháng đầu tiên. Theo cách tính tuổi này, số tuổi của người phạm tội sẽ là lớn nhất. Vì vậy, khi áp dụng cách tính tuổi này sẽ có lợi cho người phạm tội vì số tuổi được tính càng lớn thì họ sẽ càng có khả năng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên”. Cách tính này không giống cách tính tuổi của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được quy định trong BLTTHS và các văn bản hướng dẫn. Hay nói cách khác, đây là hai cách tính tuổi trái ngược nhau. Cách tính tuổi đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi sẽ đưa đến khả năng xác định độ tuổi thấp nhất với họ nhưng cách tính tuổi đối với người phạm tội là người trên 18 tuổi đưa đến khả năng xác định độ tuổi lớn nhất  của họ.

Như vậy, từ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có hai cách tính tuổi riêng biệt cho hai đối tượng là người bị buộc tội và người bị hại là người dưới 18 tuổi thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã đưa ra một cách tính tuổi thống nhất cho cả hai đối tượng này. Mặc dù khi áp dụng chung một cách tính tuổi thì có những trường hợp sẽ không có lợi cho bị can, bị cáo, ví dụ như khi áp dụng cách tính này để tính tuổi cho bị hại, vì bị hại càng nhỏ tuổi thì mức độ trách nhiệm hình sự mà bị cáo phải chịu càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, cách tính tuổi của BLTTHS năm 2015 là phù hợp và nên được áp dụng thống nhất với tất cả những người tham gia tố tụng, đảm bảo tính thống nhất trong quy định về tố tụng. Mặt khác, quyền lợi của người này luôn ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác, không thể vì để có lợi cho một số người phạm tội mà đưa ra cách tính tuổi khác, như vậy là không công bằng với bị hại và những người tham gia tố tụng khác. Vì vậy, khi không có căn cứ xác định chính xác tuổi của người tham gia tố tụng, chỉ biết năm sinh mà không biết ngày, tháng sinh thì cách tính tuổi của người trên 18 tuổi cũng cần được áp dụng theo nguyên tắc giống với người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng, tức là lấy số tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để để xác định tuổi của họ. Cách tính tuổi này sẽ đảm bảo công bằng, mang tính thống nhất trong quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
3. Tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
4. Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

[1] Khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

[2] Mục 13 Tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.