Trao đổi về việc xác định thời gian đã chấp hành hình phạt đối với trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ phạm tội mới

Trần Thị Huyền
Phó Trưởng khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Việc tổng hợp hình phạt đối với trường hợp người trong thời gian đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ lại phạm tội mới và bị Tòa án phạt tù có thời hạn được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về thời điểm chấm dứt việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ làm cơ sở xác định thời gian đã chấp hành hình phạt để tổng hợp hình phạt theo quy định trên; dẫn đến sự thiếu thống nhất trong nhận thức và thực hiện pháp luật. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề này.

Cải tạo không giam giữ là một hình phạt chính trong hệ thống hình phạt, được quy định cụ thể tại Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015, được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật hình sự quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Người chấp hành án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Điều 99 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Thực tiễn xảy ra trường hợp người trong thời gian đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ lại phạm tội mới và bị Tòa án phạt tù có thời hạn. Việc tổng hợp hình phạt đối với người này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật hình sự năm 2015. Phần hình phạt cải tạo không giam giữ chưa chấp hành được tổng hợp với hình phạt tù của bản án mới theo tỷ lệ: cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ chuyển đổi thành 01 ngày tù. Phần hình phạt mà người đó chưa chấp hành được xác định bằng cách lấy thời hạn hình phạt cải tạo không giam giữ mà người đó phải chấp hành trừ đi thời gian đã chấp hành án. Thời gian người chấp hành án đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được xác định từ thời điểm bắt đầu chấp án phạt cải tạo không giam giữ đến khi chấm dứt việc chấp hành án. Pháp luật quy định rõ: “Thời điểm bắt đầu chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nhận được quyết định thi hành án[1]. Trong khi đó, thời điểm chấm dứt việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ lại chưa được quy định cụ thể. Chính vì thế, còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp sau khi phạm tội mới, người đó bị áp dụng biện pháp ngăn chặn (cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm giữ, tạm giam) nên người đó không còn chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục nữa. Do đó, việc chấp hành hình phạt đương nhiên chấm dứt từ thời điểm người đó bị áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Trường hợp sau khi phạm tội mới, mặc dù bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng họ vẫn chấp hành các chế tài (khấu trừ một phần thu nhập hàng tháng) của hình phạt cải tạo không giam giữ, chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan được giao nhiệm vụ, nên chưa chấm dứt việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Thời điểm chấm dứt việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là ngày bản án tuyên án phạt tù về tội phạm mới đối với người đó có hiệu lực pháp luật.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ phạm tội mới trong thời gian đang chấp hành thì đã vi phạm nghĩa vụ quy định trong Luật Thi hành án hình sự. Đồng thời, khi người chấp hành án phạm tội mới sẽ bị áp dụng biện pháp pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với hành vi đó. Một người không thể vừa chấp hành hình phạt trong bản án đang thi hành và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với hành vi phạm tội mới. Do đó, thời điểm chấm dứt việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ khi phạm tội mới.

Quan điểm thứ tư cho rằng: Nếu người phạm tội không bị tạm giữ, tạm giam về hành vi phạm tội mới thì thời gian đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính đến thời điểm Tòa án xét xử về tội phạm mới và tổng hợp hình phạt của hai bản án theo quy định tại Điều 55, Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015. Nếu người phạm tội bị tạm giữ, tạm giam về hành vi phạm tội mới thì thời gian đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính đến thời điểm bị áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam và thời gian bị tạm giữ, tạm giam đã được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt của tội mới theo quy định của Bộ luật hình sự[2].

Có thể thấy rằng, các quan điểm trên đều cho rằng: Việc xác định thời điểm chấm dứt việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ phải căn cứ vào việc người chấp hành án sau khi phạm tội mới có tiếp tục chịu sự quản lý, giáo dục của cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người chấp hành án không và người đó có thực hiện các nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định pháp luật hay không.

Tác giả cho rằng các quan điểm nêu trên có yếu tố hợp lý vì vừa căn cứ vào quy định của Luật Thi hành án hình sự vừa xuất phát từ thực tiễn thi hành án. Bởi lẽ, Luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành là các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt cải tạo không giam giữ; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án. Do đó, việc xác định thời gian một người đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ nhất thiết phải căn cứ vào quy định của các văn bản quy phạm pháp luật này. Ngoài ra, Điều 99 Luật Thi hành án hình sự đã quy định rõ nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Việc người đó bị áp dụng biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam trong quá trình bị điều tra, xử lý về tội phạm mới dẫn đến sự gián đoạn và chấm dứt việc chấp hành các nghĩa vụ của người chấp hành án. Theo đó, việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ của người đó cũng chấm dứt.

Tuy nhiên, căn cứ quy định pháp luật và thực tiễn thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, tác giả có quan điểm khác về việc xác định thời gian người đó đã chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Đó là: Thời gian người đó đã chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được xác định từ ngày cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nhận được quyết định thi hành án và kết thúc khi người đó bị Tòa tuyên án phạt tù. Bởi lẽ:

Một là, Luật Thi hành án hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về thời điểm chấm dứt việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là thời điểm người đó không còn chịu sự quản lý của cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục và người đó không còn thực hiện các nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định pháp luật trên thực tế. Trong khi đó, việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ phải đảm bảo các nguyên tắc chung được quy định tại Điều 4 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, bao gồm nguyên tắc: “Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án[3]. Trong khi pháp luật không có quy định cụ thể về thời điểm chấm dứt việc thi hành, chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp nêu trên thì cần thực hiện theo hướng có lợi cho người đang chấp hành án lại phạm tội mới.

Hai là, việc chấp hành án của người bị kết án gắn liền với trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định pháp luật. Thực tiễn thi hành án hình sự cho thấy có lúc, có nơi, cơ quan được giao nhiệm vụ không quản lý nghiêm túc, chặt chẽ, không phát hiện vi phạm của người chấp hành án hoặc không có biện pháp xử lý phù hợp đối với trường hợp người chấp hành án vi phạm nghĩa vụ trong thời gian dài. Tuy nhiên, thời gian này vẫn được xác định là thời gian người đã chấp hành hình phạt của người đó để cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ xem xét, quyết định việc giảm thời hạn chấp hành án; thực hiện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, pháp luật thi hành án hình sự đã quy định cụ thể về thủ tục giải quyết đối với trường hợp người chấp hành án hình sự tại cộng đồng (bao gồm cả trường hợp người chấp hành án cải tạo không giam giữ) phạm tội mới. Đó là:

“4. Người chấp hành án phạm tội mới bị khởi tố hình sự thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Công an cấp xã phải phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án để thu thập, bổ sung tài liệu vào hồ sơ thi hành án, hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án. Khi có kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng thì thực hiện như sau:

a) Trường hợp người chấp hành án bị kết án phạt tù, tử hình thì tiến hành bàn giao hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục chuyển loại, kết thúc, nộp lưu hồ sơ thi hành án theo quy định.

b) Trường hợp người chấp hành án không bị kết án phạt tù, tử hình thì tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định.”[4]

Theo quy định nêu trên, có thể hiểu rằng, trong trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ phạm tội mới thì việc thi hành án đối với người đó vẫn được tiến hành, không phụ thuộc vào việc người đó có bị áp dụng biện pháp ngăn chặn như cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm giữ, tạm giam trong thời gian bị điều tra, xử lý về tội phạm mới hay không. Trường hợp người chấp hành án bị kết án phạt tù hoặc tử hình (theo bản án của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm) thì cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người chấp hành án thực hiện việc bàn giao hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền. Do đó, có thể hiểu rằng, thời điểm chấm dứt việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp nêu trên là thời điểm Tòa án tuyên án phạt tù hoặc tử hình đối với người đó về hành vi phạm tội mới.

Thiết nghĩ, để đảm bảo thống nhất trong nhận thức, thực hiện pháp luật; đồng thời vừa đảm bảo tính chất răn đe, giáo dục đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, vừa đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam, pháp luật thi hành án hình sự cần bổ sung quy định cụ thể về thời điểm chấm dứt việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, làm cơ sở cho việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp người đang chấp hành án phạm tội mới.

Trên đây là quan điểm của tác giả về việc xác định thời gian đã chấp hành hình phạt đối với trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ phạm tội mới, rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý từ bạn đọc./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Công an (2019), Thông tư số 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định về Thi hành án hình sự tại cộng đồng;
  2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Hình sự (Luật số 100/2015/QH13);
  3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (Luật số 12/2017/QH14);
  4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật Thi hành án hình sự (Luật số 41/2019/QH14);
  5. Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2023), Thông tư liên tịch số 01/2023/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 18/01/2023 của Bộ Công an, Bộ quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Quy định việc phối hợp trong thực hiện một số quy định của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án hình sự tại cộng đồng;
  6. Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2020), Tài liệu Hội nghị tập huấn về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự;
  7. Nguyễn Thế Dương, Vũ Văn Hoàng (2023), Vướng mắc trong tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ , http://toaandaklak.gov.vn/trao-doi-nghiep-vu/vuong-mac-trong-tong-hop-hinh-phat-cai-tao-khong-giam-giu-5961.html, ngày 17/3/2023;
  8. Nguyễn Thái Nam (2022), Người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ mà phạm tội mới, https://tapchitoaan.vn/nguoi-dang-chap-hanh-hinh-phat-cai-tao-khong-giam-giu-ma-pham-toi-moi6967.html, ngày 19/8/2022;
  9. Tú Vương (2022), Bất cập trong tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ, https://vkspy.gov.vn/bat-cap-trong-tong-hop-hinh-phat-cai-tao-khong-giam-giu-82_32947.html, ngày 21/9/2022;
  10. Trần Văn Hùng (2023), Thời điểm chấm dứt việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ khi nào?, https://tapchitoaan.vn/thoi-diem-cham-dut-viec-chap-hanh-hinh-phat-cai-tao-khong-giam-giu-tinh-tu-khi-nao9426.html, ngày 09/10/2023.

[1] Xem điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2023/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 18/01/2023 của Bộ Công an, Bộ quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Quy định việc phối hợp trong thực hiện một số quy định của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án hình sự tại cộng đồng;

[2] Mục 22 – Phần I – Tài liệu Hội nghị tập huấn về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự  của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, năm 2020;

[3] Xem khoản 3 Điều 4 Luật Thi hành án hình sự năm 2019;

[4] Xem Khoản 4 Điều 13 Thông tư số 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định về Thi hành án hình sự tại cộng đồng.