Quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý  hiếm  – Thực trạng và giải pháp

Ths. Nguyễn Thị Thu Hồng – Giảng viên

Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh

 

      Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, được xếp vào một trong 16 quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các loại động vật rừng nguy cấp quý hiếm đối với bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam đã nỗ lực trong việc xử lý hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự với loại hành vi này, Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) đã kế thừa quy định về Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm tại Điều 190 BLHS năm 1999. Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn xử lý đối với loại tội phạm trên như: Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (NĐ 06/2019/NĐ-CP); Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 sửa đổi Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định 64/2019/NĐ-CP) cùng nhiều văn bản pháp luật nhằm quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Hiện nay, tuy hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trên tương đối đầy đủ, đã tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm và xử lý hình sự đối với người phạm tội. Nhưng thực tiễn áp dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trên cả phương diện quy định pháp luật và áp dụng trên thực tế. Vì vậy, đối với hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán…vv động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần phải được làm rõ về nhận thức nhằm tạo cơ sở áp dụng thống nhất, góp phần đấu tranh phòng, chống loại tội phạm trên một cách hiệu quả.

  1. Dấu hiệu pháp lý của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm

     Khoản 1, Điều 244 BLHS quy định “1. Người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

     a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

     b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;

     c) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01 kilôgam;

     d) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác;

     đ) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;

     e) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

       Dấu hiệu mặt khách thể: Tội phạm này xâm phạm đến chế độ quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Nhà nước; xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tự nhiên và tính đa dạng sinh học.

      + Đối tượng tác động là các loại động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB hoặc phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

       Dấu hiệu mặt khách quan: Mặt khách quan của tội phạm gồm các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép động vật, cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời khỏi sự sống hoặc sản phẩm thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời khỏi sự sống thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Hành vi khách quan mô tả trong cấu thành tội phạm được biểu hiện cụ thể như sau:

        Thứ nhất: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm. Người phạm tội có thể thực hiện một hay nhiều hành vi sau đây:

         – Săn bắt động vật nguy cấp, quý hiếm trái phép: người thực hiện hành vi phạm tội có thể sử dụng vũ khí, thiết bị, dụng cụ săn bắn, bẫy, bắt hoặc biện pháp khác để có được một hoặc nhiều cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm mà không có sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhằm mục đích thu giữ động vật.

        – Giết động vật nguy cấp, quý hiếm trái phép: là hành vi cố ý tước đoạt trái phép sự sống của động vật nguy cấp, quý hiếm bằng các phương thức khác nhau như bắn, chém, đâm, treo cổ, bóp cổ, đầu độc,…

        – Nuôi, nhốt động vật nguy cấp, quý hiếm trái phép: là hành vi giữ, cất giữ động vật nguy cấp, quý hiếm (còn sống) ở nơi không đủ điều kiện để chúng có thể sống và phát triển bình thường như nhà ở, phương tiện đi lại, chuồng, trại,… vì bất kì mục đích gì mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp;

        – Vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm trái phép: là hành vi dịch chuyển bất hợp pháp động vật nguy cấp, quý hiếm từ nơi này đến nơi khác hoặc từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác hoặc từ quốc gia này đến quốc gia khác,…mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

        – Buôn bán động vật nguy cấp quý hiếm trái phép: là hành vi trao đổi, mua hoặc bán động vật nguy cấp quý hiếm cho người, tổ chức khác để lấy tiền hoặc tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

        Như vậy, chủ thể phạm tội chỉ cần thực hiện một trong số các hành vi nói trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở các khoản tương ứng của điều luật.

         Thứ hai: Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật nguy cấp, quý hiếm, Trong trường hợp này, chủ thể phạm tội có hành vi cất giữ, dịch chuyển, mua bán trái phép các bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật nguy cấp quý hiếm.

        Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2018, bộ phận cơ thể không tách rời sự sống của động vật nguy cấp, quý hiếm được hiểu là những bộ phận có khả năng ảnh hưởng đến sự sống của động vật nguy cấp, quý hiếm nếu tách chúng ra khỏi các bộ phận khác của cơ thể như tim, đầu, da, bộ xương… còn sản phẩm của động vật nguy cấp, quý hiếm được hiểu là những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, sữa, ngà, sừng, vật phẩm có thành phẩm từ các bộ phận của động vật như túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật nguy cấp, quý hiếm.

        Hậu quả của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm là đe dọa sự mất cân bằng sinh thái, tính đa dạng sinh học, dẫn đến tuyệt chủng các loài động vật quý, hiếm trong tự nhiên. Điều 244 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả” bằng tình tiết định lượng như: Số lượng, khối lượng hoặc giá trị động vật, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm để làm căn cứ xử lý hình sự. Mối quan hệ nhân quả của tội phạm là mối quan hệ giữa những hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của các loài động vật với hậu quả thực tế là gây hại cho các loài động vật nói trên.

         Dấu hiệu mặt chủ thể: Chủ thể của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm là cá nhân và pháp nhân thương mại. Đối với cá nhân phải từ 16 tuổi trở lên và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Đối với pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện: Người đại diện pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội đã nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại; có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại theo quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

         Dấu hiệu mặt chủ quan: Người phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý  hiếm thực hiện với lỗi cố ý; động cơ và mục đích không phải là yếu tố bắt buộc của tội phạm này; Tuy nhiên, thông thường người thực hiện hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm thường là vì vụ lợi hoặc mục đích khác.

  1. Một số vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật

      Hiện nay, đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm đã được hướng dẫn tại Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 Hướng dẫn áp dụng Điều 234 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của BLHS (NQ 05/2018/NQ-HĐTP). Tuy nhiên, theo tác giả, trong thực tiễn vẫn còn một số vấn đề vướng mắc. cụ thể như sau:

        Thứ nhất, tại quy định một số điểm của khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 244 BLHS có quy định về số lượng cá thể động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống thuộc danh mục thực vật rừng, động vặt rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp bị săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển để định tội, định khung hình phạt như: từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác thì cấu thành Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 244 BLHS hoặc từ 08 cá thể đến 11 cá thể lớp thú, từ 11 cá thể đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 cá thể đến 20 cá thể động vật lớp khác thì định khung ở Khoản 2 Điều 244 BLHS. Tuy nhiên, trên thực tế có một vụ bắt giữ được nhiều loài động vật có cả thú, chim, bò sát nhưng mỗi lớp lại không đủ số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời khỏi sự sống theo quy định tại Điều 244 BLHS. Tại Điều 6 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP có quy định “Trường hợp trong cùng một vụ việc, nếu thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 BLHS, thì người có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc quy định như trên rõ ràng không hợp lý. Bởi lẽ, trường hợp vi phạm gồm 02 cá thể lớp thú, 06 cá thể lớp chim, bò sát và 09 cá thể lớp khác rõ ràng là nguy hiểm hơn hành vi vi phạm chỉ đối với 03 cá thể thú hoặc 7 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 cá thể lớp khác nhưng lại không xử lý hình sự được là chưa đánh giá hết tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra và không đảm bảo tính công bằng trong xử lý hình sự.

        Thứ hai, về hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép “sản phẩm” động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ chỉ quy định ở khoản 1 Điều 244 BLHS còn các khoản khác không quy định. Như vậy tất cả các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ dù với số lượng, khối lượng, giá trị sản phẩm nhiều hay ít thì cũng chỉ bị xử lý hình sự ở khoản 1 Điều 244 BLHS là không có sự phân hóa trách nhiệm hình sự, dẫn đến không có sự công bằng và không đảm bảo hiệu quả khi đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mặt khác, đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép “sản phẩm” của động vật chỉ bị xử lý khi sản phẩm đó là động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (điểm b khoản 1 Điều 244), còn hành vi  tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép “sản phẩm” của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì không phải phải chịu trách nhiệm hình sự (Điểm đ khoản 1 Điều 244 BLHS) là bỏ sót hành vi phạm tội và không tương xứng với Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quy định tại Điều 234 BLHS. Bởi vì: Điều 234 BLHS quy định: Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép…sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; trong khi động vật thuộc Nhóm IB và Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế là những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng có mức độ bảo vệ cao hơn động vật thuộc Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế

         Thứ ba, khi có hành vi phạm tội xảy ra, để xác định đúng khách thể bị xâm hại của tội phạm này, các Cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải trưng cầu giám định tư pháp về loài động vật, sản phẩm của loài động vật bị xâm hại để có căn cứ pháp lý xử lý tội phạm. Tuy nhiên, trên thực tế công tác giám định còn gặp nhiều khó khăn. Theo quyết định số 2249/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/6/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định 04 tổ chức là Cơ quan khoa học CITES gồm Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện nghiên cứu hải sản và Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam. Ngày 22/11/2022 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành quyết định số  4519/QĐ-BNN-TCLN chỉ định bổ sung 06 cơ quan khoa học CITES Việt Nam gồm Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Viện tài nguyên và môi trường, Viện sinh thái học miền Nam, Viện dược liệu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Viện Hải dương học. Như vậy 10 cơ quan này có thẩm quyền giám định mãu vật CITES, khi cần giám định, cơ quan tiến hành tố tụng phải đưa mẫu vật đến các cơ quan này để tiến hành giám định. Trên thực tế việc đưa mẫu vật đi giám định gặp nhiều khó khăn như: Tốn kém nhiều kinh phí, thời gian,  việc bảo quản, lưu giữ cần phải được thực hiện trong điều kiện đặc biệt với những thiết bị lưu trữ chuyên dụng như tủ cấp đông, tủ đông lạnh mà những thiết bị này không phải cơ quan tiến hành tố tụng nào cũng được trang bị.

        Thứ tư, quy định tại điểm d và đ khoản 1 Điều 244 BLHS có nội dung chưa rõ ràng, chồng lấn nhau. Cụ thể, ở Điểm d, khoản 1 Điều 244 quy định “Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật…”; ở Điểm đ khoản 1 Điều 244 quy định “Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống…” và tại Điều 2 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP có hướng dẫn “Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể”. Vì vậy, hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể tại Điểm đ khoản 1 Điều 244 BLHS được áp dụng đối với cá thể còn sống hoặc đã chết. Như vậy, nếu theo Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP thì hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể động vật còn sống thì có thể xử lý theo Điểm d, khoản 1 Điều 244 hoặc Điểm đ, khoản 1, Điều 244 BLHS. Điều này dẫn đến khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật và hiện nay có 2 luồng quan điểm về vấn đề này.

      Quan điểm 1:  Điểm d, khoản 1 Điều 244 quy định “Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật…” có thể hiểu hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật là đối với động vật còn sống, vì chỉ có động vật còn sống mới có thể săn bắt, nuôi, giết còn đối với hành vi ở Điểm đ nhà làm luật sử dụng cụm từ “cá thể” để chỉ các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép đối với cá thể động vật đã chết.

       Quan điểm 2:  Đối với hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể động vật còn sống có thể viện dẫn điểm d hoặc điểm đ để xử lý vì Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP đã hướng dẫn cụ thể  “Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết” nên việc viện dẫn điểm d hay điểm đ khoản 1 Điều 244 đều đúng với tinh thần hướng dẫn của điều luật.

        Tác giả đồng nhất với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ, cùng một hành vi, điều luật chia thành hai điểm khác nhau, có những hành vi chỉ có thể áp dụng đối với động vật còn sống như: săn bắt, giết, nuôi, nhốt; còn những hành vi có thể áp dụng đối với động vật còn sống và đã chết như: tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, và đối với động vật đã chết như tàng trữ. Như vậy, điều luật đã đưa nhóm các hành vi áp dụng đối với động vật còn sống vào một điểm của điểu luật, và nhóm các hành vi có thể áp dụng đối với động vật đã chết vào một điểm khác của điều luật là hợp lý. Từ đó, có thể hiểu hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép động vật còn sống thì áp dụng Điểm đ khoản 1 Điều 244, còn vận chuyển, buôn bán trái phép động vật đã chết thì áp dụng Điểm đ khoản 1 Điều 244 và để thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất pháp luật cần phải có hướng dẫn nội dung này cụ thể hơn.

  1. Kiến nghị hoàn thiện

    Qua nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc trong quy định của pháp luật tác giả có một số kiến nghị nhằm khắc phục những vướng mắc như sau:

      Một là: Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 2, 3 Điều 244 BLHS theo hướng cộng dồn cá thể các lớp đối với những hành vi cùng một lúc xâm hại nhiều cá thể động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp nhưng số lượng cá thể lớp thú, lớp chim, bò sát hoặc cá thể động vật lớp khác đều dưới mức tối thiểu nhưng tổng số lượng các loại đủ số lượng theo từng khoản của điều luật để truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vì tính nguy hiểm cho xã hội của những hành vi này là cao hơn và gây ra thiệt hại nhiều hơn so với số lượng cá thể động vật ở một lớp mà khoản 1, 2, 3 Điều 244 BLHS hiện hành định lượng để xử lý hình sự. Cụ thể ở Điểm d khoản 1 Điều 244 BLHS cần sửa như sau “Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép từ 03 đến 07 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật lớp thú, của 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác thuộc loài động vật quy định tại điểm c khoản này. Trường hợp cùng một lúc xâm hại nhiều cá thể động vật khác lớp thì được cộng dồn các lớp với nhau theo nguyên tắc tỷ lệ phần trăm mỗi loài để định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự” và cần có văn bản hướng dẫn về cách tính này. Sửa khoản 2, 3 tương tự như Khoản 1.

       Ví dụ: người phạm tội tàng trữ 2 cá thể lớp thú, 4 cá thể lớp chim và 5 cá thể động vật lớp khác thì ta tính như sau:

Cá thể lớp thú: 2:3*100%=66.6%

Cá thể lớp chim: 4:7*100%=57.1%

Cá thể lớp khác: 5:10*100%=50%

Tổng phần trăm 3 lớp cá thể này nếu đủ 100% trở lên thì đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm d khoản 1 Điều 244 BLHS

      Hai là: Pháp luật hình sự coi hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép “sản phẩm” của động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là tội phạm, nhưng chỉ quy định bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở cấu thành cơ bản (khoản 1) Điều 244 BLHS, còn các cấu thành tăng nặng khác của điều luật thì không quy định là không hợp lý và không đảm bảo tính công bằng trong việc đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng như việc quyết định hình phạt. Do đó, Điều 244 BLHS cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể số lượng, khối lượng, giá trị “sản phẩm” của động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để xử lý hình sự ở các khung cấu thành tăng nặng khác của điều luật.

      Ba là: Bổ sung thêm hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép “sản phẩm” của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp vào Điểm đ khoản 1 Điều 244 BLHS cho phù hợp với tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm và phù hợp với cam kết của Việt Nam trong việc thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

       Bốn là: Hướng dẫn áp dụng quy định của Điểm d Khoản 1 Điều 244 và Điểm đ Khoản 1 Điều 244 cho rõ ràng, thống nhất cũng như phù hợp với Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP, cụ thể:

      Đối với Điểm d khoản 1 Điều 244 như sau: “Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật còn sống thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ…”

       Đối với Điểm đ khoản 1 Điều 244 như sau  “Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể đã chết, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ… quy định tại điểm d khoản này”

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quốc hội (2009), Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  2. Quốc hội (2017), Bộ luật Hình sự năm năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  3. Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao (2018), Nghị quyết số: 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2018 hướng dấn áp dụng Điều 234 và Điều 244 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017, Hà Nội.
  4. Chính phủ (2013), Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ, Hà Nội
  5. Chính phủ (2019), Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 Sửa đổi điều 7 nghị định số 160/2013/nđ-cpngày 12 tháng 11 năm 2013 của chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ  
  6. Chính phủ (2019), Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
  7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2017), Thông tư số 04/2017/TT-NNPTNT ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp