Tiếp cận quyền con người trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh[1]

Nguyễn Quốc Hân*[2], Ths. Phạm Thị Mai[3]**

1. Sự cần thiết của tiếp cận quyền con người trong giảng dạy, bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự

Quyền con người là quyền phổ quát, tuy nhiên, để giá trị phổ quát này được lan toả, giúp cho mọi người hiểu đúng, hiểu rõ hơn về quyền của mình, đồng thời, tôn trọng quyền con người của người khác, cần thiết phải thông qua hoạt động giáo dục về quyền con người. Nhận thức tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, Liên Hợp quốc đã có rất nhiều Tuyên ngôn, Công ước ghi nhận tầm quan trọng và thúc đẩy giáo dục, đào tạo quyền con người[1].

 Việc trở thành thành viên của Liên hợp quốc và gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người đặt ra cho Việt Nam trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế trên lĩnh vực này, trong đó có nghĩa vụ về giáo dục, phổ biến quyền con người. Trong những năm qua, giáo dục về quyền con người đã các cơ sở giáo dục trong nước chú trọng, phát triển cả về chiều rộng và bề sâu, ngày càng có thêm nhiều viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo đưa vào triển khai các chương trình, hoạt động nghiên cứu và giảng dạy nội dung về quyền con người với nhiều hình thức tổ chức và nhiều góc độ tiếp cận khác nhau[2].

Trong lĩnh vực tư pháp, Quyết định 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân đã nêu rõ trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc “Chỉ đạo các sơ sở giáo dục, đào tạo trực thuộc xây dựng kế hoạch, tổ chức đưa nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo; tổ chức đào tạo cho cán bộ, giảng viên trong cơ sở giáo dục, đào tạo trực thuộc theo sự phân công của Ban Điều hành Đề án”[3].

Xuất phát từ nhiệm vụ hiến định là “bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất[4]”, trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng giám sát hoạt động tư pháp, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc dân sự được kịp thời, đúng pháp luật[5].

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia tố tụng dân sự. Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, Viện kiểm sát nhân dân không chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng (kiểm sát về mặt hình thức) mà còn kiểm sát việc Tòa án giải quyết vụ án, giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp mà các bên tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết (kiểm sát về nội dung). Chính vì vậy, trong Chỉ thị công tác của Ngành kiểm sát nhân dân những năm gần đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao luôn xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là công tác trọng tâm[6]. Chỉ khi các đơn vị kiểm sát và cán bộ kiểm sát thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình mới có thể bảo vệ tốt nhất quyền con người, quyền của các chủ thể có liên quan trong tố tụng dân sự. Việc trang bị cho cán bộ, Kiểm sát viên kiến thức về quyền con người trong tố tụng dân sự mà đặc biệt là quyền tiếp cận công lý, quyền công bằng trong xét xử, quyền tự do ý chí và biểu đạt, quyền bình đẳng về quyền và nghĩa vụ pháp lý… là yêu cầu đặt ra cấp thiết.

Lồng ghép nội dung giảng dạy về quyền con người trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự giúp cung cấp cho học viên cơ sở nền tảng về nhân đạo và đạo đức trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự; giúp cho học viên hiểu và áp dụng các nguyên tắc công bằng, bình đẳng của các chủ thể tham gia tố tụng và quyền tiếp cận công lý của các bên liên quan, đảm bảo tính công bằng và hợp lý trong tố tụng dân sự; đảm bảo sự kịp thời, công bằng và hợp lý của Toà án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến về hành động, thúc đẩy hơn nữa sự tôn trọng, ý thức bảo vệ quyền con người và ngăn chặn các hành vi vi phạm, lạm dụng quyền con người trong tố tụng dân sự.

Tiếp cận quyền con người trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho học viên có nhận thức và ý thức kiểm soát quyền lực; giúp học viên hiểu rõ ràng rằng, trong tố tụng dân sự, Kiểm sát viên là một chủ thể tiến hành tố tụng độc lập và không phụ thuộc vào các bên liên quan nhưng cũng không được tự cho mình đặc quyền “đứng trên” các chủ thể tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Điều này góp phần đảm bảo tính khách quan và độc lập trong hoạt động tố tụng của cơ quan kiểm sát và Kiểm sát viên, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền lực trong quá trình thực thi công vụ làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động tố tụng dân sự.

Ngoài ra, tiếp cận quyền con người trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự giúp cho học viên nhạy bén hơn khi nhìn nhận các vấn đề pháp lý, giúp học viên có thể đưa ra đề xuất cách thức giải quyết các tranh chấp dân sự một cách hiệu quả. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng do Kiểm sát viên thiếu kinh nghiệm hay yếu kém về năng lực, gây ra sự bất công bằng, hạn chế quyền tiếp cận công lý, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của những người tham gia tố tụng dân sự.

2. Thực trạng tiếp cận quyền con người trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

a. Một số kết quả đã đạt được

Trải qua 46 năm kể từ ngày thành lập đến nay, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trường Nghiệp vụ) đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát nhân dân giao phó là đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp cao 2, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao 3 và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện của 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 05 năm gần đây (từ 2019 – 2023), Trường Nghiệp vụ đã tổ chức đào tạo 10 khóa nghiệp vụ kiểm sát cho đối tượng có bằng cử nhân Luật mới được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát với 1.103 học viên; tổ chức bồi dưỡng 34 khóa nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự tại Trường Nghiệp vụ với 2.583 lượt học viên tham gia; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh phía Nam mở 37 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu trong lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự với 3.360 lượt học viên tham gia[7].

Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, các giảng viên đã cố gắng lồng ghép nội dung tiếp cận quyền con người để truyền tải tới học viên. Tiếp cận quyền con người trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự được thể hiện trong cả hoạt động giảng dạy lý thuyết công tác kiểm sát, trong hoạt động thực hành án, diễn án và trong hoạt động ra đề thi, chấm thi, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng.

Tiếp cận quyền con người trong giảng dạy lý thuyết công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự đã góp phần xây dựng một môi trường học tập tích cực và tạo ra sự tương tác tốt giữa giảng viên, học viên và giữa các học viên với nhau liên quan đến khía cạnh đảm bảo thực hiện quyền con người trong tố tụng dân sự. Các giảng viên thường lồng ghép nội dung tiếp cận quyền con người khi trao đổi, thảo luận về về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên trong tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, các giảng viên luôn cố gắng truyền tải một cách đầy đủ, có hệ thống các quy định pháp luật nội dung, các kỹ năng kiểm sát việc giải quyết đối với các vụ việc dân sự cụ thể, giúp trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để các cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời, tạo lập và duy trì không gian thảo luận trong lớp học để học viên có thể chủ động bày tỏ quan điểm, ý kiến về các vấn đề liên quan đến các khía cạnh khác nhau của vụ việc dân sự, các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự. Thông qua các nội dung giảng dạy lý thuyết, giảng viên cung cấp cho học viên các kỹ năng cần thiết của Kiểm sát viên khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự để có thể bảo vệ tối ưu nhất Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Trong quá trình thực hành án, diễn án dân sự, học viên được trao đổi, thảo luận về các tình huống pháp lý, hồ sơ vụ việc dân sự đã từng xảy ra trên thực tế. Học viên được yêu cầu thực hiện các phân tích pháp lý (xem xét các quy định của pháp luật, đồng thời, đánh giá các công cụ pháp lý, hệ thống tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc; xem xét, đánh giá có hay không vi phạm về tố tụng và nội dung của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác, tác động đến quyền con người và các quyền, lợi ích chính đáng của đương sự, người tham gia tố tụng hay không…); được thể hiện khả năng ứng biến trực tiếp với các tình huống giả định có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của những người tham gia tố tụng; được yêu cầu đưa ra các giải pháp pháp lý để hạn chế tình trạng vi phạm nếu có (sử dụng thích hợp các quyền năng tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên để thực hiện các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị đối với các hành vi tố tụng và quyết định tố tụng của Toà án nhân dân và các chủ thể có liên quan nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ việc dân sự được kịp thời, đúng quy định của pháp luật)… Điều này đã tạo ra môi trường tương tác tích cực và xây dựng, vun đắp nhận thức, ý thức của học viên đối với trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể tham gia tố tụng dân sự nói riêng và ý thức bảo vệ quyền con người trong hoạt động tố tụng dân sự nói chung.

Trong quá trình ra đề thi, chấm thi, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng, các giảng viên thường đưa ra những vấn đề pháp lý, các câu hỏi, tình huống pháp lý nảy sinh trong thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, yêu cầu học viên vận dụng các kiến thức nghiệp vụ đã được học tập, nghiên cứu để giải quyết vấn đề đã đặt ra. Việc giải quyết các yêu cầu của đề thi giúp cán bộ, Kiểm sát viên tham gia các khoá học nhìn nhận lại quy định pháp luật, đánh giá tính hợp lý trong các phán quyết của Toà án và chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, đồng thời, đưa ra các giải pháp nghiệp vụ góp phần hạn chế vi phạm, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

b) Một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, tiếp cận quyền con người trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự tại Trường Nghiệp vụ còn tồn tại một số hạn chế nhất định như:

Thứ nhất, đội ngũ giảng viên và học viên của Nhà trường chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và giá trị của giáo dục quyền con người trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Xuất phát từ tâm lý e ngại khi cho rằng quyền con người là nội dung mang tính “nhạy cảm” có thể liên quan đến quan điểm chính trị, một số giảng viên có tâm lý né tránh, ngại đề cập sâu tới vấn đề quyền con người khi giảng dạy, trao đổi các vấn đề có liên quan.

Thứ hai, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng thì giảng viên là người giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh, chất lượng đội ngũ giảng viên Nhà trường vẫn còn nhiều bất cập. Tỷ lệ giảng viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự trong tổng số giảng viên tham gia giảng dạy chiếm tỷ lệ cao. Trong khi, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là rất phức tạp, việc giảng viên thiếu kinh nghiệm thực tế phụ trách hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nói chung, chất lượng chuyển tải tích hợp các nội dung giảng dạy về quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia tố tụng trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Điều này, vô hình chung có thể ảnh hưởng đến chất lượng thực thi nhiệm vụ của các học viên trong tương lai.

– Thứ ba, tiếp cận quyền con người trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự tại Trường Nghiệp vụ chưa được triển khai một cách đầy đủ, rộng rãi và thường xuyên, chưa đảm bảo sự gắn kết với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát của các khâu công tác kiểm sát khác có liên quan. Tiếp cận quyền con người trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát nói chung, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự nói riêng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức mà hiện tại vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, tự nghiên cứu, tìm hiểu và nhận thức của từng giảng viên.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng tiếp cận quyền con người trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

a) Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và bố trí cán bộ

Xuất phát từ sự cần thiết của giáo dục quyền con người trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, trong thời gian tới, Đảng uỷ, Bam Giám hiệu Trường Nghiệp vụ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

– Đề ra phương hướng, nhiệm vụ và yêu cầu toàn thể giảng viên khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự phải nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ quyền con người, chú trọng tiếp cận các khía cạnh liên quan đến quyền con người trong quá trình trao đổi, giảng dạy các nội dung đào tạo, bồi dưỡng có liên quan.

– Chỉ đạo Khoa kiểm sát Dân sự trong quá trình xây dựng, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự cần tiếp cận, lồng ghép các khía cạnh liên quan đến quyền con người đối với các nội dung đào tạo, bồi dưỡng có liên quan.

– Bố trí, sắp xếp các giảng viên có năng lực và kinh nghiệm thực tế sâu rộng tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành kiểm sát nhân dân.

Ngoài ra, với vai trò là cầu nối với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, Ban Giám hiệu cần chú trọng việc mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, cắt, cử giảng viên của Trường Nghiệp vụ tham gia các hội nghị, hội thảo liên quan về quyền con người để từng bước nâng chất, nâng tầm giảng viên của Nhà trường.

b) Nâng cao ý thức, năng lực của đội ngũ giảng viên

Trong bối cảnh gia tăng sự quan tâm của toàn xã hội về các khía cạnh quyền con người, đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các tranh chấp dân sự cần phải có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ quyền con người và không ngừng trau dồi năng lực bản thân trong việc truyền tải tích hợp các nội dung về quyền con người trong hoạt động giảng dạy. Để làm được như vậy, giảng viên phải có sự đổi mới, cải tiến về nội dung và phương pháp giảng dạy.

Trước hết, giảng viên cần phải tìm hiểu rõ hơn, sâu hơn về các công cụ và cơ chế bảo vệ quyền con người như Hiến pháp, các công ước quốc tế và các quy định pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự có liên quan, từ đó, hướng dẫn học viên tìm hiểu cách sử dụng các công cụ này trong công việc.

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể hướng dẫn học viên phân tích, thảo luận và trao đổi ý kiến đối với các vụ việc dân sự từ khía cạnh quyền con người; giúp học viên có thể tìm hiểu về các quyền cơ bản của con người có liên quan đến những vụ việc cụ thể và áp dụng chúng để đánh giá sự khách quan, công bằng trong các quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Toà án hay trong các hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân và của các Kiểm sát viên.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực nghiên cứu và khả năng giảng dạy, các giảng viên cũng cần chú tâm đến việc tìm hiểu, viết bài khoa học liên quan đến các khía cạnh khác nhau của việc bảo đảm quyền con người trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự. Điều này góp phần giúp các giảng viên nhận thức sâu hơn, rộng hơn và tăng cường gắn chặt lý luận và thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.

c) Nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ quyền con người của học viên

Việc nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ quyền con người của học viên sẽ giúp tạo ra một môi trường giáo dục khuyến khích sự phát triển bền vững, đậm tính nhân văn, nhân đạo. Học viên sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người và xây dựng một xã hội công bằng, đồng thời đóng góp vào việc giáo dục và tạo động lực bảo vệ quyền con người cho các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên ngành kiểm sát nhân dân trong tương lai.

Yêu cầu đặt ra là bên cạnh tiếp nhận các nội dung kiến thức mà giảng viên trao đổi, mỗi học viên cần phải nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu. Tích cực tham gia vào các hoạt động dạy – học của giảng viên, không ngại trao đổi, bày tỏ ý kiến đối với các trường hợp nổi tiếng, báo cáo công tác, thông báo rút kinh nghiệm và hồ sơ vụ việc, các bản án, quyết định của Toà án dưới góc độ quyền con người được giảng viên cung cấp hay tự nghiên cứu, tiếp cận được. Điều này khuyến khích sự tham gia và tư duy phản biện của học viên, giúp họ áp dụng các nguyên tắc quyền con người vào giải quyết các vụ việc dân sự cụ thể. Qua đó, học viên có thể rút ra bài học từ những trường hợp điển hình và áp dụng vào công việc của mình trong tương lai.

d) Các công tác hỗ trợ khác

Ngoài các giải pháp nêu trên, tiếp cận quyền con người trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự tại Trường Nghiệp vụ cũng cần nhận được sự bảo đảm về các điều kiện kinh phí, vật chất. Hiện nay, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức hội thảo, toạ đàm khoa học, các hoạt động truyền thông và quảng bá liên quan đến quyền con người tại Trường Nghiệp vụ vẫn chưa thực sự được chú trọng. Bên cạnh đó, cơ sở vật cất, thiết bị phục vụ giảng dạy quyền con người như thiết bị dạy học, giáo trình, tài liệu hướng dẫn, tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu về quyền con người cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Vì vậy, để tạo ra được nguổn lực cần thiết đáp ứng được yêu cầu, nhiêm vụ của hoạt động giáo dục quyền con người, trong thời gian tới, Trường Nghiệp vụ cẩn có kế hoạch phân bổ một khoản kinh phí thích ứng cho hoạt động này.

Tóm lại, ngày nay, tầm quan trọng của giáo dục quyền con người đã được đặt ra trên phạm vi toàn thế giới. Tại Việt Nam, giáo dục quyền con người ngày càng được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị quan tâm, đề cao. Mặc dù chưa thiết kế nội dung giảng dạy độc lập, chuyên biệt về quyền con người trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, các giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước tiếp cận các khía cạnh có liên quan đến quyền con người trong hoạt động giảng dạy, hướng dẫn thực hành, diễn án, ra đề thi, chấm thi và đánh giá kết quả học tập đối với học viên các khoá đào tạo, bồi dưỡng tại Nhà trường.

Kết hợp giáo dục lý luận về quyền con người với thực tiễn thực hiện quyền con người trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là một phương pháp hiện đại, có tính hiệu quả cao với nhiều hình thức và biện pháp thực hiện, tuy nhiên, cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu, điều kiện cả về công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, bố trí cán bộ, nguồn nhân lực và vật lực kèm theo. Để tiếp cận quyền con người trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh cần sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn và thúc đẩy những nhân tố thuận lợi hiện có./.

[1] Bài viết được đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 36 (02/2024)

* Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh.

**  Phó Trường Khoa Kiểm sát Dân sự – Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh.

Tài liệu trích dẫn

[1] Tại khoản 2 Điều 26 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948, Liên hợp quốc đã khẳng định một trong các mục tiêu của giáo dục là phải nhằm “thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người”. Giáo dục quyền con người còn được đề cao trong các văn kiện quốc tế khác của Liên hợp quốc như: Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966, Công ước về quyền trẻ em năm 1989. Đặc biệt là tại Tuyên bố Viên và Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ hai tổ chức tại Viên (Áo) năm 1993, Liên Hợp quốc đã kêu gọi tất cả các Nhà nước và các tổ chức đưa nhân quyền, luật nhân đạo, dân chủ và nguyên tắc thượng tôn pháp luật vào chương trình của tất cả các tổ chức đào tạo. Để thúc đẩy giáo dục nhân quyền trên thế giới, Liên hợp quốc đã lấy giai đoạn 1995 – 2004 làm Thập kỷ Giáo dục Nhân quyền. Ngày 9/12/2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền (UN Declaration on Human Rights Education and Training), ghi nhận tầm quan trọng căn bản của giáo dục và đào tạo về nhân quyền trong việc góp phân thúc đẩy, bảo vệ và thực thi hiệu quả tất cả các quyền con người.

[2] Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009, tr.25.

[3] Xem thêm Quyết định 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

[4] Khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013, khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2013.

[5] Điều 1 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

[6] Xem thêm Chỉ thị công tác ngành kiểm sát nhân dân các năm 2021, 2022, 2023, 2024.

[7] Theo Thống kê của Phòng Đào tạo – Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh.