Quy định pháp luật về xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người là đã chết và thực tiễn áp dụng

Nguyễn Thị Thu Trang – Giảng viên Khoa kiểm sát dân sự
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh

1. Cơ sở lý luận và quy định pháp luật

Theo quy định tại Điều 361 BLTTDS 2015: Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Như vậy, bản chất của việc dân sự là không có tranh chấp giữa các bên. Do đó, đương sự trong việc dân sự chỉ bao gồm: Người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.[1]

Theo khoản 6 Điều 68 BLTTDS: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.

Khi giải quyết việc dân sự nói chung và giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người là đã chết nói riêng, Tòa án cần xác định người yêu cầu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc xác định đúng tư cách pháp lý của những người tham gia tố tụng  đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng, đảm bảo giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn, khách quan, toàn diện. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy: việc áp dụng Điều 68 BLTTDS của Tòa án nhân dân ở một số địa phương trong việc xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi giải quyết các yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người là đã chết là không thống nhất. Tác giả xin nêu ra một số quan điểm xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người là đã chết như sau:

2. Thực tiễn giải quyết của các Tòa án

Thứ 1, người bị yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích, tuyên bố là đã chết được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Ví dụ[2]. Chị Trần Thị L sinh năm 1987 và anh Nguyễn Minh D sinh năm 1990 đăng ký kết hôn vào ngày 07/9/2009. Anh chị có 02 con chung tên Nguyễn Quốc T, sinh năm 2013 và Nguyễn Trần Khánh N, sinh năm 2010. Tháng 4 năm 2014, anh D đi tỉnh ĐN làm ăn, không cho chị L biết địa chỉ. Lần cuối cùng anh D liên lạc với chị L vào khoảng đầu năm 2015. Chị L đã tìm kiếm nhưng không có tin tức xác thực anh D đang cư trú ở đâu, còn sống hay đã chết. Chị L yêu cầu Tòa án tuyên bố anh Nguyễn Minh D mất tích để ly hôn theo quy định của pháp luật.

Theo quyết định giải quyết việc dân sự trên, Tòa án nhân dân Huyện M, tỉnh ĐL xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là: anh Nguyễn Minh D.

Thứ 2, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích, tuyên bố là đã chết được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ví dụ[3]. bà Lương Thị H và ông Vũ Xuân N đăng ký kết hôn hợp pháp năm 1979. Ông bà sinh được 02 con chung là chị Vũ Thị Th, sinh năm 1977 và chị Vũ Thị Ng, sinh năm 1981. Cuộc sống vợ chồng chỉ hạnh phúc thời gian đầu, mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng. Đầu năm 1981, ông N đã bỏ nhà ra đi để con chung cho bà H nuôi dưỡng. Sau khi ông N bỏ đi thì bà H hỏi thăm tin tức cũng như đăng báo tìm kiếm nhưng cũng không ai biết ông N ở đâu. Nay bà H yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh VT tuyên bố ông Vũ Xuân N, sinh năm 1950 mất tích để ly hôn theo quy định của pháp luật.

Theo quyết định giải quyết việc dân sự trên, Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh VT xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là: bà Vũ Thị Th, sinh năm 1977; bà Vũ Thị Ng, sinh năm 1981 (là con chung của ông N và bà H). Ông Vũ Xuân N không được Tòa án xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ví dụ[4]. Anh Lê Hồng Đ sinh năm 1968 và chị Đỗ Thị Như N sinh năm 1975 kết hôn hợp pháp, có 01 con chung là Lê Thị Trà M sinh năm 1995. Chị N bỏ đi khỏi địa phương từ năm 2008 đến nay không tin tức, liên lạc gì về với gia đình. Gia đình hai bên đã nỗ lực tìm kiếm nhưng không biết chị N làm ăn, sinh sống ở đâu, còn sống hay đã chết. Do đó, việc anh Lê Hồng Đ yêu cầu tuyên bố chị Đỗ Thị Như N mất tích.

Theo quyết định giải quyết việc dân sự trên, Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh QB xác định: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Chị Lê Thị Trà M sinh năm 1995; Ông Đỗ Diên T (bố chị N).

Ví dụ[5]: Bà Võ Thị D, sinh năm 1934 có chồng là ông Đoàn Đoàn Ph, sinh năm 1933, vợ chồng có 4 người con là tên Đoàn Thị C, Đoàn Thị C1, Đoàn A và Đoàn Văn H (đã chết năm 1994). Trước năm 1975, ông Ph đi lính cho chế độ cũ. Sau khi đất nước giải phóng năm 1975, ông Ph biệt tích không quay trở về. Gia đình đã tìm kiếm nhiều nơi nhưng đến nay vẫn không có tin tức gì của ông Ph. Nay ông Đoàn A yêu cầu Tòa án tuyên bố ông Đoàn Ph là đã chết.

Theo quyết định giải quyết việc dân sự trên, Tòa án nhân dân thị xã HN, tỉnh BD xác định: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Võ Thị D, sinh năm 1934; Bà Đoàn Thị C, sinh năm 1959; Bà Đoàn Thị C1, sinh năm 1962.

Thứ 3, không xác định người bị yêu cầu và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ví dụ[6]. Bà Đồng Thị Kim L, sinh năm 1949 và ông Lý N, sinh năm 1952 là vợ chồng thực tế từ năm 1980 nhưng không có đăng ký kết hôn. Trong thời gian chung sống, ông bà có 02 người con chung gồm: Lý Đồng Thị X, sinh năm 1981 và Lý T, sinh năm 1984. Năm 1984, ông Lý N đã bán nhà, đi khỏi địa phương, không liên lạc với người thân, ông N đi đâu làm gì bà và gia đình không ai biết. Bà đã nhiều lần tìm kiếm ông N nhưng vẫn không có tin tức gì. Tháng 9 năm 2020, bà có làm thủ tục đăng tin tìm kiếm ông N trên ba số báo liên tiếp của Báo ĐN vào các ngày 01/9/2020, 02/9/2020 và 03/9/2020 nhưng đến nay vẫn không có kết quả. Do đó, bà yêu cầu Tòa án tuyên bố ông Lý N là đã chết.

Theo quyết định giải quyết việc dân sự trên thì Tòa án thành phố B, tỉnh ĐN không xác định bất kỳ ai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ví dụ 3[7]. Ông Vũ Văn Đ (sinh năm 1958) có vợ là bà Đoàn Thị L (sinh năm 1962) có 2 con chung là Vũ Văn T (sinh năm 1982) và chị Vũ Thị N (sinh năm 1985). Tháng 8 năm 1991, ông Vũ Văn Đ cùng một số người trong làng rủ nhau tham gia vượt biên sang nước Hồng Kông. Vào một đêm (không nhớ ngày), khi ông Đ cùng mọi người tập trung trên tàu chuẩn bị xuất phát từ khu vực cửa sông V, huyện K để đi Hồng Kông, do sơ ý nên ông Đ bị ngã xuống sông. Gia đình đã tìm kiếm nhiều năm nhưng không có kết quả. Vì vậy, anh Vũ Văn T yêu cầu Tòa án tuyên bố cha mình là ông Đ mất tích.

Theo quyết định giải quyết việc dân sự trên thì Tòa án nhân dân huyện K, Thành phố HP không xác định bất kỳ ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ví dụ[8]: Chị Nguyễn Thị N và anh Cao Văn Q có đăng ký kết hôn với nhau vào năm 1999. Sau khi kết hôn vợ chồng về chung sống với nhau tại huyện Đ, tỉnh NA. Vợ chồng có một con chung là Cao Thị D (sinh năm1995). Năm 2007, anh Cao Văn Q bỏ nhà ra đi cho đến nay, không liên lạc gì về gia đình và vợ con. Chị N đã nhiều lần đi tìm khắp nơi nhưng không có tin tức gì về anh Q. Chị N đã thông báo tìm kiếm anh Q trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn không có kết quả. Nay chị N làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết tuyên bố anh Cao Văn Q mất tích.

Theo quyết định giải quyết việc dân sự trên, Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh NA không xác định bất kỳ ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong tất cả các quyết định giải quyết việc dân sự nêu trên, người yêu cầu đều không yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản hoặc yêu cầu nào khác liên quan đến tài sản.

3. Nhận xét và kiến nghị

Thứ nhất, việc giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người là đã chết trực tiếp liên quan đến các quyền quyền nhân thân, quyền tài sản của người bị yêu cầu, nếu căn cứ vào khoản 6 Điều 68 thì cần xác định người bị yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố là đã chết là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, nếu Tòa án xác định người bị yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố là đã chết là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì họ cũng không thể thực hiện được các quyền, nghĩa vụ tố tụng được quy định tại Điều 70 (quyền và nghĩa vụ của đương sự), Điều 73 (Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) bởi đặc thù là người bị yêu cầu trong các loại việc này là người là người biệt tích, tức được hiểu là “hoàn toàn không còn thấy tung tích đâu cả”[9].

Bên cạnh đó, BLTTDS còn quy định trong trường hợp nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố chết trở về trong quá trình giải quyết và có yêu cầu Tòa án đình chỉ xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là mất tích hoặc yêu cầu tuyên bố một người là đã chết[10]. Trong trường hợp Tòa án đã ban hành quyết định tuyên bố một người là mất tích, tuyên bố một người là đã chết mà người bị yêu cầu trở về thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hủy quyết định tuyên bố một người mất tích, quyết định tuyên bố một người là đã chết đối với họ và giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy quyết định tuyên bố một người mất tích, quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật[11]. Như vậy, việc xác định người bị yêu cầu là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không thì quyền và lợi ích của họ vẫn được pháp luật bảo vệ dù họ không thể thực hiện được các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 70, 73 BLTTDS. Từ đó có thể thấy, xác định người bị yêu cầu là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, yêu cầu tuyên bố một người là đã chết không có ý nghĩa nhiều về mặt thực tiễn giải quyết.

Thứ 2, quyết định giải quyết tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người là đã chết là căn cứ làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của người bị yêu cầu hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Ví dụ, việc giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người là đã chết sẽ là căn cứ làm phát sinh quyền ly hôn, quyền hưởng thừa kế, quyền đòi nợ, nghĩa vụ trả nợ…Đồng thời, theo quy định tại Điều 68 BLTTDS, để xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án cần căn cứ vào yếu tố “việc giải quyết có liên quan đến quyền và lợi ích của họ”. Trong nhiều trường hợp việc xác định không phải đơn giản, việc giải quyết các yêu cầu này chỉ là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, trong nhiều trường hợp chưa xác định được sự ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ra sao bởi vì khi Tòa án giải quyết các yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người là đã chết thì Tòa án không đồng thời giải quyết các yêu cầu như: yêu cầu ly hôn, các yêu cầu về tài sản  (chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, chia di sản thừa kế, yêu cầu về đòi nợ…) trừ yêu cầu xác định người quản lý tài sản của người bị yêu cầu. Các yêu cầu này sẽ được sẽ được Tòa án thụ lý giải quyết thành một vụ án khác (nếu có yêu cầu).

Từ những tình huống thực tế và những phân tích như trên cho thấy việc xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thủ tục giải quyết việc dân sự nói chung và thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người là đã chết nói riêng còn chưa thống nhất trong ngành Tòa án, kiến nghị Tòa án có hướng dẫn chi tiết quy định tại khoản 6 Điều 68 BLTTDS trong việc xác định “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi tham gia tố tụng.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ luật tố tụng dân sự 2015
  2. Quyết định số: 05/2019/QĐST- VDS ngày 02/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắc Lắc
  3. Quyết định số: 07/2017/QĐST-VDS ngày 04/8/2017 về việc yêu cầu tuyên bố một người mất tích của Tòa án thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
  4. Quyết định số: 02/2017/QĐ-VDS ngày 09/8/2017 về việc tuyên bố một người mất tích của Tòa án nhân dân huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
  5. Quyết định số: 83/2021/QĐ-TA ngày 20/12/2021 về việc tuyên bố một người là đã chết của Tòa án nhân dân thị xã HN, tỉnh BĐ.
  6. Quyết định số: 24/2021/QĐST-VDS ngày 29/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
  7. Quyết định Số: 03/2022/QĐST-DS ngày 31/5/2022 của Tòa án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng
  8. Quyết định Số: 03/2022/QĐ – DSST Ngày 26/5/2022 của Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An
  9. http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Bi%E1%BB%87t_t%C3%ADch.

[1] Khoản 1 Điều 68 BLTTDS

[2] Quyết định số: 05/2019/QĐST- VDS ngày 02/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắc Lắc

[3] Quyết định số: 07 /2017/QĐST-VDS ngày 04/8/2017 về việc yêu cầu tuyên bố một người mất tích của Tòa án thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

[4] Quyết định số: 02/2017/QĐ-VDS ngày 09/8/2017 về việc Tuyên bố một người mất tích của Tòa án nhân dân huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

[5] Quyết định số: 83/2021/QĐ-TA ngày 20/12/2021 về việc tuyên bố một người là đã chết của Tòa án nhân dân thị xã HN, tỉnh BĐ.

[6] Quyết định số: 24/2021/QĐST-VDS ngày 29/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

[7] Quyết định Số: 03/2022/QĐST-DS ngày 31/5/2022 của Tòa án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng

[8] Quyết định Số: 03/2022/QĐ – DSST Ngày 26/5/2022 của Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Đàn, tình Nghệ An

[9] http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Bi%E1%BB%87t_t%C3%ADch

[10] Khoản 3 Điều 388, khoản 3 Điều 392

[11] Điều 390, Điều 395 BLTTDS