Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, làm việc tại VKSND tối cao
Sáng 13/6, tại Hà Nội, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tới thăm, làm việc tại VKSND tối cao.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Đặng Khánh Toàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TAND tối cao; đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; đồng chí Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội; các đồng chí Trợ lý, Thư ký Uỷ viên Bộ Chính trị; các đơn vị thuộc Văn phòng Chủ tịch nước.
Tham dự buổi làm việc, về phía VKSND tối cao có đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng uỷ; đồng chí Nguyễn Duy Giảng; đồng chí Nguyễn Quang Dũng; đồng chí trung tướng Tạ Quang Khải, Viện trưởng VKS quân sự Trung ương.
Cùng dự buổi làm việc còn có các Kiểm sát viên VKSND tối cao; Uỷ ban Kiểm sát VKSND tối cao; lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND cấp cao 1, 2, 3.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Kết quả các mặt công tác cơ bản đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao, năm sau cao hơn năm trước
Theo báo cáo bằng hình ảnh của VKSND tối cao tại buổi làm việc cho thấy, trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành hữu quan, ngành KSND đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật; tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Hằng năm, kết quả các mặt công tác cơ bản đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao, năm sau cao hơn năm trước.
Kết quả, từ năm 2021 đến nay, toàn ngành Kiểm sát đã thụ lý, giải quyết 490.124 nguồn tin; kiểm sát và phê chuẩn các quyết định tố tụng đối với 367.845 vụ/580.050 bị can; đảm bảo việc truy tố đúng thời hạn 260.594 vụ/489.358 bị can, đạt 100%, vượt 10% và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 99,9% (vượt 4,9% so với chỉ tiêu của Quốc hội). Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử tại các phiên tòa đối với 309.453 vụ/561.287 bị cáo, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên ngày càng hiệu quả, đúng pháp luật; giảm tỉ lệ oan, sai, đến nay chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử; hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm.
Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao giải quyết nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ và chỉ đạo toàn Ngành chủ động thực hiện trách nhiệm công tố, xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. VKSND tối cao đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ban hành các tiêu chí phân hóa, xử lý đối tượng trong một số vụ án như vụ Việt Á, vụ đăng kiểm…
Kết quả từ năm 2021 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã phối hợp, khẩn trương giải quyết 70 vụ/894 bị cáo do Ban Chỉ đạo về PCTNTC theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả, vừa xử lý nghiêm minh, vừa bảo đảm tính nhân văn, thuyết phục, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và các cơ quan tư pháp.
Trong công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành chỉ thị yêu cầu phải chủ động, tích cực trong phối hợp, xử lý nguồn tin; chủ động đề ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác điều tra. Kết quả điều tra có nhiều chuyển biến tích cực, không để xảy ra trường hợp oan, sai; tập trung khởi tố điều tra nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (chiếm khoảng 60%); tỉ lệ giải quyết 333/367 nguồn tin đạt 90,7% (vượt 0,7% chỉ tiêu của Quốc hội).
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, kiểm sát việc đặc xá, phục vụ Chủ tịch nước trong việc xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đã phát hiện, ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và 100% được thực hiện; đã kịp thời ban hành quyết định trả tự do cho người bị tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ, trái pháp luật.
Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn Ngành tăng cường số lượng kiến nghị để tăng tính phòng ngừa sai phạm và tập trung nâng cao chất lượng kháng nghị, bảo đảm tính thuyết phục, không chạy theo số lượng. Toàn ngành KSND đã phát hiện vi phạm và ban hành 33.838 kiến nghị yêu cầu các cơ quan khắc phục vi phạm; tỉ lệ kiến nghị được tiếp thu, chấp nhận đạt 99,9%, (vượt 19,9% so với chỉ tiêu của Quốc hội); chú trọng tổng hợp nguyên nhân, điều kiện phạm tội, vi phạm pháp luật, kiến nghị với Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành các giải pháp phòng ngừa vĩ mô, kiến nghị xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có sơ hở, bất cập; tham mưu với cấp ủy đảng nhiều địa phương ban hành nghị quyết về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, từ năm 2021 đến nay, VKSND các cấp đã thụ lý kiểm sát 987.675 vụ việc dân sự; kiểm sát 202.157 phiên tòa, phiên họp, 965.071 bản án, quyết định; ban hành 5.945 kiến nghị; ban hành 5.171 kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, được chấp nhận đạt trên 80%. VKSND các cấp đã thụ lý kiểm sát 34.135 vụ án hành chính; tham gia 100% các phiên tòa, phiên họp, kiểm sát 100% các bản án, quyết định; ban hành 324 kiến nghị; ban hành 344 kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm được chấp nhận đạt trên 75%; tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt 88,6% trên số có hồ sơ.
Ngoài ra, các công tác khác của ngành KSND thời gian qua cũng được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật, như: Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng Ngành; kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ; công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; công tác phối hợp; công tác cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện thể chế; hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Chủ tịch nước Tô Lâm và Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí.
Tại buổi làm việc, dưới sự điều hành của đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao, lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao đã trình bày các tham luận về những nội dung gồm: Kinh nghiệm phối hợp xử lý và thách thức trong giải quyết các vụ án kinh tế; công tác cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện thể chế; hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự; công tác phối hợp trong thẩm định xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình; công tác chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân.
Tại sự kiện này, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, TAND tối cao, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật Quốc hội phát biểu đồng tình với báo cáo của VKSND tối cao, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Kiểm sát trong thời gian vừa qua, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của ngành Kiểm sát, đồng thời trao đổi thêm về công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành với VKSND tối cao, công tác cán bộ, hoàn thiện thể chế và việc triển khai các Đề án do Trung ương do VKSND tối cao chủ trì xây dựng…
Chủ tịch nước Tô Lâm: Ngành Kiểm sát nhân dân đã có những cố gắng to lớn, những đóng góp thiết thực
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ thống nhất và đánh giá cao kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước cho rằng, từ năm 2021 đến nay, với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong từng khâu công tác, đưa các yêu cầu mới của cải cách tư pháp và Hiến pháp vào thực tiễn cuộc sống, VKSND và Viện kiểm sát quân sự các cấp đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các bộ, ngành hữu quan, chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp đột phá và đạt được những thành tích đáng ghi nhận.
Điểm lại những kết quả, thành tích nổi bật mà ngành Kiểm sát nhân dân đạt được, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, với quyết tâm cao và việc lựa chọn đúng đắn các biện pháp công tác trọng tâm, trọng điểm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành Kiểm sát nhân dân đã hoàn thành tốt các yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng, hằng năm cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao; góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng tội phạm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan Phòng truyền thống của VKSND tối cao.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương những cố gắng to lớn, những đóng góp thiết thực của ngành Kiểm sát nhân dân.
Chủ tịch nước Tô Lâm ghi sổ vàng Phòng truyền thống của VKSND tối cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Kiểm sát cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị ngành Kiểm sát nhân dân nghiêm túc đánh giá những việc đã làm tốt, việc gì làm chưa tốt, tập trung phân tích nguyên nhân để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình và tìm ra những giải pháp tích cực, hữu hiệu khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ngành.
Đồng tình và ghi nhận các ý kiến đề xuất mà VKSND tối cao nêu trong báo cáo và phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu ngành Kiểm sát nhân dân thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và bộ, ban, ngành hữu quan quán triệt, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết của Trung ương; đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bám sát nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; chú trọng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với những tư tưởng, biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng nội dung các đề án, dự thảo văn kiện, nghị quyết của Trung ương. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật về tư pháp; đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp hình sự theo Chương trình, Kế hoạch của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan rà soát, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Phá sản…
Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các đại biểu tại Phòng truyền thống của VKSND tối cao.
Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát khẩn trương tổ chức nghiên cứu, bảo đảm chất lượng các Đề án đã được Trung ương giao. Đây là những đề xuất về chính sách mới, rất quan trọng cần phải sớm được nghiên cứu và triển khai thực hiện để khắc phục khoảng trống pháp lý, tạo cơ chế “phòng ngừa từ sớm, từ xa”, nhằm hạn chế tối đa việc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến phải xử lý trách nhiệm hình sự.
Ngành Kiểm sát tập trung thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chú trọng cả hai mặt không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế hoặc ngược lại; tạo điều kiện, môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch nước Tô Lâm với lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Chủ tịch nước Tô Lâm cùng lãnh đạo VKSND tối cao và các đại biểu tham dự Hội nghị.
Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát không chỉ là phát hiện cái sai, cái vi phạm, mà quan trọng hơn, là phải phát hiện cho được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm đó. Thông qua mỗi vụ án, vụ việc cụ thể, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu, kể cả sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật. Cùng với đó, thời gian tới, VKSND tối cao cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp Chủ tịch nước trong việc xét ân giảm án tử hình và xem xét quyết định việc đặc xá.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Chủ tịch nước đề nghị toàn Ngành phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát. Ngành cũng cần tổ chức thực hiện nghiêm Đề án 06, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu xây dựng Viện kiểm sát hiện đại. Đồng thời, VKSND tối cao cần tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương để nâng cao năng lực hoạt động của Ngành, phục vụ thiết thực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…
Nhất trí về một số nội dung, đồng thời làm rõ đối với các kiến nghị, đề xuất mà ngành KSND nêu lên, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều đóng góp quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời tin tưởng rằng, trong thời gian tới, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục có những bước phát triển cao hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thực hiện mục tiêu Cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, trong buổi làm việc của Chủ tịch nước hôm nay, ngành Kiểm sát nhân dân có cơ hội được phát biểu, báo cáo về những việc đã làm được, những thuận lợi, những khó khăn, những áp lực của Ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước.
Tại buổi làm việc, ngành Kiểm sát cũng được lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu, kiến nghị của các bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo sâu sắc, cụ thể của Chủ tịch nước. Trong đó, Ngành rất xúc động về những nội dung ý kiến của Chủ tịch nước ghi sổ vàng Phòng truyền thống của Ngành, trong đó yêu cầu Ngành tiếp tục xây dựng nền tư pháp hiện đại; phát huy truyền thống, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, vừa kiểm tra, giám sát, vừa hoàn thiện hệ thống pháp luật, đóng góp vào việc quản trị, quản lý xã hội văn minh, thể hiện trách nhiệm và vị trí trong nền tư pháp ở khu vực và trên thế giới.
Thay mặt lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí xin tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, ý kiến đóng góp, kiến nghị của các bộ, ngành tại buổi làm việc. VKSND sẽ phát huy những mặt làm tốt và rà soát nghiêm túc những mặt còn hạn chế, tồn tại và có giải pháp, kế hoạch khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt sẽ tăng cường phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan tư pháp, các bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới.
Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Phòng truyền thống VKSND tối cao.
Nguồn: Báo bảo vệ pháp luật